Tháng Giêng, bắt đầu từ giao thừa là những ngày người dân nô nức đi lễ chùa đông nhất. Song, không phải ai lên chùa cũng am hiểu về các nghi thức cúng lễ theo đúng giáo lý đạo Phật. Có những hành vi tự phát, lâu dần thành thói quen của số đông khiến nhiều người lầm tưởng là nghi lễ phù hợp, trong khi hành vi đó chỉ là tín ngưỡng dân gian, không phù hợp với chủ trương giác ngộ, giải thoát của Phật giáo. Ví dụ như: rải tiền lẻ, đốt vàng mã, hình nhân thế mạng, dâng sao giải hạn…
Nhân dịp đầu xuân, PV VOV online trò chuyện với Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương, trụ trì tổ đình Đống Cao (tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
PV: Thưa Thượng tọa Thích Thanh Vân, đầu xuân, người dân thường đi lễ chùa cầu cúng. Song không phải ai cũng biết thực hành theo nghi lễ của đạo Phật mà thường chỉ mong muốn gì thì cầu xin nấy. Điều này có đúng với tinh thần của đạo Phật hay không?
Thượng tọa Thích Thanh Vân: Mục đích của đạo Phật là cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh và mong cho tất cả chúng sinh đạt được niềm vui tự nội, đi đến giải thoát giác ngộ. Muốn được như vậy, mọi người phải tự nỗ lực, tu tâm hành thiện. Đạo Phật đề cao triết lý nhân quả, phúc họa là do con người tự tạo ra. Đức Phật là bậc đã giác ngộ, chỉ ra cho mọi người thấy nguyên nhân của sự khổ đau và dạy phương pháp tu tập để chuyển hóa khổ đau. Chứ đức Phật không phải đấng thần linh, không ban phước, không giáng họa cho con người.
Nghi thức của đạo Phật có cầu nguyện, nội dung là cầu an và cầu siêu. Cầu an gắn vào các lễ thượng nguyên đầu năm, tuần rằm, mùng một v.v với các kinh thực hành nghi thức cầu an như kinh Dược Sư, kinh Quán Âm Phổ Môn Phẩm... Nhưng trước hết chúng ta phải an chính mình trước bởi vì nhà Phật nói tâm bình thế giới bình, tâm an thế giới an. Nếu chúng ta đến chùa chắp tay hướng về đức Phật, thầm niệm tu tâm hành thiện để có được sự an vui trong cuộc đời thì đã có an lạc rồi.
Chứ đến chùa cầu mua may bán đắt, mua một bán mười hay cầu những việc sai, trái lương tâm đạo đức mà đạo lý con người không cho phép thì không đúng với tinh thần Phật giáo. Đến chùa mà đem một ý tưởng tốt đẹp, tâm niệm thánh thiện vì tất cả chúng sinh, hạnh phúc an lạc cho thế giới, loài người thì phù hợp với tâm Phật nên tự thân cảm ra được thế giới an lạc, tội nghiệp tiêu trừ, chiêu cảm được phúc báu giàu sang, có nhiều nhân duyên thù thắng. Làm chuyện tội lỗi mà đến chùa cầu Phật ban ơn cho cái nọ cái kia thì không bao giờ được, không đúng với triết lý nhân quả của đạo Phật.
PV: Xin Thượng tọa cho biết ngoài việc cầu khấn, người đi lễ chùa hiện nay còn có những nhầm lẫn nào trong các nghi lễ thực hiện khi đi chùa?
Thượng tọa Thích Thanh Vân: Do ảnh hưởng của Tam giáo đồng nguyên và do nước ta tín ngưỡng đa thần giáo, Phật giáo đã hòa đồng với bản sắc của dân tộc nên nhiều người dân ngộ nhận về giáo lý Phật, nghĩ sao làm vậy mà bảo Phật dạy nhưng thực ra không phải. Ví dụ như lễ dâng sao giải hạn, các cụ gọi là lễ nhương tinh vốn không có trong giáo lý nhà Phật mà là phong tục tập quán ở các địa phương, người dân thường làm để cảm thấy an tâm nên nhờ nhà chùa làm giúp.
Thứ hai là việc đốt hình nhân thế mạng. Đó là phong tục tập quán từ Trung Quốc, xuất phát từ tục tuẫn táng. Khi có vị vua quan mất đi thì chôn kèm những người xuống dưới hầu hạ. Qua các thời kỳ, do nhận thức tư duy con người, chuyển người thật thành người gỗ rồi người bằng giấy gọi là hình nhân thế đại. Quan niệm năm xung tháng hạn thì đốt 1 tới 13 hình để thay hình đổi mạng để mình qua cầu thoát nạn. Điều này cũng không có trong các nghi lễ của đạo Phật.
PV: Khi đi chùa, người dân thường đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ để công đức. Những năm gần đây, báo chí đã lên tiếng nhiều về việc người đi chùa dắt tiền lẻ ở các bức tượng Phật, cành cây, giếng nước… trong chùa. Theo đạo lý nhà Phật thì hành vi đó có đúng không?
Thượng tọa Thích Thanh Vân: Trước kia tôi không thấy hiện tượng này mà mới thấy trong những năm gần đây. Theo con mắt người tu hành chúng tôi thấy hành động đó không hề đẹp. Nhà chùa đã có hòm phúc sương (hòm công đức- PV), đến chùa thành tâm cúng dường bao nhiêu thì nên gặp gỡ quý thầy trụ trì hỏi về nghi lễ hoặc bỏ vào hòm phúc sương. Chứ đang từ đồng tiền chẵn đổi lấy tiền lẻ, rải từ chánh điện, các ban thờ nhà chùa đến các hang động, khe suối… trông thiếu sự tôn kính, trang nghiêm, không đúng với đạo lý nhà Phật.
Đi lễ chùa cần phát tâm công đức, cung kính cúng dường Phật, Pháp, Tăng chứ không nên rải tiền lẻ lên khắp các ban thờ, điện Phật. Trong mùa lễ, có những chùa phải nhờ người nhặt tiền lẻ rất tốn thời gian mà hình ảnh không đẹp. Mong các Phật tử và các du khách nên tìm hiểu trước khi làm, đừng kéo dài những việc làm này mãi.
Chúng tôi thường khuyến phát Phật tử thay vì mang hương thì có thể mua nến cúng Phật. Sử dụng không hết thì chúng tôi sẽ dùng trong các pháp hội hoa đăng, ví dụ như ngày 27-7 thắp hương cầu nguyện, thắp nến tri ân cho các thương binh liệt sỹ.
Việc thắp hương trong chùa cũng nên hạn chế, du khách chỉ nên thắp nhang ở lư hương ở trước cửa chùa theo quy định của nhà chùa, từ 1 đến 3 nén thôi. Nếu hương còn thì để lại chùa, để chùa chuyển cho các chùa vùng sâu xa còn thiếu hương. Các chùa có điều kiện nên ủng hộ những nơi thiếu thốn. Không nên đốt nhiều hương vì bây giờ có hương có mùi độc, thắp nhiều làm không khí ngột ngạt, những người có bệnh đường hô hấp tới chùa sẽ không chịu đựng được.
PV: Theo Thượng tọa thì cần làm những gì để người dân bớt những hiểu lầm để không mê tín dị đoan?
Thượng tọa Thích Thanh Vân: Để giảm bớt những hành vi này thì tự thân giáo hội, thành viên giáo hội làm chưa đủ, cần kết hợp với các cơ quan chức năng như ngành văn hóa để đề cao nếp sống văn hóa văn minh. Kết hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để tuyên truyền, ví dụ đưa tin những chùa làm tốt về công tác nghi lễ, tín ngưỡng, tu học, hoạt động xã hội. Khi hiển dương chính đạo thì tà đạo sẽ tan biến đi.
Còn những chùa nặng nề mê tín dị đoan thì các chùa phải có thái độ kiên quyết, phản đối quyết liệt chứ không nên tùy tiện đáp ứng nhu cầu của chúng sanh. Có những Phật tử quy y tam bảo nhưng không tu học, sinh hoạt Phật giáo, không từng đến chùa học hỏi giáo lý, nghe thuyết pháp. Họ chỉ tham dự các khóa lễ đầu năm hoặc khi tới năm cho là năm hạn, họ đến khẩn cầu quý thầy dâng sao giải hạn. Qúy thầy sợ mất lòng, không dám nói ra, cứ nể mà làm, rồi bị lấn lướt. Vì vậy mong các Tăng Ni cũng phải có thái độ kiên quyết, tuyên truyền dần dần thì mới có thể giảm bớt chuyện mê tín dị đoan được.
PV: Xin cảm ơn Thượng tọa./.