Không ồn ào, sáo rỗng
"Cho cháu ngoại tôi bịch sữa!" - bà Trần Thị Thu chạy xe đạp ghé vô, nói. Không phải chờ lâu, bịch sữa lập tức trao tay khách. Bà Đinh Thị Thu Tuyết, một người trong nhóm phát sữa, xởi lởi: "Chị dùng thêm hộp bún xào nữa nhé?". "Thôi, để dành người khác" - bà Thu thoái thác rồi quày quả đạp xe đi.
Đang đạp xe ngang qua, ông Trần Văn Minh được một người trong nhóm gọi lại mời nhận sữa. Ông cười tươi: "Tuy bịch sữa chẳng đáng là bao nhưng tôi thấy lòng mình ấm hẳn. Bữa nay đã có sữa, tôi mua thêm gói xôi ăn sáng rồi ghé chùa chờ khám bệnh từ thiện".
Những người bán vé số là "khách hàng thân thiết" lần lượt ghé vào nhận phần sữa và bún. Đến hơn 8 giờ, 125 bịch sữa và 80 hộp bún xào đã được phát hết. Thầy Thích Lệ Minh, một người tu tại gia khởi xướng chương trình "Ly sữa từ thiện", nhắc: "Còn chú Tâm chạy xe ba gác và 2 cụ neo đơn chưa đến nhận, nhớ để dành cho họ".
Tôi thắc mắc: "Sao nhóm không đến địa điểm đông người như bệnh viện, chợ để phát sữa và bún mà chọn con đường khá vắng vẻ này?". Thầy Minh giải thích: "Những chỗ đó đã có người làm từ thiện rồi, nhiều người không có nhu cầu cũng cứ nhận. Việc phát sữa, bún miễn phí là nhằm giúp những em bé, cụ già, công nhân, lao động nghèo… có thêm phần ăn ấm lòng mỗi sáng. Chúng tôi chọn ngày chủ nhật vì công nhân được nghỉ làm, có thời gian nhận sữa cho con uống".
Không ồn ào, cũng không có nhiều lời cảm ơn sáo rỗng, buổi sáng hôm ấy chúng tôi chỉ thấy những nụ cười ấm áp trao nhau giữa ngày mưa dầm.
Góp sức chung tay
"Gần 200 phần sữa và bún xào, giá trị tuy không lớn nhưng cần 20 người chung tay để làm ra. Người góp đường, bún, rau cải, đậu hũ, kẻ bỏ công nấu… Tôi lo phần bún xào chay. Rau cải, đậu hũ do tôi gom góp và một phần của các tiểu thương" - bà Tuyết cho biết.
Đậu nành do chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên - nhà ở quận 12, TP HCM - xin từ nhiều nguồn: Tiểu thương trong chợ, bác hưu trí gần nhà, mỗi người 2-3 kg, còn lại chị bỏ tiền túi mua, tổng cộng hơn 10 kg, sau đó chị tự xay mang đến. Đường do chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, công nhân Công ty Cheisin ở TP Thủ Dầu Một, phụ trách, chỉ vài ba ký cho một nồi sữa nhưng với đồng lương công nhân ít ỏi có khi vẫn thiếu hụt. Mỗi lần như thế, Bích phải huy động chị em công nhân trong tổ, người vài ngàn đồng…
"Ly sữa ngoài chợ bán 4.000 đồng nhưng với chúng tôi là vô giá, mỗi người góp một ít nên không biết giá trị là bao nhiêu" - thầy Minh tâm sự. Thầy cho biết nhóm của mình có hơn 20 người. Mỗi người mỗi nghề, mỗi hoàn cảnh nhưng giống nhau ở chỗ đều hăng hái làm từ thiện dù đều nghèo, không dư dả gì.
Chúng tôi hết sức xúc động khi biết trong nhóm, bà Nguyễn Thị Thảo chỉ ở nhà trông cháu nội, không có tiền đóng góp nên sáng chủ nhật nào cũng dậy từ 3 giờ để phụ nấu nướng. Anh Nguyễn Minh Quang là công nhân, góp sức khiêng bàn ghế, mang sữa phục vụ khách. Bà Tuyết ly dị chồng, một mình lặn lội đất khách quê người làm đủ thứ việc để nuôi 3 con ăn học nhưng tháng nào cũng mày mò đi xin chỗ này, chỗ kia rồi lo cả trăm phần bánh canh cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện…
Nhà ở xa nhưng chị Tiên luôn hăng hái tham gia làm từ thiện. Là hộ nghèo, phải ngụ trong căn nhà tình thương được tặng từ năm 1998, nay đã rách nát, cuộc sống lại khó khăn bộn bề khi con trai lớn đổ bệnh nặng nhưng chị rất tích cực trong công việc của nhóm. Nhà chị Tiên nằm bên một bờ kênh nhỏ ở phường Thạnh Lộc, quận 12. Khi chúng tôi ghé thăm, chị ái ngại: "Không có bàn ghế, mấy em ngồi đỡ dưới đất nhé! Nhà chẳng có gì đáng giá, chỉ có tấm lòng thương người là luôn tràn ngập".
Ấm lòng hộp cháo đêm G9 - viết tắt và biến tấu từ câu chúc ngủ ngon bằng tiếng Anh "good night" - được lấy làm tên của một nhóm từ thiện, thành viên là những nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên, thậm chí có cả một bạn Singapore. Chị Kim Thảo, thành viên G9, cho biết: "Định kỳ 2 tuần một lần, chúng tôi phát khoảng 400 phần cháo vào ngày cuối tuần cho người nghèo, chi phí khoảng 4-5 triệu đồng". Khuya một ngày cuối tuần mới đây, chúng tôi cùng hơn 50 thành viên G9 bắt đầu hành trình phát cháo. Các thành viên chia thành 4 nhóm nhỏ tỏa đi các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp. Theo nhóm Phú Nhuận - Bình Thạnh, chúng tôi chở những thùng cháo chạy chậm rãi trên đường Phan Văn Trị, khi thấy người ngủ lang thang thì dừng lại đặt hộp cháo bên cạnh họ. Anh Duy, một thành viên của nhóm, thổ lộ: "Mình san sẻ được gì thì cứ san sẻ, chẳng cần phải giàu có mới làm được". Ông Dân (58 tuổi, quê Tiền Giang), đạp xích lô đêm ở khu chợ Bà Chiểu, tâm sự: "Nhà cửa không có, già rồi, bác đạp xe cả ngày, tối mệt quá chẳng thiết ăn uống gì. Vậy mà có hộp cháo của mấy cháu, bác dùng rất ngon miệng lại cảm thấy ấm lòng". Chị Thu Kiều (quê Sóc Trăng) lên TP HCM tìm việc chưa được, không tiền phải ngủ ở bậc thềm một nhà dân trên đường Đinh Tiên Hoàng. Nhận hộp cháo của nhóm, chị rơm rớm nước mắt: "Tối giờ tôi chưa có miếng gì vào bụng, vừa đói vừa cô độc...". Hơn 4 giờ rong ruổi trên đường, các phần cháo đã được phát hết. Cả nhóm tranh thủ ngồi lại với nhau trên một vỉa hè để chia sẻ cảm xúc về ngày cuối tuần đầy ý nghĩa, đồng thời đóng góp ý kiến xây dựng để nhóm hoạt động tốt hơn. Huỳnh Nhung |