;
GS.TS. Trần Chung Ngọc quy y với HT. Thích Tuệ Đăng tại chùa Văn Thánh, Sài Gòn với pháp danh Phúc Lâm. Năm 1972, giáo sư tốt nghiệp Tiến sĩ Vật Lý tại trường Đại Học Wisconsin – Madison, Hoa Kỳ. Với tư cách là một nhà Vật Lý học, Giáo sư đã giảng dạy và làm việc tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới. Đến năm 1996, sau khi về nghỉ hưu, Giáo sư bắt đầu nghiên cứu về các vấn đề lịch sử Việt Nam, các vấn đề tôn giáo và các vấn đề Phật giáo và khoa học.
Tại lễ tưởng niệm, TT. Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ, Tổng biên tập Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay, đã chia sẻ: “GS.TS. Trần Chung Ngọc là nhà tri thức lớn của Phật giáo Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Với 5 quyển sách chuyên khảo, 16 quyển sách viết chung và hơn 200 bài nghiên cứu mang tính học thuật của giáo sư Ngọc về tôn giáo và lịch sử Việt Nam là những đóng góp to lớn về mặt tri thức và phương pháp, nhằm giúp cho độc giả rộng mở tầm nhìn về tôn giáo, Phật giáo và khoa học.”
Kế tiếp, ĐĐ. Thích Nhật Thiện – Phó trụ trì chùa Giác Ngộ đã tuyên đọc điếu văn tưởng niệm, ôn lại cuộc đời và những công lao đóng góp của vị cố giáo sư – một tri thức Phật tử lỗi lạc. Tiếp theo là phần nghi thức tưởng niệm và thời kinh cầu siêu của chư Tăng và Phật tử chùa Giác Ngộ.
Trong buổi lễ, TT. Thích Nhật Từ còn chia sẻ các kỷ niệm hợp tác với GS Ngọc trong việc xuất bản quyển Vạch trần âm mưu phá ngầm Phật giáo và quyển Phật giáo và Khoa học.
Mảng đề tài Phật giáo và khoa học là một vấn đề rất khó viết, trên thế giới chỉ có một vài tác phẩm và vài chục bài viết bằng tiếng Anh. Để đào sâu và phân tích vấn đề dưới góc độ vũ trụ luận từ quan điểm của một nhà Vật lý đích thực như cố giáo sư Trần Chung Ngọc là rất ít.
Về mảng lịch sử Việt Nam, Giáo sư Trần Chung Ngọc là nhà nghiên cứu đánh giá lại các vấn đề về lịch sử Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc và cận hiện đại. “Các vấn đề về nguồn gốc của các tôn giáo mới tại Việt Nam, các hoạt động về tình báo, gián điệp núp danh hoặc tín đồ các tôn giáo đó góp phần làm cho Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp” được GS Ngọc đánh giá lại. Các dữ liệu được Giáo sư nghiên cứu rất có giá trị về phương diện học thuật, khai thông nhiều vấn đề về lịch sử Việt Nam cận đại.
Về mảng tôn giáo, Giáo sư Ngọc là người nghiên cứu chuyên sâu với hơn 200 bài có giá trị học thuật. Giáo sư cũng là tác giả của 5 tác phẩm tầm vóc và đồng tác giả của 16 quyển sách chuyên khảo có chiều sâu khác.
Những điều nói trên cho thấy những đóng góp to lớn về phương diện học thuật của giáo sư Ngọc là rất đáng trân trọng, khó có tác giả hay nhà nghiên cứu nào có thể sánh kịp.
Tại buổi lễ tưởng niệm, TT. Thích Nhật Từ đã ôn lại những kỷ niệm với cố giáo sư khi Thượng tọa đang du học tại Ấn Độ cho đến dịp đàm đạo khi TT. Thích Nhật Từ hoằng pháp tại Hoa Kỳ những năm 2004, 2006, 2007, 2008. Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay từ khi mới thành lập đã đăng tải rất nhiều bài viết có giá trị của Giáo sư Ngọc.
TT. Thích Nhật Từ cho biết, buổi lễ tưởng niệm cố giáo sư Trần Chung Ngọc hôm nay không chỉ vì mối thâm tình giữa Thượng tọa và cố giáo sư mà còn là để tưởng nhớ những đóng góp to lớn về các vấn đề lịch sử Việt Nam cận đại, về tôn giáo Việt Nam và về mối liên hệ giữa Phật giáo và khoa học. Theo Thượng Tọa, số lượng các cư sĩ Phật tử tri thức là quá ít. Những tri thức Phật tử như cố giáo sư Trần Chung Ngọc lại càng hiếm hoi, cả trong nước lẫn ngoài nước.
Nhân buổi lễ, TT. Thích Nhật Từ cũng đã gửi lời chia buồn đến gia đình và cầu nguyện cho hương linh cố Giáo sư Trần Chung Ngọc được vãng sanh về cảnh giới an lành của chư Phật.
Một số hình ảnh ghi nhận.