Trong mười năm đầu, toàn hệ thống Giáo hội từ trung ương đến địa phương đã phải vượt qua rất nhiều lực cản của những quan điểm, tư duy của quá khứ để lại và rất nhiều vấn đề khác phải được khắc phục trong điều kiện Giáo hội còn non trẻ, đặc biệt là công tác giáo dục. Để có được những thành tựu như hôm nay, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tranh thủ mọi thuận duyên, từng bước khắc phục một vài nghịch duyên; kế thừa và phát huy những kinh nghiệm trong quản lý, điều hành Giáo hội của các bậc Tiền bối Phật giáo; vận dụng và sáng tạo nhiều chương trình Phật sự phù hợp với điều kiện của một tổ chức Giáo hội mới thành lập; đáp ứng cơ bản những lợi ích hợp pháp của các hệ phái thành viên Giáo hội, nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như các kiều bào Phật tử. Trên chặng đường không ngừng phát triển ấy, vấn đề giáo dục được Lãnh đạo Giáo hội xem là một trong những công tác trọng tâm, là đại kế trăm năm để đào tạo những người con Phật có đầy đủ tư cách, phẩm chất, năng lực, trình độ Phật học uyên thâm để hưng long đạo pháp, phát triển Giáo hội trong từng giai đoạn cụ thể và ở tương lai xa. Bởi lẽ, con người là trung tâm làm nên việc giáo dục, đào tạo là rất quan trọng, công tác giáo dục, đào tạo là việc làm không phải là việc làm một hai ngày mà cả một quá trình sống của con người. Phật giáo là một thành tố của xã hội, Tăng Ni là những cá thể đang và sẽ tồn tại trong cộng đồng xã hội; Tăng Ni cũng là một con người bằng xương thịt tồn tại trong một xã hội tiến bộ, văn minh và không thể tách rời đời sống xã hội để tồn tại.
Như thế không thể có một Giáo hội ổn định và phát triển khi nguồn nhân lực Tăng Ni trẻ kế thừa không được đào tạo chính quy. Đức Phật và các bậc tiền nhân qua các thời kỳ Giáo hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục. Lật từng trang sử, chúng ta dễ dàng nhận ra Giáo hội thời Đức Phật cực thịnh, Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần rất phát triển. Nguyên nhân chính của sử phát triển này chính là Đức Phật và các bậc tiền nhân luôn chú trọng đến công tác giáo dục. Phật giáo Việt Nam có những giai đoạn suy vi, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung là công tác giáo dục không được xem trọng. Chính từ nhận thức công tác giáo dục là đại kế trăm năm, để Phật giáo Việt Nam kết thúc một tiến trình dài suy thoái, thập niên 30 của thế kỷ 20, Chư Tôn đức ba miền đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo. Trọng tâm của phong trào này là đẩy mạnh công tác giáo dục, chùa nào cũng mở lớp gia giáo, nhiều Phật học viện được thành lập ở khắp 03 miền và hôm nay nhiều bậc Tôn đức kiệt xuất lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều xuất thân từ phong trào này.
Hiện nay, một vấn đề được đặt ra là tại sao khi công tác giáo dục hiện nay được các cấp Giáo hội đặc biệt quan tâm, nhưng trình độ Phật học lẫn thế học của một số Tăng Ni trẻ chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước và Giáo hội. Chúng ta thấy Đức Phật luôn luôn khuyến tấn các đệ tử xuất gia hãy tinh cần trong tu học ". . . việc học như đại dương dung nạp các dòng nước từ sông ngòi chảy vào biển. Và cuối cùng đại dương chỉ có một vị, đó là vị mặn. . .". Khái niệm Tu học đã được xác định từ thời Đức Phật còn tại thế và nó vẫn còn nguyên giá trị cho ngày hôm nay.
Theo lời Đức Phật dạy trong khế kinh, muốn hoàn thiện quá trình tu tập, ngoài việc nỗ lực tu tập để đoạn trừ các kiết sử, các lậu hoặc, thành tựu đạo lý của bậc xuất trần thượng sĩ, các đệ tử xuất gia phải nỗ lực thành tựu Ngũ minh. Trong đó Nội minh là sự kết thúc của một quá trình nỗ lực tu học. Chỉ có nội minh mới tạo thành một con người có đầy phẩm chất, tư cách đạo đức và năng lực giải thoát.
