;
Thượng tọa trụ trì Chùa Hương Thích Minh Hiền - Phó Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Phật giáo giảng giải rằng, rất nhiều người hiện nay đang tự đặt ra cho mình quá nhiều mục tiêu, quá nhiều ham muốn để rồi cuối cùng luôn khổ sở để chạy theo những ham muốn đó.
Theo thượng tọa, chữ dục (tiếng Phạn gọi là chanđa) với ý nghĩa chỉ ham muốn của con người. Dục có ba đặc tính: thiện, ác và vô ký (tức không thiện, không ác). Dục mang tính thiện là nền tảng phát khởi tâm tinh thần, dục mang tính ác chỉ sự ham thích tài vật của người khác gọi là tham, đây là một trong những căn bản phiền não khổ đau. Dục có nhiều loại: ngũ dục, lục dục và tam dục .
Ngũ dục: là đam mê trước sắc, thanh, hương, vi và xúc, nói một cách dễ hiểu
hơn là ham muốn về của cải, danh vọng, ăn uống, sắc giới... Khi người nào quá nhiều ham muốn thì người đó khó có thể được thỏa mãn và cũng khó tìm được hạnh phúc.
- Như vậy, phải chăng cuộc sống hiện đại đang khiến nhiều người đẩy chữ dục lên quá lớn, thưa thượng tọa ?
Để đo lường sự phát triển, phần lớn người dân tại một số quốc gia (đặc biệt các quốc gia lấy Phật giáo làm quốc đạo như Bhutan, Nêpan) lại căn cứ vào chỉ số GHP (chỉ số hạnh phúc) chứ ít chú trọng tới chỉ số tăng trưởng GDP. Chỉ số GHP được đo lường bằng phép tính: thu nhập của toàn xã hội chia cho nhu cầu hưởng thụ của người dân bằng chỉ số hạnh phúc. Xét ở góc độ kinh tế, nếu một người làm được 3 đồng nhưng chỉ tiêu 1 – 2 đồng thì họ cảm thấy thỏa mãn. Còn ngược lại, một người làm được 3 đồng nhưng lại đặt nhiều mục tiêu để phải cần tới 6 đồng thì chắc chắn không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.
Thượng tọa kể lại, thời kỳ còn bao cấp, một cán bộ công chức lương 64 đồng nhưng vẫn nuôi được 4 người yên ấm, vui vẻ. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi mọi người hầu như không phải lo lắng nhiều về cái ăn, cái mặc, thì số người thấy khổ, thấy thiếu lại tăng lên.
“Một người cho dù tiền tài và danh vọng hơn rất nhiều người khác nhưng khi không biết tiết chế ham muốn của mình, không biết từ bi, hỉ xả thì sẽ khó có được hạnh phúc” |
- Người kinh doanh thì đương nhiên phải có ham muốn kiếm lời. Từ quan điểm giáo lý nhà Phật, theo thượng tọa, làm thế nào để người kinh doanh biết điều tiết lòng ham muốn một cách hợp lý ?
Ham muốn kiếm lời là một ham muốn chính đáng. Tuy nhiên, Phật giáo cũng chỉ ra người kinh doanh cần phải biết tiết chế những dục vọng của mình. Một trong năm điều ngăn cấm của ngũ giới là không được nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt... Các hình thức làm ăn chụp giật, gian lận, trốn thuế đều phạm vào các điều cấm của ngũ giới.
Những doanh nhân Phật tử hiểu biết Phật pháp luôn áp dụng tốt những lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống. Tiền của kiếm được luôn biết phân chia ra các phần, nuôi sống mình và gia đình, tái sản xuất, tiết kiệm, bố thí làm phúc...
Vì không hiểu giáo lý của Đạo Phật vẫn còn không ít người chưa biết tiết chế các ham muốn của mình. Từ chỗ để các ham muốn thái quá lấn át đến chỗ làm ăn gian dối. Kiếm lời không đúng cách thì cũng không biết cách sử dụng nó cho có ý nghĩa.
Tôi không đồng tình với những người đi lễ chùa chỉ với mục tiêu cầu lợi, cầu danh “mua một, bán mười”. Người ta đến với đạo Phật không phải để cầu đảo van xin, không phải để nương tựa thần quyền. Đi chùa là để tu tâm dưỡng tính, là để học phật chứ cứ chăm chăm cầu danh, cầu lợi, thì khó mà đạt được.
