;
1. Dẫn nhập
Ở Việt Nam, đạo Phật là tôn giáo có chiều dài lịch sử lâu đời (hơn 2000 năm). Nếu thời gian là thước đo của chân lý thì với bề dày lịch sử đó, đạo Phật đã khẳng định chân giá trị của mình trên đất nước này. Đồng thời đây cũng là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất. Theo báo cáo của Ban Tăng sự trong Hội nghị kỳ 4 khóa VII Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tính đến năm 2015 cả nước có: 49.493 tăng ni (gồm: 36.625 Bắc tông, 8.690 Nam tông Khmer, 824 Nam tông kinh, 3.354 Khất sĩ); 17.376 ngôi tự viện (gồm: 14.780 chùa Bắc Tông, 454 chùa Nam Tông Khmer, 73 chùa Nam tông Kinh, 550 tịnh xá, 467 tịnh thất, 998 niệm Phật đường, 54 chùa Hoa); hơn 10 triệu tín đồ đã quy y (chưa kể đến hàng chục triệu người có cảm tình, tín ngưỡng Phật giáo.
Với vị thế như vậy, Phật giáo đã trở thành tôn giáo của dân tộc Việt Nam, luôn đồng hành và phát triển cùng với dân tộc trong mục tiêu đoàn kết, xây dựng đất nước, xây dựng con người, xây dựng xã hội ngày một toàn diện, tiến bộ. Ngày nay, Phật giáo là ngôi nhà chung vững chãi, ấm cúng của mọi tín đồ Phật giáo và là địa chỉ đáng tin cậy, thân thương để mọi người dân Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước đặt niềm tin. Niềm tin vào đạo Phật mang lại cho tín đồ những giá trị tích cực, gắn kết con người lại với nhau, bù đắp những hụt hẫng trong đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống an lạc ngay trong hiện tại, giúp cho họ thực tập lòng từ bi, hướng đến cái thiện một cách thực tế, tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua những khó khăn, thách thức để vươn tới một tương lai tươi sáng.
Bài viết này dựa trên thực trạng về niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo (nghiên cứu trên thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất một số kiến nghị góp phần vào việc củng cố và phát triển niềm tin tôn giáo đúng đắn, tích cực cho tín đồ Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay.
2. Thực trạng niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo
Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thực trạng niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo Tp.HCM trong 4 năm (từ tháng 05/2014 đến tháng 03/2017). Kết quả cho thấy:
- Trong tổng số tín đồ theo đạo Phật ở thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết họ đều có biểu hiện niềm tin tôn giáo và niềm tin này rất vững chắc, rất sâu sắc. Trong đó, chỉ số mức độ niềm tin vào giáo lý là cao nhất, tiếp theo là niềm tin vào đức Phật, niềm tin vào bản thân và cuối cùng là niềm tin vào tăng đoàn. Bốn mặt biểu hiện niềm tin này có mối tương quan chặt chẽ với nhau.
- Tất cả tín đồ đều tin vào đức Phật và mức độ niềm tin rất vững chắc, rất sâu sắc. Sở dĩ họ tin vì họ hiểu được vai trò to lớn của Ngài đối với nhân loại và vì Ngài là nhân vật có thật trong lịch sử. Tín đồ tin rằng Phật hiện diện trong đời sống tỉnh thức của họ, trong sự thành tâm cầu nguyện, qua lời kinh tiếng kệ và khắp nơi trong cuộc sống. Cùng với niềm tin vào sự hiện diện, tín đồ tin tưởng rằng đức Phật có khả năng soi đường chỉ lối, tiếp thêm ý chí nghị lực cho họ trong cuộc sống và dĩ nhiên đức Phật sẽ luôn từ bi hóa độ những con người tội lỗi, sa ngã.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
- Tất cả tín đồ đều tin vào giáo lý và niềm tin rất vững chắc, rất sâu sắc. Họ cho rằng, giáo lý là chân lý đúng đắn do chính đức Phật chỉ dạy. Đối với một số giáo lý được khảo sát, tín đồ có mức độ niềm tin cao nhất vào nhân quả nghiệp báo, sau đó là sự khổ, luân hồi, Niết bàn và cuối cùng là địa ngục. Trong đó, Niết bàn có ảnh hưởng mạnh nhất đến niềm tin tôn giáo của tín đồ, ngược lại, địa ngục ảnh hưởng thấp nhất.
