;
Gần 400 Tăng Ni sinh và ‘bài học’ Lịch sử Phật giáo Việt Nam
Để vinh danh những người có công với dân tộc, với đạo pháp, những bộ quốc sử và Phật giáo sử của Việt Nam đã ghi lại tiểu sử, hành trạng của nhiều thiền sư tiêu biểu.
Đó không chỉ là những bậc cao tăng thạc đức mà còn là những trí thức đương thời, có đóng góp quan trọng vào việc xiển dương Phật giáo và sự ổn định, phát triển của nước Việt.
Trong số những nhân vật kiệt xuất ấy phải kể tới Đại sư Khuông Việt- người mà chỉ mới nhắc đến tên, ta cũng có thể hình dung ra công lao, vai trò của Ngài đối với một quốc gia vừa giành được độc lập và bước vào thời kỳ xây dựng, củng cố chính quyền sau hơn 1000 năm thuộc Bắc.
Đại sư Khuông Việt (thế danh Ngô Chân Lưu) sinh năm 933, nguyên quán ở hương Đường Lâm. Sách Phả hệ họ Ngô Việt Nam cho biết, ông có tên là Ngô Xương Tỷ, là con cả của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, cháu của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, là anh (cùng cha khác mẹ) của sứ quân Ngô Xương Xí và là anh họ của Ngô Nhật Khánh- một sứ quân khác ở đất Đường Lâm.
Như vậy, Thiền sư Khuông Việt chính là cháu đích tôn của Tiền Ngô Vương và chắc chắn sẽ là người nối nghiệp cha, nghiệp ông nếu không có biến cố chính trị xảy ra: thân phụ ông bị đại tướng Dương Tam Kha phế để giành quyền nhiếp chính.
Năm 944, chỉ sau 6 năm ở trên ngôi báu thì Tiền Ngô Vương mất khi mới 47 tuổi và công cuộc dựng nước của ông còn đang dang dở.
Ngai vàng của họ Ngô bị cướp bởi Dương Tam Kha – một đại tướng lập nhiều công trạng, người đã giết được tướng Hoằng Thao trong trận chiến Bạch Đằng năm 938 và cũng chính là người được Ngô Vương di chúc giao cho giúp đỡ Ngô Xương Ngập khi Ngập lên ngôi. Để tránh họa, Ngô Xương Ngập phải chạy về Nam Sách Giang – Hải Dương, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh công [Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1,Nxb KHXH, H., 1983, Tr.198].
Theo một số tài liệu, đây cũng là năm Ngô Xương Tỷ/Ngô Chân Lưu xuất gia tu Phật và theo học Thiền sư Vân Phong tại chùa Khai Quốc - Trấn Quốc ngày nay. Nếu đúng như vậy thì do biến cố ảnh hưởng tới sự an nguy của cả gia đình này đã khiến cho cậu bé Chân Lưu (khi ấy mới tròn 11 tuổi) có một quyết định quan trọng: quy Phật thay vì nghiệp Nho đã được gia tộc lựa chọn cho, mà trong Thiền Uyển tập anh đã nhắc tới – “thiếu nghiệp Nho” (thuở nhỏ theo nghiệp Nho).
Không thấy các tư liệu thư tịch nói ông học Nho của vị Nho sĩ nào, được đào tạo theo hình thức ra sao, và theo “nghiệp Nho” trong thời gian bao lâu, nhưng ta cũng có thể hình dung: thời đó đã có một số Nho sĩ làm nhiệm vụ đào tạo và hành đạo trong quá trình tham gia vào chính sự.
Cũng cần chú ý một chi tiết hết sức thú vị: tuy vừa đấu tranh để thoát khỏi sự lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc, nhưng sau khi xưng vương, Ngô Quyền lại “lập hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục” như bên Bắc triều.
Việc làm này cho thấy, Ngô Vương đã ý thức được sự cần thiết cũng như vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc xây dựng một xã hội quy củ và cai trị đất nước. Và vì thế, có thể khẳng định: chữ nghiệp được các tài liệu dùng khi nói về thời niên thiếu của Ngô Chân Lưu không chỉ đơn giản là việc theo học Nho như đã dịch, mà còn mang nghĩa rộng hơn: việc gia đình, chắc chắn có cả Tiền Ngô Vương lựa chọn nghiệp Nho cho ông – một vị thiếu vương, ắt là sự chuẩn bị bài bản và chu đáo cho một ông vua tương lai.
