;
Nước Pháp là một quốc gia pháp trị, do đó tất cả mọi sinh hoạt trong nước từ các lãnh vực văn hóa, tín ngưỡng cho đến việc điều hành quốc gia, dù thuộc vào các cấp bậc dân cử cao nhất đi nữa, cũng đều phải tuân thủ luật pháp. Tổng hội Phật Giáo Pháp đã được thành lập trong bối cảnh đó để bảo vệ và bênh vực quyền lợi của Phật Giáo trong khuôn khổ và các quyền hạn đã được luật pháp quy định chung cho tất cả các tín ngưỡng. Tại nước Pháp thì ngoài Phật Giáo Tây Tạng, Thiền Học Zen và Phật Giáo Theravada là ba tông phái Phật Giáo phát triển mạnh nhất thì gần như hầu hết tất cả các tông phái và chi phái khác cũng đều có mặt ở quốc gia này, đôi khi với các hình thức sinh hoạt thật cá biệt dưới những mái chùa tiêu biểu phản ảnh thật rõ nét cội nguồn của những người Á Châu di dân, như Việt Nam, Hàn Quốc,
Dưới đây là phần tóm lược một vài tiết mục nêu lên trong lá thư trên đây của Tổng Hội về những sinh hoạt của Phật Giáo trên đất Pháp cũng như các quan điểm của Tổng Hội Phật Giáo Pháp về các vấn đề mang tính cách thời sự hiện nay.
Mở đầu lá thư là một thông điệp ngắn của bà Marie-Stella Boussemart, đương kim chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp. Bà là một ni sư tu theo Phật Giáo Tây Tạng và rất hăng say trong các công việc Hoằng Pháp.
Vài lời của Ban Biên Tập
Năm 2012 là một năm với thật nhiều biến đổi
Bà Marie-Stella Boussemart
chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp
« Năm vừa qua là một năm vô cùng phong phú với nhiều sinh hoạt thật ráo riết [đối với Phật Giáo] trên thế giới cũng như trên đất Pháp và cả trong khuôn khổ Tổng Hội của chúng ta.
Tất cả mọi sự việc không nhất thiết phải xảy đến ngày càng đúng hơn, mà thật ra cũng chỉ có thể bảo rằng mọi sự đều phải biến đổi để trở thành khác đi mà thôi. Chẳng phải chính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni qua các bài thuyết giảng đầu tiên cách nay đã 2 600 năm cũng đã từng nêu lên khía cạnh vô thường của mọi hiện tượng cấu hợp hay sao ? Ngày nay mọi sự vẫn tiếp tục vô thường như thế. Trong từng giây phút một, những gì hiển hiện ra sẽ đổi thay và tan biến. Quy luật thiên nhiên ấy là nguyên nhân mang lại mọi thứ đớn đau và khổ nhọc, chẳng hạn như sự chia ly và cái chết của những người thân yêu. Thế nhưng những biến đổi đó cũng chính là cội nguồn của hy vọng và ước mong, bởi vì nhờ có sự biến đổi nên mọi sự mới có thể thăng tiến được, chẳng hạn như nhờ đổi thay nên ta mới khỏi bệnh, và cũng nhờ có sự biến đổi nên ta mới đạt được sự giải thoát, và cấp bậc tối thượng của sự giải thoát chính là sự Giác Ngộ. Đạt được sự Giác Ngộ tùy thuộc vào khả năng chủ động của chúng ta trước sự chi phối của vô thường, tức là cách không để mình bị rơi vào những ước vọng phi lý muốn cho mọi sự phải luôn giữ nguyên như thế, hoặc nói cách khác là không nên tôn thờ chủ nghĩa « vĩnh hằng ». Trái lại chúng ta phải biết lợi dụng ngay chính cái quy luật vô thường ấy để mang lại cho chúng ta an bình và hạnh phúc, đạo đức và trí tuệ, nhân ái và lòng từ bi ngày càng nhiều hơn.
Như quý vị đã thấy, chương trình hoạt động của Tổng Hội Phật Giáo Pháp trong năm 2012 vừa qua thật vô cùng nặng nề, ngoài các hoạt động thông thường chẳng hạn như giao tiếp với chính quyền và các tôn giáo khác trên đất Pháp, đảm trách chương trình Phật Giáo phát sóng hàng tuần trên đài truyền hình Quốc Gia, điều khiển các buổi sinh hoạt tại ngôi chùa Grande Pagode, Tổng Hội còn phải xúc tiến một dự án quan trọng khác là cắt đặt các vị giáo sĩ Phật Giáo vào các nhà giam để giúp đỡ tù nhân.
Chương trình hoạt động dự trù cho năm 2013 cũng cho thấy thật hết sức nặng nề. Chỉ cần nêu lên một vài thí dụ như các cuộc bàn thảo với Thị Trưởng thành phố Paris trong tháng mười hai vừa qua, các cuộc bàn thảo này đã mang lại kết quả tốt là thành phố Paris sẽ đứng ra đảm trách việc tu sửa ngôi chùa Grande Pagode của Tổng Hội trong công viện Vincennes ở quận XII, và hiện nay thì Tổng Hội đang phải theo dõi việc thực hiện các công trình trùng tu đó. Các buổi hội thảo về các vấn đề pháp lý từ trước đến nay cũng đã gặt hái được nhiều kết quả tốt mặc dù các chủ đề bàn thảo thật hết sức khó. Một cuộc hội thảo khác về các vấn đề pháp lý cũng sẽ được dự trù vào tháng sáu sắp tới. Ngoài ra Tổng Hội cũng đã quyết định tổ chức ngày lễ Phật Đản và ngày lễ Vesak (lễ Dâng Y của Phật Giáo Theravada) chung vào hai ngày 25 và 26 tháng Năm tới đây, và nhân dịp này Tổng hội cũng sẽ tuyên bố khởi xướng một chu kỳ nghiên cứu kéo dài ba năm về chủ đề « Đạo Đức và các biến thể của nó » trên cả hai phương diện cá nhân và xã hội.
[......]
Người Phật Giáo là những người kiến tạo hòa bình và luôn đứng ra để hòa giải. Những người tu hành dấn thân và các cảm tình viên Phật Giáo (nên hiểu là có rất nhiều người Tây Phương không tự nhận mình là người theo Phật Giáo mà chỉ cho biết mình là các cảm tình viên Phật Giáo), tất cả chúng ta đều sẽ tìm thấy một chỗ đứng trên con đường đó. Chúng ta gánh vác một trọng trách thật cao cả đối với xã hội Pháp, đó là bổn phận phải kính trọng kẻ khác và đức tin của họ, dựa trên một căn bản thế tục nhằm bảo đảm sự tự do suy nghĩ, đức tin và quyền được phát biểu dành cho cho tất cả mọi người, dù là nam hay nữ, kể cả những người tu hành. Không nên để mình bị ảnh hưởng bởi thái độ yếm thế đang lan tràn chung quanh, mà phải tập trung vào sứ mạng trước mặt, và dù cho cái sứ mạng ấy có khiêm tốn đến đâu đi nữa thì cũng đừng quên rằng một con bướm đập nhẹ đôi cánh cũng có thể tạo ra những tác động tuyệt vời.
Chúng tôi xin chân thành cầu chúc quý vị một năm mới 2013 thật an lành và hạnh phúc ».
Sau đây là phần tóm lược một vài tiết mục đã được nêu lên trong lá thư đầu năm của Tổng Hội Phật Giáo Pháp.
Ngày 8 tháng 2, năm 2013, bà Marie-Stella Boussemart, chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp tham dự một buổi tiếp tân tại điện Élysée (phủ Tổng Thống). Đây là dịp Tổng Tháng Pháp François Hollande chúc mừng các vị lãnh đạo các tôn giáo vào dịp đầu năm. Ngày 15 tháng giêng vừa qua bà cũng đã tham dự buổi tiếp tân đầu năm của Quốc Hội.
Buổi hội thảo đầu năm của Tổng Hội Phật Giáo
Một bước tiến thật dài
Chủ tọa buổi họp : bà Marie-Stella Boussemart,
Thiền sư Olivier Reigen Wang-Genh
(tên ông là Olivier Reigen, pháp danh là Wang-Genh. Ông tu tập theo thiền học Zen, học phái Tào Động đã 40 năm nay, và hiện trụ trì một thiền viện trong vùng đông-bắc nước Pháp)
Buổi họp đầu tiên của Ủy Ban Lãnh Đạo Tổng Hội và các thành viên được tổ chức tại chùa Linh Sơn của Việt Nam ở Vitry-Sur-Seine. Sau đây là tóm lược bài diễn văn khai mạc của Thiền Sư Olivier Reigen Wang-Genh.
« Các thành viên của Tổng Hội đại diện cho hầu hết các Tông Phái và Học Phái Phật đã đến họp đông đủ hôm nay, thật là một điều vô cùng khích lệ và cũng chính nhờ đó mà kết quả mang lại từ các buổi thảo luận sẽ được vững chắc, tín nhiệm và hợp pháp hơn.
