;
Nhiều anh chị, khi gặp mình, thường hỏi câu hỏi đó. Có anh chị còn tỏ vẻ hoang mang, nghi ngại, sợ rằng pháp môn mình đang tu tập theo không đúng chánh pháp, sợ rằng bổn sư mình đang theo học đạo không xứng là thầy tu.
Mình hiểu băn khoăn, lo lắng ấy của các anh chị. Bởi có một thực tế xảy ra những năm gần đây là nhiều người tan cửa nát nhà chỉ vì sa vào tà đạo. Và không ít thầy tu đã phạm giới luật nghiêm trọng, bị khai trừ khỏi giáo hội, vướng vòng lao lý.
Như mình biết, Đạo Phật có rất nhiều pháp môn. Tùy theo căn duyên mà mỗi người sẽ đến với một pháp môn. Song dù pháp môn nào, nếu đúng chánh pháp, đều lấy Tứ diệu đế (hay Tứ Thánh Đế, tức là bốn sự thật rốt ráo về khổ, sự thật về nguyên nhân khổ, sự thật về diệt khổ và sự thật về con đường diệt khổ) và Bát chánh đạo (Đó là con đường thánh gồm tám chi: Chánh kiến (các thấy đúng), Chánh tư duy (suy nghĩ đúng), Chánh ngữ (lời nói đúng), Chánh nghiệp (hành động đúng), Chánh mạng (Nghề nghiệp chân chính), Chánh tinh tấn (tu học không ngừng), Chánh niệm (ý thức được những gì đang xảy ra bên ngoài và bên trong tâm bây giờ và ở đây) và Chánh định (sự tập trung).
Tứ diệu đế và Bát chánh đạo là nền tảng căn cốt nhất của đạo Phật giúp chúng sinh nhận diện, chuyển hóa khổ đau, đưa đến đời sống an lạc, hạnh phúc và đích cuối cùng là giác ngộ, giải thoát. Những bậc Hiền Thánh đều nương dựa trên nền tảng này để đi đến Niết bàn, chứng đắc Phật quả.
Vì thế, pháp môn nào không lấy Tứ diệu đế, Bát chánh đạo làm nền tảng thì đó chắc chắn không phải là đạo Phật chân chính. Đó là ngoại đạo.
Một thầy tu chân chính, theo mình hiểu, buộc phải lấy giới Giới - Định - Tuệ làm con đường hành trì. Đó là nếp sống đạo hạnh và trí tuệ, một nếp sống hướng thượng mang lại hạnh phúc cho bản thân mình và cho người khác. Giới - Định - Tuệ cũng là đạo hạnh của cư sĩ tại gia.
Giới - Định - Tuệ là Tam học (hay còn gọi là Tam vô lậu học), do Đức Thế Tôn tuyên thuyết cho đệ tử xuất gia và tại gia về lộ trình tu tập dẫn đến sự giải thoát phiền não khổ đau, chấm dứt sinh tử, đạt được mục đích cứu cánh trên con đường phạm hạnh, thành tựu Niết bàn.
Giới là những điều răn cấm do Đức Phật đặt ra giúp các đệ tử xuất gia và tại gia giữ gìn để ngăn ngừa tội lỗi.
Định là sự chuyên chú, định tâm vào một đối tượng mà đạt đến trạng thái tinh thần không tán loạn, giúp loại trừ phiền não vô minh, vọng tưởng kiến chấp, đồng thời làm cho tâm trở nên vắng lặng.
Tuệ, nói đầy đủ là Trí tuệ hay Tuệ giác. Đây là bước sau cuối và cao nhất trong Tam vô lậu học của Bát thánh đạo dựa vào Chánh kiến, Chánh tư duy dẫn đến mục tiêu giải thoát. Sở dĩ tuệ là bước cuối cùng cao nhất trong Tam vô lậu học là vì khi một hành giả thực hành Thiền định, đạt đến trạng thái nhất tâm thì luôn có sự xuất hiện của hỷ lạc, khinh an và tâm xả.
Vì vậy, theo mình hiểu, một thầy tu chân chính không chỉ là người giỏi về pháp học mà điều quan trọng hơn, phải là người giỏi về pháp hành. Người ấy, không chỉ am hiểu về giáo lý mà điều quan trọng hơn, phải là người thực chứng, chứng đắc về những giáo lý ấy. Hoa trái của sự tu chứng mà chúng ta có thể nhận thấy ở họ đó là năng lượng bình an, vững chãi, từ bi, trí tuệ toát ra từ 3 nghiệp: thân, khẩu, ý.
Hãy quan sát xem người thầy ấy hàng ngày nói có chánh ngữ, ái ngữ không? Hành động, cư xử với mọi người như thế nào, có đúng chánh nghiệp, chánh mạng không? Nếu người thấy ấy thuyết pháp hay đến đâu mà trong đời thường, hễ mở miệng là trách móc, hờn giận, quát tháo.
Thậm chí ngay cả khi ngồi dưới tòa Tam bảo rao giảng giáo lý mà mắt long sòng sọc, miệng gào thét, giọng gắt gỏng như cãi nhau. Ăn uống ào ào. Đi lại thì hớt ha hớt hải như ma đuổi. Chỗ ăn, chỗ ở xa hoa như ông hoàng bà chúa. Đeo đồng hồ tiền tỷ, ô tô hạng sang…thì chắc chắn, đó không phải là bậc chân tu. Người thầy như vậy, chúng ta không nên theo học đạo.
Và cuối cùng, muốn biết pháp môn mình tu đúng hay không, bổn sư mình theo học đạo có đúng là bậc chân tu hay không, hãy quan sát thân và tâm của chính mình. Nếu sau thời gian học và hành đạo, khuôn mặt mình lúc nào cũng tươi mát như hoa, tâm mình lúc nào cũng thảnh thơi, an lạc, tim mình lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương với đời, với người...
Đó là mình đang tu đúng. Còn khuôn mặt mình lúc nào cũng nhăn nhúm, cau có, đau khổ. Tâm mình lúc nào cũng bất an, lo sợ, hoang mang, hờn giận, trách móc, đố kỵ, hận thù... thì mình đang tu sai đó.
Cầu chúc cho tất cả các anh chị đủ phước báu, duyên lành để tìm được bậc chân tu, học đạo cho đúng chánh pháp.