Lịch sử đã để lại những bài học quý cho hôm nay, khi Phật giáo mới hình thành, chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển và có ảnh hưởng rất lớn tại Ấn Độ. Một đất nước có nền văn hóa lâu dài như Ấn Độ cổ đại, chúng ta thấy ngoài uy đức và tài trí của Đức Phật, các Thánh đệ tử hoàn thiện nội minh, vì thế mà nhiều người có niềm tin tôn giáo khác đã quy y với Đức Phật. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Phật giáo tiếp tục phát triển cũng trên nền tảng vững chắc này. Và khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, trong quá trình hoằng dương chánh pháp, các bậc Tổ sư người Việt đã dùng ngũ minh, trong đó nội minh là chính để thu phục lòng người. Cho nên, các bậc Tổ sư người Việt vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà y học lừng danh, xuất chúng, đồng thời vừa là bậc chân tu như các ngài Khuông Việt, Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Tuệ Tĩnh .v..v…
Khi đề cập đến sự phát triển bền vững, thì yếu tố con người giữ một vị trí trọng yếu, nhưng con người đó phải được giáo dục - đào tạo chính quy và có một trình độ, năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tương ứng với sự phát triển. Với quyết tâm tạo nguồn nhân lực tốt phục vụ cho Giáo hội, Lãnh đạo Giáo hội luôn luôn xem trọng vấn đề trồng người trong tiến trình phát triển của mình. Trong 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt nam đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn trên các phương diện, trong đó công tác giáo dục đã có nhiều thành tựu vượt bậc: 04 Học viện, gần 30 trường Trung cấp Phật học, 08 lớp Cao đẳng Phật học; hàng ngàn Tăng Ni có trình độ Cử nhân Phật học và Trung cấp Phật học, hàng trăm Tăng Ni có trình độ Tiến sĩ Phật học và một số bộ môn khác (1), tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số mặt hạn chế, nhất là đối với thế hệ Tăng Ni trẻ. Hệ thống giáo dục hiện nay của Giáo hội rất phát triển, đi vào nề nếp, nhưng về mặt tổng thể thì chưa đi vào đồng bộ, có chiều rộng nhưng chiều sâu chưa đủ; hình thức và số lượng tương đối quy mô, nhưng số lượng đầu vào và chất lượng đầu ra chưa tương xứng; chương trình đào tạo, công tác dạy và học tại các cấp học chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer. Từ đó dẫn đến hiệu quả không cao, Tăng Ni sinh tốt nghiệp có hòng nhưng không chuyên nên chưa đáp ứng tương đối với các hoạt động của các cấp Giáo hội, các Ban chuyên môn của Giáo hội. Thiết nghĩ, trong công tác giáo dục, đào tạo hiện nay, theo suy nghĩ của cá nhân, thỉnh cầu Giáo hội chú trọng đến các vấn đề quan yếu sau.
1- Nội điển
Theo cách giáo dục của người xưa là “Tiên học lễ, hậu học văn”; thật vậy, làm một con người dù có được địa vị cao nhất trong xã hội mà không có Lễ Nghĩa thì nhân cách con người bị mất đi phẩm cách của con người; có Văn mà không có Nghĩa thì cuộc sống thật là vô vị. Giáo dục Phật giáo cũng thế, nhân cách của người xuất gia có một số kiến thức không thể thiếu được, vì đó là chất liệu xây dựng nên phẩm cách người đệ tử Phật. Người học phật, nhất là đối với hàng xuất gia, kiến thức Phật học bao gồm Kinh - Luật, là yếu tố quan trọng và được xem như là một chất liệu không thể thiếu được trong đời sống giải thoát. Trong cuộc sống, người xuất gia cũng phải tham gia các lĩnh vực trong xã hội, khi gặp các vấn đề trục trặc trong đời sống, chính bản thân mình phải tự hóa giải cho mình thông qua giáo lý nhà Phật, khi một Phật tử hay những người nhỏ hơn mình gặp khó khăn về mặt tâm lý trong cuộc sống hằng ngày, người ta tìm đến vị Thầy của mình và luôn mong mõi ở vị Thầy ấy một giải pháp để giúp họ hóa giải những uẩn khúc, những khổ đau trong cuộc sống mà họ phải đối diện. Thế nên, vấn đề Nội điển đối với người xuất gia không thể thiếu được, trong học đường Phật giáo cần đặt vấn đề này lên hàng đầu; đôi lúc chúng ta quá chú trọng vấn đề bằng cấp, học vị mà chúng ta vô tình xem nhẹ phần giáo dục này.