Cũng khó để khẳng định: nếu Dương Tam Kha không đoạt ngôi báu và Xương Ngập kế vị Tiền Ngô Vương, thì sau đó sẽ là Ngô Xương Tỷ/Chân Lưu tiếp nối…và như vậy, Ngô Chân Lưu sẽ là bậc “chí tôn thiên tử” thay vì một vị Quốc sư tăng thống.
Những rõ ràng, xuất gia quy Phật là một quyết định quan trọng, có ý nghĩa mấu chốt trong cuộc đời của Ngài, và có thể, đó chính là sự lựa chọn đúng đắn, để các thế hệ sau được ngưỡng mộ một bậc Quốc sư toàn đức toàn tài. Được theo học một thiền sư đắc pháp, lại sẵn có tư chất thông minh, nên nhanh chóng hiểu được yếu chỉ thiền môn, vì thế, danh tiếng của thiền sư Chân Lưu được nhiều người biết đến.
Thiền Uyển tập anh ghi: “Năm 40 tuổi, danh Sư vang tới triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng mời đến, Sư đối đáp hiệp chỉ, bèn phong làm Tăng thống. Năm Thái Bình thứ 2 (971), Vua ban hiệu Khuông Việt đại sư” [Thiền Uyển tập anh, Phân viện NC Phật học và Nxb Văn học xuất bản, Hà Nội, 1990]; còn trong Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 (971). Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo, cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư…” [Sđd.Tr. 206].
Những sự kiện trên có ý nghĩa nhất định: việc Ngài vào chầu, đối đáp (có thể về Phật pháp hay chính sự; cũng có thể là cả hai) với Đinh Tiên Hoàng chứng tỏ cả hai bên đều không câu nệ vào những vấn đề của quá khứ và còn cho thấy, cả hai đều khá tương đồng về tư tưởng, học vấn.
Và mặc dù chưa tìm thấy một tư liệu nào ghi lại Đại sư Chân Lưu đã làm những gì cho triều đình và đất nước, nhưng chắc chắn, việc được phong cho chức Tăng thống (người nắm toàn bộ sư sãi ở trong nước), rồi được ban hiệu là Khuông Việt (giúp đỡ/phù trợ cho nước Việt) đã chứng tỏ, Ngài phải có những cống hiến to lớn, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng và quốc gia Đại Cồ Việt, bởi đây là lần phong tước đầu tiên của triều Đinh sau khi dẹp yên loạn 12 sứ quân và Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế.
Thông thường, lần phong tước, ban thưởng đầu tiên là dành cho những tướng lĩnh có công trạng lớn, các bậc “khai quốc công thần”; vì thế, việc một người xuất gia tu hành được phong cùng với những người có công đầu trong việc thống nhất đất nước đã chứng tỏ sự đề cao và kính trọng của Đinh Tiên Hoàng với Tăng thống Chân Lưu.
Đó cũng là sự ghi nhận những đóng góp của Ngài đối với triều đình. Và dù còn có ý kiến cho rằng, việc ban hiệu Khuông Việt cho một nhà sư là hành động mang ý nghĩa, màu sắc chính trị, thì cũng không thể phủ nhận những ảnh hưởng của Đại sư Khuông Việt đối với Đại Thắng Minh hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng) và nhất là với Nam Việt vương Đinh Liễn.
Điều đó được thể hiện rõ nét qua 200 tràng kinh mà Đinh Liễn cho khắc để cầu cho cha và bản thân mình được sống lâu, lộc vị được vững bền và người em của Liễn là Thái tử Hạng Lang được siêu thoát.
Điều đáng quan tâm nhất là trên các kinh tràng ấy, Đinh Liễn đều cho đề tên mình là Đinh Khuông Liễn. Rõ ràng, việc một thái tử cho đề thêm chữ “khuông” vào tên mình cho thấy, đó là biểu hiện của sự tôn kính không chỉ của riêng một cá nhân đối với Đại sư, mà còn là sự trọng thị của cả triều đình quân chủ đối với Ngài. Hơn thế nữa, khi lấy chữ “khuông” làm đệm cho tên, Đinh Liễn còn muốn khẳng định, mình thực sự đã là một Phật tử, hoặc chí ít cũng là tín đồ của vị chủ đàn tế Khuông Việt. Sự kiện này đã cho thấy tính nhập thế của Phật giáo ở đầu giai đoạn tự chủ, mà Khuông Việt là người tiên phong.
Ngoài ra, sự hiện hữu của những tràng kinh cũng đã chứng tỏ vai trò của Phật giáo trong thời kỳ này đối với đất nước nói chung, gia tộc họ Đinh nói riêng. Sự kiện 200 tràng kinh được khắc cũng chứng tỏ, gia tộc họ Đinh phải là những Phật tử thuần thành và “người cha tinh thần” của họ chính là Tăng thống Khuông Việt. Tương tự như vậy, để lựa chọn được bản kinh phù hợp với mục đích, chắc chắn Đinh Liễn phải có sự “cố vấn/ tham mưu” của một bậc cao tăng, và không thể là ai khác ngoài đại sư Khuông Việt.
Vậy là cho dù không có những ghi chép chính thức, cụ thể về công lao hay những đóng góp của Đại sư Khuông Việt, nhưng tản mạn qua những dòng tư liệu còn lại, ta cũng có thể hình dung vai trò của Ngài với đất nước và nhất là với cha con Đinh Liễn.
Nhưng triều Đinh không tồn tại được lâu, nguyên do là bởi “mệnh trời” hay phải chịu nghiệp vì “gieo gió gặt bão”, hay do việc đời làm chưa thật tốt… thì cũng chỉ 13 năm sau ngày Đinh Tiên Hoàng xưng đế, ngai vàng lại thuộc về người khác – Lê Đại Hành. Và Đại sư Khuông Việt đã không ngần ngại khi tiếp tục“nhập thế”, thử sức một lần nữa với một triều đại mới – triều Tiền Lê.
Sách Thiền uyển tập anh có ghi: “Lê Đại Hành hoàng đế càng thêm kính lễ, phàm việc quân quốc, việc triều đình sư đều dự vào”; còn Đại Việt sử ký toàn thư thì chép: “ Năm Thiên Phúc thứ 8 (987), Nhà Tống sai Lý Giác sang ta... Khi Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn....” [Sđd, tr.221- 222].
Những sự kiện này đã cho thấy, lần tham chính này, Đại sư Khuông Việt đã có những động thái tham gia sâu hơn về mọi lĩnh vực của đất nước: quân sự, chính trị, ngoại giao. Khác với triều đại trước, chức năng nắm giữ đời sống tinh thần của một thiền tăng không còn rõ rệt như trước và thay vào đó là các chức năng nằm ngoài yếu chỉ thiền môn lại có phần nổi trội hơn.
Có thể thấy vai trò của Ngài trong thể chế trung ương tập quyền đời Lê Đại Hành là một cố vấn về chính sách và quân sự. Không chỉ thế, khi có những việc quan trọng, có ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc hay cần giữ “thể diện quốc gia”, tức là những lúc cần đến người đầy đủ tri thức, học vấn cũng như tài văn chương … để đảm trách, thì người được lựa chọn chính là Đại sư Khuông Việt.
Sử sách còn chép lại: năm 987, khi nhà Tống sai sứ thần là Lý Giác sang nước ta, sau khi cùng họa thơ với thiền sư Pháp Thuận trên sông, khi về đến sứ quán, Giác làm thơ gửi tặng sư. Pháp Thuận dâng bài thơ lên vua Đại Hành, vua cho vời Khuông Việt đến để hỏi ý kiến về ý tứ của bài thơ. Chỉ một chi tiết ấy thôi cũng đủ thấy, vua Lê Đại Hành trọng dụng và tôn trọng ý kiến của Đại sư đến thế nào.
Ngoài ra, cũng không quá lời khi nói Khuông Việt là một nhà thơ lỗi lạc khi di sản của Ngài còn để lại chỉ có 2 bài thơ, song đến nay vẫn được truyền tụng. Hẳn chúng ta còn nhớ, trước khi Lý Giác ra về, vua Lê Đại Hành đã lệnh cho Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn đưa phái bộ.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên văn chương nghệ thuật được đưa vào để phục vụ sự nghiệp chính trị ngoại giao. Bài thơ mà Đại sư sáng tác là một loại từ khúc lưu hành khá phổ biến thời bấy giờ (bắt đầu thịnh hành từ đời Tống), có tên là Ngọc/VươngLang Quy, có thể dùng như lời của một bản nhạc để hát với việc sử dụng các nhạc khí để tấu kèm theo.
Bài thơ được coi là tác phẩm văn học đầu tiên hiện còn của lịch sử ngoại giao Việt Nam, nếu không kể đến các văn thư ngoại giao với Trung Quốc.
Đồng thời, đây cũng có thể được coi là bài Ngọc/Vương Lang Quy xưa nhất không chỉ của văn học Việt Nam, mà còn của văn học thế giới, bởi những bài từ loại này hiện còn chép trong các sách Trung Quốc như Tống lục thập danh gia từ, Tuyệt diệu hảo từ thiêm, Từ tổn v.v. đều là của những tác giả về sau như Âu Dương Tu (1007-1072), Tô Thức (1037-1101), Hoàng Đình Kiên (1045-1105)...