- Tiêu chí phấn đấu của những người lãnh đạo và doanh nhân khá tương đồng với những điều răn trong kinh Phật. Thượng tọa có thể chia sẻ quan điểm này?
Lãnh đạo có nghĩa là người đảm nhiệm việc dìu dắt, dẫn đường. Chính vì vậy, người lãnh đạo là người được chọn ra, đứng trên những người khác, có năng lực hướng dẫn số đông đi theo con đường mà mình vạch ra. Nhiệm vụ dẫn dắt nhiều người cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ bảo đảm hạnh phúc, an lạc cho nhiều người. Nhà lãnh đạo chắc chắn có trách nhiệm và nghĩa vụ rất lớn. Mặc dù, Đạo Phật không chú ý đào tạo những nhà lãnh đạo nhưng quan tâm xây dựng những con người hoàn thiện, có khả năng làm chủ chính mình và đảm nhiệm nhiều việc lớn.
Người lãnh đạo trong thời kỳ hiện đại là những người có trí tuệ và tâm đức, là người biết cống hiến và hi sinh, là người có đam mê và phụng sự xã hội. Thực tế hiện nay, rất nhiều người giàu có trên thế giới làm việc cật lực ngày đêm không vì tiền tài và danh vọng. Họ làm việc để cống hiến và phụng sự, họ làm việc vì sự tiến bộ của nhân loại và sự phát triển của cộng đồng. Doanh nhân chân chính là người biết làm ra lợi nhuận và mang của cải của mình kiếm được đến những nơi cần.
Hiện nay, chúng ta đang phát động những phong trào làm từ thiện trong giới doanh nhân. Rất nhiều DN đã trích một phần lợi nhuận của mình để giúp người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn.... Đáng mừng hơn nữa là có những doanh nhân ngày đêm âm thầm làm từ thiện, không cần đưa tên lên báo đài, không cần ai biết đến. Họ hiểu rõ trách nhiệm xã hội của mình, hiểu biết con đường đúng là nên dùng một phần lãi trong sản xuất kinh doanh để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn hơn, trong xã hội. Đây chính là những người đã hiểu và thực hành được giáo lý đạo Phật.
- Ngoài việc biết tiết chế những dục vọng của mình, doanh nhân nói riêng, người lãnh đạo nói chung cũng cần phải có niềm tin. Theo thượng tọa, niềm tin của họ phải đặt vào đâu ?
Ngoài việc biết tiết chế những ham muốn cho bản thân mình, doanh nhân hay người lãnh đạo cũng cần có niềm tin tự thân, tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin mình có thể đạt đến chỗ chân, thiện, mỹ. Một khi có niềm tin thì con người sẽ phấn đấu hướng đến những gì tốt đẹp nhất để đạt được mục tiêu an lạc hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Tôi kể lại câu chuyện về một quan phụ mẫu đến gặp vị thiền sư cao tuổi. Vì hai người đã quen biết từ lâu, vị thiền sư hỏi quan phụ mẫu: ngài nhìn tôi dạo này thế nào? Quan phụ mẫu trả lời: nhìn thầy như một đám phân khô. Quan phụ mẫu hỏi lại: thầy thấy tôi dạo này thế nào? Vị thiền sư đáp: ngài trông như ông phật ấy, đẹp lắm! Đệ tử của vị thiền sư lấy làm lạ hỏi: Sao quan phụ mẫu có thái độ xấc xược với thầy như vậy mà thầy lại nói ông ta rất đẹp? Vị thiền sư trả lời: khi tâm con người thanh tịnh và trong sáng, thì nhìn vạn vật xung quanh đều tốt đẹp cả. Ngược lại, nếu tâm không thanh tịnh trong sáng, lòng không yên thì nhìn đâu cũng thấy xấu xí, nhơ bẩn...Một người cho dù tiền tài và danh vọng hơn rất nhiều người khác nhưng khi không biết tiết chế ham muốn của mình, không biết từ bi, hỉ xả thì sẽ khó có được hạnh phúc.