;
“Sayadaw” trong tiếng Miến là một danh xưng để bày tỏ đối với những vị thầy đức hạnh, đáng tôn kính, đáng trọng vọng. Ngài là Viện chủ của Thiền lâm Pa-Auk, một hệ thống gồm những trung tâm thiền có quy mô lớn vào bậc nhất Myanmar.
Thiền lâm Pa Auk có hơn 26 thiền viện chi nhánh trong cả nước Myanamar và khoảng 10 chi nhánh trên toàn thế giới. Tại hệ thống thiền viện này, Ngài Đại Trưởng Lão Pa-Auk Tawya Sayadaw chủ trương một đạo lộ tu tập Giới – Định – Tuệ theo thứ lớp, dựa trên những chỉ dẫn rất chi tiết của Đức Phật Gotama trong Tam Tạng Thánh Điển Pāli và Bộ Chú Giải.
Đạo lộ này lấy Giới làm nền tảng vững chắc ban đầu, thiền Định được tu tập và phát triển để sử dụng làm công cụ cơ bản hỗ trợ cho việc thực hành thiền Tuệ (Vipassanā) chân chính, giúp hành giả thể nhập và thấy được các đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của danh sắc chân đế và phát sinh Trí Tuệ. Hành giả sẽ lần lượt trải qua bảy giai đoạn thanh tịnh để đi đến sự giác ngộ và thấu triệt chân lý Tứ Thánh Đế.
THỜI THƠ ẤU VÀ XUẤT GIA LÀM SA-DI
Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw có thế danh là Aung Than, sinh năm 1934 ở làng Leik-Kyaung, thuộc thị xã Hin-Tha-ta (Haṇsāta), vùng châu thổ cách thủ đô Yangon khoảng 100 dặm về phía tây bắc. Song thân là ông U Pyu và bà Daw Soe Tin, cả hai đều là người Miến. Ngài là con thứ tư trong gia đình năm anh chị em. Có điều kỳ lạ là sau khi Ngài chào đời, cha mẹ Ngài làm ăn ngày một khấm khá hơn.
Tuy không quá giàu có, nhưng cả gia đình có một cuộc sống tương đối an cư lạc nghiệp. Thuở thiếu thời, Aung Than vốn là người trầm lặng, ít nói, không làm phiền đến ai. Không chỉ vậy, cậu còn lễ phép với người lớn, và hiếu thảo đối với cha mẹ. Lúc lên sáu tuổi, Aung Than được bậc song thân gửi vào chùa làng học với Ngài Salin Sayadaw, Tôn Giả Soṇa.
Aung Than rất vui thích khi được ở trong tu viện, và chẳng nghĩ đến việc trở về nhà nữa. Khác với các cậu bé khác ở trong chùa, Aung Than không tụng đọc inh ỏi trong khi học bài mà chỉ xem quachốc lát là thuộc nằm lòng. Vì thế cậu được Tôn Giả Soṇa và chư tăng trong chùa hết lòng yêu mến. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”; vì ở trong chùa gần Phật cạnh Tăng, bồ đề tâm của cậu bé thiếu nhi hội đủ nhân duyên để nảy mầm, lòng cung kính và đức tin trong sáng đối với Tam Bảo ngày một tăng trưởng. Aung Than muốn xuất gia trở thành sa-di (sāmanera) để học hànhPhật Pháp và kết quả là vào năm 1944, cậu đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Pháp danh của chú tân sa-di là Āciṇṇa.
Thầy tế độ chính là Ngài trụ trì, Tôn Giả Soṇa. Đối với sa-di Āciṇṇa, việc xuất gia đầu Phật là sống suốt đời trong Giáo pháp của Đức Từ Phụ, và phải xa cách cha mẹcũng như những người thân. Trong suốt thập niên tiếp theo, vị tân sa-di miệt mài học Pháp, trau dồi Tam Tạng Thánh Điển Pāḷi (bao gồm Tạng Luật (Vinayapiṭaka), Tạng Kinh (Suttantapiṭaka), Tạng Thắng Pháp (Abhidhammapiṭaka)) dưới sự chỉ dạy của nhiều bậc thầy khác nhau. Āciṇṇa đã đậu ba kỳ thi về ngôn ngữ Pāḷi trong khi vẫn còn là một sa-di.
NGHIÊN TẦM GIÁO PHÁP VÀ THỌ ĐẠI GIỚI
Vào năm 1954, sa-di Āciṇṇa vừa tròn 20 tuổi nên được cho phép thọ Đại giới tại Phật Học Viện Ye Kyi mới ở thị xã Hin-Tha-Ta do Ngài Tăng trưởng của phái Ye Kyi, Tôn Giả Pañña, làm thầy tế độ. Vị tân tỳ-kheo tiếp tục nghiên cứu Thánh Điển Pāḷi dưới sự hướng dẫn của các bậc danh tăng thạc đức.
Sau đó, Đại Đức Āciṇṇa trở lại Mandalay, trú tại Phật Học Viện Myin Wun ở thị xã Taung Pyin để tiếp tục theo học Pháp học với Ngài Viện Trưởng của Phật học viện Myin Wun, Tôn Giả Ukkaṃsa, Ngài Viện Trưởng của Phật Học Viện Thi-lin, Tôn Giả Suriya và Giáo Thọ Sư, Tôn GiảPaññānanda. Ngài cũng thọ giáo Ngài Viện Trưởng của Phật Học Viện Pha-ya-kyi, Tôn Giả Ariya, cũng như với hai giáo thọ sư là Tôn Giả Ukkaṃsa và Tôn Giả Kumāra.
Với tâm tầm cầu Giáo Pháp (Dhamma) dũng mãnh, Đại Đức Āciṇṇa miệt mài học hỏi và nghiên cứu Tam Tạng kinh điển Pāḷi. Vốn có trí nhớ sắc bén và nghiên cứu Phật học sâu rộng, nên những gì mà Đại Đức đã học được cho đến bây giờ vẫn không quên. Đại Đức cũng rất thông thạovăn chương Pāḷi.
Đặc biệt, sau khi nghiên cứu kỹ Tạng Luật, Đại Đức đã sống và thực hành nghiêm cẩn, đúng theo Giới Luật, không một mảy may khinh xuất. Sau thời gian ẩn tu cũng vậy, Đại Đức có thể học thuộc lòng một cuốn Luật trong vòng một tháng. Tuy nhiên vì nỗ lực trau dồi Pháp hành và chỉ ăn ngày một bữa, nên không thể dành thời gian và sức khoẻ để ôn lại những gì đã học, và Đại Đức cảm thấy khó khăn trong việc tụng lại cuốn thứ nhất sau khi mình đã học xong cuốn thứ hai.
Một lần, Đại Đức khiêm tốn nói với một soạn giả rằng: “Trí nhớ của sư không thể so sánh với trí nhớ của Ngài Đệ Nhất Tam Tạng, Tôn Giả Vicittasāra1 được. Ngài Tam Tạng Pháp Sư có thể nhớ nằm lòng một đoạn Pāḷi sau khi đọc qua ba lần; và mỗi khi thuộc nằm lòng rồi, Ngài vẫn còn nhớ trong vòng 21 ngày mà không cần phải ôn tụng lại”.
Đại Đức Āciṇṇa không những thông thạo Tạng Luật mà còn sống và hành theo Giới Luật nữa. Vì vậy ở thị xã Mu-don thuộc Mawlamyine, Đại Đức được biết đến như là một luật sư đương đại.
Năm 1956, vào lúc 22 tuổi, Đại Đức thi đậu bằng Dhammācariya danh tiếng, tương đương với bằng Cử nhân Phật Học Pāḷi và được tấn phong danh hiệu “Pháp Sư”. Năm 1957, Đại Đức đến Đại Phật Học Viện Ka-Ba-Aye tại Yangon để học thêm cả nội điển và ngoại điển suốt năm năm. Trong thời gian học tại đây, Đại Đức được học thêm Anh ngữ và các môn học khác để hổ trợ cho việc truyền bá Phật Pháp dưới sự hướng dẫn của Trưởng Ban Cố Vấn Tôn Giáo Chính Phủ, ông Phe Aun, ông Hla Maung, và của những vị nắm nhiều chức vụ quan trọng khác như ông Sao Htun Hma Win, ông Han The, ông San Myint Aung và ông Thein Aung.