Trong cuộc sống, ai cũng muốn cho con em mình học hành đàng hoàng, đến nơi đến chốn, tốt nghiệp từ trường này trường nọ, có được mãnh bằng để có một việc làm phù hợp với yêu cầu xã hội hiện tại, Phật giáo cũng không ngoài ngoại lệ này. Nửa cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, trước sự mở cửa của nước nhà, Phật giáo Việt Nam rất nhiều Tăng Ni trẻ xuất dương du học, hiện nay không ít người đã trở về phục vụ cho Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, điều đó cho thấy xu thế cầu học của thế hệ trẻ Tăng Ni trẻ rất cao, nhưng thành quả đạt được như thế nào, đó mới là vấn đề cần được quan tâm trong công tác giáo dục và định hướng học tập cho Tăng Ni trẻ.
Khi theo học tại các trường Phật học trong và ngoài nước, thế hệ trẻ Tăng Ni trẻ chúng ta phải xác định mục tiêu học của mình để làm gì? Nếu không có định hướng rõ rệt, chúng ta dễ rơi vào tình trạng đi học trở thành phong trào, cho dù chúng ta học ngành gì đi chăng nữa, đôi lúc chúng ta lơ là với tự thân trong việc trau giồi kiến thức, phẩm chất, năng lực và tư cách đạo đức, mà chỉ đặt nặng vấn đề thi cử, điểm cao, bằng cấp… mà quên đi mục tối hậu, đó là chúng ta phải vận dụng những gì học được ở trường, áp dụng vào đời sống thực tiễn để làm lợi mình và lợi người, xa hơn là hưng long Đạo pháp, phục vụ Giáo hội. Nếu từng cá nhân không thấy mục đích của việc học, thì kiến thức có được sẽ trở thành lý thuyết, là sở tri chướng. Một khi từng cá nhân Tăng Ni trẻ không lấy đó là kim chỉ nam cho hành động, cuối cùng chúng ta trở thành học giả nghiên cứu Phật học, chứ không phải hành giả tầm cầu giác ngộ, giải thoát. Muốn được thế, làm thế nào để phát triển hệ thống giáo dục của Giáo hội theo đúng định hướng, đó là Giáo hội cần tạo mọi phương tiện để ngôi trường học Phật cũng là nơi thực hành những gì mình học được, trong Y học một sinh viên tốt nghiệp sở dĩ được gọi là Bác Sĩ là trong quá trình học, người sinh viên này dựa trên lý thuyết học được mà thực hành, thí nghiệm… nên có được những kết quả thực tiễn sau khi ra trường. Học Phật cũng thế, người học Phật muốn có được sự an lạc thì phải trải qua pháp hành mà mình đã tiếp thu từ lý thuyết. Như ngài Minh Giáo nói:
“Cái học của Thánh hiền, cố nhiên không phải một ngày mà đủ, ngày không đủ thì kế đêm, rồi chứa góp hàng tháng hàng năm tự nhiên sẽ thành tựu. Nên nói: “Học để tu tập, học để biện minh (học để tu tập)”. Câu nói này có nghĩa là, nếu học mà không biện vấn thì không do đâu mà phát minh. Đời nay ít có những người học thường nêu ra câu hỏi để vấn biện người như vậy, không biết đem cái gì để giúp ích cho tính địa (bản tính tâm địa), trở thành cái lợi ích đổi mới mỗi ngày vậy ư !”(2).
Ví dụ, khi học về các Tông Phái Phật giáo, mỗi Tông phái là một con đường đưa hành giả vào đời sống thực tiễn, chúng ta có sự hành trì thì mới có điều kiện dung hóa những điều mà mình được biết qua lý thuyết, bằng không chúng ta chỉ là những người “đầu mồm nói suốt trăm phần diệu, dưới gót không ly một điểm trần”, nhai lại cặn bả của Thánh Hiền, con đường trở về bản thể nguồn tâm còn xa dịu vợi, giống như người đếm tiền ở ngân hàng, kết quả cuối cùng người này vẫn không có xu nào trong túi.