- Hầu hết tín đồ có niềm tin tăng đoàn, và niềm tin ở mức vững chắc, sâu sắc. Sở dĩ có niềm tin như vậy vì một mặt tăng đoàn là một trong ba ngôi quý báu kết thành Tam bảo có vai trò thay Phật truyền trao giáo lý đến tín đồ, mặt khác vì đức tin. Trong các cách thức thiết lập niềm tin vào tăng đoàn thì hai tiêu chí phẩm hạnh và khả năng hướng dẫn Phật tử tu học được tín đồ đánh giá cao nhất.
- Hầu hết tín đồ đều có niềm tin vào bản thân và niềm tin ở mức vững chắc, sâu sắc. Có niềm tin như vậy vì họ được đạo Phật dạy phải tin vào bản thân, tin vào quyền tự quyết định số phận của mình. Một số ít tín đồ chưa có niềm tin này bởi họ còn tự ti bản thân và nghĩ rằng số phận đã được định sẵn, hoặc do thiếu sức khỏe, trình độ,...
- Về các yếu tố ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh:
1) Các yếu tố khách quan:
Tín đồ đánh giá bản thân đạo Phật và văn hóa dân tộc ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của họ, còn gia đình và kinh tế - chính trị - xã hội ảnh hưởng ở mức trung bình.
2) Các yếu tố chủ quan:
Nhận thức phù hợp với quan điểm đạo Phật, tình cảm tích cực với đạo Phật và các hành vi tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến niềm tin tôn giáo của tín đồ. Nhận thức chưa phù hợp và tình cảm tiêu cực không thể hiện mối quan hệ có ý nghĩa đối với niềm tin tôn giáo.
Niềm tin tôn giáo ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý tín đồ. Nổi bật nhất là mặt nhận thức; nhờ có niềm tin này họ biết sống vị tha với mọi người; xây dựng đời sống đạo đức ngày một tốt đẹp hơn; hiểu được hạnh phúc hay khổ đau là do mình quyết định; thay đổi một số sinh hoạt: bớt cúng mặn, sát sanh, bói toán, thực hiện ăn chay, niệm Phật, từ thiện,… Biết trân trọng tình cảm gia đình và từ bỏ các thói quen, tật xấu có hại cho bản thân, gia đình, xã hội.
3) Đề xuất một số kiến nghị góp phần củng cố và phát triển niềm tin tôn giáo đúng đắn, tích cực cho tín đồ Phật giáo Việt Nam:
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thực trạng ở tín đồ Phật giáo TP.HCM, chúng tôi xin được nêu lên một số kiến nghị có ý nghĩa đối với Phật giáo TP.HCM nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung như sau:
- Đối với Ban Tôn giáo Chính phủ
Ban Tôn giáo là đầu mối liên hệ giữa chính quyền Nhà nước với các tổ chức tôn giáo trong nước. Xuất phát từ nhiệm vụ, chức năng của mình, Ban Tôn giáo cần thường xuyên tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo đến tăng ni, tín đồ nhằm giúp họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng lành mạnh, phù hợp với pháp luật Nhà nước. Đồng thời, qua đó tiếp thu tâm tư, nguyện vọng của tăng ni, tín đồ đề xuất với chính quyền Nhà nước kịp thời tạo điều kiện, giải quyết những yêu cầu chính đáng liên quan đến đời sống tôn giáo của tín đồ.
Được như vậy họ sẽ “Kính Phật – Phụng đạo – Yêu nước”, và thực hiện tốt các yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, niềm tin tôn giáo có vai trò to lớn đối với đời sống tâm lý tín đồ Phật giáo ở hiện tại và tương lai. Do vậy cần tích cực thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tôn giáo, tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho công tác xây dựng và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo.
- Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Để định hướng, xây dựng niềm tin tích cực, đúng đắn cho tín đồ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải xây dựng những chuẩn mực về niềm tin sao cho phù hợp với quan điểm đạo Phật, với văn hóa dân tộc, đồng thời đáp ứng được sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước hiện nay. Từ đó, phổ cập các chuẩn mực này đến tăng ni, phật tử nắm rõ để thực hành theo.
Việt Nam được xem là trung tâm văn hóa, là cửa ngõ giao lưu với các nước khu vực và thế giới, cho nên không thể tránh khỏi sự du nhập của các trường phái Phật giáo cùng các hiện tượng tôn giáo mới. Điều này góp phần làm cho sinh hoạt Phật giáo ngày một phong phú, đa dạng, tạo nên sắc thái tâm linh độc đáo. Song, mặt trái lại tạo nên sự hoang mang về việc chọn lựa pháp môn tu học, dẫn đến hiện tượng nhạt đạo, cải đạo của một bộ phận tín đồ do chưa nắm rõ giáo lý. Vì thế, Giáo hội cần tổ chức các hội thảo khoa học, các buổi tọa đàm để nghiên cứu chiến lược, phương hướng hoạt động làm sao vừa giữ gìn bản sắc Phật giáo dân tộc vừa nâng cao số lượng tín đồ trong thời đại mới.