Thiết nghĩ cũng nên nêu lên các lý do đã khiến cho Tổng Hội Phật Giáo Pháp phải đứng ra triệu tập các buổi họp hôm nay. [...] Chúng ta ngày càng phải đối đầu với những đòi hỏi thật khẩn thiết của giới truyền thông, của chính quyền và của xã hội [...], tất cả đang mong đợi đón nhận các quan điểm dứt khoát của chúng ta trước những vấn đề ngày càng phức tạp [...], vì thế nên cũng hết sức khó khăn cho chúng tôi khi phải đưa ra những lời giải đáp chung thay mặt cho toàn thể Phật Giáo.
Thế nhưng đồng thời thì Thiền Sư Olivier Reigen Wang-Genh cũng cho biết rằng đấy cũng lại là một dịp may để nêu
[...]
[...]
Sau hết
Sau đây là những lời tuyên cáo chung (communiqués / statements) về hai chủ đề trên đây sau khi tổng kết các kết quả thảo luận.
Tuyên cáo của Tổng Hội Phật Giáo Pháp
về vấn đề « hiến tặng cơ quan của cơ thể »
Tất cả các tông phái đều nhất loạt chủ trương nên hiến dâng các cơ quan của cơ thể mình vì đấy là một cách biểu lộ cao đẹp nhất của lòng rộng lượng và tình nhân ái, và đấy cũng là động cơ thúc đẩy những con người Phật Giáo.
Dù vẫn đang còn sống (thí dụ cho một quả thận hay một cơ quan nào đó mà không tổn thương đến tính mạng) hoặc sau khi đã chết theo tiêu chuẩn y khoa, thì việc hiến dâng phải hoàn toàn mang tính cách miễn phí và bất vụ lợi, không được mang bất cứ một hình thức ép buộc hay một sự bù đắp nào cả, và tất nhiên là càng không được biến thân xác con người trở thành một món hàng để buôn bá
Quyết định hiến dâng các cơ quan trên cơ thể khi còn đang sống hoặc khi đã qua đời chỉ có thể phát xuất từ sự tự nguyện cá nhân của người hiến dâng, và trong bất cứ trường hợp nào việc hiến dâng đó không thể xem như là một bổn phận (obligation / một sự bắt buộc) mang tính cách đạo đức (moral) liên quan đến một nguyên tắc mang tính cách tôn giáo nào cả. Việc từ chối không hiến dâng các cơ quan trên cơ thể của mình không được tạo ra cho mình một cảm tính tội lỗi nào cả. Quyết tâm hiến dâng cơ quan của cơ thể phải hoàn toàn mang tính cách cá nhân, và thật hết sức quan trọng là phải thông báo quyết tâm đó một cách minh bạch với những người chung quanh và gia đình, phải nói lên và giải thích lý do về ý định đó của mình, đấy là cách giúp không gây ra xúc động cho những người thân thuộc khi cái chết xảy đến với mình. Tuy nhiên, nếu như những xúc động ấy vẫn cứ xảy ra với người thân thuộc và họ quyết định không tôn trọng quyết tâm của người quá cố, thì có lẽ cũng nên xem quyết định của thân nhân là quan trọng hơn cả. Trong trường hợp người quá cố không cho biết dứt khoát quyết tâm của mình trước khi chết thì lại càng nên tôn trọng hơn nữa quyết định của thân nhân.
