;
Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ, chúng ta thấy bởi Phật giáo quá rộng lớn, phủ trùm, bao gồm Phật giáo tín ngưỡng, Phật giáo bác học, và Phật giáo của con đường thực tập tâm linh, do vậy cần phải phân định các cấp độ để thấy được sự lớn lao của Phật giáo như thế nào.
Đồng thời nhằm chấn chỉnh những nhận định phiến diện về Phật giáo từ một số người, kể cả giới trí thức. Ở đây, chúng tôi phân chia Phật giáo ra năm cấp độ đó là:
1. Phật giáo đại chúng
Phật giáo đại chúng là Phật giáo dành cho đại đa số mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Phật giáo đại chúng bao gồm cả Phật giáo gắn liền với các tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán, văn hóa vùng miền. Người đến chùa đủ mọi thành phần, mang theo căn nghiệp, tập khí thường tình của họ.
Người thiếu phúc cầu phúc, người thiếu sức khỏe cầu sức khỏe, người hiếm muộn con cái cầu tự, người mong cầu danh vọng địa vị cầu danh vọng địa vị. Có những em bé, những cụ già có thể không hiểu gì về đạo Phật nhưng cũng đến chùa vì họ có cảm tình với đạo.Trong kinh Pháp hoa đề cập đến chúng đương cơ và chúng kết duyên, thì Phật giáo đại chúng là chúng kết duyên. Họ chỉ biết ăn chay, niệm Phật, bỏ ác làm lành như vậy là đủ đối với họ.
Có thể thấy Phật giáo đại chúng như thể hiện toàn bộ nghiệp và nghiệp quả của mỗi chúng sanh, mang tính phổ quát mà ai cũn g có thể đến chùa để hành lễ và cầu nguyện. Phật giáo đại chúng đáp ứng cho nhu cầu số đông, mang tính phổ quát, có thể gọi là Phật tử ngoài cổng chùa .
2. Phật giáo học thuật
Từ trong Phật giáo đại chúng, bắt đầu có những người chịu khó tìm hiểu nền minh triết trong giáo lý Phật giáo, dần dần hình thành nên một Phật giáo học thuật. Có năm cấp độ học thuật đi từ Nhân thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa và Phật thừa.
Nhân thừa có các pháp học đưa đến sự thành tựu về tư cách đạo đức làm người. Thanh văn thừa có các pháp học và thực hành đưa đến thành tựu phạm hạnh, đưa đến các quả vị giải thoát. Duyên giác thừa là hệ giáo lý chú trọng về sự tự giác,tự ngộ.
Những bậc Thánh giả Duyên giác ra đời không gặp Phật, tự mình ý thức về khổ và tự mình tu tập giác ngộ sự thật về khổ qua Mười hai chi duyên khởi. Bồ-tát thừa là hệ giáo lý bao gồm cả Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa và Duyên giác thừa, nhưng lại phát triển ý thức tự giác, tự ngộ lên một tầm cao và rộng, ấy là ngoài tự giác còn phải nỗ lực giác tha, ngoài tự ngộ phải phát khởi tâm Bồ-đề để độ tha và làm cho chúng sinh cũng được giác ngộ với sự thực hành mười ba-la-mật hay sáu ba-la-mật. Phật thừa là điểm quy hướng của các thừa gồm: Nhân thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa. Nên, Phật thừa còn gọi là Nhất thừa.
Trong Phật giáo học thuật có tính chọn lựa, gạn lọc và trạch pháp. Có nhiều cấp độ học thuật trong Phật giáo. Ở hàng nam nữ cư sĩ Phật tử, có những lớp tu học giáo lý từ cơ bản đến chuyên sâu. Phần lớn các lớp tu học giáo lý đều do quý Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử có trình độ Phật học đảm trách.
Đối với người tu sĩ, Phật giáo học thuật thể hiện rõ qua các trường Phật học từ trung cấp đến đại học và sau đại học. Thông qua học thuật, hành giả hiểu rõ các yếu chỉ của lời Phật dạy, phá trừ tà kiến cố chấp, loại trừ các tệ nạn mê tín dị đoan, chánh tín Phật pháp để ứng dụng lời dạy của Phật vào trong cuộc sống hằng ngày. Trong học Phật , Phật giáo chú trọn g đến Tam vô lậu học giới, định và tuệ. Hành giả cần phải có giới học, định học và tuệ học.
Kẻ theo đuổi giải thoát đạo cần học kỹ ba học, đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Có giới học, có tăng thượng giới học. Có định tâm học, có tăng thượng tâm định học. Có tuệ học, có tăng thượng tuệ học.
Đây là ba pháp học căn bản trên con đường tu tập. Khi có giới học, định học và tuệ học người tu học Phật bước thêm một bước nữa đó là tu giới, tu định và tu tuệ để thành tựu đạo nghiệp.
3. Phật giáo tổ chức
Có thể nói rằng không có một tôn giáo nào có quy củ, tổ chức như Phật giáo. Trong tam tạng, kinh, luật, luận thì Luật tạng có những quy định một cách chi tiết. Cấu trúc của Luật tạng cho thấy hệ thống tổ chức trong Tăng đoàn là rất chặt chẽ. Người Phật tử tại gia có Tam quy, ngũ giới, thập thiện giới; người xuất gia có giới luật của người xuất gia.
Trong luật còn có các trường hợp khai, giá, trì và phạm được quy định một cách rõ ràng. Thông qua Tạng luật, Tăng đoàn được sắp xếp có một hệ thống tổ chức quy củ, nề nếp đưa đến thanh tịnh và hòa hợp. Ngoài cấu trúc tổ chức trong Tăng, Phật giáo còn có các tổ chức từ hội, đoàn, Giáo hội.
Việc quy định phẩm trật trong hàng ngũ Tăng như được quy định trong nội quy Ban Tăng sự, việc tính đếm hạ lạp, phân chia thứ bậc đều được quy định rõ trong Luật tạng. Do tính tổ chức quy mô và bài bản như thế nên trong Phật giáo luôn giữ được sự ổn định và phát triển. Giới luật giữ sự ổn định trong Tăng đoàn và đưa đến sự thanh tịnh và hòa hợp.
4. Phật giáo thực nghiệm
Từ Phật giáo đại chúng đến Phật giáo học thuật và Phật giáo tổ chức đó chỉ mới chỉ là cái bên ngoài, chưa phải bản chất thực sự của Phật giáo. Phật giáo thực nghiệm là trí giả nội chứng, nghiên cứu thực nghiệm.
Bởi chỉ học thuật thôi mà không có sự thực nghiệm nội chứng thì không phải Phật giáo. Đức Phật thường dạy, tu là phải học và học thì phải thực hành. Nếu tu mà không học thì tu mù; học mà không tu là đãy đựng sách.
Trong Kinh tạng Đức Phật ví người tu mà không hành, không tự thực nghiệm thì như cái muỗng để trong tô canh không biết mùi vị ngon dở của tô canh.
Người có hành, tức có thực nghiệm trải nghiệm thì như cái lưỡi nếm vị của tô canh biết sự ngon dở của nó. Như nhơn ẩm thủy, lãnh noãn tự tri. Như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Người tu cũng vậy, phải thực hành lời dạy của Đức Phật một cách thấu đáo để cảm nhận được hương vị củ a sự an lạc giải thoát.
Nếu tu mà chưa nếm trải hương vị của sự an lạc giải thoát thì chưa phải là sự tu hành chân chính. Phật giáo thực nghiệm là yêu cầu hành giả đến để thấy biết chứ không phải đến để mà tin.
Niềm tin chỉ là phương tiện ban đầu, sự thấy biết như thật mới thực sự là giá trị nội chứng trong tu học. Đạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa những chân lý thần khải không thể kiểm điểm mà chỉ có thể tiếp nhận bằng đức tin. Đạo Phật trước hết là những phương tiện chỉ dẫn thực nghiệm tâm linh để khám phá thực tại.
Kinh sách có giá trị như những đồ biểu hướng dẫn và phương pháp thiền quán có giá trị như một con tàu để đưa người hành giả tới bến bờ hiểu biết và để thực hiện sự hiểu biết ấy trong sự sống bản thân và sự sống xã hội.
Chữ budh có nghĩa là hiểu biết do đó có chữ buddha, người hiểu biết, và sau này chữ buddhism, con đường của sự hiểu biết. Hiểu biết ở đây không phải là cái hiểu biết sách và kinh điển mà là bản thân của chính thực tại hiện rõ dưới khả năng trí tuệ bát-nhã (prajna) chỉ có thể đạt đến do công phu tu tập thiền quán.
Theo nguyên tắc đạo Phật, một cá nhân nào đó khi muốn bước vào con đường thực nghiệm, phải khảo sát những nhận thức mà đạo Phật xem như là căn bản, rồi khi đã chấp nhận những nhận thức ấy thì kiểm điểm lại nguyên tắc thực hành rút ra từ những nhận thức kia. Khi đã kiểm nhận kỹ lưỡng rồi, cá nhân ấy mới bước vào con đường thực nghiệm với thái độ cương
quyết nhưng hết sức tỉnh táo, khách quan. Nếu sự thực nghiệm không mang lại kết quả thì phải bắt đầu trở lại, và nếu quả thực phương thức đề nghị không thích hợp thì phải bỏ đi để chọn một phương thức khác. Đạo Phật không phải là một nền triết học, bởi vì đạo Phật không có ý định miêu tả và giải thích thực tại bằng những hệ thống tư tưởng dựa trên căn bản suy luận và khái niệm.
Đạo Phật cho rằng trên một căn bản như thế, công việc miêu tả và giải thích thực tại là một công việc không thể thực hiện được: chỉ có thể bằng thực nghiệm tâm linh, diệt trừ cố chấp, vô minh và phát triển trí tuệ bát-nhã thì con người mới trực nhận được chân lý của thực tại 1.
Nói đến thực nghiệm tâm linh là nói đến nền tảng căn bản của đạo Phật. Bởi vì đạo Phật cho rằng thiếu sự tiếp xúc của con người và những nguyên lý mầu nhiệm của thực tại thì mọi hình thái của sự sống phải mang tính cách khổ đau và tàn tạ.
Thế cho nên ở thời nào thiếu chứng ngộ thiếu sự khám phá thì ở thời ấy giáo pháp suy mạt, và sự sống nghèo khổ.
Nơi những con người đạt đạo, sức sống tràn trề rạt rào và thấm nhuần trong mọi sinh hoạt xã hội. Ở nơi người đạt đạo, tỏa chiếu nghệ thuật linh động của sự sống, nghệ thuật ấy soi sáng cho đường lối nhân sinh của địa phương và thời đại.
Mọi sinh hoạt xã hội cần được xây dựng trên cái nhìn bao quát và khế hợp căn cơ của người đạt đạo. Cho nên đạo Phật không những chỉ là thực nghiệm tâm linh mà lại còn là sự thể hiện trên cuộc sống những nguyên lý linh động đạt tới do công trình khám phá thực tại của những thực nghiệm ấy.
5. Phật giáo chứng ngộ
Sau thực nghiệm là sự chứng ngộ. Chứng ngộ là mục đích cuối cùng của sự tu tập theo Phật giáo. Chứng ngộ là sự trải nghiệm giải thoát an lạc thực sự và là sự khai mở tuệ giác, sự thể nhập pháp lạc, niết bàn tịch tịnh.
Có bốn cấp độ chứng ngộ trong thiền đó là: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
Chứng ngộ sơ thiền là do ly dục ly các bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ.
Chứng đạt nhị thiền là vị Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ… chứng đạt và an trú thiền thứ hai, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ với hỷ lạc do định sanh.
Chứng đạt tam thiền là chấm dứt sự bám víu vào nhị thiền, hành giả tập trung tâm ý để đạt đến tam thiền, một trạng thái có vẻ cao thượng hơn vì có lạc và nhất tâm không bị ảnh hưởng dao động của hỷ. Hành giả tái lập lại định trên đề mục thiền của mình với mục đích vượt qua nhị thiền.
Chứng đạt tứ thiền là khi định sâu hơn nữa, vi tế hơn nữa, thì ngay cả an lạc cũng được vượt qua, tâm hành giả có thể đi thẳng vào định không cần qua tầm, tứ, hỷ, lạc, chỉ còn chi thiền nhất tâm.
Vì nhất tâm ở đây kiên cố hơn nhất tâm trong các bậc thiền trước nên tâm hoàn toàn bất động, hoàn toàn vô cảm đối với thế giới bên ngoài.
Vì vậy trong tâm tứ thiền có yếu tố xả luôn xuất hiện bên cạnh nhất tâm, kinh dạy: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh”.
Trong sự chứng ngộ, kinh điển mô tả có bốn quả vị tu chứng, gọi là Tứ thánh quả, đó là: Thánh quả Dự lưu (Tu-đà-hoàn – Sotāpanna) là bậc Thánh đầu tiên trong bốn Thánh quả. Thánh quả này được gọi là đã “Mở con mắt của Pháp” (dharmacakkhu), chứng đắc pháp nhãn, tức là nhận ra rằng bất cứ điều gì sinh ra điều sẽ hoại diệt (vô thường).
Niềm tin của họ trong giáo pháp thực sự sẽ là không thể lay chuyển hay gọi là “bất hoại tín”. Bậc thánh này cũng được gọi là Thánh quả “Thất lai”, tức là còn bảy lần sanh tử nữa mới chứng Thánh quả A-la-hán.
Vị ấy đã đoạn trừ ba kiết sử đầu là: thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa). Thánh quả Nhất lai là quả vị thánh thứ hai trong tứ thánh quả. Sao gọi là nhất lai? Bởi vì thánh quả này phải còn trở lại một lần sanh tử nữa mới chấm dứt khổ đau, đạt đến quả vị vô sanh.
Những ai đoạn tận ba kiết sử như trong trường hợp của Thánh quả dự lưu, và làm muội lược hai kiết sử tiếp theo, đó là dục (kāmacchando) và sân (byāpāda), được gọi là Thánh quả Nhất lai (Tư đà hoàn – Sakadāgāmi). Thánh quả Bất lai (A-na-hàm_ là Thánh quả thứ ba, vị ấy đã đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử (orambhagiya saṃyojana), sau khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sinh cõi Phạm thiên, và không bao giờ tái sinh trở lại nữa.
Đức Phật dạy: “Vị Tỷ-kheo đã đoạn dứt năm hạ phần kiết sử, thành vị hóa sanh, nhập Niết-bàn tại đây, không còn phải trở lại thế giới này nữa”. Sau khi phá luôn năm kiết sử cuối cùng, tức hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo hối và vô minh, một vị A-na-hàm sẽ chứng A-la-hán, nghĩa là đạo đức đã trở thành tuyệt đối hoàn hảo. Không một thần Thánh thiên tử nào có thể tìm thấy lỗi lầm của một vị A-la-hán được nữa.
Ngoài bốn thánh vị tu chứng, trong Phật giáo cò có Bồ-tát và Phật đạo. Bồ tát thì chứng thập trú , thập địa, bất thối Bồ tát. Phật thì chứng tam minh, lục thông và Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đồng thời thành tựu mười danh hiệu: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn.
Như vậy, Phật giáo tu chứng là kết quả cuối cùng của một lộ trình trên con đường thực tập tâm linh.
Người tu học cần trải nghiệm sự chứng ngộ trong các cấp độ ấy. Trong hành thiền hay trên con đường đoạn tận các phiền não kiết sử thì hành giả cần đặt mục tiêu của sự chứng ngộ trong Phật pháp, đó là mục đích tối thượng, mục đích sau cùng trong Phật giáo.
Tóm lại năm cấp độ trong Phật giáo cho thấy sự to lớn, bao trùm và đa dạng của Phật giáo. Hiểu đúng các khía cạnh của Phật giáo là hiểu rõ năm cấp độ này.
Thông qua đó Phật giáo giải thích toàn bộ những hiện tượng sự vật từ bản chất đến tướng trạng. Dưới nhãn quan của Phật giáo, nhân sinh và vũ trụ đều là do nhân duyên. Do đó những ai vội vàng đánh giá một khía cạnh nào đó của Phật giáo thì đó chỉ là võ đoán, phiến diện.
Năm cấp độ ấy cho thấy sự toàn diện, chỉn chu của đạo Phật như thế nào. Đạo Phật – một tôn giáo, một con đường sống tỉnh thức vô cùng cần thiết cho thế giới loại người trong hiện tại và trong cả tương lai.
Ghi chú: 1. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật: Con đường thực nghiệm tâm linh; https://phatgiao.org.vn/dao-phat-con-duong-thucnghiem-tam-linh-d39021.html.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348
*Tựa đề do Người Phật Tử đặt lại.