;
Chùa Bà Bụt còn được gọi là Tiên Tích tự thuộc địa phận xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Theo lời kể của các cụ cao niên, xưa kia chùa có diện tích khoảng gần 10 mẫu, gồm nhiều hạng mục như nhà trạm, nhà thuyền, bái đường, thượng điện, tam quan, sân vườn, ao sen, tường bao, hiện nay chùa chỉ còn bái đường, thượng điện, sân vườn, những cảnh quan còn lại đã bị phá dỡ hoàn toàn. Nhà bái đường nổi bật với hình chữ nhật , kết cấu kiểu một gian hai hồi, có hai vì, khung xà bằng gỗ lim. Nền nhà lát gạch đất nung, hai đầu hồi xây lửng. Mái lợp ngói âm dương, đóng rui bản. Tiếp đến thượng điện có bố cục dọc theo hướng vuông góc với bái đường, hai gian hai hồi, khung cũng dựng bằng gỗ lim. Tương tự bái đường, mái thượng điện lợp ngói âm dương với kiểu mũi hài. Niên đại chùa theo truyền thuyết có từ thế kỷ XI, thời nhà Lý. chùa hiện lưu giữ được 22 pho tượng phật cổ, 2 đôi câu đối, 1 bức hoành phi, 2 cửa võng, 3 chuông. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, nội dung hoành phi, câu đối ở chùa chủ yếu ca ngợi Phật pháp quảng đại, cứu độ chúng sinh.
Toàn cảnh chùa Bà Bụt.
Theo lịch sử ghi tại chùa: Thời kỳ nhà Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 vua Lý Thái Tổ) được bổ làm tri Châu Nghệ An, ông đã tổ chức khai mở đất, xây dựng và phát triển kinh tế, Phật bà Quan Âm ở chùa Bà Bụt đã phù giúp Lý Nhật Quang gạp nhiều thuận lợi, may mắn; Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành, Lý Nhật Quang được Phật bà Quan Âm linh ứng phù giúp cho ông đánh giặc thắng lợi; Tương truyền , Lý Nhật Quang đi đánh giặc Lão Qua bị trọng thương, ngựa về đến Bạch Đường , thông Thượng Thọ (nay là xã Lam Sơn) có bà Tiên (Tiên Tích Tự) báo với ngài rằng “ Qủa Sơn là địa linh nhân kiệt, muôn đời có thể hóa thân ở xứ ấy” . Nghe lời bà Tiên , Ngài về đến Qủa Sơn thì quy hóa; Quan quân bèn xây dựng phần mộ lập đền Qủa Sơn. Do đó hàng năm tục lễ “ Nghinh Xuân” vào ngayd 20 tháng giêng , rước di tượng Lý Nhật Quang từ đền Qủa Sơn đến chùa Bà Bụt lễ tạ long trọng .
Chánh điện chùa Bà Bụt
Lễ tạ tại chùa diễn ra hai năm một lần vào ngày 20, 21 tháng giêng, lễ tạ ơn Chùa Bà Bụt mang nét đặc trưng riêng vốn có từ lâu đời thể hiện đạo lý “ Uống nước , nhớ nguồn” của nhân dân; Chùa Bà Bụt còn là nơi chứng kiện nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác gắn với địa phương trong hai cuộc kháng chiến. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử đó, ngày 9/02/2009 UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 4508/QĐ-UBND.VH công nhận chùa Bà Bụt là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, ngày 17/7/2013 UBND tỉnh đã có quyết định số 3031/ QĐ-UBND-ĐTXD phê duyệt quy hoạch chi tiết về xây dựng chùa Bà Bụt với tổng diện tích đất chùa được quy hoạch 20521,0m2, trong đó diện tích xây dựng chùa 702,0m2. Công trình được quy hoạch theo đúng không gian, bố cục và kiến trúc chùa Việt , bao gồm các hạng mục chính như: Lầu chuông, lầu trống, nhà mẫu, nhà tăng, hồ sen, tháp chuông, cổng tam quan và các công trình phục trợ khác .
Chùa Bà Bụt sau khi được phục dựng, tôn tạo sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời, nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các Phật tử xa gần nói riêng, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tính ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách thập phương.