Đối với những người sẵn sàng sẽ hiến dâng cơ quan của cơ thể mình sau này cũng phải được thông báo trước về các điều kiện cần thiết khi lấy các cơ quan, tức là phải lấy trong một thời gian thật ngắn sau khi xảy ra cái chết. Dù sao thì các tông phái Phật Giáo cũng không hoàn toàn thống nhất với nhau về những gì xảy ra sau khi chết theo tiêu chuẩn y khoa, do đó những người tu tập theo các học phái khác nhau hoàn toàn có quyền quyết định tùy theo sự tin tưởng và quan điểm của mình về tình trạng sau-khi-chết (theo Phật Giáo Theravada thì sau khi chết quá trình tái sinh sẽ xảy ra trong chớp mắt, và không có một giai đoạn chuyển tiếp hay trung gian nào cả. Trái lại đối với Phật Giáo Tây Tạng thì quá trình của cái chết xảy ra một cách tuần tự và chính trong quá trình diễn tiến này người tu tập phải chủ động để hội nhập với thể dạng ánh sáng trong suốt - tức tánh không của cái chết - để tự giải thoát khỏi chu kỳ luân hồi. Đối với Phật Giáo Tây Tạng các tiêu chuẩn y khoa không đủ để xác định cái chết thật sự, bởi vì quá trình của cái chết có thể kéo dài lâu hay mau tùy theo cấp bậc tu tập của người chết. Tuy nhiên Phật Giáo Tây Tạng nói chung trong số này có cả Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn khuyên người ra đi dù phải chịu những tác động ảnh hưởng đến quá trình thiền định giúp mình hội nhập với ánh sáng trong suốt của cái chết, thì vẫn cứ hy sinh để hiến dâng cơ quan của cơ thể mình, vì đấy là cách biểu lộ lòng từ bi vô biên của mình một cách thiết thật nhất - ghi chú thêm của người dịch)
Thực thi sự Bố Thí mang tính cách hoàn toàn bất vụ lợi dưới bất cứ một hình thức nào nhất thiết là một nguyên tắc chính yếu nhất trong việc tu tập Phật Giáo, tất cả các tông phái Phật Giáo đều thống nhất trong việc khuyến khích tất cả mọi hành động giúp cứu sống hoặc làm giảm bớt sự đau đớn của các chúng sinh đang lâm vào cảnh ngặt nghèo.
Tuyên cáo của Tổng Hội Phật Giáo Pháp
về vấn đề « gây chết không đau »
Toàn thể các tông phái Phật Giáo đều nhất loạt chống lại việc cố tình gây ra cái chết của một con người. Dù cho các quan điểm và các cách giải thích về quá trình của cái chết và giai đoạn sau-khi-chết giữa các tông phái Phật Giáo có thật khác biệt nhau đi nữa, thế nhưng tất cả đều nhất loạt tán đồng quan điểm là chúng là không được tước đoạt sự sống của bất cứ một chúng sinh nào, nhất là sự sống của một con người.
Trên phương diện pháp lý, đạo luật Léonetti (do quốc hội biểu quyết ngày 22/04/2005 quy định về các cách đối phó với tình trạng hấp hối) mang nhiều khía cạnh thích nghi và thỏa đáng. Sự chăm sóc giúp làm giảm đau cho người hấp hối, cũng như việc chữa trị tích cực trong những giây phút chót nêu lên trong đạo luật đều hoàn toàn phù hợp với đạo đức Phật Giáo, thế nhưng vấn đề khó khăn là phải làm thế nào để đạo luật này được nhiều người biết đến và được mang ra áp dụng một cách rộng rãi.
Tuy nhiên trên phương diện tâm linh, người Phật Giáo nhận thấy còn phải thực hiện những cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn nữa, phải tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa và lâu đời của xã hội chúng ta (tức là của dân tộc Pháp) : liên hệ đến các quan điểm về sự sống và cái chết, về sự giảng dạy và suy tư chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tôn giáo và nền triết học của chúng ta liên quan đến một sự thực mà chúng ta không thể tránh né được, đó là sự thực về giai đoạn cuối cùng của sự sống (già nua, bệnh tật và cái chết), về quan điểm giáo dục cho rằng sự sợ hãi và cái chết là một sự « bất lực » (échec / failure / một sự thất bại hay tuyệt vọng. Người Tây Phương nhìn cái chết và sự sợ hãi dưới một nhãn quan yếm thế và xem đấy như là một sự bất lực và tuyệt vọng mà con người phải bó tay), và về các phép thiền định cũng như tất cả những gì thật tích cực giúp chúng ta chuẩn bị cho những giây phút cuối cùng.
Tóm lại để thực hiện đường hướng trên đây, thiết nghĩ một sự phối hợp giữa tình nhân ái, các phương tiện y khoa cũng như sự trợ lực trên phương diện tâm linh (tức là tôn giáo) thật hết sức cần thiết hầu có thể giúp đỡ người hấp hối. Ngoài các phương tiện trị liệu giúp làm giảm đau cho người sắp qua đời, còn phải mang lại cho họ một sự trợ lực trên phương diện tâm linh nữa. Tất cả mọi quyết định nếu có liên quan đến việc ngưng hẳn thuốc men phải được cân nhắc và suy nghĩ « một cách thật thông minh » giữa người sắp ra đi, nếu người này còn đủ sáng suốt, và những người thân thuộc chung quanh, cũng như những người giữ trọng trách săn sóc thuốc men (các bác sĩ), và cả những người trợ lực trên phương diện tâm linh (các vị giáo sĩ tôn giáo nơi bệnh viện chẳng hạn).
