;
Trong ngày tu tập thứ năm của Pháp hội Dược Sư truyền thống lần thứ XVIII tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhận lời mời của Ban tổ chức, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW đã ban pháp thoại tới các Phật tử tu tập trong Pháp hội về chủ đề "Phát nguyện tu tập theo 12 nguyện lớn của Đức Phật Dược Sư".
Mở đầu bài giảng, Thượng tọa giảng sư đã giới thiệu tới toàn thể đại chúng về hệ thống thờ tự của Phật giáo Nam Truyền và Phật giáo Bắc Truyền. Theo đó, các chùa theo Nam truyền, chỉ thờ một vị Phật lịch sử là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dưới ba hình tướng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định đắc đạo dưới cội cây Bồ đề, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu ở trong núi tuyết.
Còn theo Bắc truyền, các chùa thờ cả nghìn Phật, vạn Phật, hằng hà sa số chư Phật. Không phải chỉ một vị Bồ tát: Quan Âm, Đại Thế Chí...mà là hằng hà sa Bồ tát và các vị Hộ thần, hộ trì cho Phật Pháp.
Sở dĩ như vậy vì tinh thần Đại thừa là tinh thần dấn thân phục vụ, hoá độ chúng sinh. Mà cốt tuỷ là tất cả chúng sinh đều là Phật. Ai cũng thành Phật và ai cũng là Bồ tát. Các Đức Phật, Bồ Tát đều lập nguyện tất cả vì lợi ích chúng sinh. Nguyện này thành tựu, quả Phật này cũng thành tựu.
Thượng tọa Giảng sư nhấn mạnh "Chúng ta về tu tập, không chỉ hành trì, lễ bái, cầu nguyện; mà ta hãy mở tâm mình ra. Như vậy có công đức, công đức lúc cần hiển bày thì hiển bày, lúc không cần thì không hiển bày. Phật tử càng tu càng sáng, càng thấy được giá trị của sự tu hành, tâm mình rộng lớn, vì Phật pháp, vì lợi ích cho chúng sinh: những chúng sinh có mặt và cả những chúng sinh khuất mặt, không thấy hình tướng.
Trên bước đường tu, các Phật tử tu theo Bổn Môn Pháp Hoa, kham nhẫn trước những điều bất như ý, hành Bồ tát đạo để dấn thân phụng sự trong nhiều đời nhiều kiếp. Mỗi người hiện diện trong lễ đường đây là phúc đức hơn rất nhiều người khác, đã không còn nặng nề về vật chất.
Vì vậy, cần tận dụng thời gian ở chùa để tu cho công đức tăng trưởng. Còn sức khoẻ, minh mẫn, đi được, nói được hãy hết lòng. Khi vô thường đến, buông xuống, không còn luyến tiếc điều gì cả. Vì ta đã sống trọn một cuộc sống ý nghĩa phụng sự nhân sinh".
Thượng tọa cũng giải thích về ý nghĩa của danh hiệu "Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai" và những hạnh lớn của Ngài. Điều đó cho thấy rõ, Đức Phật có vô số hào quang, mỗi hào quang thể hiện sự thành tựu, công đức tu hành của Ngài.
Đức Phật có đầy đủ phương tiện bằng trí tuệ để độ chúng sinh: Dẫn tà đạo về với chính đạo, đưa Nhị thừa lên Chính đẳng Chính giác; Ai chưa có giới Phẩm đưa vào giới Phẩm, Ai chưa có Pháp đưa vào giới Pháp; Cứu chưa bệnh thân và tâm cho chúng sinh; Chuyển nhi nữ mềm yếu thành dũng mãnh trượng phu; Giúp hữu tình thoát chài lưới ma, bùa yểm...
Qua bài giảng, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ mong muốn hàng Phật tử "Khi tụng Kinh Dược Sư, ta cũng hãy phát nguyện, thực hành theo hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư. Chọn một trong 12 hạnh nguyện lớn của Đức Phật Dược Sư hợp với điều kiện căn cơ của ta để phát nguyện thực hành nguyện đó. Đây chính là tinh thần tu học để có công đức.
Khi phát nguyện sẽ có Hộ pháp Long thiên hộ trì cho ta tu tập. Hàng ngày ta thực hiện hạnh của các Bồ Tát, các vị Phật để trọn vẹn công đức tu hành. Mong đại chúng tinh tiến tu tập để lợi lạc cho muôn loài hữu tình. Hồi hướng công đức ấy cho gia quyến, hướng về tất cả chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo".