;
Về tham dự Hội nghị giảng sư tại Học viện PGVN tại Hà Nội có: Thượng toạ, tiến sĩ Thích Thanh Đạt - Viện trưởng và quý Hòa thượng, Thượng toạ Viện phó: Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm; HT.Thích Quảng Tùng; TT.Thích Thanh Điện; TT.Thích Thanh Quyết; TT. Thích Thanh Ân; Chư tôn đức Hội đồng điều hành HV PGVN tại Hà Nội; Chư Tôn đức Giảng sư, Giáo thọ sư, cư sĩ giảng viên các HVPG trong nước.
Chư tôn đức, đại biểu niệm Phật cầu gia hộ.
Thượng tọa Thích Thanh Đạt - Viện trưởng đọc dự thảo.
Hội nghị đã nghe HT.Thích Thanh Đạt - Viện trưởng HV PGVN tại Hà Nội đọc bản dự thảo về chương trình đào tạo và các phương pháp giảng dạy, nêu rõ một số vấn đề cấp bách trong công tác đào tạo Tăng tài trong đó có lĩnh vực giảng sư, đồng thời xin ý kiến đánh giá của Chư tôn đức và các đại biểu tham dự.
Theo đó, công tác giáo dục và đào tạo tăng tài là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển và truyền thừa mạng mạch Phật giáo. Vấn đề giáo dục đào tạo trong Phật giáo có những đặc thù riêng biệt. Đó là vừa Học vừa Tu và mục tiêu cuối cùng sau khi tốt nghiệp của Tăng Ni sinh có thể trở thành Hành giả và Học giả. Làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu chất lượng của GHPGVN của Phật tử và theo kịp những phát triển chung của xã hội sau khi Tăng Ni sinh tốt nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị.
Dự thảo cũng đặt ra, bằng cách nào để đảm bảo hài hòa cân đối với thời lượng của khung chương trình đào tạo để hoàn thiện kiến thức Nội điển;Thế học; Ngôn ngữ; Luật học; Hán nôm một cách đầy đủ và có thể đáp ứng được nhu cầu mong muốn.
Chương trình hiện nay chưa có tính nhất quán của giáo án, cách giảng dạy cũng như phương tiện tham khảo, nghiên cứu cho Tăng Ni sinh dẫn đến phát sinh việc giảng giải chánh pháp đôi lúc theo quan điểm cá nhân, giảng sư, tông môn, một số quan điểm đó dẫn đến mâu thuẫn, làm hoang mang cho Tăng Ni sinh và Phật tử. Làm suy giảm niềm tin chánh pháp, thối chuyển cho việc hành trì, tu tập.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu.
Hòa thượng Thích Thái Hòa phát biểu.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng phát biểu.
Trước những trăn trở, bức bách của công tác giáo dục đào tạo Tăng tài của GHPGVN, nhiều ý kiến của Chư tôn giáo phẩm, đại biểu tham dự nêu lên một số bất cập, hạn chế về phương pháp giảng dạy, giáo trình, thời lượng, trình độ đầu vào... và một số vấn đề do tính chất kế thừa và truyền thống để lại.
Các ý kiến phát biểu đã phân tích, làm sáng tỏ, sâu sắc và bổ sung nhiều nội dung quan trọng, đề xuất các phương pháp, để khắc phục. Nội dung các ý kiến khá phong phú, đa dạng, thể hiện tâm huyết của đại biểu với sự phát triển của lĩnh vực giáo dục Phật giáo.
Phát biểu tổng kết tại Hội nghị, Thượng tọa Thích Thanh Quyết xúc động trước sự quan tâm, trách nhiệm, cảm niệm và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn của Chư tôn đức và đại biểu tham dự.
TT. Thích Thanh Quyết phát biểu.
Thượng tọa cho rằng, với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục Phật giáo, trong bước phát triển chung của xã hội, của PGVN đòi hỏi lĩnh vực giáo dục không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm và chất lượng đào tạo.
Vì vậy, các ý kiến đóng góp của Chư tôn đức, đặc biệt là những bậc Tôn túc Hòa thượng có kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục Phật giáo, Hội đồng Học viện sẽ tiếp thu, nghiên cứu bổ sung vào bản dự thảo, để nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội được Nhà nước cho phép thành lập từ năm 1981 và là Học viện đào tạo cử nhân Phật học đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trải qua gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện đã đào tạo hàng nghìn Tăng ni có trình độ chuyên môn và năng lực hoạt động Phật sự. Hiện nay hầu hết quý vị Tăng ni đã từng được đào tạo tại Học viện đang đảm trách nhiều công tác Phật sự quan trọng của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo khu vực phía Bắc, cũng như đảm trách trụ trì các cơ sở tự viện.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Hội nghị.