;
- Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN
- Chứng minh Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Cần Thơ
- Trụ trì chùa Khánh Quang, Tp. Cần Thơ
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự THPG Tp. Cần Thơ, Môn nhơn đệ tử trọng thể tổ chức Lễ Truy điệu HT. Thích Huệ Thành – Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự THPG Tp. Cần Thơ, Trụ trì chùa Khánh Quang.
Đến tham dự có HT. Thích Giác Nhường - Ủy viên Giám luật HĐCM GHPGVN; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT. Thích Thiện Pháp – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TWGH; chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS trú xứ tại Tp. Cần Thơ; chư Tôn giáo phẩm Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; chư Tôn giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự, các thành viên Ban Trị sự THPG Tp, Cần Thơ, các Ban Đại diện quận, huỵện; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các Tự viện trong và ngoài Tp. Cần Thơ và hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử đến tham dự Lễ truy điệu và cung tống kim quan đến đài hóa thân tại huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ.
Buổi lễ có sự hiện diện của ông Lê Thành Tâm – Phó ban Tôn giáo, Dân tộc UBMTTQ Tp. Cần Thơ; ông Lý Sinh – Phó ban Dân tộc Tp. Cần Thơ; quý ông bà đại diện các Sở, ban ngành Tp. Cần Thơ, quận Ninh Kiều và phường Tân An sở tại.
HT. Thích Huệ Trường – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự THPG Tp. Cần Thơ, Phó ban Tổ chức Lễ tang cung tuyên Tiểu sử HT. Thích Huệ Thành:
“Trước khi cung tiễn kim quan Hòa thượng trà tỳ, thay lời Ban Tổ chức và Môn đồ pháp quyến, chúng tôi xin lược qua đôi dòng Tiểu sử nói về cuộc đời và công hạnh của Hòa thượng, để Chư Tôn Thiền đức và Quý Liệt vị đồng liễu tri.
I. THÂN THẾ:
Cố Hoà thượng, thượng Huệ hạ Thành, thế danh Phạm Nghĩa Hiền, sinh năm 1920, quê quán tại quận Ô Môn - Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Phụ thân là ông Phạm Văn Kỷ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn thị Sáu. Hòa thượng sinh trưởng trong gia đình thuộc tầng lớp trung nông, có truyền thống nho học, lễ nghĩa và kính tin Tam bảo.
II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Hòa thượng vốn sẵn có phẩm chất thông minh, hiếu học, nhân hậu hiền hòa lại được sinh trưởng trong một gia đình thâm nho, kính Phật trọng Tăng, nên năm 10 tuổi, được Cha Mẹ cho vào tu học tại chùa Giác Nguyên, xã Trung An, huyện Thốt Nốt (cũ) và được Hòa thượng thượng Huệ hạ Quang làm Bổn sư thế độ, ban Pháp danh Nhựt Hiền, hiệu Huệ Thành, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 41.
Năm 18 tuổi, Hòa thượng được Bổn sư chấp thuận cho thọ giới Sa di tại tổ đình chùa Ấn Quang, do Hòa thượng Thích thiện Hòa làm Giới sư truyền giới.
Năm 20 tuổi, Hòa thượng được đăng đàn thọ giới Tỳ Kheo cũng tại tổ đình chùa Ấn Quang, do Hòa thượng Thích thiện Hòa làm đường đầu Hòa thượng truyền giới.
Năm 1945, Hòa thượng về hành đạo tại một ngôi chùa thuộc xã Ngọc Chúc, quận Giồng Riềng, Rạch Giá, và tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc tỉnh Rạch Giá.
Năm 1957 – 1960, Hòa thượng tham gia khóa huấn luyện Trụ trì tại chùa Pháp Hội Sài Gòn và Khóa Như Lai Sứ giả tại chùa Tuyền Lâm, Chợ lớn do Giáo hội Tăng già Nam Việt đặt trụ sở tại chùa Ấn Quang tổ chức.
