;
Mặc dù không còn tháng bảy, theo Pháp Minh, lễ tạ ân bất cứ lúc nào thuận tiện trong năm, không nhất thiết phải là mùa Vu Lan, vì thế ngày mồng 7 tháng 9 năm Ất Mùi, nhằm ngày 19/10/2015, Pháp Minh đã tổ chức lễ tạ ân cha mẹ nhân dịp giáp năm ông cụ.
Trời Tây nguyên không nắng, nhưng cũng không mát; khí hậu oi nồng khó chịu; ngọn núi Cưm'gar xanh mượt như cố làm dịu bầu trời. Từ Sài gòn, Long Khánh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Nha Trang, khách mời là chư Tăng và vài thân hữu đã có mặt tờ mờ sáng. Sau một đêm chập chờn trên xe giường nằm, ai nấy như chưa được tỉnh táo.
Từ ngoài lộ vào nhà qua mấy ngả quẹo đất đỏ, cách chân núi chưa tới 500 m, căn nhà xây im lìm như bao cái im lìm của thôn xóm lao động vùng đất Bazan. Vừa đến ngỏ, không khí nhộn nhịp của những người đến sớm trước đó, Pháp Minh, phu nhân và mọi người rôm rả như tức nước vỡ bờ mà từ lâu, chuyện hàn huyên bị dồn nén chôn chặt trên vùng di dân Quảng Phú - Huyện Cưm'gar, tỉnh Daklak.
Huyện Cưm'gar có dân số 170.500 người, gồm 25 sắc tộc anh em. Cưm M'gar là một huyện của tỉnh Đăk Lăk. Phía đông giáp huyện Krông Búk, phía tây và Tây Bắc giáp huyện Ea Súp và Buôn Đôn, phía nam giáp Thành phố Buôn Ma Thuột, phía bắc giáp huyện Ea HLeo. Riêng thị trấn Quảng Phú phần lớn dân nhập cư từ xứ Quảng; lập nghiệp từ thời nhà Ngô, nhưng sau 1975, di dân xứ Quảng gia tăng nhanh chóng nhờ đất cũ đãi người mới. Người dân phần lớn sống bằng nông nghiệp, các mặt hàng sản xuất phần nhiều là cà phê, tiêu.
Những hộ dân không có đất canh tác thì buôn bán tạp hóa, tạp phẩm, trái cây, thu mua nông sản. Có một thời cà phê và tiêu được mùa, người dân có của ăn của để, nhà nhà xây tường, có xe máy cày. Một số hộ dân buôn chuyến đường xa, thường về miền Trung, trao đổi hàng hóa hai chiều. Từ Daklak xuôi về miền Trung có vẻ thuận hơn về Sài Gòn hay miền Tây Nam bộ. Đa số cư dân chất phác thật thà, dễ mến. Người miền Trung nặng về lễ nghĩa tộc họ, nên giỗ chạp đã đè nặng lên dân tha phương lập nghiệp. Dù xa xôi và bận rộn làm ăn, nhưng mỗi năm kỵ giỗ thường phải về lại quê hương.
Chị Nga tặng hoa và hôn cha.
Gia đình Pháp Minh lập nghiệp tại Daklak từ năm 1998, ngày đầu vợ chồng bán bánh bèo. Năm 2001 xảy ra vụ sắc tộc bạo loạn, vợ chồng Pháp Minh phải đi xin tiền để hỗ trợ đồng bào sắc tộc, vì nghĩ rằng do đói khổ họ mới bạo loạn. Trong khi đó chính quyền địa phương , Hội chữ thập đỏ và các Đoàn cứu trợ không thể vào buôn làng. Cũng từ đó tổ chức Từ thiện Phật Quang ra đời.
Tuy ở Cưm'gar lâu năm nhưng kinh tế chưa ổn định, vì phải cưu mang cụ ông cụ bà ngoài trăm tuổi. Hai vợ chồng bằng đôi tay trắng, nuôi con ăn học tốt nghiệp đại học Nông Lâm, tự tay chăm sóc song thân. Thỉnh thoảng bà chị từ xứ Quảng vào phụ giúp để hai vợ chồng rảnh tay lo cuộc sống. Gia đình Pháp Minh là một gia đình Phật tử kiểu mẫu, thâm tín Tam Bảo nhiều đời. Có hai người xuất gia - con bà chị và con ông anh. Mặc dù bận rộn mưu sinh, vất vả trăm bề, gia đình không bỏ thời kinh nào về đêm; đồng thời không rời mắt chăm lo đến vấn đề ăn uống lẫn vệ sinh hằng ngày cho ông bà cụ.
Cài hoa cho mẹ.
Khi ông cụ qua đời, tự tay Pháp Minh tẩn liệm. Cụ bà hiện nay 103 tuổi, dù vậy, bản thân cụ bà sạch sẽ như người khỏe mạnh nhờ sự tận tụy của vợ chồng Pháp Minh. Vừa lo cho cụ bà xong bữa cháo, Pháp Minh lại đem cơm ra chợ cho vợ, chiều dọn hàng phụ để tối đến cả nhà cùng bên mâm cơm trai lạt thanh đạm, đầm ấm vui vẻ thấm tình đạo vị. Tuổi trên 50, Pháp Minh vẫn giữ được nét linh hoạt, xông xáo, nhiệt tình giữa đạo và đời.
Vừa có óc tổ chức, giỏi quản lý và sáng tạo, nên giúp việc cho quý thầy khi rỗi rảnh. Vợ chồng được quý thân hữu và chư Tăng quý mến. Được biết ngày giáp năm cũng là lúc Pháp Minh tổ chức lễ tạ ân cha mẹ, có những thầy không mời mà vẫn nhiệt tình đến tham dự như người thân trong quyến thuộc, vì trong quá khứ, sướng khổ họ đều có nhau. Ai đã quen biết với vợ chồng Pháp Minh thì không thể nào xem họ chỉ là bạn xã giao, tính chung thủy của họ đã gắn chặt tình huynh đệ, tình thầy trò.
Nhân ngày tiểu tường cụ ông, Pháp Minh mời anh chị, bà con trong gia đình từ các nơi quy tụ về. Tấm phông in hình mẹ bồng con với hàng chữ:
"LỄ TẠ ƠN CHA MẸ"- CẢ CUỘC ĐỜI CHỊU KHỔ VÌ CON- với màu hồng nhạt nhẹ nhàng. Mặc dù vùng khỉ ho cò gáy, không một bóng người nước ngoài lai vãng, thế mà hàng chữ:
"PARENTS THANKSGIVING": - A LIFETIME OF HARDSHIP FOR THEIR CHILDREN- chễm chệ trên nền điểm xuyết hoa hồng cánh sen chen lẫn những vòng tròn trắng mờ, để hy vọng buổi lễ nầy sẽ trở thành truyền thống không biên giới với những ai nhớ và tri ân mẹ cha.
Gia đình anh chị và con cháu trên 10 người, sau lời của Pháp Minh quỳ bên mẹ tâm sự: "Thưa mẹ, cả cuộc đời mẹ đã hy sinh cho chúng con, cũng lắm lần con làm đau lòng cha mẹ, nay con xin sám hối tạ lỗi, xin mẹ tha thứ...
Pháp Minh ôm hôn mẹ; mặc dù cụ bà không nói rõ, nhưng cũng thể hiện sự cảm nhận lòng tri ân của con mình. Chẳng những đối với cha mẹ ruột của mình, Pháp Minh cũng tạ lễ bố vợ, xin nguyện sẽ tự tay lo cho cha mẹ vợ khi họ nằm xuống; vì bố mẹ vợ đã cho Pháp Minh một người vợ tuyệt vời. Tri ân dì em mẹ, tri ân chị anh, tỏ lòng biết ơn vợ mình đã chân tình đồng cam cộng khổ với nhau lo cho cha mẹ...
Lạy tạ.
Và rồi cám ơn chư Tăng đã tận tình với gia quyến trong ngày trọng đại nầy. Lần lượt bà con anh chị, con cháu đến bên bà chúc tụng, ôm hôn, kể cả đại đức Đồng Pháp cháu ngoại và sư cô Chúc Thông, cháu nội cũng quỳ lạy tâm sự với bà. Quý thầy cũng đến với bà bằng lời cầu nguyện. Những lọn hoa, cánh hồng cũng trao cho nhau như sự gắn bó tình thâm. Trong buổi lễ, cho dù chư Tăng hay thân hữu đều cảm nhận như chung một gia đình; không khí rộn rã vui tươi như ngày hội. Gia quyến đồng lễ tạ chư Tăng và dâng lời tri kính.
Cháu nội dâng quà cho bà.
Đây là lễ tạ ơn song đường có vẻ mới và chân thành so với những mùa vu lan cài hoa trong các đạo tràng trở thành thông lệ khuôn sáo, mà những cánh hoa trắng đã đào sâu vết đau cho những người mất mẹ, tủi thân trước những ai được hãnh diện cánh hồng khoe sắc trên ngực mình.
Bên bà nội.
Thầy Tâm Định trụ trì chùa Phổ Minh Quangcùng địa phương với Pháp Minh, thầy Bảo Nghiêm trụ trì chùa Thanh Sơn, ấp Tân Sơn, xã Châu Pha, Tân Thành - Bà Rịa Vũng Tàu vô cùng xúc động trước buổi lễ, vì quý thầy chưa được thực hiện để tạ ơn cha mẹ đang còn sống.
Thật khó, không khó vì kinh tế mà khó để anh chị em tộc họ hiểu cùng chia sẻ trong không gian mới lạ, và ngại ngùng vì suốt đời chưa một lần can đảm đối diện mẹ cha để nói lên lời thú tội đã từng gây nếp đau cho song đường lúc vô tình. Ngày nay, có biết bao người từng làm cha mẹ tủi nhục với xã hội, biết bao đấng sinh thành buồn đau, giọt nước mắt xát muối cõi lòng chỉ vì những người con ngỗ nghịch, không bao giờ biết đến ơn sanh thành dưỡng dục và trả ơn bằng sự lỗ mãng, bôi tro trét trấu vào dòng tộc tông môn.
