;
Như vậy, thiền ra đời nhằm khai mở trí tuệ cho con người trên cơ sở tu dẹp bỏ vô minh, vọng tưởng để phát lồ tánh giác. Theo các nhà nghiên cứu thiền học, thì pháp môn thiền có nhiều loại, nhưng tựu chung thì có thiền chánh pháp và thiền ngoại đạo.
Ngày nay thiền đang nở rộ ở các nước phương Tây và được coi là cứu cánh trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp con người thay đổi được tình trạng bế tắc trong thời hiện đại này.
Nhân dịp đầu xuân, chúng ta cùng nhau nhìn lại đôi nét tinh hoa và độc đáo con đường Thiền của người xưa.
Thiền - con đường khai mở
Bắt đầu bước vào con đường thiền. Vua Trần Thái Tông nói:
Buông ra thì chữ “Bát”mở toang,
Nắm lại thì cửa không khe hở.
Chữ “bát”mở toang nói đây là chỉ đôi lông mày, bởi dưới lông mày là đôi mắt, mắt là biểu tượng của Tâm.
Người vào thiền phải có được cái tâm ấy. Cái tâm thoáng đãng và bao dung, nó có thể dung nạp được hết thảy; không thể với cái tâm phân biệt, định kiến, cố chấp mà đi vào được. Nó có thể hòa cùng người, cùng vật, cùng với vũ trụ bao la. Bởi tất cả có cái gì chung nhau. Đó là cái tâm. ‘Nắm lại cửa thì không khe hở’. Có nghĩa là sự tĩnh lặng, như người thiền tọa, lúc đó đừng để cho một ý nghĩa vẩn vơ nào, một suy tưởng miên man nào len vào, một hình ảnh quá khứ hay tương lai nào hiện lên cả. Lúc đó chỉ còn ta với ta mà thôi. Hai về một, một chân tâm.
Thể hiện rõ thêm, sư Tổ đệ tam Trúc lâm Yên Tử Huyền Quang đề thơ ở chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột ngày nay như thế này:
Vạn duyên không quấy bởi thành ngăn
Tâm khi tĩnh lặng mắt rộng tầm
Bình đẳng thấu rồi không ma, phật
Còn đâu Phật quốc với ma cung.
Bài thơ này, Sư dùng hình ảnh để mô tả. Quả thật khi ta tới đó chiêm ngưỡng, có thể nhận ra. Chùa Một Cột ta thấy không phải là công trình to lớn, kiến trúc chẳng phải là kỹ xảo cao siêu, nhưng lại là cái gì đặc biệt. Trên một cái ao nhỏ, nổi lên một cột đá, nẩy tỏa ra một đóa sen. Ý nghĩa của nó là chữ “Một” ý nghĩa của nó là bông sen ‘duyên không quấy, mặt rộng tầm’, thì thấu được, rõ được; Và khi “Bình đẳng”, bình đẳng thì ngay giữa Phật và ma, chẳng khác nhau. Vậy thì, còn gì là Phật quốc với ma cung, huống chi là ta với người, ta với sinh linh vạn vật.
Với câu thơ trên của Thái Tông nói lên cái tâm tự tại, một thứ tự do thiên nhiên, chẳng bị ràng buộc lệ thuộc vào một ngoại cảnh nào cả.
Thì bài thơ dưới của tổ Huyền Quang nói lên sự bình đẳng, một sự bình đẳng tuyệt đối chẳng gợn một mảy may phân biệt; thường thì ta thấy ma và người đối lập, nhưng ở đây tổ “phá chấp” để vươn tới sự bình đẳng từ bi vô ngã của tuệ tri!
Cả hai đều sẵn có trong mỗi con người. Nó là Thiền, nếu ta biết thiền đã có trong ta, thì con đường đi vào thiền đạo chẳng còn gì là cái xa vời khó đạt. Phật là tâm thế, vén được cái màn “vô minh” thì chân tâm hiện lên. Tâm là Phật là thế, tức cái thế vậy.
Hai ý thơ trên, ta thấy thêm một điều lý thú. Phật và Lão gặp nhau. Nó trùng hợp với chương mở đầu và chương hai trong Nam hoa kinh của Trang Tử.
Tiêu dao du, nói về sự tự do thiên nhiên.
Tề vật luận, nói về sự bình đẳng tuyệt đối.