Dù sao đi nữa, tất cả các tông phái Phật Giáo đều chủ trương phải tôn trọng ba điều khoản sau đây :
- Giới luật thứ nhất [trong số năm Giới Luật chính yếu nhất của Phật Giáo] là việc cấm đoán không được tước đoạt sự sống của bất cứ một chúng sinh nào.
- Giúp người sắp ra đi được trải qua một cách « thoải mái » nhất quá trình chuyển tiếp tự nhiên giữa sự sống và cái chết, bằng cách giúp đỡ họ trên phương diện tâm linh trong giai đoạn « trước » cái chết, « trong khi » xảy ra cái chết và « sau khi » quá trình ấy chấm dứt.
- Thúc đẩy bởi lòng từ bi và tình nhân ái cũng như ý thức được tầm quan trọng của giới luật thứ nhất trên đây, chúng ta phải làm đủ mọi cách để làm giảm bớt sự đau đớn quá sức chịu đựng trên thân xác và những khổ đau trong tâm thần của người sắp ra đi cũng như của những người thân thuộc chung quanh.
Phât Giáo Âu Châu
và các thể chế của cộng đồng Châu Âu
« Sau lần mở rộng cuối cùng vào năm 2004, Liên Minh Âu Châu (Union Européenne / European Union / EU) gồm có tất cả 27 quốc gia và trụ sở trung ương được đặt tại Bruxelles(nước Bỉ). Liên Minh được thành lập kể từ năm 1958 và được điều hành bởi các hiệp ước (traités / accords) do các quốc gia thành viên thiết lập dựa trên các thể thức dân chủ. Các hiệp ước này quy định quyền hạn cũng như các lãnh vực đặc quyền (prérogatives / exclusive rights) dành cho EU liên quan đến nền lập pháp của mỗi quốc gia. Các cơ quan hành chánh (instances / agencies) được thiết lập để điều hành các hoạt động của EU như : Hội Đồng Âu Châu (Conseil Européen / European Council / EC) quy tụ các nguyên thủ quốc gia, các chánh phủ của các quốc gia thành viên, phối hợp với Ủy Ban Âu Châu cũng như với Quốc Hội Âu Châu.
Hội Đồng Âu Châu đặt tại tỉnh Strasbourg (nước Pháp) từ năm 1949 quy tụ 47 quốc gia, trải rộng khắp Âu Châu, tuy nhiên chỉ duy nhất có nước Belarus (Biélorussie) là không được gia nhập, dù rằng nước này nằm vào vị trí trung tâm của Âu Châu, lý do là Belarus vẫn còn duy trì án tử hình (câu này cũng đã được in đậm trong nguyên bản. Các nước Á Châu tự nhận là mang truyền thống Phật Giáo lâu đời thế nhưng hầu hết các quốc gia trên lục địa này – trong số đó kể cả Nhật Bản - đều thực thi án tử hình một cách thẳng tay và tàn bạo. Có phải đấy là một điều đáng buồn và đáng xấu hổ cho những người Phật Giáo nói chung hay chăng ? Ngưới ta nghĩ rằng dùng sự khiếp sợ và những hình phạt dã man là một cách trừng phạt đích đáng, một cách trả thù và ngăn chận sự hung bạo, sai lầm và yếu đuối. Thế nhưng đấy chỉ là một biện pháp vô ích nếu không muốn nói là một cách phô bày sự hung bạo và man rợ của chính mình. Chỉ có tình thương và sự tha thứ mới sửa đổi được sự sai lầm và mang lại sức mạnh cho những người yếu đuối mà thôi).
Sự kiện nước Belarus không được tham dự Hội Đồng Âu Châu mang thật nhiều ý nghĩa khi hiểu được rằng trọng trách của cơ quan này ngoài việc phải tạo ra một bầu không gian dân chủ và pháp lý chung cho Âu Châu, còn phải theo dõi sự tôn trọng các giá trị căn bản của xã hội như : nhân quyền, thể chế dân chủ cũng như vị thế đứng đầu của luật pháp, và đấy cũng chính là cách bảo đảm cho mỗi con người dù là nam hay nữ một chỗ đứng trong một xã hội xây dựng trên sự khoan dung ».
Tòa Án Âu Châu về nhân quyền là một cơ quan trực thuộc Hội Đồng Âu Châu đứng ra bảo vệ cho toàn thể các công dân Âu Châu các quyền hạn đã được nêu lên trong bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế.
Hội Đồng Âu Châu đã từng can thiệp vào thật nhiều lãnh vực mà nhân quyền và thể chế dân chủ thường bị hăm dọa và chà đạp. Chỉ cần đơn cử một vài thí dụ như : cấm đoán việc buôn người, cách hành xử bạo ngược đối với người phụ nữ, mại dâm trẻ con, bảo vệ phẩm giá của người di dân, theo dõi tính cách dân chủ trong các cuộc bầu cử chính trị, bảo đảm vị thế của tôn giáo và của các trào lưu tư tưởng trong xã hội, v.v...
Tổng Hội Phật Giáo Pháp (UBF) là thành viên của Tổng Hội Phật Giáo Âu Châu (European Buddhist Union / UBE) và mục đích của tổ chức này là liên kết tất cả những người Phật Giáo trên toàn thể lục địa Âu Châu. Tổng Hội Phật Giáo Âu Châu hoạt động từ năm 2009 trong khuôn khổ của tổ chức OING (Organisations Internationales Non Gouvernementales / Các tổ chức quốc tế phi chính phủ) thuộc Hội Đồng Âu Châu. Trọng trách của tổ chức này là tạo ra sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền và dân chúng. Như mọi người đều biết Tổng Hội Phật Giáo Âu Châu (UBE) đã từng góp phần tích cực trong việc soạn thảo các văn bản mang tính cách chuyên môn, và đã nêu lên các đề nghị thật cụ thể thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, và cũng đã từng trình bày các quan điểm của mình trong các buổi hội thảo ở các cấp bậc cao cấp của Hội Đồng Âu Châu.
Từ hơn một năm nay ở Bruxelles (thủ đô nước Bỉ, nơi đặt trụ sở trung ương của Liên Minh Âu Châu) đã xảy ra một biến cố mới đánh dấu sự hiện diện nổi bật của của Phật Giáo, đó là Tổng Hội Phật Giáo Âu Châu (UBE) đã bắt đầu ủy nhiệm những người Phật Giáo tham gia vào các buổi sinh hoạt của Quốc Hội Âu Châu (PE) và Ủy Ban Âu Châu (Commission Européenne / CE).
Ở Strasbourg (trụ sở của Hội Đồng Âu Châu tại Pháp) cũng như ở Bruxelles người ta đã bắt đầu nhận thấy sự tham gia mang tính cách lâu dài của những người Phật Giáo trong mọi lãnh vực nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của những công dân Âu Châu theo Phật Giáo cũng như nói lên các mối quan tâm của họ về sự an vui của toàn thể chúng sinh.
Quốc Hội Âu Châu và bản đồ các nước Liên Minh Âu Châu
« Quyền kết hôn cho tất cả mọi người »
một vấn đề thời sự nóng bỏng của nước Pháp
H.1 ; Các nhân vật đại diện cho các tín ngưỡng được mời phát biểu tại Quốc Hội
H.2 : Bà chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp đang phát biểu tại Quốc Hội
Viện Nghiên Cứu Phật Học (Institut d’Etudes Bouddhiques / IEB) của Pháp là một cơ quan nghiên cứu và giảng dạy Đạo Pháp vừa gửi đến các thành viên một lá thư mới nhất (08/02/13) thông báo về các chương trình giảng dạy và nghiên cứu của Viện cũng như các tin tức khác về Phật Giáo trong nước và quốc tế. Trong thư có nêu lên một vấn đề thật nóng bỏng của xã hội Pháp hiện nay là vấn đề « quyền kết hôn cho tất cả mọi người ».
« Quyền kết hôn cho tất cả mọi người » tức là quyền « hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái » phải được luật pháp chính thức thừa nhận. Vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi sôi nổi và những cuộc biểu tình lớn trên khắp nước. Hàng triệu người của phe « chống » cũng như của phe « ủng hộ » thay nhau xuống đường. Quốc hội Pháp đang thảo luận và cũng đã biểu quyết được một số điều khoản trong đạo luật này. Sở dĩ Viện Nghiên Cứu Phật Học nêu lên vấn đề trên đây là vì gần đây Quốc Hội Pháp đã mời sáu vị đại diện cho sáu tôn giáo khác nhau là Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo, Chính Thống Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo trình bày quan điểm của mình trước các dân biểu. Buổi tham vấn này của Quốc Hội được trực tiếp truyền hình trên toàn quốc và được báo chí theo dõi cặn kẽ. Bà Marie-Stella Boussemart, chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp đại diện cho Phật Giáo để nói lên quan điểm của của tín ngưỡng này về vấn đề vô cùng gay go trên đây của xã hội Pháp và của các xã hội Tây Phương nói chung.