Điều này cũng chứng tỏ học vấn uyên bác và tài năng mẫn tiệp của Ngài, không chỉ thể hiện qua việc sáng tác một bài thơ cụ thể thơ, mà còn chứng tỏ Đại sư là nhà ngoại giao có tài và rất thông hiểu đối phương khi lựa chọn thể thơ này để gây cảm tình, tạo sự thân thiện với sứ giả của Tống quốc.
Không chỉ đơn thuần là bài thơ tiễn sứ giả, mà qua các ý thơ đã thể hiện đường lối đối ngoại của triều Tiền Lê là mềm mỏng, hòa hiếu với nhà Tống để nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, để cho “xứ xứ dứt đao binh” và dân chúng được an cư lạc nghiệp.
Có lẽ vì thế nên khi nhận xét về bài từ ngày, ngoài việc ca tụng “lời lẽ nõn nà, có thể vốc được”, Lê Quý Đôn còn cho rằng “đây là Khuông Việt thay lời vua Tiền Lê”.
Còn Phan Huy Chú thì không chỉ hết lời ca ngợi từ khúc này như một giai điệu mượt mà, tao nhã, mà còn xem nó có giá trị rất lớn về mặt tư tưởng, về lòng tự tôn dân tộc: “Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể thêm được tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục”.
Rõ ràng, hòa hiếu không chỉ là đường lối ngoại giao đúng đắn lúc bấy giờ mà còn giá trị cho đến ngày nay, khi chúng ta có quan điểm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” với cả những thế lực đã từng đứng bên kia chiến tuyến, và “muốn làm bạn với tất cả các nước”…. thì mới thấy tầm tư tưởng của Đại sư Khuông Việt siêu việt, tế thế tới mức nào.
Sở dĩ có thể dễ dàng nhập thế và trở thành cố vấn của triều đình trong nhiều lĩnh vực, coi sự hoàn thành việc đời như một thành công, là kết quả của việc đạo như Đại sư Khuông Việt chính là do quan điểm, tư tưởng của Ngài.
Những quan điểm ấy được hình thành trong thời gian Ngài theo học pháp với thiền sư Vân Phong. Đó là: không thể tìm thấy một thế giới giác ngộ nào khác bên ngoài cuộc đời này, vì chính trong cuộc đời, ta mới có thể tìm thấy sự giác ngộ, tìm được sự sống của đạo. “Chính trong chỗ sống chết người ta mới tìm được sự không sống chết”, đó cũng là tư tưởng “Tây thiên cõi này, cõi này Tây thiên” của thiền sư Vô Ngôn Thông và “Phật ở khắp nơi” của thiền sư Cảm Thành trước đó.
Với tinh thần và triết lý hành động ấy, Đại sư Khuông Việt đã ung dung nhập thế, coi Niết bàn ngay tại thế gian, coi việc cứu dân giúp nước là một phần trong việc tu tập của mình. Triết lý ấy đã giúp Ngài dù là một “tăng quan” vì tham gia chính sự, thì thực chất vẫn là một thiền sư đắc pháp.
Có thể thấy cuộc đời của Đại sư Khuông Việt là một tấm gương sáng về sự mẫu mực và “xả bỏ”. Thông thường, khi đã ở trên đỉnh cao của quyền lực: là một Tăng thống, một cố vấn chính trị, quân sự, ngoại giao và được vua Lê Đại Hành nhất mực cung kính, Ngài lại hết sức nhẹ nhàng khi rời nhiệm vụ Tăng thống và những chính sự khác để trở về với Đạo, mở trường dạy học để làm nhiệm vụ mới là “đào tạo tăng tài”. Trong số những học trò theo học ấy, hẳn chúng ta không thể quên một thiền sư ưu tú- người đã giác ngộ được đạo và lĩnh hội được quan điểm của thầy mình – thiền sư Đa Bảo.
Đã tròn 1000 năm kể từ ngày Đại sư Khuông Việt viên tịch, nhưng những gì mà Ngài làm cho Phật pháp và dân tộc ta vẫn còn nguyên giá trị. Bây giờ và mãi mãi về sau, Ngài vẫn là một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1,Nxb KHXH, H., 1983.
2. Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch. Phân viện NC Phật học và Nxb Văn học xuất bản, Hà Nội, 1990.
3.Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 2, Nxb T.p HCM, 2001.
TT. Thích Bảo Nghiêm