- 2. Nền tảng căn bản
Từ ngày Phật giáo Việt Nam hợp nhất thành một tổ chức Giáo hội đến nay, khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, nhiều Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã mở nhiều lớp Sơ – Trung cấp Phật học và Cao đẳng Phật học, lúc này điều kiện thi vào trường Cao cấp Phật học (nay là Học Viện Phật giáo Việt Nam) đòi hỏi Tăng Ni ngoài việc tốt nghiệp Phổ thông Trung học còn phải có bằng Trung Cấp Phật học, hai trình độ thế học và đạo học phải tương đương thì khi vào học chương trình đại học sẽ không khó khăn. Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, đã tuyển sinh được 09 khóa, có gần 4.000 Tăng Ni sinh theo học, trong đó hơn 2.800 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp (3). Trong kỳ thuyển sinh khóa IX lần này, việc xét duyệt hồ sơ thi tuyển tương đối nghiêm khắc, chấm dứt tình trạng xây lâu đài trên cát. Đây chính là dấu hiệu mở đầu khôi phục nền giáo dục Phật giáo đi vào nề nếp, tình trạng có chất mà không lượng sẽ được giải quyết ngay từ đầu vào.
Một thực trạng khác dẫn đến tinh thần học Phật đi sai mục tiêu, đó là hiện tượng xuất gia lớn tuổi, hoặc có trình độ thế học tương đối cao, sau khi xuất gia không được giáo dục Phật học căn bản, cho nên dẫn đến tình trạng các vị này vun trồng bản ngã và họ không chấp nhận học Phật học theo hướng từ thấp đến cao, mà thi vào Học Viện, nền tảng căn bản không có, nên khi vào học bị hụt hẩng với các môn học nội điển, cổ ngữ, nhưng khởi tâm ngã mạn, khinh thường những người đồng học có trình độ văn hóa thế học thua kém mình. Thực trạng này có phần lỗi của tuyển sinh, nhất là vị thầy thế độ vì muốn đệ tử của mình có trình độ vượt bậc hơn người, mà không chú trọng đến phạm hạnh của người xuất gia, là học nội điển phải thuận thứ xuôi dòng không có đột biến.
Trường Cao - Trung Phật học Tp. Hồ Chí Minh hiện có số lượng Tăng Ni đông nhất so với các tỉnh, thành khác, mỗi ngày hai buổi có khoảng hơn 1.000 Tăng Ni sinh theo học, trong đó số lượng Ni sinh chiếm hơn phân nữa, đây là một nỗ lực không ngừng của Ban Giám hiệu và Hòa thượng Hiệu trưởng Thích Từ Thông. Việc học của Tăng Ni sinh đi vào nề nếp và khá nghiêm túc. Nhiều Tăng Ni sinh do được thầy Bổn sư giáo dục tại Tự viện từ khi sơ tâm xuất gia, nên đã xác định việc học của mình phải theo lộ trình như lời Phật dạy, thuận thứ xuôi dòng, do đó họ đã chọn con đường khi nào tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng Phật học mới thi vào Học Viện, hoặc theo học tại các lớp phiên dịch kinh điển, hoặc học thêm một chương trình đại học khác bên ngoài. Đây là điều rất đáng trân trọng, vì những Tăng Ni sinh này đã xác định đúng mục tiêu của việc học, và chính những Tăng Ni sinh này sẽ là những viên gạch tốt để xây dựng, phát triển đạo pháp, phụng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tương lai gần.
Có một điều làm cho các cấp Lãnh đạo Giáo hội đến các Tăng Ni sinh băn khoăn, lo lắng, đó là Học viện chưa được Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam công nhận là một trong những trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, vì thế sau khi tốt nghiệp bằng cấp của Học viện chúng ta chỉ được một số ít trường trong và ngoài nước chấp nhận, đa số là không chấp nhận. Do đó, theo thiển ý của cá nhân, chúng tôi rất mong Lãnh đạo Giáo hội và Học viện Phật giáo Việt Nam cần phải quan tâm và phấn đấu để bằng cấp của Học viện Phật giáo Việt Nam được các trường trong và ngoài nước chấp nhận. Nếu được như thế, Giáo hội chúng ta sẽ giảm được vấn đề Tăng Ni phải ra nước ngoài học sau khi tốt nghiệp Học viện, nên mở các Trung tâm ngoại ngữ để Tăng Ni thuận tiện học hơn là đến các trường bên ngoài học thêm ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận tiện để các giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam nghiên cứu, học tập và giao lưu.
3. Xác định mục tiêu
Như trên đã trình bày, theo lời Đức Phật dạy trong khế kinh, muốn hoàn thiện quá trình tu tập, ngoài việc nỗ lực tu tập để đoạn trừ các kiết sử, các lậu hoặc, thành tựu đạo lý của bậc xuất trần thượng sĩ, các đệ tử xuất gia phải nỗ lực học tập để thành tựu Ngũ minh một cách không mệt mõi.
- Thanh minh: Thanh minh là các môn học về ngôn ngữ, văn chương .v.v… của chân đế và tục đế.
- Công xảo minh: Công xảo minh là các môn học kỷ thuật, công nghệ, khoa học, thiên văn .v.v…
- Y phương minh: Y phương minh là môn học về y dược.
- Nhân minh: Nhân minh là các môn học về luận lý, lô gic học .v.v…
- Nội minh: Nội minh là các môn học về Tam tạng thánh điển.
Thành tựu Ngũ minh là tự hoàn thiện phẩm chất, tư cách đạo đức, năng lực, trình độ của cá nhân là hết sức cần thiết, song thực tế hiện là có đông Tăng Ni quá chú trọng vào bằng cấp, nên dẫn đến hiện tượng không ít Tăng Ni trẻ theo học tại các trường thế học. Sở dĩ không ít Tăng Ni sinh theo học các trường thế học, bởi vì họ chưa thấy được giá trị của bằng Cử nhân Phật học của Học viện. Từ việc theo học nhiều kiến thức thế học, nên chất liệu của Phật học chưa tinh tường, do đó khi nói thì không đúng kinh điển, đàm luận, thuyết pháp càng xa ý Phật lời Tổ. Một yếu tố khác làm cho Tăng Ni chạy theo học thế học, đó là môi trường Phật học chưa đủ hấp dẫn cho người học, chưa thỏa mãn nhu cầu học tập của sinh viên, từ đó làm cho Tăng Ni mất phương hướng, không xác định mục đích học tập của mình, vấn đề học đối với một số người gần như trở thành phong trào “Ai sao tôi vậy”. Cho nên, sau khi tốt nghiệp mãnh bằng không tương xứng với năng lực thực tiễn, nên không nhận ra được năng lực và sở trường của mình là gì để phụng sự đạo pháp, phục vụ Giáo hội. Một điều quan trọng hơn nữa là người xuất gia học để tự hoàn thiện mình trên mọi lĩnh vực, để cống hiến; chứ không phải như người thế tục, học để có được mãnh bằng, học vị để được thăng quan tiến chức, được lương cao v.v…
Thực ra khi đến trường, người Thầy chỉ là chiếc chìa khóa mở cửa đưa người học vào phòng học, đã vào bên trong rồi, muốn học hay không là vấn đề của người học trò chứ không phải là việc của vị Thầy nữa. Cũng thế, những gì Đức Phật nói ra trong suốt quãng đời của Ngài chỉ là phương pháp dẫn dắt con người ra khỏi luân hồi sinh tử, nhưng đi hay không, đi như thế nào, đến được đích hay không là do mỗi con người biết chọn cho mình một phương pháp thích hợp “Nhất thiết Tu đa la như tiêu nguyệt chỉ”. Chúng ta không thể nói rằng: “Vạn ban giai thị mệnh, bán điếm bất do nhân” (Hết thảy đều do số mệnh, chẳng chút nào do người. Mọi việc đều do số mệnh quyết định). Đó là một suy nghĩ tiêu cực không có ý chí phấn đấu, mặc cho số mệnh an bày.