Xem ra nó cũng là cái gốc của nhân sinh, ngàn đời không xê dịch. Con người sinh ra đã có đôi lông mày (chữ bát) che tâm nhãn. Kinh đô Thăng Long dựng lên, ắt phải có chùa Một Cột được kiến tạo.
Nối tiếp rồi mở đầu Sử Việt, mà cũng là nối tiếp và mở đầu Thiền sử Việt Nam, gắn bó hòa quyện vào nhau như “Một”, nhân đây cũng xin ngỏ lời cùng với mọi người, nếu như có ngó qua phần này, hãy chú ý đến chữ “Diên”. Thật tình người viết cũng chưa thật rõ: đất Chu Diên, chùa Diên Hựu, hội Diên Hồng và cả cung Diên Khánh, chùa Diên Phúc. Ngược dòng thời gian, xuân này dành chút thảnh thơi chúng ta cùng tìm hiểu và triết tự chữ Diên theo Hán ngữ mà cha ông ta đã có hàm ý hữu sự đặt tên cho những danh tích kể trên.
Thiền - con đường dựng nước và giữ nước.
Về nội dung này, xin đọc bài thơ của vua Lý Nhân Tông truy tán Thiền sư Vạn hạnh:
Vạn Hạnh thông ba mé (trời đất người, quá khứ, hiện tại và tương lai)
Thật hợp với sấm xưa
Quê nhà tên Cổ Pháp
Dựng gậy giữ Kinh Vua.
Có bài thơ này vì sư Vạn Hạnh có lời khuyên Lý Công Uẩn:
Tôi nghe có lời sấm lạ, và ông là người khoan từ lại nhân thứ binh quyền nắm trong tay, lòng dân tin cậy. Việc thay triều đại nhà Lê, thật không ai bằng Thân Vệ, nay tôi đã bẩy mươi tuổi rồi, thư thả để xem ông đức hóa. (Thân vệ chức quan của Lý Công Uẩn).
Rồi với nhiều nguyện vọng của triều thần, Lý Công Uẩn lên ngôi vua tức vua Lý Thái Tổ, người đã ra chiếu rời đô, và chùa Một Cột cũng được dựng lên sau đó. Ở đây ta chú ý đến câu:
“Dựng gậy giữ Kinh Vua”.
Vua Lý Nhân Tông không nói đến các mặt khác, mà nói đến cái gậy, nói về đạo, đó là cái gậy Thiền, nói về chính trị, đó là nền đức trị. Theo lịch sử chúng ta nên nhớ, vua nhà Lý đã xây dựng pháp luật, mà “hình thư” là sách luật đầu của nước ta.
Dựng nước an dân - Đức trị đã được nói tới trước đó. Khi vua Lê Đại Hành hỏi thiền sư Pháp Thuận về phép dựng nước. Sư trả lời:
Vận nước như giây quấn
Trời Nam ôm thái bình
Vô vi ngự cung điện
Xứ xứ hết đao binh.
Vận nước ràng dịt như giây quấn. Muốn gỡ để giữ được thái bình cho đất nước, không gì bằng cai trị bằng Đức. Được thế thì mọi nơi mọi chốn không còn nạn đao binh.
Kỳ thay! Vua Lê Đại Hành, sau đó là vua Lý Nhân Tông, hai lần đã phá tan được quân xâm lược phương Bắc.
Đức Trị là xuất xứ trị đạo lý con người “dân là gốc” rời đô ra Thăng Long nổi bật là mở mang kinh tế: bồi đắp đê điều, chăm lo nghề nông, quý trọng trâu bò; chăn tằm dệt lụa; mở mang giao lưu. Muốn thế thì tôn Văn, lập quốc tử giám, dựng bia tiến sĩ. Lập pháp và giảm hình. Người dân họ thương con họ, cũng như mình thương con mình, là nét đặc sắc của vua Lý. Có đủ binh, lương và chữ tín thì ra quân tất thắng là điểu chẳng còn phải bàn. Quý trọng tam giáo, bồi dưỡng Thiền tâm, không còn là riêng cho tầng lớp nào, mà đã ăn sâu bám rễ vào khắp thôn xóm.
Dựng nước là thế, nay hãy xem cha ông ta giữ nước. Hẳn mọi người còn nhớ câu hát:
Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ đề cho ngựa ông ăn.
Câu hát tỏ lòng vui mừng khôn xiết; tôn quý “ông” như thế nào rồi. Nhưng sao lại cắt cỏ Bồ đề mà không cắt các thứ cỏ khác. Đó là ca dao nói đến nghĩa quân Lam Sơn, mà ông ở đây tức là Lê Lợi và Nguyễn Trãi, người cầm đầu nghĩa quân dựng cờ cứu nước.
Lúc đó nghĩa quân thế đã mạnh, dân càng tin. Thành trì cùa giặc Minh từ đất Thuận Hóa cho đến cả vùng rộng lớn Bắc Hà đã tan vỡ, hầu hết là đã đầu hàng nghĩa quân. Để vây thành Đông Quan tức Thăng Long, nghĩa quân đã dựng chòi cao ba tầng bằng tháp Bảo Thiên trong thành, để Lê Lợi và Nguyễn Trãi dùng làm nơi trù sách, vừa để quan sát nội tình giặc, do Vương Thông người chủ súy toàn bộ đội quân xâm lược đóng giữ.
Cỏ Bồ đề, có nghĩa là gì? Đó là chòi dựng nói trên ở dưới gốc Bồ đề, sau gọi là bến Bồ đề (Gia Lâm). Mà Bồ đề là tiếng nhà Phật, có nghĩa là Giác ngộ, nếu ai đọc kinh Phật, thì biết Thích Ca Văn ngồi thiền định dưới gốc Bồ- đề mà thành Phật. Sau đó truyền giáo cứu nhân độ thế cõi Ta bà (tức cõi khổ kham nhẫn) mà người đời tôn là đức Thế Tôn.
Lê Lợi - Nguyễn Trãi trong việc cứu nước cứu dân, cũng lại dựng chòi dưới gốc cây Bồ-đề, đem thiền vào việc tiến hành chiến tranh giữ nước, rồi đề đạt được kết quả đúng với điều nhân nghĩa, thì câu hát trên quả là tài tình tinh hoa và độc đáo.
Trong khi đương vây thành, tiến hành đàm phán hòa bình với Vương Thông, thì vua Minh Tuyên Đức lại đem dầu chữa cháy. Phái hai đạo quân viện binh hùng mạnh sang giải vây Đông Quan và tin chắc sẽ nuốt sống được nghĩa quân Lam Sơn.
Bình tĩnh và trầm lặng, nghĩa quân chủ trương vây thành diệt viện, khi viện binh bị diệt, Vương Thông ra hàng, “giải phóng Đông Đô mà phố phường vẫn y nguyên”. Tiếp đó còn cho hàng chục viên đại tướng và mười vạn quân cùng ngựa, thuyền về lại Tàu (1)
Trong Bình ngô đại cáo có câu: “Điếu phạt chi sư, mặc tiên khí bạo” có nghĩa là đạo quân điếu phạt, điều trước hết là bớt đi, bỏ đi sự dùng bạo lực, bạo tàn để đỡ đi sự tổn hại sinh mệnh cho binh lính và nhân dân, kể cả hai phía. Về mặt chính trị mà nói thì chỉ có nhân nghĩa mới làm được như thế! Về mặt đạo mà nói thì chỉ có Thiền tâm mới làm được như thế. “Cắt cỏ Bồ-đề cho ngựa ông ăn” nhẹ nhàng và sâu sắc biết bao? Câu hát này ăn sâu vào tới trẻ nhỏ, cũng là điều lạ lùng khó tả!
Nói đến Thăng Long, không thể không nói đến hồ Hoàn Kiếm, cũng không thể không nói đến chùa Một Cột (Diên Hựu). Ý nghĩa của hai chữ Hoàn Kiếm, mọi người đều biết, và biết đến Hoàn Kiếm thì lại càng nên biết đến tượng vua Lê Thái Tổ.
Do xu thế hóa, mà người ta thường gọi hồ Hoàn Kiếm là hồ Gươm, nhưng thực nghĩa của nó là nghĩa thứ nhất, bởi chữ “Hoàn” chứ không phải chữ “ Kiếm” tạm hiểu như sau:
Thăng Long - Rồng bay (theo các nhà dịch lý và huyền sử) là chỉ cái gì rất dũng rất động. Cái dũng động ấy phải có cái gì nhu (mềm) và tĩnh để luôn giữ thế cân bằng, đó là chùa Diên Hựu hay Một Cột.