Sau đây là tóm lược các quan điểm của mỗi tôn giáo qua nhưng lời phát biểu trước Quốc Hội của những người đại diện cho các tôn giáo ấy.
- Thiên Chúa Giáo :
Đức Hồng Y Tổng Giám Mục địa phận Paris là Ngài André Vingt-Trois, nhắc lại là Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo cực lực chống đối (hostile) việc kết hôn giữa những người đồng tính luyến ái. Theo vị này thì đấy là một cách « tạo ra một sự biến đổi sâu rộng và triệt để phương hại đến sự thăng bằng chung giữa các mối tương giao trong xã hội, đó là mô hình của một xã hội mới »
- Tin Lành Giáo :
Mục Sư Claude Baty, chủ tịch Hiệp Hội Tin Lành Pháp bác bỏ (refute) việc đòi hỏi bình quyền trên phương diện kết hôn, ông cho rằng : « quyền kết hôn cho tất cả mọi người chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu [...], kết hôn không phải chỉ đơn giản là một sự thừa nhận tình yêu, kết hôn phải là một cơ chế (institution) kết nối giữa người đàn ông và đàn bà nói lên sự tiếp nối giữa các thế hệ »
- Chính Thống Giáo :
Giám Mục (Métropolite / Metropolitan) Joseph de la Metropole tuyên bố hẳn hoi là phải « rút bỏ ngay dự án luật tổ chức cuộc tranh luận toàn quốc về chủ đề này »
- Do Thái Giáo :
Vị Giáo Sĩ (Grand Rabbin) Gilles Bernheim cho rằng « hôn nhân là một cơ chế kết hợp giữa người đàn ông và đàn bà nhằm bảo đảm sự tiếp nối giữa các thế hệ »
- Hồi Giáo :
- Phật Giáo :
Ni Sư Marie-Stella Boussemart, chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp cho biết rằng : « Đối với Phật Giáo vấn đề hôn nhân là một hành vi mang tính cách dân sự, không có gì là tôn giáo cả, cũng không mang một ý nghĩa mở rộng (connotation) nào về tôn giáo cả, đấy chỉ là một sự giao kết trong xã hội giữa hai con người, và đôi khi cũng có thể là giữa hai gia đình với nhau [...] và Đức Phật thì cũng không hề nói đến vấn đề đồng tính luyến ái ». Đối với bà thì « vấn đề này thuộc quyền quyết định của người dân » và bà cũng nghĩ rằng « trưng cầu dân ý có thể là một giải pháp tốt nhất ».
Hầu hết báo chí cũng như các giới truyền thông cũng như dư luận và các chính trị gia đều tỏ ra thán phục những lời tuyên bố của bà Marie-Stella Boussemart, bởi vì đối với họ ít nhất cũng đã có một tiếng nói khác hơn với năm vị kia. Vậy thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu thêm những lời phát biểu trên đây của người đại diện cho Phật Giáo xem sao ?
Chúng ta không nghĩ rằng bà Marie-Stella Boussemart đưa ra ý kiến khác hơn với các vị khác để tạo ra môt sự chú ý nào đó đối với cá nhân bà, mà đúng hơn bà chỉ nêu lên cách nhìn « đúng như thế » của Phật Giáo đối với một hiện tượng. Nếu chú ý khi nhìn vào bức hình H.1 trên đây chụp các vị đại diện tôn giáo được mời phát biểu ở Quốc Hội, thì chúng ta cũng đã thấy ngay một sự khác biệt thật nổi bật và « cụ thể » : bà Marie-Stella Boussemart là một ni sư, một người phụ nữ duy nhất đại diện cho một tôn giáo lớn. Thật vậy đối với các tôn giáo khác « rất có thể là khó hơn nhiều » khi phải tìm một người phụ nữ đại diện cho tín ngưỡng của mình.
Tuy nhiên sự khác biệt sâu xa hơn thuộc vào lãnh vực giáo lý. Đối với Phật Giáo mọi hiện tượng chỉ là một sự cấu hợp do nhiều nguyên nhân và điều kiện tạo ra nó. Phật giáo chỉ « nhìn một hiện tượng như một hiện tượng » và không diễn đạt nó hay gán thêm cho nó một ý nghĩa để đánh giá nó xem có phù hợp với giáo lý của tôn giáo mình hay không. Bà Marie-Stella Boussemart tuyên bố rằng « hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái là một sự kiện xã hội, không hàm chứa một ý nghĩa mở rộng (connotation) mang tính cách tôn giáo nào cả », cách nhìn đó quả đúng là cách nhìn của một người tu tập Phật Giáo. Kết luận của bà Marie-Stella Boussemart cũng rất hữu lý : nếu đã là một sự kiện xã hội thì nên để cho xã hội giải quyết, tôn giáo không nên xen vào đấy. Tiếc thay các vấn đề hệ trọng hơn như bạo lực, vị thế và sự bình đẳng của người phụ nữ trong cộng đồng xã hội và nhân loại... thì bất đồng chính kiến với nhau, thế nhưng đối với một sự kiện xã hội thứ yếu và đã xảy ra từ muôn đời trong lịch sử nhân loại thì lại « nhất trí » chống lại, có phải là khôi hài lắm không ?