Qua đó, việc học tập, giáo dục tùy thuộc vào trách nhiệm “Vị thầy thế độ – Nhà trường – Cá nhân nỗ lực”. Khi Tăng Ni trẻ mới xuất gia, sơ tâm học đạo, vị thầy Bổn sư có trách nhiệm phải giáo dục vuông tròn về căn bản Phật học, tư cách, phẩm chất, sự khổ luyện; khi Tăng Ni trẻ bước chân vào ngưỡng cửa học đường, nhà trường tiếp tục giáo dục vuông tròn ở cấp độ cao hơn, kiến thức và chìa khóa để mở kho tàng tri thức; người học thì tinh cần tinh tấn, ngày đêm ôn tầm bối diệp. Nếu thiếu một trong 3 yếu tố này thì công tác giáo dục sẽ khó đạt được kết quả tốt đẹp. Điều này có nghĩa, ngay từ lúc bước chân vào chùa, vào lớp Sơ cấp Phật học, vào trường Trung cấp Phật học, chúng ta những người đi trước phải làm sao để Tăng Ni sinh thấy được lợi ích của việc học, xác định được hướng đi của mình, từ việc học đến việc chọn cho mình phương pháp tu thích hợp, không nên thấy cái gì cũng muốn học. Thí dụ, thấy các Thiền sinh trong các Thiền Viện có đời sống rất thiền vị và an lạc, nên bỏ tất cả để đi tu thiền; vào Thiền viện tu thiền được vài năm, sự thiền vị và an lạc chưa đạt được, rồi thấy nhiều Tăng Ni đồng trang lứa cắp sách đến trường, có bằng này bằng nọ, khi đó sinh tâm mong cầu và rời khỏi Thiền viện, đi vào con được học vấn. Cuối cùng việc học việc tu đều không đạt thành sở nguyện.
- 4. Hoàn cảnh và môi trường
Hoàn cảnh và môi trường không kém phần quan trọng trong việc giáo dục, tại sao ngày xưa hoàn cảnh và môi trường không hiện đại như ngày nay, nhưng giáo dục rất thành công; ngày nay mọi thứ đều hiện đại nhưng tỉ lệ thành công không như ngày xưa, đấy là vấn đề không thể không quan tâm. Phải chăng người xưa đặt nặng vấn đề gia phong lễ giáo, nên khi một người tốt nghiệp họ sẽ thành công hai mặt tri thức và kiến thức. Tri thức có được từ các thông tin, các tài liệu, các cơ sở lý luận, các kỹ năng khác nhau, đạt được bởi một tổ chức hay một cá nhân thông qua các trải nghiệm thực tế hay thông qua sự giáo dục đào tạo; các hiểu biết về lý thuyết hay thực tế về một đối tượng, một vấn đề có thể lý giải được về nó; là những gì đã biết, đã được hiểu biết trong một lĩnh vực cụ thể hay toàn bộ, trong tổng thể. Kiến thức là những thông tin, sự kiện, qui luật thuộc lĩnh vực chúng ta được học và nghiên cứu từ trường học được tích lũy từ thực tế, từ các nguồn tư liệu hoặc từ các chuyên gia có kinh nghiệm.
Ở đây, Tự viện đối với người xuất gia chính là nơi mà mình được vị khai tâm tỏ ngộ, vị thầy thế độ là người tạo cho Tăng Ni hậu học giới thân, huệ mạng… Nếu như Tăng Ni trẻ được vị thầy thế độ giáo dục vuông tròn từ lúc sơ tâm học đạo thì trong quá trình tu học tỉ lệ thành công của những Tăng Ni này rất cao so với những Tăng Ni không được giáo dục đường hoàng ngay từ đầu, những người này nếu có thành tựu việc học cũng chỉ là bằng thật học giả, là một trong những mầm móng làm đạo pháp suy vi trong tương lai.
Trong quá trình trưởng thành, những Tăng Ni trẻ được giáo dục bởi ba yếu tố nêu trên, họ sẽ có một kháng thể tốt, không bị nhiễm bởi các độc tố trong xã hội, cũng giống như một cây được trồng, nếu được uốn nắn, biết cách chăm sóc kỹ lưỡng thì nhất định sẽ ra hoa kết trái tốt, hiệu quả thu hoạch cao. Có nghĩa là người đệ tử Phật được giáo dục đầy đủ thông qua ba yếu tố: “Vị thầy thế độ – Nhà trường – Cá nhân nỗ lực”, môi trường tu – học thuần khiết và hoàn cảnh không nhiễm ô thì nhất định Tăng Ni đó, nếu không phải là nghiệp duyên thì nhất định sẽ đạt được sở tu sở học, là người xứng đáng thừa tự giáo pháp của Đức Phật, làm cho đạo pháp xương minh. Nếu Tăng Ni trẻ được giáo dục trong một điều kiện và hoàn cảnh như thế, thì chắc chắn mỗi Tăng Ni trẻ đều là những người hữu dụng cho đất nước và Giáo hội. Cho nên, các thành phố lớn, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện học tập tốt cho những ai xác định được mục tiêu của mình là gì, nhưng cũng là cạm bẩy cho những ai không xác định mục tiêu tu – học của mình, sẽ là nơi làm cho tương lai bị vụt tắt bởi vật chất của thế gian.
Kết luận
Từ những ưu và khuyết điểm nêu trên, cá nhân chúng tôi tin tưởng rằng Lãnh đạo Giáo hội các cấp sẽ nghiên cứu, có quyết sách để phát huy những thành tựu và khắc phục những khuyết điểm để công tác giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, căn bản của vấn đề là thế nhưng trong đời sống thực tiễn, việc giáo dục một con người còn nhiều vấn đề quan trọng mà Giáo hội sẽ có những giải pháp tổng thể và đồng bộ cần phải lưu tâm hơn nữa.
Giáo dục Phật giáo xây dựng con người toàn thiện về hai mặt thể và chất, nói khác hơn là hoàn thiện về hai phương diện tinh thần và vật chất, cải thiện con người được thánh thiện hơn, điểm cuối cùng vẫn là giải thoát giác ngộ cho tự thân và tha nhân. Nhân Hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với trách nhiệm là một trong những thành viên của Giáo hội, chúng tôi xin chia sẻ với Hội thảo một vài giải pháp để góp một phần công đức nhỏ vào việc trang nghiêm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Để thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa vừa hòng vừa chuyên, có thể đảm trách những Phật sự quan trọng của Giáo hội trong tương lai, theo thiển ý của chúng tôi, Giáo hội cần quy hoạch việc giáo dục đào tạo Tăng Ni ở từng lĩnh vực cụ thể theo Ngũ minh. Được vậy, Giáo hội chúng ta sẽ có một đội ngũ Tăng Ni có trình độ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, vì đây là điều kiện tiên quyết để Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững trong thế kỷ 21 - thế kỷ của nền kinh tế tri thức.
- Khi xem giáo dục là đại kế trăm năm, chúng tôi thiết nghĩ Giáo hội sớm hình thành một Hội đồng chuyên môn để thẩm định chương trình giảng dạy cho các cấp học, trong đó có thẩm định và phổ biến bộ sách giáo khoa cho từng cấp học. Nếu được vậy, Giáo hội vừa có một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, vừa có đội ngũ Tăng Ni trẻ giỏi chuyên môn, chuyên sâu, đồng thời giúp Tăng Ni sinh có kiến thức một cách sư phạm, đáp ứng được sở nguyện của đàn hậu tấn, kích thích sự phấn đấu, sự tự vươn lên của Tăng Ni trẻ.
Với trách nhiệm và bổn phận của người đệ tử Phật, của một thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi mạn phép chia sẻ với Hội thảo một số vấn đề liên quan đến giáo dục cũng như giải pháp hoàn chỉnh hệ thống giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những chia sẻ và giải pháp của chúng tôi trình bày trước Hội thảo chỉ mang tính tham khảo, mang sắc thái chủ quan, do đó chắc không sao tránh khỏi những điều làm phật lòng chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội và quý Đại biểu, rất mong được sự hoan hỷ của quý Liệt vị.
Tỳ kheo Ni Thích Như Nguyệt (Viên Minh)
Ghpgvn.vn
Chú thích:
- Theo báo cáo Tổng kết 30 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- HT. Thích Thanh Kiểm, Thiền Lâm Bảo huấn, NXB Tôn giáo 2001, trang 18.
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Chương Trình Cử Nhân Phật Học, trang 02-03