Kiếm là cái gì sắc bén, để trừ gian diệt giặc, là nói đến võ công. Hoàn Kiếm là nói đến cái gì tĩnh lặng, tĩnh lặng để tầm mắt nhìn rộng nhìn xa, để xây nền Văn trị. Các cụ ta xưa hiểu Dịch để hiểu tam giáo.
Hiểu âm dương để điều hòa âm dương
Hiểu tĩnh động để cân bằng tĩnh động
Cái cần thiết hơn cả là chữ Thời mà thôi.
Ba ý trên là chỉ cho tam giới, dưới góc nhìn giáo lý đạo Phât là phải hiểu thấu tam giới, tức sức hút âm dương vật lý của trái đất này; hiểu tam giới, thấu tỏ tam giới rồi mới lãnh hội được Phật giới!
Thăng Long, chùa Một Cột, bến Bồ-đề, hồ Hoàn Kiếm và còn chuyện ngựa đá nữa, ngựa đá trong thơ Trần Nhân Tông:
“Xã tắc bao phen chồn ngựa đá
Non sông muôn thủa vững âu vàng”. (Về thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử xin đề cập ở phần sau)
Thiền, trong buổi triều đình sa đọa, xã hội rối ren.
Đời có thịnh suy, nước có hưng vong, bởi cái lẽ vô thường. Trước cảnh đó ta thấy các thiền sư nói gì (xin dẫn một số thơ, kệ dưới đây của các thiền sư):
-Chớ thấy thịnh suy mà sợ hãi
Đầu cỏ giọt sương cũng mong manh. (Vạn Hạnh)
-Chớ thấy xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai. (Mãn Giác thiền sư)
-Đỉnh núi chơi vơi ta xông thẳng
Một tiếng hét vang lạnh bầu trời. (Không Lộ)
-Gươm bởi bất bình gươm tuốt vỏ
Thuốc vì chữa bệnh thuốc rồi âu. (Pháp Loa thiền sư -Nhị tổ Trúc Lâm)
-Chà chà! Bóng ngày qua khe cửa
Ối! Ối! Mây trôi mộng giầu sang.
Chịu sao! Thói đời ấm lạnh
Đi đi! Gai góc đường quan.
Thiền Việt người xưa là thế. Biết rằng thịnh suy, hưng vong là điều không lạ, chẳng có gì đáng bi quan, chẳng có gì mà sợ hãi. Thấy rồi để tin, hoa nở rồi tàn, tàn rồi qua đêm (kế tiếp một đời sống khác) nảy một nhành Mai mới đẹp hơn. Thiền- đâu phải là trốn đời, đâu phải là phó thác mặc nó. Lúc điên đảo thói đời ấm lạnh, mây nổi giầu sang đường quan gai góc. Để rồi phải xông thẳng vào chỗ cực hiểm cực nguy, dày vò mà tìm ra lẽ sống, để rồi có lúc gươm tuốt khỏi vỏ, mở thuốc khỏi âu, mong báo nước ơn dân, cứu nhân độ thế-nước khổ dân đau nhà hành đạo nào lại nỡ ngồi thiền, để giữ lấy sự yên ổn cho bản thân, cho bản giáo?
Những lời nồng cháy và tâm huyết trên, đâu chỉ là tâm niệm, nó thôi thúc con người có đạo hạnh đi vào hành sự. Đây là những lời khuyên của các Thiền sư với các vị vua mà hậu thế chúng ta cần suy ngẫm trong lịch sử:
Thiền sư Vạn Hạnh với Lý Công Uẩn
-Tật Lê chìm bể bắc (nhà Lê)
-Cây Lý che trời nam (nhà lý)
Bốn phương binh đao dứt
Tám hương thảy bình an.
Quốc sư Viên Thông nói về việc trị loạn với vua Lý Thần Tông: “Thiên hà ví như món đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì yên, đặt vào chỗ nguy thì nguy. Việc đó là do ở ông vua mà thôi”
Lại nói: Không ít những ông vua xưa: chẳng do dùng quân tử mà hưng thịnh và dùng tiểu nhân mà nguy vong sao? Giải quyết việc hưng vong, thì hiểu đến tận nguyên nhân mầm mống sâu xa của nó, không thể chỉ biết cái nguyên nhân nổi lên trước mắt rồi vội vàng giải quyết, như vậy chỉ rối thêm. Cho nên phải tu đức để sửa mình, tu đức để an dân. Sửa mình là cẩn thận bên trong, yên dân là kính cẩn dân chúng.