Năm 1963, Hòa thượng về hành đạo tại chùa Phật Học Cần Thơ một thời gian, sau đó được Giáo Hội Tăng già Nam Việt tỉnh Cần Thơ bổ nhiệm làm trụ trì chùa Khánh Quang, số 97 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Tân An, quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ, cho đến ngày viên tịch.
Từ năm 1964 – 1975, Hòa thượng được Viện Hóa đạo bổ nhiệm làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Phong Dinh.
III. CÔNG ĐỨC VÀ SỰ NGHIỆP:
Sinh thời, Hoà thượng luôn toả sáng với tấm gương quên mình phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, một lòng vì chúng sanh phục vụ. Với tâm nguyện trang nghiêm ngôi Tam bảo là trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian, nên Hòa thượng quyết tâm kiến tạo ngôi Già lam Tịnh cảnh chùa Khánh Quang, đồng thời cống hiến cơ sở chùa Khánh Quang cho Ban Trị sự để làm trụ sở hoạt động cho các công tác Phật sự của Tỉnh hội Phật giáo Hậu Giang từ những năm 1981, và ngày nay là Trụ sở Thành hội Phật giáo Cần Thơ.
Với tâm nguyên phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã lần lượt giữ các nhiệm vụ như:
- Trụ trì Chùa Khánh Quang.
- Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh PhongDinh.
- Thành viên Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Chứng minh Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Cần Thơ.
- Nguyên chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tỉnh Hậu Giang (cũ).
- Nguyên ủy viên UBMTTQVN Tp Cần Thơ (Tỉnh Hậu Giang (cũ).
Trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp tại chùa Khánh Quang cũng như tham gia khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hòa thượng được Giáo hội cũng như các cấp chính quyền tặng khen:
- 05 Bằng Tuyên dương công đức
- 01 Huân chương kháng chiến hạng nhất
- 01 Huy chương Đại đoàn kết dân tộc
- 01 Huy chương Chữ thập đỏ
- 02 bằng khen, 02 giấy khen do UBND và UB.MTTQ tỉnh Cần Thơ tặng.
Những năm đầu đất nước mới lập lại hoà bình, đời sống nông nghiệp dân chúng còn gặp nhiều khó khăn, Ngài hăng hái động viên Chư Tăng, Ni và bản thân Hòa thượng cũng tích cực tham gia vào công tác Phật sự tại tỉnh Phong Dinh, Cần Thơ và Hậu Giang (cũ).
IV. CÔNG VIÊN QUẢ MÃN.
Tuy là một giáo phẩm, nhưng cuộc sống của Ngài rất bình dị, tạo ra sự thân thiện và đồng cảm với mọi người. Đối với Hoà thượng tất cả những việc Ngài đã làm, đều chỉ là phương tiện trong quá trình hoằng pháp lợi sanh, luôn tuỳ thuận lý vô thường của nhân thế.
Hạnh nguyện hoằng pháp Ngài đến hồi viên mãn, phải từ bỏ nhục thân, để trở về cõi chơn thường, tịnh lạc, nên Ngài đã thu thần viên tịch vào lúc 18 giờ 40, ngày 24 tháng 08 năm Tân Mão, nhằm ngày 21/09/2011 tại chùa Khánh Quang, phường Tân An, quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ, trụ thế 92 năm, hạ lạp 72 năm.
Cuộc đời tu học và hành đạo của cố Đại lão Hoà thượng thượng Huệ hạ Thành, để lại cho Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Tăng Ni, Phật tử Thành hội Phật giáo Cần Thơ nói riêng và Môn đồ Pháp quyến cùng tín đồ Phật tử những buồn thương và kính tiếc.
Thế là Hòa thượng hạnh nguyện đã tròn, công viên quả mãn, Ngài đã trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư người con Phật, Pháp hữu đồng môn và trong trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại”.
HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS đọc lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội, Thành hội Phật giáo Tp. Cần Thơ:
“Trước khi cử hành lễ cung tống kim quan Hòa thượng đến đài hỏa táng để trà tỳ, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Cần Thơ và Tăng Ni, Phật tử có đôi lời tưởng niệm.