Con người thật đa dạng, từ thân xác, tính tình đến sự suy nghĩ, do đó chuyện gì - dù « éo le » hay « bất bình thường » cách mấy đi nữa – cũng đều có thể xảy ra được. Chỉ cần nhìn những người tật nguyền bẩm sinh hay những kẻ điên loạn trong các dưỡng trí viện thì sẽ hiểu ngay. Hai con người « yêu nhau » không nhất thiết « cứ phải là như thế » mới đúng. Họ « yêu nhau » theo « kiểu nào », « bằng cách nào » và « sử dụng các cơ quan nào » để nói lên « tình yêu » của mình ấy là chuyện của họ, người Phật Giáo chỉ đơn giản xem đấy là « cái nghiệp » của họ mà thôi.
Nếu mở rộng tầm nhìn chúng ta sẽ thấy rằng không gian và thời gian luôn liên kết với nhau để tạo ra một « căn bản » hay « cơ sở » cần thiết để mọi hình sắc có thể hiển hiện ra được, kể cả lịch sử tiến hóa của con người và cả vụ nổ lớn (Big Bang) của vũ trụ. Nếu mở rộng tầm nhìn bao quát hơn nữa thì chúng ta cũng sẽ thấy rằng « tánh không » - một khái niệm siêu việt của Phật Giáo - là một thứ « căn bản » hay « cơ sở » cần thiết cho tất cả mọi hiện tượng có thể hiện ra và chuyển động. Chữ « hiện tượng » ở đây mang ý nghĩa bao quát hơn so với chữ « hình sắc » hay « hình tướng » đối với không gian và thời gian, bởi vì chữ « hiện tượng » – tiếng Phạn là dharma – đối với Phật Giáo còn hàm chứa cả những biểu hiện phi-vật-chất, những xúc cảm và tư duy của con người. Mọi hiện tượng sở dĩ có thể phát sinh là nhờ vào tánh không và do đó tánh không chính là bản chất căn bản và sâu kín nhất của mọi hiện tượng. Đấy cũng chính là ý nghĩa của câu « Hình tướng là trống không, trống không là hình tướng » trong Tâm Kinh.
Nếu không có không gian và thời gian thì mọi biến động mang bản chất hình sắc sẽ không thể nào hiển hiện ra được. Cũng thế nếu không nhờ vào tánh không thì mọi hiện tượng kể cả các hiện tượng tâm thần phi-vật-chất cũng sẽ không thể nào có thể xảy ra được. Do đó theo quan điểm của Phật Giáo bản chất tối hậu và sâu kín nhất của mọi hiện tượng chính là sự trống không. Nguời tu tập Phật Giáo không quan tâm đến những biểu hiện biến động bên ngoài của chúng, đối với họ đấy chỉ là những thứ ảo giác vô nghĩa.
Bà Marie-Stella Boussémart nói rằng Đức Phật không hề nói đến đồng tính luyến ái. Thật vậy Đức Phật không nhìn vào những biểu hiện luôn biến động của hiện thực mà chỉ tìm cách giúp chúng ta nhìn thấy bản chất tối hậu của mọi hiện tượng mà thôi.
Đồng tính luyến ái cũng chỉ là một hiện tượng tương tự như vô số các hiện tượng khác đang chuyển động trong vũ trụ. Hàng triệu người của hai phe chống đối và ủng hộ bám víu vào một hiện tượng cấu hợp và vô thường để mà kéo nhau biểu tình trên toàn nước Pháp cũng chỉ là những biểu hiện của vô minh và khổ đau mà thôi.
(Tin mới nhất : ngày thứ ba 12/02/2013, quốc hội Pháp đã biểu quyết chấp thuận đạo luật thừa nhận « hôn nhân đồng tính luyến ái » với 329 phiếu thuận, 229 phiếu chống và 10 phiếu trắng).
Bures-Sur-Yvette, 14.02.13
Hoang Phong biên soạn