Được thế thì đâu mà chẳng hưng, trái lại đâu mà chẳng vong. Trong buổi triều đình nhiễu loạn, tiểu nhân lạm quyền. Thiền sư Tín Học chẳng còn muốn tham gia trực tiếp chính sự, ông mượn kệ để nói: “Núi rừng cọp beo / Vằn vện lẫn lộn / Nếu muốn phân rành / Con kêu mẹ mổ.
Với bài kệ này, vua Lý Cao Tông cảm nhận được, nên có ra bài chiếu tự sám hối đầy Thiền tâm.
“Trẫm còn bé nhỏ, gánh vác việc lớn nước nhà, quen ở điện đài nơi cửu trùng sâu kín, cho nên ít biết đến sự khó nhọc của nhân dân. Lại còn nghe những lời nịnh hót của lũ tiểu nhân, nên dễ cùng người gây nên oán hận. Dân đã oán thì còn biết lấy gì mà dựa vào dân.
Trẫm xin sửa đổi mọi lỗi lầm đã mắc phải, để cùng trăm họ lo việc canh tân”.
Và đây, chúng ta lại suy ngẫm lời Thiền sư Hiện Quang nói với vua Trần Thái Tông khi nhà vua bỏ ngai vàng, trốn đến núi Yên Tử để tìm Phật. Sư nói: “Núi không có Phật, Phật ở trong tâm, không phải nhọc tìm bên ngoài”.
Khi nhà vua bị Thái sư Trần Thủ Độ và các quốc lão ép mời vua trở lại kinh đô. Vua đem chuyện hỏi sư:
Sư nói: “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, Bệ hạ đừng sao lãng”.
Được lời chỉ bảo của sư. Trần Thái Tông trở lại ngôi vua và trở thành một minh quân, đồng thời là một chân Phật. Mở ra một triều đại hùng mạnh, một thiền đạo hùng tâm.
Ba chuyện kể trên:
-Một việc đại trọng, chuyển đổi triều đại mà không phải tranh ngôi đoạt vị, không phải là xóa bỏ truyền thống cũ, mà là tiếp thu và tạo dựng lên tầm cao mới, mở ra một thời lịch sử mới.
-Một chiếu sám hối, rung cảm lòng người, dũng khí trong sáng. Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa muôn triệu quần lê, nói lên được tội lỗi của mình, mong muốn canh tân đất nước; chuyện đời chưa từng có.
-Một lời khuyên hưng quốc, một lời khuyến đạt đạo, một sự điều hòa tuyệt diệu giữa hành đạo và hành chính; giữa lòng dân với lòng vua, giữa cái động và cái tĩnh, quyền lực và thanh cao.
Nói về thiền thì đó là Định tuệ được bổ túc cho nhau.
Nói về Dịch thì đó là âm dương được điều hòa.
Nói về Lão thì đó là động tĩnh được cân bằng.
Nói về giáo lý đạo Phật là (vô cố, vô chấp, vô ý, vô ngã)
Như đã đề cập ở phần trên, trong các dòng thiền du nhập vào nước ta trải qua trên hai nghìn năm, mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm đều có những nét đặc trưng riêng biệt. Nhân dịp đầu xuân chúng ta dành chút thời gian tìm hiểu và suy ngẫm đôi điều về nét tinh hoa, độc đáo và khác biệt của dòng thiền Nhập thế Trúc lâm Yên Tử do đức vua Trần Nhân Tông và sau này là Sơ tổ Trúc lâm tiếp nối dòng Thiền tông (Thích Ca Văn) trên cơ sở (thống nhất các dòng thiền) do chính Ngài sáng lập Phái thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử.
Tại sao gọi là thiền nhập thế?
Do giới hạn của bài viết này, ở đây chỉ xin nói sơ lược đôi nét về dòng thiền này thế kỷ 13 do Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông tiếp nhận và sáng lập dòng Thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử.