Kính bạch Giác linh Hòa thượng,
Nhớ Giác linh xưa, từ chân tánh hiện thân Đại sĩ, giữa phàm trần không nhiễm hồng trần. Nước sông Hậu thao thao dòng Phật thủy, đất Ô Môn gió quyện mây từ. Hòa thượng vốn sẵn có duyên lành, nên đã phát chí xuất trần từ thuở nhỏ, 10 tuổi chốn cửa không lánh tục cầu chơn, nêu cao chí cả, Tổ Huệ Quang thế phát xuất gia, ban Pháp húy Nhựt Hiền, hiệu Huệ Thành, nối dòng Pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Kể từ đó, đường giải thoát lâng lâng nhẹ gót, vượt trần gian siêu thoát luân hồi, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi mãi ở trong.
Buổi đầu xuất gia học đạo, Hòa thượng đã thường hằng tinh tấn, chuyên cần công phu công quả, vun bồi cội đức, phước huệ trang nghiêm. Rồi đến độ tâm hoa khai phát, trường tuyển Phật bước vào, theo luật Phật định kỳ, năm 20 tuổi Hòa thượng đã đăng đàn thọ giới Tỳ kheo, chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam Bảo tam tôn kế vị, trao giồi Tam Vô lậu học.
Bằng thuận duyên đầy đủ, Hòa thượng đã theo học Khóa Huấn luyện Trụ trì tại chùa Pháp Hội Sài gòn, rồi đến Khóa Như Lai Sứ giả do Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức tại chùa Tuyền Lâm – Chợ Lớn. Sau bao năm nghiên tầm giáo điển, tinh sưu nghĩa lý, thấu lẽ huyền vi, trí tuệ khai thông, suối nghĩa dạt dào, diệu dụng vô phương, đèn lòng sáng tỏ, tùy thuận chân như, tâm từ tỏa ngát, Hòa thượng đã tiếp tục thắp sáng đèn Thiền Lâm tế Nguyên Thiều, tục Phật huệ đăng, nối dõi dòng Thánh, Trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng.
Bằng hạnh nguyện lợi tha, thể hiện tinh thần Đẹp đời tốt Đạo, khi nước nhà lâm cơn nguy biến, với lòng yêu nước nồng nàn, vào những năm 1945, Hòa thượng đã tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc Nam bộ, đóng góp nhiều công sức cho phong trào, góp phần đem lại độc lập, tự chủ cho dân tộc. Nhất là sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Hòa thượng là Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước tỉnh Hậu Giang.
Khi nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum hợp, Hòa thượng đã góp phần viết nên trang sử mới sáng ngời cho Phật giáo Việt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Hậu Giang (nay là Thành hội Phật giáo Tp. Cần Thơ) trong những ngày đầu của lịch sử, thể hiện trọn vẹn nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của Tăng Ni, Phật tử cả nước trong suốt 2000 năm lịch sử truyền thừa. Như cổ đức nói:
“Mỗi người mỗi nước mỗi non
Khi vào cửa Phật như con một nhà
Cùng nhau thực hiện lục hòa
Chúng sinh lợi lạc, chan hòa tình thương”.
Với đức độ từ hòa, Hòa thượng đã được Tăng Ni, Phật tử thành phố Cần Thơ cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự; được Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2007 – 2012 cung thỉnh vào ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Qua 92 năm trụ thế, 72 năm đóng vai trò Long tượng trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, Hòa thượng đã cùng Chư Tôn đức mở Trường Phật học đào tạo tăng tài, thuyết giảng Phật pháp, khai mở Đại Giới đàn để cho từng đàn Giới tử, Phật tử xa gần, chan hòa giới đức, giới thể chân viên, tín tâm kiên cố, đạo nghiệp tinh chuyên và đã trở thành những pháp khí Đại thừa, hoằng truyền đạo cả, tốt Đạo đẹp Đời, chan hòa trong lòng dân tộc.
