;
Tham dự chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – PCT thường trực HĐTS GHPGVN- Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An; TT. Thích Chân Tính – trụ trì chùa Hoằng Pháp; TT. Thích Thọ Lạc, UV thường trực HĐTS GHPGVN, Phó BTS Phật giáo tỉnh Nghệ An; Chư tôn đức BTS Phật giáo tỉnh Nghệ An; Chư tôn đức trú xứ các tỉnh Hà Tĩnh; Bắc Ninh; Thái Bình; Hà Nam; Quảng Nam; Bình Thuận; và Chư tôn đức huynh đệ của thầy trụ trì tại chùa Hoằng Pháp.
Nguồn ảnh - chùa Hoằng Pháp.
Đại diện lãnh đạo chính quyền có Ban Tôn giáo Sở Nội vụ, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh Nghệ An, UBMTTQ VN tỉnh, Ban Dân vận tỉnh ủy, lãnh đạo huyện Diễn Châu và các xã vùng phụ cận cùng đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Theo tài liệu còn lưu giữ, chùa được xây dựng thời Hậu Lê, là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất của đất phủ Diễn Châu. Trải qua hơn 600 năm với nhiều dấu ấn lịch sử, chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3211/QĐ/BT ngày 12/12/1994. Năm 2010, chùa được UBND tỉnh Nghệ An cho phép phục dựng theo quyết định số 2802/QĐ.UBND-NC ngày 30/6/2010. Theo đó, chùa được quy hoạch xây dựng trên diện tích 14 ha và dự kiến việc xây dựng sẽ phân kỳ nhiều giai đoạn; Giai đoạn 1 gia cố thượng điện, nhà tăng, nhà bái đường, tượng Phật dưới chân núi, đường lên núi bằng đá; Giai đoạn 2 xây dựng Tam bảo, nhà giảng đường, sân lễ hội, tháp chuông, tôn tạo các hang động thành điểm thờ phụng và chiêm bái.
Nguồn ảnh - chùa Hoằng Pháp.
Hội đủ nhân duyên cũng như được sự cho phép của thầy Bổn sư - Thượng tọa Thích Chân Tính, viện chủ chùa Hoằng Pháp, Tp.HCM, Đại đức Thích Tâm Thành đã về đây hướng dẫn Phật tử tu học và được BTS Phật giáo tỉnh chấp thuận trụ trì chùa Cổ Am.
Đại hùng bảo điện chùa Cổ Am nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên chùa, kinh phí xây dựng hết khoảng hơn 22 tỷ đồng, thiết kế quy mô theo chùa Việt truyền thống, chia làm 2 tầng với tổng diện tích 2.600m2, vật liệu sử dụng chủ yếu xi măng, cốt thép và hệ thống cột đá. Trung tâm chính điện bài trí tôn tượng Đức Bổn sư Thích Ca cao 5,4m làm bằng gỗ mít dát vàng trị giá trên 2 tỷ đồng, Tăng đường chùa Cổ Am nằm sau ngay Đại hùng bảo điện có tổng diện tích 960m2, Bảo tháp 5 tầng với tổng diện tích 720m2, vườn La Hán nằm phía hông chính điện với các điểm nhấn Tượng Thích Ca Phật Đài bằng phù điêu cao 4,2m2 khắc trực tiếp lên bề mặt núi đá, xung quang Phật đài bố trí 18 vị La Hán bằng đá xanh cùng với đó là hang động Như Ý được tôn trí một bảo tượng Quam Âm và một tượng đức Ông Cấp Cô Độc; Tượng Phật Quân Âm 3 mặt cao 23m hướng về 3 phía khác nhau. Tổng chi phí cho các công trình phục dựng giai đoan 1 là 46 tỷ 955 triệu đồng. Nguồn kinh phí xây dựng hoàn toàn từ nguồn đóng góp của Phật tử và thiện tín thập phương.
Nguồn ảnh - chùa Hoằng Pháp.
Trong khuôn khổ của chương trình, chùa Cổ Am đã trao nhiều bằng Tuyên dương công đức cho tập thể và cá nhân đã có nhiều đóng góp tiêu biểu trong quá trình xây dựng chùa, tổ chức lễ cắt băng khánh thành, niêm hương chính thức đưa vào sử dụng ngôi Đại hùng bảo điện, tổ chức lễ an vị tôn tượng Quan Âm 3 mặt và thả bóng bay, nguyện cầu quốc thái dân an.
Chúc mừng lễ khánh thành chùa Cổ Am, một chi nhánh lớn của chùa Hoằng Pháp tại Bắc Trung Bộ, Đại đức Thích Tâm Đạo và Đại đức Thích Tâm Hoà đã thay mặt chư Tăng, Phật tử chùa Hoằng Pháp trao tặng lẵng hoa và phần quà chúc mừng, Đại đức Thích Tâm An đã trao tặng lẵng hoa chúc mừng của các chi nhánh chùa Hoằng Pháp trong nước và Đại đức Thích Tâm Trực đã thay mặt cho các chi nhánh ở nước ngoài trao lẵng hoa chúc mừng đến Đại đức trụ trì.
HT. Thích Thanh Nhiễu – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Nghệ An ban đạo từ.
Nghi lễ cắt băng khánh thành và thả chim bồ câu nguyện cầu quốc thái dân an.
Ban đạo từ cho buổi lễ, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An đã tán thán Đại đức trụ trì trong công tác hoằng pháp lợi sinh, đồng thời Hoà thượng cũng nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của ngôi chùa trong đời sống cộng đồng. Từ đây, Hoà thượng hy vọng chư Tăng Ni sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa sứ mệnh cao cả của một vị "trưởng tử Như Lai" mà đặc biệt Nghệ An lại là nơi chư Tăng Ni có số lượng còn hạn chế.
Việc khánh thành đưa vào sử dụng Ngôi đại hùng bảo điện, Nhà tăng, Đại tượng Quân Âm 3 mặt, vườn La Hán, động Như Ý sẽ góp phần hoàn thiện tổng thể ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời khơi dậy tinh thần hoằng dương Phật pháp gắn với phát huy truyền thống văn hóa của địa phương.