Đề cập về dòng Thiền nhập thế này, theo HT. Tiến sĩ Phật học Thích Gia Quang trong bài viết “Tính nhập thế của Phật giáo Việt Nam qua thiền phái Trúc lâm Yên Tử” (Nội san nghiên cứu Phật học số 6-1992) tác giả dẫn dắt và nêu khá rõ về nét đặc trưng của dòng Thiền này qua hành trạng của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (xin trích nguyên văn một phần nội dung liên quan) để độc giả cùng đạo hữu chúng ta thấy rõ nét đăc trưng nhập thế của dòng thiền này mà người viết coi đây là tâm đắc:
“Năm 21 tuổi Ngài (tức Trần Nhân Tông) lên ngôi hoàng đế (1279), tuy ở địa vị ngôi vua mà Ngài vẫn để tâm vào việc tu tập (tu Phật). Giặc Nguyên Mông xâm lăng xứ sở, Ngài phải hai phen cầm binh ra trận và cả hai phen đều chiến thắng rưc rỡ (1285 – 1288). Năm Quý Tỵ 1293, nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, còn Ngài lên làm Thái thượng hoàng, ở ngôi 6 năm, Ngài dạy bảo con cháu và sắp đặt xuất gia. Tháng 10 năm 1299, lúc này 41 tuổi, Ngài xuất gia và tu ở núi Yên Tử. Lấy hiệu là Hương Vân đầu đà, sau đổi tên hiệu Trúc lâm Yên Tử và từ đây Phái thiền Trúc lâm Yên Tử ra đời.
“Ngài là một ông vua, một vị sư nhân từ đức độ. Nói đến Trần Nhân Tông thì người Việt Nam ai ai cũng biết đó là ông vua anh hùng và thương dân. Nói đến ông là nói đến thời cực thịnh của nhà Trần, là nói đến vị Sư tổ của phái thiền Trúc lâm Yên Tử. Cuộc đời của Ngài là biểu hiện của sức sống diệu kỳ của đạo Phật trong mọi hoàn cảnh đời sống xã hội. Ngài đã chứng minh được bằng chính cuộc đời mình. Và tính nhập thế được HT. Thích Gia Quang nêu khá rõ dưới đây:
“Đạo Phật luôn luôn biểu lộ trong tất cả mọi hoàn cảnh sống, đạo Phật có mặt khi đang ở ngôi vua, đạo Phật có mặt trong giờ phút chiến tranh dầu sôi lửa bỏng, đạo Phật có mặt trong lúc an nhàn như lúc ngắn buổi chiều quê. Đạo Phật trên con đường đi khắp thôn làng để giảng kinh Thập thiện, đạo Phật có mặt trong tất cả các mối tương quan vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em. Với Trần Nhân Tông thì “sống mà không giúp gì cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu”.
Những tác phẩm trong sự nghiệp thơ văn, triết học, giáo lý đạo Phật của Trần Nhân Tông để lại cho hậu thế là rất to lớn. Ở đây trong giới hạn bài viết về Thiền nói chung và thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử, người viết chỉ xin nêu hai tác phẩm Nôm nổi tiếng (tức thơ kệ bằng chữ nôm) của Trần Nhân Tông đó là bài Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca để dẫn chứng.
Hai tác phẩm Nôm này, bài thứ nhất gồm 10 hội, bài thứ hai không chia theo hội mà được coi là thể loại thơ trường thiên gồm 84 câu, thể 4 chữ. Đây là bài Ca thành đạo của Sơ tổ Trúc lâm, khi Ngài xuất gia tu ở Yên Tử.
Do thời lượng như đã đề cập, ở đây chỉ xin giới thiệu phần Kệ cuối bài có tính tổng kết tóm của hai bài phú Nôm nói trên.
Bài thứ nhất:
Cư trần lạc đạo
Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi tìm kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi chi thiền. (2)
Bài thứ hai
Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca
Sống yên giữa cảnh lặng lòng không
Gió mát hiu hiu lọt bóng thông.
Dưới gốc giường thiền kinh một quyển
Thanh nhàn hai chữ đáng muôn đồng. (3)
Chỉ cần đọc và suy ngẫm phần Kệ (tóm) của hai bài phú Nôm có tên trên. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra đây là Thiền nhập thế.
Tại sao vậy?
Bởi thiền nhập thế là thiền chẳng dụng công, hay nói khác đi đây là thiền “hướng nội” và “biện tâm” (5) không cứ phải ngồi (kiết già) quán dẹp vọng tưởng như ta vẫn thấy trong thiền Nguyên thủy.
Vậy sao gọi là thiền biện tâm?
Thiền biện tâm là thiền cần tuệ tri (tức trí tuệ) soi sáng để hiểu được thực tướng của Bản thể chân như Pháp (pháp thế gian và pháp Phật). Tức giác ngộ để dung thông việc hành xử giữa đời và đạo trên lộ trình giải thoát để về Phật giới mà không coi là yếm thế, xa lánh bỏ đời. Đây là nét đặc trưng của thiền biện tâm.
Chính nhờ tinh hoa và độc đáo của dòng Thiền tông nhập thế này, mà quân dân Đại Việt đã có đủ ý chí để dẹp tan 3 lần quân xâm lược Nguyên-Mông hung hãn nhất thế giới thời bấy giờ, mà sau này các sử gia trong và ngoài nước không khỏi kinh ngạc, khi đánh giá cuộc chiến giữa hai bên (bởi sự bất tương quan lực lượng).
Khi tìm hiểu về Phái thiền nhập thế Trúc Lâm Yên Tử (tức pháp môn Như Lai thanh tịnh thiền hay còn gọi là thiền Thanh tịnh) người ta càng thấy rõ sức mạnh của đạo pháp và dân tộc được khơi dậy không thể đo đếm. Bởi thời Lý-Trần (đạo Phật là quốc giáo). Người phật tử khi đứng trước sự lâm nguy của đất nước, thì họ dũng cảm xông pha ra trận đánh giặc, khi ấy họ sử dụng Tánh kiên cường không phiền não và sợ hãi của tánh người để dẹp giăc. Và khi đất nước thanh bình (chấm dứt chiến tranh) thì họ an nhiên sử dụng Tuệ giác, tức Tánh Phật, tánh Bồ tát. Đó là từ bi, hỷ xả thương yêu lẫn nhau. Đọc lịch sử đời Trần, chúng ta thấy rất rõ điều này (khi đánh giặc thì vua tôi kiên cường đồng lòng ra trận, khi Thiên quốc thái bình thì sở hữu tài vật phân miêng). Với tinh thần (từ bi hỷ xả lục hòa và tính dũng cảm cang cường khi có giặc) Đây là nét rất đặc trưng hiếm có của đời Trần khi vận dụng khế lý khê cơ theo giáo lý đạo Phật trong một con người đó là (tánh người và tánh Phật). Chả thế mà sử sách còn ghi: Trong trận Tây kết, vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại vương cùng ra trận chống giặc. Khi Toa Đô thua trận Tây kết, bị quân ta giết, đem đầu đến dâng vua, trông thấy đầu Toa Đô, vua thương hại nói “người làm tôi nên như thế này” rồi cởi áo bào bọc đầu Toa Đô (4) sai quân đem niệm chôn. Sau này các sử gia đánh giá, cử chỉ ấy vừa biểu lộ phong độ của Đế vương nhân từ, lại vừa có tác dụng cổ vũ tinh thần quân sĩ hết lòng vì nước chống giặc bảo vệ non sông.
Trên cơ sở thống nhất các dòng thiền trước đó và tiếp nối mạch thiền Thích Ca Văn hay còn gọi là thiền thanh tịnh. Đó là dòng thiền Nhập thế và đời sau quen gọi là Phái thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử. Khai sáng và nối tiếp dòng thiền này, Sơ tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông là Tổ đời thứ 34 của dòng thiền nói trên.
Xuân Canh Tý 2020
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Chú thích: (1) Đại Việt sử ký toàn thư, (2-3) Huệ chi dịch, (4) Thích Phước Sơn-(Thiền học đời Trần-Nxb.TG-2003-tr.160), (5) Loại thiền Phật giáo “hướng nội” và “biện tâm” - Minh Chi (Thiền học đời Trần)
Tài liệu tham khảo:
-Tổng tập Thơ văn Lý-Trần (Nxb.KHXH – 1978)
-Thiền Uyển tập anh; Thiền học đời Trần - nhiều tác giả Nxb.Tôn giáo-2003)
-Trần Nhân Tông toàn tập - Lê Mạnh Thát-Nxb.Tp.HCM-2009)
-Bài: Con đường thiền - Tạp chí NCPH số 5/1997)