Trên ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam Bảo là trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian, Hòa thượng đã nổ lực trùng tu Chùa Khánh Quang - Trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo Phong Dinh, Hậu Giang và Thành hội Phật giáo Tp. Cần Thơ được tốt đẹp, khang trang, như các bậc Tổ đức đã hằng tâm nguyện:
“Nguyện đem thân tứ đại nầy,
Tô bồi Đạo pháp, đắp xây đạo tràng.
Cúng dường Tam bảo trang nghiêm,
Làm cho Đời Đạo ngày càng đẹp tươi.
Người người no ấm, thảnh thơi.
Thế gian hạnh phúc, muôn nơi thái bình”.
Thế những tưởng, trên bước đường phụng sự Đạo pháp, phục vụ chúng sinh, Hòa thượng còn tiếp tục lâu hơn nữa để đóng góp cho các hoạt động của Giáo hội, Phật giáo Thành phố Cần Thơ và Quận Ninh Kiều, nào ngờ đâu, Hòa thượng đã thuận pháp vô thường, thu thần viên tịch, để lại đây bao niềm thương tiếc khó nguôi.
Sự ra đi vĩnh viễn của Hòa thượng là một sự mất mát lớn lao đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Cần Thơ, Môn đồ pháp quyến, và Tăng Ni, Phật tử nói chung. Sự mất mát này, chúng tôi cũng như Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam không sao tìm lại được trong cuộc đời nhân thế của kiếp hiện tại. Hởi ôi !
“Người xưa nay đã còn đâu
Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương
Ra vào lòng dạ vấn vương
Bóng hình đại sĩ muôn phương một màu”
Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn độ người như huyễn, tử sanh nào có khác gì, nương thuyền từ cứu độ kẻ trong mê, nên Hòa thượng đã đến và đi tự tại, như cánh nhạn trong không, bóng trăng in đáy nước. Quả thật:
Trải thân tâm phụng sự cỏi trần,
Trần duyên mai một pháp thân sáng ngời.
Hôm nay, trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt này, Cố Hòa thượng hóa duyên đã mãn, trong pháp giới vô biên, Hòa thượng đã ngao du tự tại, vận thần thông đoạn ngự cửu liên đài, xả báo thân, chứng nhập pháp thân, siêu tịnh độ không rời uế độ. Giờ đây, trước Linh đài Hòa thượng, chúng tôi trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Thành hội Phật giáo Cần Thơ là những người bạn đồng hành, đồng sự pháp lữ đại thừa trong Chánh pháp, đồng thắp nén tâm hương kính tiễn Giác linh Hòa thượng Cao đăng Phật quốc và chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng tiếp tục phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Cần Thơ và các Phật sự mà Hòa thượng còn dang dỡ.
Thôi, nơi thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, Giác linh Hòa thượng hãy ngao du tự tại, tùy duyên thể hiện nhân thân, tiếp tục hạnh nguyện độ sanh trong những kiếp lai sinh của trần thế.
Xin bái biệt Hòa thượng”.
Tiếp theo chương trình, chư Tôn giáo phẩm đồng dâng hương tưởng niệm và Ban Kinh sư cử hành nghi thức phụng tống kim quan đến đài hóa thân tại huyện Phòng Điền.
Chư tôn giáo phẩm Lãnh đạo GHPGVN viếng lễ tang HT. Thích Huệ Thành
HT. Thích Thiện Nhơn thay mặt Lãnh đạo GHPGVN ký sổ tang lưu niệm
Chư tôn giáo phẩm tham dự lễ truy điệu
Môn đồ
Quang cảnh lễ truy điệu
HT. Thích Giác Nhường đọc lời tưởng niệm của BTS Tp. Cần Thơ
Đại diện môn đồ dâng lời cảm niệm ân sư
HT. Thích Thiện Sanh sám chủ nghi thức cung tống kiêm quan
Theo : GHPGVN.VN