|
|
Tín đồ có niềm tin sâu sắc hay không là nhờ có tăng đoàn. Tăng đoàn là tấm gương về nhân cách, định hướng về tâm linh cho tín đồ và người dân tin theo. Nhưng hiện nay vấn đề đạo hạnh đang không được duy trì tốt ở một bộ phận tu sĩ làm giảm đi niềm tin của tín đồ và hạ thấp uy tín Giáo hội. Do đó, Giáo hội cần có giải pháp xây dựng tăng đoàn mô phạm, trang nghiêm, thanh tịnh như: Kết hợp Ban Trị sự các tỉnh, thành xử lý kịp thời, nghiêm minh các tu sĩ phạm giới; vấn đề thọ giới, an cư cần được tiến hành nghiêm túc; tổ chức khóa tu tập trung cho tăng ni để phổ cập những pháp môn tu tập, phổ biến đường hướng sinh hoạt Giáo hội; chọn người có tài, có đức, am hiểu Phật pháp, nội lực tu tập ra làm trụ trì.
Hiện nay tín đồ Phật giáo bao gồm nhiều thành phần xã hội và phát triển khá nhanh về số lượng. Do tính chất phổ biến, đa dạng đó Giáo hội cần phải quan tâm hơn về chất lượng tín đồ để có sự tương xứng với số lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy những nhận thức đúng đắn về đạo Phật có ảnh hưởng nhiều đến niềm tin tôn giáo của tín đồ, mặt khác, nhu cầu tu tập giải thoát của tín đồ chưa cao, tính đời trội hơn tính đạo. Vì thế, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử cần kết hợp với trụ trì các chùa mở lớp giáo lý; đạo tràng tu học; câu lạc bộ Phật pháp các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; giảng kinh, luật, luận. Được như vậy tín đồ mới có nền tảng xây dựng niềm tin đúng đắn, sâu sắc.
Nghiên cứu phản ánh nhóm tín đồ ở độ tuổi thanh thiếu niên và ở trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên có biểu hiện niềm tin tôn giáo thấp hơn các nhóm khác do không có kiến thức sâu sắc về Phật giáo. Do đó, Ban Trị sự Phật giáo thành phố cần hướng dẫn các chùa nâng cao nhận thức của họ về Phật giáo bằng cách lồng ghép vào các chương trình phụ đạo ngoại ngữ, tin học, các buổi chia sẻ kỹ năng sống, thảo luận chuyên đề, các hoạt động thiện nguyện mang tính chất dấn thân, hy sinh và phụng sự, các khóa tu dành cho học sinh, sinh viên,… để giúp họ vừa trau dồi thêm các kỹ năng cần thiết trong học tập, nghề nghiệp lại vừa được hiểu biết hơn về Phật pháp.
Kết quả nghiên cứu còn phản ánh hành vi tôn giáo có ảnh hưởng nhiều đến niềm tin tôn giáo của tín đồ. Vì thế, Giáo hội cần tích cực phổ biến các chương trình hoạt động thực tiễn gắn với cuộc sống xã hội như: lễ hội, văn nghệ, hành hương, hội trại, an sinh xã hội, các việc làm ích đạo lợi đời thể hiện tinh thần nhập thế Phật giáo vào cuộc sống. Thông qua các hoạt động đó tín đồ vừa thỏa mãn hành vi tôn giáo, vừa trau dồi kiến thức Phật học, đồng thời áp dụng Phật pháp vào đời sống sinh động nhất.
- Đối với tăng ni trụ trì
Bản thân các vị trụ trì cùng tăng ni tại các chùa cần nâng cao trình độ hiểu biết ngoại ngữ, công nghệ thông tin để đa dạng hóa các hình thức hoằng pháp, đồng thời, phổ biến kiến thức Phật học, các thông tin hoạt động Phật giáo trong nước và thế giới. Trụ trì các chùa cần tiếp thu bản sắc văn hóa dân tộc để làm giàu bản sắc văn hóa Phật giáo nhưng cần loại bỏ những gì mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến niềm tin tín đồ, người dân vào Phật giáo.
Bản thân Phật giáo chính thống không công nhận các hình thức mê tín, không đặt số phận con người vào sự quyết định của thần thánh, đấng tối cao, lực lượng siêu nhiên để lễ cúng, cầu may, cầu phúc, cúng sao giải hạn, bói toán, xem quẻ,… Tuy nhiên, một số cơ sở Phật giáo hiện nay vẫn lạm dụng các hành vi này khiến cho không ít tín đồ, người dân đã có niềm tin sai lạc về Phật giáo vì thế các trụ trì cần kiên quyết chỉnh sửa hoặc loại bỏ để hướng dẫn tín đồ tiến hành các sinh hoạt Phật giáo phù hợp hơn.
