nguoiphattu.com Ngày 21 tháng 06 năm 2016, nhằm ngày 17 tháng 5 năm Bính Thân, 520 bạn khóa sinh chính thức bước sang ngày tu tập thứ hai của khóa tu tuổi trẻ lần thứ V I với chủ đề " Phật luôn trong con".
Buổi sáng, các bạn khóa sinh đã được Thầy Tâm Dược hướng dẫn tập thể dục buổi sáng, khởi động một ngày tu tập thật an lạc và tràn đầy năng lượng.
Sau đó, các bạn đã cùng nhau thực tập khóa lễ buổi sáng với bài nhớ tứ trọng ân, nguyện vâng lời cha mẹ thầy cô, kính tin Tam Bảo, giữ gìn năm giới, siêng năng tu tập, trau dồi đạo đức, sống cuộc sống thiện lành.
Sau thời khóa tụng kinh, các bạn khóa sinh cùng nhau xếp hàng dùng bữa sáng trong niềm hỷ lạc, hân hoan đón chào một ngày mới. Trước khi ăn, các bạn chắp tay đồng niệm danh hiệu "Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật", thực tập dùng bữa trong yên lặng.
Đúng 8h00 sáng, ba hồi chuông trống bát nhã ngân vang, các khóa sinh cùng vân tập về lễ đài chính, chắp tay búp sen trang nghiêm cung đón Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm quang lâm pháp tòa và thuyết pháp cho thính chúng với chủ đề “Phật luôn trong con”.
Với bài giảng đầu tiên của chương trình tu học trong khóa tu, Hòa thượng đã giới thiệu vài nét về Đức Phật – một con người thực, là một hoàng tử rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn để lên đường tìm cầu chân lý giải thoát. Với tuổi trẻ, Ngài đã thành tựu đạo quả giải thoát. Với sức trẻ, Ngài đã dấn thân trên con đường hoằng hóa. Hơn ai cả, Ngài biết sử dụng tuổi trẻ một cách ý nghĩa nhất. Hơn ai cả, Ngài khuyến khích mọi người đừng lãng phí tuổi trẻ của mình.
Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh về sự trải nghiệm tuổi trẻ của chính Đức Phật. Ngài thoát khỏi ngục vàng “khi tuổi còn trẻ, tóc đen nhánh, với tuổi thanh xuân đầy nhựa sống” (Trường Bộ Kinh, số 4: Sonadanta; số 5:Kutadanta), là một điển hình sinh động về tiềm năng của tuổi trẻ. Với tuổi trẻ, Ngài có thể trải qua 6 năm ròng thực hành khổ hạnh đến cùng cực. Với tuổi trẻ, cùng nỗ lực phi thường một cách có nghệ thuật, để rồi Ngài chứng đạt chân lý giải thoát. Ngài đã ngồi yên dưới cội bồ đề theo sự mô tả trong kinh sách là suốt 49 ngày đêm, để vượt qua già – bệnh – chết – sầu – ô nhiễm và chứng đạt “vô thượng an ổn khỏi các khổ ách” (Kinh Thánh Cầu, trung bộ kinh số 26). Với sức trẻ, Ngài nỗ lực tinh chuyên thiền định, tu tập thân và tâm đúng theo giáo pháp của bậc thánh (Đại kinh Saccaka, kinh số 36 trung bộ kinh). Với tuổi trẻ, Ngài thành lập ra một tôn giáo giải thoát cho đời và lan truyền rộng rãi khắp nơi, vượt qua không gian và thời gian. Với sức trẻ, Ngài kiên định trên bước chân hoằng hóa và tuyên bố “ta không tranh cãi với đời” (Kinh Trung Bộ, tập I, Kinh số 18: Kinh Mật hoàn). Với sự cống hiến của sức trẻ, Đức Phật đã làm một sa môn học đạo, tu đạo, thành đạo và hành đạo một cách hiệu quả. Từ kinh nghiệm bản thân, Ngài dạy rằng “Còn với tỳ kheo trẻ; Nồng cháy với nhiệt tình, nhưng không con không cái, không của cải truyền thừa, không con không thừa tự, như thân cây tala” (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương III, Phẩm I, mục I). Chính vì vậy, Hòa thượng nhấn mạnh “Trong giáo lý Ngài dạy, chúng ta thấy Ngài rất coi trọng về tuổi trẻ. Ngài nói có bốn thứ trẻ không nên coi thường, đó là: vua trẻ tuổi, tỳ kheo trẻ tuổi, đốm lửa nhỏ và con rắn nhỏ”.
Qua đó, Hòa thượng đã phân tích cho 520 bạn thanh thiếu niên trẻ tuổi về một tâm lý chung của con người, đó là tâm lý thích hưởng thụ. Lúc nào chúng ta cũng cho mình quyền nghĩa rằng mình còn nhiều thời gian khi còn trẻ, nên chưa cần phải vội vã, hưởng thụ những niềm vui thế gian thêm thời gian nữa rồi gác lại tu tập cũng chưa muộn. Chỉ khi nào hành giả thấy nguy hiểm trong các dục mới có thể dốc tâm hướng đến sự xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, và đây là điểm khác nhau căn bản giữa người xuất gia và người gia chủ. Cái xấu như ác ma luôn hiện hình dụ dỗ mỗi chúng ta trong từng bước đi của cuộc đời: ma ăn, ma ngủ, ma ngũ dục…là những bản năng mang tính hạ liệt. Trong khi đó, muốn thực hành pháp phải dũng cảm đi ngược lại cơn lốc xoáy của bản năng.
Hòa thượng khẳng định “tuổi trẻ không chờ đợi ai, khi đã qua đi thì lực bất tòng tâm”. Cuộc sống vốn có giới hạn. Đối với người sống thọ chăng nữa, giới hạn đó, tối đa cũng chỉ trên dưới 100 năm cho một kiếp người, “ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót một ai” (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương V, phẩm Về Già) hoặc thọ như Tổ mẫu của vua Pasenadi nước Kosala thọ 120 tuổi rồi cũng kết thúc bằng cái chết. Người nào ý thức thời gian mình sống có hạn, người ấy sẽ trân quý tuổi trẻ mình đang có, trân quý thời gian mình được dành cho để sống trọn vẹn ý nghĩa một kiếp người. Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta nên sử dụng tuổi trẻ mình có để hiện thực hóa những định hướng cuộc đời, vì dòng sống luôn vận hành, đừng để thời gian và tuổi trẻ cứ trôi đi mãi. Con người chỉ có thể xây dựng sự nghiệp của mình ở tuổi thanh xuân. Đời cũng như đạo, ai cũng cần định hướng cho mình một mục đích sống và dành năng lượng, sức trẻ để biến định hướng ấy thành hiện thực sinh động. Chỉ có tuổi trẻ là thời kỳ sung mãn nhất để bước vững chắc trên con đường mình đang đi, thực hiện hoài bão ở đời.
Hòa thượng mong rằng, các khóa sinh hãy sử dụng tuổi trẻ để tu tập giới – định – tuệ. Hãy biết nuôi dưỡng Phật tính thiện lành trong tận sâu con tim mình, để những điều tốt đẹp sẽ đơm hoa kết trái, giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp. Nhớ nghĩ đến Phật, nghe theo Phật, vận dụng đúng những phương pháp Đức Phật dạy, nghĩa là chúng ta đang nuôi dưỡng Đức Phật trong ta, và đó cũng chính là ý nghĩa của “Phật luôn trong con”.
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng, các bạn khóa sinh cũng đã có những câu hỏi, thắc mắc xung quanh cuộc sống gia đình, bạn bè, học tập và đã được Hòa thượng trả lời dưới góc nhìn thực tế, gần gũi nhưng vô cùng thấm đượm đạo vị, giúp các bạn biết được đâu là đúng sai trong mỗi vấn đề, từ đó rút ra được cách hành xử đúng đắn nhất.
Buổi trưa, các bạn đã được dùng cơm trưa trong chính niệm tỉnh thức cùng quý Thầy, các anh chị sinh viên, võ sinh, quản sinh, được dùng những bữa cơm ngon và sạch sẽ do chính các bác trong ban công quả không kể ngày đêm vất vả chuẩn bị và tính toán sao cho đủ dinh dưỡng và sức khỏe cho các bạn khóa sinh.
Đầu giờ chiều, các bạn được đón một buổi chiều vô cùng thú vị với giờ giao lưu cùng sư cô Thích Tịnh Quán – Ủy viên Ban hoằng pháp TW, trụ trì chùa Đình Quán. Cô đã hướng dẫn các bạn tập hát những bài hát thiền ca êm dịu, đã chỉ cho các bạn cùng sinh hoạt theo chúng, tập vẽ những bức tranh mang thông điệp yêu thương về 5 vấn đề bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta: bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ bầu không khí trong lành, tránh xa thực phẩm bẩn, tạo nên một môi trường thân thiện và giữ tâm hồn trong sáng trong chính mỗi chúng ta.
Buổi tối, các khóa sinh vân tập về lễ đài, cùng tụng thời Kinh Dược Sư dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng trong Ban tổ chức. Sau đó, các bạn đã được giao lưu, sinh hoạt chúng theo sự hướng dẫn của từng quý Thầy trưởng chúng, kết thúc ngày tu thứ hai trong niềm hỷ lạc và an lành.