Để được nhận vào Đại Phật Học Viện, Đại Đức Āciṇṇa phải qua kỳ thi tuyển. Sau khi trúng tuyển, Đại Đức tiếp tục thi bằng Diploma và đã đậu không có gì khó khăn. Sau mấy năm học, Đại Đứcchuẩn bị bài vở để thi tốt nghiệp Cử nhân. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1962, các trường đại họcbị đóng cửa, nên Đại Đức đã không hoàn tất khoá Cử nhân.
ẨN TU TRONG RỪNG VÀ HÀNH PHÁP
Trong những năm tiếp theo, Đại Đức Āciṇṇa vân du khắp nước Myanmar để tiếp tục nghiên tầm Giáo Pháp và thọ học Pháp bảo từ các bậc danh sư khác nhau.
Đại Đức Āciṇṇa đến Trung tâm thiền Mahāsi tại Yangon vào năm 1963 để cầu học phương phápthực hành thiền với Ngài Mahāsi Sayadaw và Ngài U Paṇḍitābhivaṃsa trong suốt 55 ngày. Vốn có ba-la-mật trong Pháp hành, Đại Đức đã đắc được các tầng tuệ căn bản của thiền Tuệ được dạy ở đây chỉ trong vòng một tháng. Tuy nhiên, vì muốn biết rõ phương pháp thực hành một cách trọn vẹn, Đại Đức đã thực hành đến 55 ngày. Với kiến thức Pháp học và Pháp hành đã khá vững vàng, Đại Đức Āciṇṇa đi đến ngọn núi Mya-Tha-Peit ở gần núi Taung-Zun Kelāsa tại thị trấn Tha-Hton thuộc tiểu bang Mon để ẩn tu một mình và hành thiền tại đó.
Sau đó một thời gian, Đại Đức tiếp tục tìm học các phương pháp thực hành khác và đã đến nương tựa học với Ngài Than-Lyin Taw-Ya Sayadaw trong sáu tháng rưỡi, và vào năm 1965 với Ngài Shwe-Thein Taw-Ya Sayadaw tại thị trấn Kinnī trong ba tháng rưỡi.
Dù lúc bấy giờ Đại Đức Āciṇṇa tầm học và đã đạt được những chỉ dẫn từ các vị thiền sư tôn kínhthời bấy giờ, nhưng do có thói quen so sánh Pháp học với Pháp hành, Đại Đức đã đối chiếu, khảo sát và không thỏa mãn với phương pháp thực hành đã được học trước đó nên lần này Đại Đứcquyết định vào rừng ẩn tu. Và Đại Đức tiếp tục nghiên cứu, thực hành thiền dựa theo Kinh ĐiểnPāḷi và bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo).
Trước đó từ lâu, Đại Đức Āciṇṇa có tâm nguyện rằng: “Sau khi thọ đại giới 10 năm, mình sẽ vào rừng ẩn tu”. Khi chương trình Cử nhân Phật học bị gián đoạn cũng là lúc Đại Đức gần được 10 hạ lạp. Bắt đầu từ năm 1964, vào mùa an cư mùa mưa (vassa) thứ 10, Đại Đức Āciṇṇa đã khởi phát tâm hành thiền mãnh liệt và bắt đầu thực hành “Hạnh đầu đà ngụ trong rừng” ở nhiều khu vực khác nhau phía Nam Myanmar trong hơn 16 năm tiếp theo.
Trong thời gian tu tập Pháp hành, Đại Đức Āciṇṇa di chuyển nhiều nơi để chọn trú xứ thích hợp. Đại Đức cư ngụ tại dãy núi gần núi Nemindara thuộc thị xã Tha-Hton trong một năm, tại trung tâmthiền Kyauk-Ta-Lon Cittasukha Taw-Ya thuộc thị xã Mu-Don trong ba năm, và tại Trung tâm thiền A-Xin Taw-Ya gần thôn A-Xin thuộc thị xã Ye trong 13 năm. Đại Đức vẫn duy trì vừa học Thánh Điển, vừa tu tập thiền Định, thiền Tuệ hết sức tinh chuyên và sống một đời sống vô cùng giản đơn. Suốt thời gian này, Đại Đức Āciṇṇa chỉ ở một mình, không cộng trú với các đồng môn khác, và hoàn toàn ngừng mọi mối quan hệ với gia đình và người thân.
Cũng trong thời gian này, vì ăn một ngày một bữa và ăn rất ít nên Đại Đức Āciṇṇa mắc phải bệnh loét dạ dày và bệnh sốt rét. Một lần, tại Trung tâm thiền A-Xin Taw-Ya, Đại Đức bị bệnh dạ dày hành hạ không đi khất thực được mà chỉ nằm nghỉ trong một cốc nhỏ và không cho các vị đồng phạm hạnh trong chùa biết, vì sợ ảnh hưởng đến việc hành thiền của họ. Khi các vị ấy biết Đại Đức bị bệnh và đến thăm, Đại Đức mới cho họ biết sự thật về bệnh trạng của mình. Vì bệnh dạ dày nên Đại Đức đã nhập viện tại Bệnh viện Mawlamyine để chữa trị qua một cuộc phẫu thuật. Đại Đức cũng đi Yangon để chữa trị với các bác sĩ chuyên khoa khác. Đối với bệnh tật, Ngài quán xét : “Phải chăng chúng là quả của nghiệp trong quá khứ?”; nghĩ vậy, Đại Đức chấp nhận sống với chúng và lạc quan trong trách phận của một tỳ-kheo đệ tử Phật đó là bổn phận học Pháp (Gantha-dhura) và bổn phận hành Pháp (Vipassanā-dhura), không một chút dễ duôi.
TRỞ THÀNH VIỆN CHỦ CỦA THIỀN LÂM PA-AUK
Trong những năm đó, Đại Đức Āciṇṇa tu tập các pháp hạnh đầu đà như hạnh mặc y được may từ giẻ rách bị vứt bỏ (paṃsukūla-cīvara), hạnh chỉ mặc tam y, hạnh sống dưới gốc cây v.v… sống đời sống sơn tăng giản dị và thoả thích trong thiền tập. Vốn quen biết với Ngài Viện chủ đời thứ hai của Trung tâm thiền Pa-Auk, Tôn Giả Aggapañña, tại Trung tâm thiền Kyauk-Ta-Lon suốt 3 năm, nên Đại Đức Āciṇṇa được Ngài Aggapañña biết đến và rất ngưỡng mộ khả năng của Đại Đức về cả Pháp học lẫn Pháp hành. Vào tháng 7 năm 1981, Tôn Giả Aggapañña lâm trọng bệnh và sắp xả bỏ báo thân nên thỉnh cầu Đại Đức Āciṇṇa tiếp tục thay Ngài điều hành Thiền viện. Thật lòng, Đại Đức Āciṇṇa không muốn nhận lời, vì sợ công việc của một viện chủ sẽ ảnh hưởng đến việc tu tập Pháp hành. Nhưng để Ngài Aggapañña được an lạc lúc lâm chung, Đại Đức đành phải nhận lời thỉnh cầu này.
Trở thành Viện Chủ đời thứ ba của Thiền viện Pa-Auk, Tôn Giả Āciṇṇa được biết với tôn hiệu là Ngài “Pa-Auk Tawya Sayadaw”. Khi đến Thiền lâm Pa-Auk, Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw trình bày cho Ban Hộ Tự biết lý do Ngài nhận lãnh trọng trách điều hành trung tâm, và cũng cho họ biết rằng, Ngài chỉ cố gắng điều hành trong một thời gian ngắn mà thôi và Ban Hộ Tự có thể tìm một vị đại đức khác vừa ý để đảm trách công việc trong Thiền viện. Lại nữa, quen sống nơi núi rừngthanh vắng, nên Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw không ở trong Trung tâm thiền mà tự mình đi tìm một nơi khác thanh tịnh hơn. Cuối cùng, Ngài phát hiện một khu vườn xoài và sầu riêng ở giữa hai quả đồi cách trung tâm thiền khoảng một cây số rưỡi về hướng Đông. Thấy thích hợp, Ngài xin phép chủ vườn và nhờ người cất một cái cốc nhỏ bằng tre nứa ở đó. Ngoài thời gian đi khất thực và độ trai, Ngài chỉ ở trong cốc để tu tập.
Đối với Ban Hộ Tự, họ không muốn Tôn Giả Āciṇṇa phải đi nơi khác, vì Ngài là người được chọn bởi vị thầy thiền viện chủ đời thứ hai khả kính của họ. Vả lại, họ dần dần hiểu được tài đức và Giới – Định – Tuệ của Ngài, nên càng thêm kính trọng Ngài hơn. Kết quả là họ không đi tìm một người khác để kế nhiệm mà chỉ một lòng thỉnh cầu Tôn Giả Āciṇṇa thường trú tại trung tâm. Dù vẫn trông coi hoạt động của thiền viện, Pa-Auk Tawya Sayadaw vẫn dành nhiều thời gian độc cư, hành thiền trong cốc tre ở đỉnh đồi của khu rừng vốn bao phủ một vùng đồi hoang vắng chạy dọc chân rặng núi Taung Nyo. Khu vực đó, sau này, trở thành Thiền Viện Khu Thượng.
Kể từ khi Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw trở thành Viện Chủ, hệ thống thiền lâm Pa-Auk đã phát triển rất vững chắc và mạnh mẽ nhờ tu tập trên một đạo lộ nhất quán, dựa trên những chỉ dẫn rất chi tiết của Đức Phật Gotama trong Tam Tạng Thánh Điển Pāli và Bộ Chú Giải. Đạo lộ được tu tậpdựa trên bộ ba gồm Giới (Sīla), phát triển Định (Samādhi), coi đây là nền tảng để thực hành thiền Minh Sát, giúp phát sinh Trí Tuệ (Paññā). Lộ trình này cũng được chia làm bảy giai đoạn thanh tịnh, cung cấp những chỉ dẫn tỉ mỉ để một hành giả, dưới sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo, có thể thanh lọc thân (thân nghiệp), khẩu, ý, và cuối cùng là tận diệt các phiền não và chứng ngộ Niết-bàn ngay trong kiếp sống này.
ĐỨC HẠNH VÀ DANH TIẾNG VANG XA
Từ năm 1983, cả những hàng tăng sĩ lẫn cư sĩ đều tìm đến học thiền với Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw. Thiền sinh ngoại quốc bắt đầu đến thiền viện vào đầu những năm 1990. Khi danh tiếngcủa Ngài vang xa và thiền sinh đến ngày càng đông, Thiền Viện Khu Thượng dành cho nam giới dần được mở rộng từ một cái cốc đơn giản và một ít đệ tử thành hơn 360 cốc nằm trong rừng; một tòa thiền đường hai tầng và một thư viện (với văn phòng, phòng vi tính, và tăng xá ); một trạm xá; một sảnh đi bát khất thực; một nhà ăn có hai tầng lầu; và một sảnh tiếp khách và trú ngụ cho Ngài Sayadaw. Thiền Viện Khu Hạ dành cho nữ giới, cơ sở vật chất gồm hơn 180 cốc, một nhà bếp mới, một thiền đường ba tầng lầu, và một khu nhà tập thể năm tầng lầu.
Tính đến thời điểm tháng 5/2010, trong dịp khóa thiền tích cực 6 tháng do Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw chủ trì, có gần 2.000 vị tăng, tu nữ và thiền sinh cư sỹ cả người Myanmar và ngoại quốc tu tập tại Rừng Thiền Pa-Auk. Riêng thiền sinh người Việt Nam có gần 80 vị. Ngày thường, số thiền sinh Tăng, Ni, cư sĩ tại Pa Auk khoảng 1.000 người. Trong đó có khoảng 300 người nước ngoài đến từ 25 quốc gia khác nhau.
Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw nói lưu loát tiếng Anh và đã mở các khóa thiền quốc tế cũng như thuyết Pháp từ năm 1997 tại nhiều nước trên thế giới. Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Ngài từng đến hoằng pháp gồm có Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Trung Quốc, Sri Lanka, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Indonesia. Vào tháng 12 năm 2006, Ngài đến Sri Lanka để tịnh tu một thời gian và tạm ngừng công việc giảng dạy cho đến năm 2007. Trong những năm gần đây, ngoài việc tích cực hoằng pháp lúc đủ duyên, Ngài còn dành thời gian ẩn tu tại dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) và Hoa Kỳ…
Năm 1997, Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw đã xuất bản năm tập sách khổng lồ với tựa đề là “Đạo Lộ Đến Niết-bàn” (Nibbānagāmini Paṭipadā), giải thích chi tiết về lộ trình tu tập thiền Định, thiền Tuệ và được hỗ trợ bằng các trích dẫn phong phú từ Kinh Điển Pāḷi – hiện chỉ có ấn bản tiếng Myanmar và Sinhala (ngôn ngữ chính thức của Sri Lanka). Ngài cũng cho xuất bản một số tập sách khác bằng tiếng Miến, hiện đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng như Anh, Trung và Việt.
Ngài Đại Trưởng Lão Pa-Auk Tawya Sayadaw năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe không còn tốt như xưa nhưng Ngài vẫn làm việc không ngừng nghỉ để mang đến lợi ích cho hàng tứ chúng. Sau nhiều lần thỉnh mời Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw quang lâm, Việt Nam đã vô cùng vinh dự được Ngài nhận lời và trở thành điểm đến đầu tiên trong hành trình hoằng pháp châu Á năm 2014 của Ngài bao gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Chương trình hoằng pháp của Ngài Đại Trưởng Lão và các thông tin khác về đạo lộ tu tập, về thiền viện Pa Auk có thể tham khảo thêm tại: http://www.paaukforestmonastery.org/index.htm
Những điều mà chúng ta biết về Ngài Đại Trưởng Lão Pa-Auk Tawya Sayadaw thật ít ỏi so với những điều mà chúng ta chưa được biết về Ngài. Đức hạnh và trí tuệ của bậc thiền sư lỗi lạc đã vang danh khắp năm châu bốn biển thật không dễ gì thấu hiểu được, nhất là khi ngôn từ có vô vàn hạn chế.
Nhóm soạn giả đã cố gắng tóm lược Tiểu sử Ngài Đại Trưởng Lão với ước mong có thể cung cấp vài nét chấm phá trong sự nghiệp vĩ đại của Ngài. Nhưng dù chỉ một phần nhỏ nhoi như vậy cũng làm cho chúng ta vô cùng kính trọng, vô cùng tôn kính cuộc đời và sự nghiệp của Pa-Auk Tawya Sayadaw bởi Ngài đã làm việc không ngừng nghỉ để đóng góp vào sự bảo tồn và duy trì Giáo Pháp của Đức Phật Gotama cũng như truyền cảm hứng tu tập Tam Vô Lậu Học: Giới – Định – Tuệ mạnh mẽ đến các hàng hậu học.
Vào ngày 4/1/1999, với sự ghi nhận sự nghiệp của Ngài Đại Trưởng Lão Pa-Auk Tawya Sayadaw, Chính phủ Myanmar đã thành kính dâng lên Ngài tôn hiệu Aggamahākammaṭṭhānācariya (Bậc Đại Thiền Sư Cao Thượng), thật xứng đáng với những công hạnh của Ngài.
MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA NGÀI PA-AUK TAWYA SAYADAW
Trong suốt sự nghiệp hướng dẫn thiền tập và hoằng pháp của mình, Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw có nhiều tác phẩm có giá trị và gây tiếng vang trên thế giới. Sau đây là những tác phẩmcủa Ngài đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và xuất bản:
– Vận Hành Của Nghiệp
– Biết và Thấy
– Đại Niệm Xứ Tường Giải
– Chánh Niệm Hơi thở và Thiền Tứ Đại
– Cỗ Xe Đại Giác
– Vượt Qua Chướng Ngại
– Dây Trói Buộc
– Con Đường Độc Nhất Để Chứng Ngộ Niết Bàn
Sādhu, Sādhu, Sādhu!!! Lành thay!
* CHÚ THÍCH:
1. Bậc Thông Thuộc và Thấu Suốt Tam Tạng đầu tiên tại Miến Điện và cũng là Đáp Sư trong cuộc kết tập Tam Tạng lần VI tại thủ phủ Yangon (Rangoon).
* NGUỒN TÀI LIỆU SỬ DỤNG:
– Tiểu sử của Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw được Tỳ kheo Kusalaguṇa (Thiện Đức) chuyển ngữtừ tiếng Miến.
– Tiểu sử của Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw tại trang web chính thức của Thiền viện Pa-Auk và trang web của Thiền viện Chi nhánh PATVDH tại Mỹ:
– paaukforestmonastery.org/abbot.htm
– paauktawyausa.org/galleries/our-spiritual-leader-3/
– Tổng hợp: Đàm Đức Anh (Theravada Việt Nam)