Trong thời khóa tu tập hàng ngày, các chùa thường sử dụng nghi thức tụng niệm âm Hán. Nhiều tín đồ không có kiến thức Hán ngữ không hiểu kinh nói gì, cho nên để tín đồ nâng cao nhận thức, tình cảm, hành vi theo hướng tích cực, từ đó có niềm tin tôn giáo ngày thêm sâu sắc. Trụ trì các chùa nên áp dụng nghi thức tụng niệm Việt hóa có nội dung chuyển tải giáo lý căn bản, phổ thông, thiết thực để tín đồ áp dụng tu tập chuyển hóa phiền não, khổ đau. Ngoài ra, việc hướng dẫn tín đồ tại các khóa tu, ngày lễ cần giao cho những tu sĩ có kiến thức, nội lực, kinh nghiệm hành trì.
Nghiên cứu cho thấy tình cảm càng tích cực, càng có ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo của tín đồ. Trụ trì các chùa, người lãnh đạo tâm linh cho tín đồ, cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống hàng ngày của tín đồ để họ cảm nhận được sự gần gũi của chư tăng. Sẵn sàng chia sẻ những thành công, thất bại, vui buồn trong cuộc sống. Từ đó, họ đặt trọn niềm tin vào Tam bảo và trở thành người hộ trì đắc lực cho Phật giáo.
- Đối với tín đồ phật tử
Nghiên cứu chỉ ra rằng, tình cảm tích cực với bản thân có ý nghĩa quan trọng đối với niềm tin tôn giáo nói chung, niềm tin vào bản thân nói riêng. Vì thế, tín đồ cần không ngừng rèn luyện, học hỏi, nâng cao sự hiểu biết về các giá trị tốt đẹp nơi bản thân để từ đó nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, lành mạnh. Việc làm này giúp tín đồ tự tin hơn vào bản thân, đồng thời cũng nâng cao niềm tin tôn giáo của chính mình.
Nếu có niềm tin mà không có sự học hỏi Phật pháp để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, làm lợi ích cho bản thân, gia đình, xã hội thì niềm tin đó có thể mang tính chủ quan, cảm tính, thậm chí là mê tín. Vì thế, tín đồ cần phải tự mình nghiên cứu, học hỏi giáo lý hoặc tham dự các khóa tu, các lớp giảng dạy giáo lý để nâng cao kiến thức Phật học, điều chỉnh nhận thức, củng cố niềm tin theo hướng đúng đắn, tích cực.
Phải luôn ý thức về bổn phận đối với bản thân, gia đình, xã hội, đạo Phật để không ngừng học tập, rèn luyện, điều chỉnh bản thân, hoàn thiện nhân cách, đóng góp công sức, trí tuệ cho lợi ích chung của gia đình, đạo pháp và dân tộc.
4. Kết luận
Dân tộc Việt Nam có duyên là đã tiếp nhận đạo Phật và xây dựng nên Phật giáo Việt Nam, đạo Phật có duyên là tìm được chỗ đứng trong lòng dân tộc Việt Nam. Ngày nay Phật giáo Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữa gìn hồn thiêng sông núi và chuẩn mực đạo đức con người. Các tầng lớp nhân dân trong xã hội đã và đang tìm thấy ở Phật giáo nhiều giá trị hữu ích. Đây là điều kiện thuận lợi cho niềm tin vào Phật giáo phát triển.
Bài tham luận này đã điểm qua một số kết quả chung về thực trạng niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo Tp.HCM hiện nay; thông qua đó, mạn phép đề xuất một số kiến nghị mang tính thiết thực nhằm giúp Giáo hội và các ban ngành liên quan có cơ sở khoa học đề ra giải pháp phù hợp nhằm nâng cao đời sống tinh thần của tín đồ, phát huy vị thế Phật giáo, góp phần thúc đẩy đất nước thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược phát triển; đồng thời giải quyết mối quan hệ giữa tôn giáo với quá trình đổi mới ở Việt Nam.
Thích Không Tú - Chùa Bửu Đà, Tp.HCM
Cơ quan: Học viện Khoa học Xã hội
Email: thichkhongtu52@gmail.com
Điện thoại: 0933668332
Địa chỉ: Chùa Bửu Đà, 419/11 CMT8, P.13, Q.10, Tp.HCM.
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII