;
HỎI: Kính bạch thầy, con vốn là sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cũng là một nam Phật tử, do không có việc làm, cũng có ít năng khiếu ca hát nên con thỉnh thoảng được mời hát trong các buổi tiệc như đám cưới, sinh nhật, khai trương,...Con kính bạch thầy như thế có phạm vào điều gì không. Dạ thưa vì sao từ xưa đã có quan niệm " xướng ca vô loài" ạ? Con kính biết ơn trên Thầy. A Di Đà Phật.
ĐÁP:
Con thân mến. Thầy sẽ trả lời lần lượt như sau:
- Thứ nhất, người Phật tử tại gia đã quy y Tam Bảo và thọ trì Năm Giới cấm không có điều: không được ca hát hay xem nghe. Tuy nhiên nếu con tham dự khóa tu Bát quan trai, thì trong thời gian tu có giới thứ sáu không được ca múa. Thật ra, dùng lời ca tiếng hát để mưu sinh nếu biết vận dụng cũng là một nghề chính đáng, vì nó đem lại món ăn tinh thần, một nhu cầu có thật của người thế tục. Vấn đề là con biết giới hạn của công việc mình làm. Chẳng hạn chỉ nên hát những bài hát lành mạnh, tuy có mang nội dung tình yêu đôi lứa nhưng đem lại cho người nghe những rung động thẩm mỹ tốt lành, không quá trần trụi hay kích động bản năng thái quá.
- Thứ hai, quan niệm " xướng ca vô loại"( vô loài) đã có từ thời phong kiến, khi mà trong cung vua phủ chúa hay phủ đệ các hoàng thân, đại quan,.. có nhu cầu mời các đoàn hát vào biểu diễn để tiêu khiển. Họ xem đây là một trò vui, theo đó những thầy đàn con hát cũng cùng ý như vậy. Về sau phường hát có được những tụ điểm hành nghề được gọi là hý viện (Ý nghĩa là vui chơi, giải khuây).
Thời phong kiến người ta phân xã hội thành bốn thành phần: Sĩ – Nông - Công - Thương, giới ca hát không được xếp vào thành phần nào cả (vô loài). Một ý nữa, khi vào vai tuồng, kịch diễn viên có thể đóng bất cứ vai nào (có thể ngoài đời họ là cha con nhưng trong vở tuồng họ đóng vai vợ chồng hoặc trái lại) do vậy mà bị coi là thiếu nghiêm túc.
Ngày nay, quan niệm xã hội đã đổi khác, những người trong ngành biểu diễn nghệ thuật nếu đạt trình độ chuyên nghiệp cũng được gọi là SĨ (ca sĩ, nghệ sĩ,..), họ có những đóng góp nhất định làm phong phú nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của quần chúng.
Trong Phật giáo, một số Kinh vẫn thường miêu tả những chi tiết Chư Thiên trỗi thiên nhạc cúng dường Đức Phật. Các vị thần âm nhạc ở cõi trời gọi là Càn thát bà. Trong tinh thần đó, hiện nay một số văn nghệ sĩ vẫn thường phát tâm hát cúng dường các dịp lễ lớn của Đạo Phật. Đó là điều tốt.
Thầy chúc con luôn chánh niệm và hoan hỷ trong công việc hiện tại của mình.
Lành thay !