Dâng bánh cúng dường quý thầy.
Hy vọng, sáng kiến tạ ơn nầy của Pháp Minh, không những tác động mãnh liệt đối với tộc họ, còn là tiền lệ cho những ai biết nghĩ đến mẹ cha, thay cho mùa vu lan mỗi năm chỉ một lần, mà sẽ là một lần trong bất kỳ trong năm khi sinh nhật, giỗ chạp có đủ mặt thân nhân trong giòng tộc. Đây là hình ảnh một gia đình con Phật kiểu mẫu đã được Nghệ An và Daklak nơi mặc dầu sinh sống nghèo khó, hiu quạnh nhưng đã nở những bông hoa lạ, đáng quý.
Tại buổi lễ, 3 chị em Nguyệt, Nga, Hoa ở Nghệ An cũng đã gửi hoa và trái cây vào mừng lễ tạ ân, cùng chia vui với gia đình.
Anh em trong gia đình tạ lễ.
Con trai nói chuyện với mẹ.
Gia đình cư sĩ Pháp Minh và tác giả.
Con gái tâm sự với mẹ.
Sư cô - Cháu nội tâm sự với bà.
Cư sĩ Pháp Minh tâm sự cùng mẹ
Thầy Tâm Định trao tặng thư pháp.
Vợ chồng cư sĩ Pháp Minh.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=ttQhhe8pFQA|500|500}
Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát
Nam mô Công đức lâm Bồ Tát
Nam mô Hoan hỷ tạng Bồ Tát ma ha tát.
23/10/2015
Phước Quang
Đọc bài lễ tạ ơn xong tôi cảm thấy lòng mình sung sướng như tác giả đã chia sẻ. Thật ra, vấn đề báo ân cha mẹ, tạ ơn cha mẹ..hay là bông hồng cài áo, lễ chúc thọ.v..v..đều cùng một mục đích, là để cho những người con cháu, biết nghĩ nhớ đến công ơn của ông bà, cha mẹ. Việc này chính Đức Phật đã dạy trong kinh Vu Lan rồi. Điều đáng quý của phật tử Pháp Minh là biết dựa vào đại ý của kinh Vu Lan để triển khai một mô hình Lễ Tạ Ơn rất mới mẻ, nhưng không sai lời Phật dạy, cử chỉ hành động rất thiết thực và phù hợp cho mọi gia đình, mọi hoàn cảnh. Ngần ấy thôi cũng đủ để nói lên rằng: Chúng tôi sẽ áp dụng thêm mô hình mới này để cho ngày lễ Vu Lan thêm phần phong phú, việc tổ chức lễ không còn bị co cụm ở tự viện hay nơi chùa thất nữa, mà phải được phổ cập rộng rãi trong mọi gia đình, mọi thời điểm. Thường thì các chùa đều có tổ chức Lễ Vu Lan, mừng thọ, cài hoa, phóng sanh, từ thiện nhưng cũng có chùa nặng phần nghi lễ, cúng kính cầu siêu cho phật tử, ít chăm sóc phần cha mẹ hiện tại. Vì thế ngày lễ Báo Ân đã bị biến tướng không ít. Nhưng thật đáng tiếc là trang nhà nguoiphattu.com không đăng tải video để mọi người được trực tiếp nghe phật tử Pháp Minh chia sẽ tâm sự với cha mẹ.
Hoàng Nguyệt
Qua những gì chứng kiến và học được từ " thân giáo" của anh Pháp Minh, Hoàng Nguyệt nhận thấy thật đúng là một gia đình "Phật Tử Kiểu Mẫu". Qua đây Hoàng Nguyệt xin cảm ơn gia đình anh rất nhiều, bởi cách sinh hoạt của nhà anh đã giúp cho Hoàng Nguyệt và những gia đình em của Hoàng Nguyệt thay đổi... Cầu nguyện mô hình Lễ Tạ Ơn này được nhiều người cùng biết cùng làm, để cho Đạo Hiếu được tỏa rộng vào mọi ngỏ ngách của cuộc đời và các bậc sinh thành không còn cảm thấy cô đơn, buồn khổ vì con !. Nam Mô A Di Đà Phật.
Phước Quang
Xin cám ơn nguoiphattu.com đăng tải video clip. Tôi thật bất ngờ, rất là xúc động. Không muốn khóc nhưng nước mắt cứ lăn dài trên đôi má. Lời nói quá chân thành chất phác nhưng chứa đựng đầy đạo lý, cái hay ở đây là "Lời Nói Từ Trái Tim", không bút mực giấy tờ. Thường ngày nếu ai không giữ tròn Hiếu Đạo tôi tin chắc rằng sẽ không thốt nên được một lời đạo lý với mẹ cha, khi có sự hiện diện của đầy đủ gia đình anh, chị, em, vợ, con, cháu. Cám ơn phật tử Pháp Minh đã "cấy ghép, lai tạo" thành công giống "Hoa Báo Ân" trỡ thành loài "Hoa Tạ Ơn" cho cả cộng đồng.!
Thích 28 Trả lời 10/29/2015 12:43:25 PM