;
Lễ hội đền chùa Gám là một lễ hội văn hóa tiêu biểu của huyện Yên Thành. Và Rú Gám hùng vĩ đang là một địa danh tâm linh, sinh thái đang ngày càng được du khách thập phương tìm đến thăm viếng, du ngoạn. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày 2-4/4 (nhằm ngày 14/2 đến 16/2 âm lịch).
Chư Tôn đức tăng, đại biểu các cấp chính quyền dự lễ khai hội.
Ông Nguyễn Viết Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện đọc diễn văn khai mạc.
Đền chùa Gám tọa trên mảnh đất làng Xuân của xã Xuân Thành ( Yên Thành) - là nơi dừng chân, khai cơ, lập ấp, chiêu quân của nhiều tướng lĩnh, anh hùng. Không chỉ có phong cảnh hữu tình mà Yên Thành còn là nơi lưu giữ những chứng tích và có nhiều di tích, công trình kiến trúc: đình, đền, chùa, miếu mạo với những lễ hội truyền thống đã có từ ngàn xưa.
Đại đức Thích Trúc Thông Kiên – trụ trì chùa Gám đánh chuông khai hội
Đền Chùa Gám là một quần thể cổ kính, linh thiêng, có kiến trúc đẹp, độc đáo, với những nét chạm trổ hoa văn tinh xảo, với nhiều chất liệu, thể hiện được ý tưởng thông minh, bàn tay khéo léo, khát vọng và lòng tôn kính của nhân dân đối với công đức của các vị thần, của đức phật và các bậc tiền nhân.
Đền được xây dựng từ thời nhà Trần để thờ các vị thần có công bảo quốc hộ dân, đem lại mưa thuận gió hòa như Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Lý Nhật Quang, Tứ vị thánh nương và Lý Thiên Cương. Chùa Gám là công trình kiến trúc tôn giáo, được nhân dân xây dựng để thờ Phật Thích ca mâu ni và Chư vị Bồ Tát.
Tiết mục văn nghệ chào mừng.
Đặc biệt lễ hội năm nay gắn với lễ đặt đá xây dựng thiền viện Trúc Lâm Yên Thành và tượng Đại Phật An quốc được lấy mẫu từ pho tượng bằng đồng an vị tại Thiền viện Trúc Lâm – Chùa Hộ Quốc, có chiều cao 41m, được thiết kế bằng bê tông, sắt thép, đặt ngay giữa trên đỉnh núi Phượng Sơn cao 260m so với mặt nước biển.
Sau khi xây dựng xong, công trình sẽ là nơi lưu giữ nhiều thư tịch, văn hóa phật giáo đặc sắc và giá trị, phục vụ cho tất cả mọi người có nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật. Bên cạnh đó, tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ, phát huy và tiếp nối tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm Yên tử.