;
Thường như mọi năm, muốn biết mùa Phật Đản rộn ràng ra sao nhiều người hay tìm vào các trang nghe nhạc ở các cổng thông tin đa dạng, dù ở đó chưa phải là nơi tổng hợp hay tiêu biểu cho các hoạt động âm nhạc Phật giáo (ANPG).
Bây giờ thử gõ vào từ khóa “nhạc Phật Đản” chúng ta dễ dàng tìm chọn ra rất nhiều bài hát cùng chủ đề. Đó là xu thế tất yếu của thời đại và cũng từ xu thế ấy, dường như chính là bàn đạp khơi dậy thiện duyên từ phía ca nhạc sĩ đến với ANPG.
Trước kia, khi chưa làm quen với âm nhạc Phật giáo, các ca nhạc sĩ còn rất nhiều e ngại khi muốn thể hiện tấm lòng đối với Phật đà, nên dùng những bài nói về cha, mẹ, về hiếu hạnh và về ca ngợi quê hương.
Vì thế cả một thời gian dài trong các buổi văn nghệ cũng dùng ở các chùa người ta chỉ nghe toàn nhạc hiếu nghĩa và ca ngợi quê hương. Lễ Phật Đản cũng ca hát về mẹ, lễ Vu lan ngoài ca hát về mẹ cha thì cũng có những bài ca ngợi quê hương.
Vì thế đã có nhiều đạo hữu suy nghĩ: nếu để nghe những bài hát như vầy thì ở nhà hằng ngày chúng tôi nghe đã chán chường lắm rồi, đã thế gian lắm rồi. Nếu ở nhà, chỉ cần một động tác bấm nút là có thể chọn nghe các bài khác, đến chùa để nghe pháp và tu học hoặc nghe những bài nhạc chứa đựng âm giai Phật đà, như vậy các vị có xem thường Phật giáo chúng tôi lắm không?
Vần đề cũng đã được nhiều đạo hữu có chút kiến thức Phật pháp và nghệ thuật góp ý với các vị trụ trì nhưng thời gian đó chùa nào, người nào cũng có thấy phấn khích khi có ngôi sao A, ngôi sao Z đến chùa mình phục vụ dù có ca hát bài hát với nội dung gì cũng không quan trọng. Xem ra nhờ thế người ta mới thấy căn bệnh sủng ái “ngôi sao” đâu chỉ dành cho người thế gian thường tình!
Hiện tại thì tình hình đã khác hẳn, các ca nhạc sĩ đã tự sáng tác và biểu diễn các khúc có nội dung Phật pháp rõ ràng. Chỉ riêng lĩnh vực sáng tác, thể chia ra nhiều khuynh hướng sáng tác như cảm tính, chuyên sâu và bình thường.
Trước hết khuynh hướng cảm tính là tuy chưa thông hiểu sâu Phật pháp, chỉ bằng nhãn quan thế tục và tình cảm chân thành dành cho Phật giáo, cho một nhân vật Phật hay Bồ Tát nào đó mà mình có thiện duyên ban đầu, người nhạc sĩ thả tình cảm thiện duyên ấy vào những nốt nhạc mình ứng tác để trở thành tác phẩm. Tất nhiên có những sai sót nhất định mà rồi đây, mai sau, khi ngày càng thâm nhập sâu vào Phật pháp họ cũng sẽ dần nhận ra khắc phục để hoàn thiện. Đây là căn nguyên bước đầu để dẫn dắt họ vào nẻo đạo nên cánh cửa mở rộng khá thoáng.
Vì vậy đây là thành phần đa dạng, rất đông, vừa là tín hiệu vui cho ANPG nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy không ít từ nội dung diễn đạt. Những điều bất cập này từ trước đến nay chưa có một động thái kiểm soát hoặc chí ít góp ý từ phía các ban ngành chuyên môn của Phật giáo. Tiếp theo là khuynh hướng chuyên sâu.
Trong khuynh hướng này hiện đang nảy sinh ra hai góc cạnh đối lập nhau. Đó là người am hiểu Phật học nhưng yếu về chuyên môn âm nhạc và ngược lại người am hiểu chuyên môn âm nhạc thì lại yêu cầu khả năng Phật học chuyên sâu. Nếu bổ sung cho nhau được thì quả là hạnh phúc tuyệt vời cho ANPG. Nhưng rất tiếc là trong lĩnh vực nghệ thuật ai cũng có quyền “sáng tạo” riêng khó chấp nhận đồng hành với nhau. Từ đây xảy ra vấn đề gần như là một lựa chọn dù rằng đến với Phật pháp ai cũng muốn cống hiến bằng cả cái tâm tha thiết của mình; đó là chọn người am tường Phật học để vững tin hơn và nếu sự lựa chọn ấy là có thật thì rõ ràng yếu tố nghệ thuật yếu đi - nếu không muốn nói là xem nhẹ. Ngược lại nếu chọn yếu tố chuyên môn thì ai cũng dễ dáng nhận ra kết cục như thế nào.
Cho nên ANPG chuyên sâu thì rất kén chọn người nghe, chưa nói đến các nhạc sĩ phổ thơ nhiều ẩn dụ của chư Tổ, chư Thiền sư xưa một cách cứng nhắc. Cuối cùng là khuynh hướng bình thường. Đây là sự dung hòa bất đắc dĩ, muốn có tác phẩm để làm chương trình hay biểu diễn, chấp nhận tất cả các khuynh hướng sáng tác và nội dung lỏng lẻo ra sao. Với điều kiện và danh phận của một tổ chức Phật giáo, mỗi một chương trình biểu diễn là một sự tập hợp, chắp vá, mang hình thức không khác một chương trình đại nhạc hội quy tụ nhiều danh ca, ngôi sao và tạp kỹ và quyền lợi sòng phẳng với nhau. Vì sao? Vì Phật giáo chúng ta chưa bao giờ đặt ra vấn đề đào luyện hay gìn giữ những khả năng tiềm tàng, vốn có của mình, để có một thực lực nội tại vững chắc của chính mình, do mình đảo luyện và gìn giữ mà có. Yếu tố cúng dường và nhất là tấm lòng tha thiết dành cho Phật đạo dần bị bào mòn, tàn lụi bởi cách làm ANPG hiện nay.
Ba khuynh hướng sáng tác trên, hiện nay có ai làm một thống kê hay tổng kết thành quả gì cho Phật giáo và Phật giáo đã được hưởng lợi lạc gì qua những cách làm ấy? Thật ra nếu nói không thì thiếu tôn trọng một vài cá nhân đã có thành quả cống hiến thật sự, còn nếu nói có thì tội nghiệp cho ANPG đâu phải là một sân cỏ để mũi giày đinh của các cầu thủ thay nhau dẫm nát mà tính chuyện thắng thua. Có lẽ tốt nhất là chính chúng ta, mỗi người có một cảm nhận riêng, nên tự đi tìm ra đáp án sẽ khả thi hơn.
Trên mặt bằng chung, chúng ta dễ dàng nhận ra có không ít sự thành tựu đáng khích lệ, khả dĩ tác động đến mặt tích cực cho ANPG. Với những tác giả nội tại như Chúc Linh, Đức Quảng, Quý Luân...thời gian qua cũng có nhiều tác phẩm có chất lượng bên cạnh dòng nhạc sinh hoạt xưa nay trong lĩnh vực biểu diễn. Nói về nhạc mừng Phật Đản trước hết phải kể đến tác phẩm “Trăng Tròn Tháng Tư” của Chúc Linh, dù không phải dòng nhạc sinh hoạt nhưng bài này mang tính chất chào đón, hân hoan thật sự, rất phù hợp với nhiều lứa tuổi mà gần đây chưa thấy có tác phẩm nào đạt được như vậy. Nhạc sĩ Quý Luân có điều đáng quý là có một tác phẩm dành riêng cho lứa thiếu nhi mà ít thấy các nhạc sĩ Phật giáo sau này có được, đó là bài “Em Mừng Phật Đản Sanh”. Mong rằng những tác phẩm như thế này sẽ được các nhạc sĩ Phật giáo tiếp tục phát huy để lứa tuổi các em không bị đẩy dạt qua một bên sân khấu mỗi mùa Phật Đản. Với nhạc sĩ Giác An thì sau bài “Mừng Phật Đản Sanh” với giai điệu tango rất được nhiều ca sĩ chọn ra, nhưng qua sự cố “Hoàng hậu đản sanh đức Phật nhân tử” (dù đã lắng nghe, tiếp thu và sửa chữa) thì dường như bị chìm hẳn, có lẽ bận bịu chén cơm manh áo, đi phổ thơ kiếm sống!
Ở khuynh hướng khác, trước khi nhắc đến nhạc sĩ lỗi lạc Hàn Châu, chúng ta nên nhắc đến ca sĩ Thùy Trang và Nguyễn Đức. Chính hai ca sĩ này đã tận tâm, chăm chút các tác phẩm của nhạc sĩ Hàn Châu, từ thu âm, phối khí cho đến trực tiếp thể hiện, biến tác phẩm trở nên chuyên nghiệp đáng tự hào. Ban đầu nhạc sĩ Hàn Châu rất ý tứ phổ nhạc từ bài sám cầu an (Con quỳ lạy Phật chứng minh..) để có được bài “Lạy Phật Quan Âm” vì vậy sai sót từ ngữ Phật học không đáng kể. Gần đây nhất nhạc sĩ Hàn Châu gây thêm ngạc nhiên khi viết bài “Hát Mừng Đản Sanh” mà lời thì của Vinh Đại Sơn. Bài này ca sĩ Nguyễn Đức và Sương Mai thể hiện rất nhẹ nhàng và thanh thoát. Nhạc sĩ Hàn Châu phải khiến lớp đàn em học hỏi và cảm phục. Cũng có một vài vị nhận thấy rằng khi chưa hiểu nhiều về Phật học thì cũng nên dựa vào thơ hoặc bài viết của người đi trước sẽ tránh được nhiều sai sót hơn.
Xa thêm chút nữa, hai năm trở lại đây, cặp đôi nhạc sĩ Hoàng Y Vũ và ca sĩ Châu Khánh Hà gây được sự chú ý trong làng nhạc ANPG qua nhiều bài hát với nhiều phong cách mới lạ. Đây là cặp đôi sáng tác và biểu diễn theo khuynh hướng cảm tính. Vì vậy có một vài sai sót nhỏ không đáng kể nhưng nếu được khắc phục sớm thì tác phẩm sẽ thêm hay và đạt chất lượng tốt hơn. Thí dụ tác phẩm“Happy Birthday Thích ca Mâu Ni Phật” chỉ nghe tựa đề thôi cũng thu hút các bạn trẻ rổi và nhất là giai điệu trẻ trung, sôi động. Nhưng đáng tiếc là các câu intro và giang tấu lại cài nhiều lần điệp ngữ “Om mani Padme hum” và còn lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong một bài nội dung nói về đức Phật Đản sinh. Có lẽ nhạc sĩ nghĩ đã là kinh thì cái gì cũng tốt! Còn lại các bài khác cũng của chính nhạc sĩ này thì phần lớn đều diễn đạt nội dung đời là bể khổ, tu đi và chuyện tội phước theo cảm nhận của mình.
Hôm nay, đã là ngày mùng10 tháng 4 Âm lịch rồi, trên các trang mạng vẫn chưa có gì dù là một MV ngắn của các ca sĩ thực hiện “mừng Phật Đản” như thường khi. Có chăng là các album “Nhạc Phật giáo” với chủ đề ghi rõ ràng “Nhạc Mừng Phật Đản” nhưng hầu hết đều là Quan Âm Bồ Tát, đời là Vô thường, Cát bụi….vì vậy càng khiến chúng ta cảm kích những tích cực hơn như sự kiện nhạc sĩ Phạm Nhật Huy đã tung ra một MV với 22 giọng ca của các ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu trong tác phẩm “Bảy Bước Từ Tâm”, vào đúng mùa Phật Đản năm vừa rồi. Khi MV vừa được lên mạng, người viết là người đầu tiên gửi lời tán thán và cảm mến và cũng nhanh như khi tôi làm làm, chính nhạc sĩ Phạm Nhật Huy hồi âm thay mặt tập thể “Bảy Bước Từ Tâm” gửi lời cảm ơn. Còn lại vài ngày ngắn ngủi, biết đâu sẽ có ai đó tung ra một công trình tương tự dâng lên đức Từ Phụ ngày Đản sinh!
Chúng tôi là những thế hệ từng sinh hoạt và trưởng thành trong màu áo thanh niên Phật giáo, nên đã từng tận hưởng và thấm nhuần nhiều dòng nhạc Phật giáo bao la, nên dù hôm nay có đứng trước những tác phẩn thượng vàng hạ cám thì vẫn nghe lại được từ trong ký ức của mình những nguồn ANPG đẹp, mà thương cho các bạn trẻ ngày nay. Thôi thì nghe đỡ những tác phẩm trên đây và ghi nhận tấm lòng của những người sáng tác và thể hiện.
Sài Gòn mùa Phật Đản lần thứ 2642 – PL.2562
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=wbFplh1UQwQ|500|500}