;
I. Từ một thực tiễn trái chiều của đất nước
Không ai chối cãi được rằng: đất nước của vua Hùng hôm nay đang giàu lên, nhiều mặt văn minh lên, nhưng đồng thời cũng đang suy thoái về đạo đức. Cuộc tương tranh giữa cái Thiện và cái Ác đang diễn ra găy gắt chưa từng có trong lịch sử đất nước. Về cơ bản, cái Thiện, cái Tốt vẫn tồn tại nhưng lại đang hao hụt dần và không đủ sức mạnh để đè bẹp cái ác, cái xấu xuống. Không ngày nào, báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng không nói đến những hiện tương vô đạo. Ấy là chưa kể đến những thứ vô đạo còn được ngụy trang, ẩn núp sau những thứ đạo đức giả, có mặt ở mọi nơi mọi chốn, cả ở những nơi đáng ra phải thật trong lành, thánh thiện, làm đau lòng cả xã hội. Phải chăng, thực tiễn đất nước ta ít nhiều cũng đang là dẫn chứng cho điều mà thi sĩ Tản Đà trong Giấc mộng con tập I viết cách đây hơn chín mươi năm, đoạn thi sĩ đến chơi Cõi đời mới nhìn về Cõi đời cũ nơi mình sinh sống mà có nhận xét rằng: “sự văn minh càng tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu”. Nguyện vọng thiết tha, lớn lao và cháy bỏng của toàn dân là phải làm sao vãn hồi được đạo đức chưa nói là xây dựng đạo đức mới. Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương chính sách để bảo vệ đạo đức nhưng xem ra hiệu quả chưa là gì đáng kể trước đà suy thoái của nó. Năm 2000, người viết tham luận này đã có bài: “Mối quan hệ cân đối giữa sự giàu có và đạo lý, bài toán khó của văn hóa Việt Nam ở thế kỷ XXI‖(1). Trong đó, có nguyện vọng được Đảng Cộng sản Việt Nam ra một nghị quyết riêng về vấn đề đạo đức Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa để vào cuối XXI, con cháu Việt Nam sẽ reo lên: Đảng Cộng sản Việt Nam tài giỏi thật, vừa làm được cho đất nước cả ở hai phương diện giàu có và đạo đức. Muồn có nghị quyết đó, trước hết phải tách khái niệm đạo đức khỏi các khái niệm văn hóa văn mi nh đã được nói nhiều trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Bởi lẽ giữa các khái niệm đó tuy có nội hàm liên quan mật thiết với nhau nhưng không phải là một. Phải tách riêng khái niệm đạo đức để có nghị quyết riêng về đạo đức. Nghị quyết đạo đức muốn có sức sống thực sự thì dứt khoát phải đi qua con đường nghiên cứu khoa học đích thực. Trong đó, về mặt lý thuyết, nhận thức, phải tường minh và rất khách quan về các mối quan hệ giữa đạo đức với kinh tế, đạo đức với chính trị, đạo đức với pháp luật, đạo đức với tôn giáo… Mặt khác, cũng phải nhận thức lại cho tường minh về đạo đức truyền thống vốn có liên quan với các học thuyết Nho, Phật, Đạo…để biết rõ đâu là điều tốt lành cần cho sự sống hôm nay, đâu là chỗ chưa có mà hôm nay phải bổ sung, chứ không thể nói chung chung và nói những điều đã quá quen thuộc nhưng chưa đủ độ tường minh. Đặc biệt, cần có sự thức tỉnh trước sự mai một của đạo đức truyền thống do sự áp đảo khá tai hại của phương Tây đối với phương Đông trong đó có Việt Nam ta trên phương diện văn hóa và tinh thần (2) mà xem ra đến nay vẫn áp đảo nhưng chúng ta thì chưa tỉnh. Mặt khác, cũng phải nhận ra sự gián cách lịch sử do có sự thay chữ viết từ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ, tuy cái được là to lớn nhưng cái mất cũng không nhỏ (3). Vị cố đạo Pháp là Pụjinier, người từng rất hăng hái cổ động chính quyền thực dân Pháp tại Đông dương nhanh chóng thay chữ Hán Nôm bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ, chẳng đã nói: thay chữ viết là thay cả một nền văn hóa. Về sau, vào năm 1943, Toàn quyền Đông Dương là Decoux còn nói trực tiếp hơn rằng: “ Bỏ Hán Nôm, dạy chữ quốc ngữ là một tội ác vì nó cắt đứt con cháu với quá khứ văn hóa tinh thần dân tộc của họ”(4).
Để có phương hướng vãn hồi đạo đức, điều quan trọng nữa là phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái đạo đức vốn không phải là chuyện đơn giản. Bởi lẽ sự suy thoái này lại có liên quan tới nhiều qui luật mang tính chất hai mặt của cuộc sống hiện đại trên đất nước. Đó là:
1) Qui luật về sự hội nhập thế giới đang là một qui luật hàng đầu của sự sống hôm nay trong đó vừa là thuận lợi, cần thiết vừa là nguy cơ, bất lợi. Đã có khẩu hiệu tối ưu là “hòa nhập mà không hòa tan”. Nhưng thực tế hiện tượng hòa tan là điều khó chối cái. Trong sự hòa tan, có phần dẫn đến sự suy thoái đạo đức.
2) Qui luật về mối quan hệ giữa yêu cầu làm giàu và đạo đức mà thực tế đã có độ vênh như đã nói. Điều mà đạo Nho đã cảnh báo nhân loại từ mấy ngàn năm trước rằng “phi thương bất phú”, “vi phú bất nhân” không phải là sự thật ư, dù ít dù nhiều. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh các nhà doanh nghiệp đang ra sức làm giàu cho bản thân nhưng cũng là cho đất nước, đặc biệt có nhiều người còn làm từ thiện lớn lao. Nhưng sự vô đạo trong kinh tế thị trường thì ai dám chối cãi.
3) Qui luật về sự cạnh tranh sinh tồn vốn thuộc học thuyết Tiến hóa luận của Darwin, Cũng là vừa khốn nạn vừa cần thiết. Khốn nạn là ở chỗ cá lớn nuốt cá bé, vô đạo. Nhưng muốn phát triển sự sống, lại không thể không đi theo qui luật cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô thất bại, nhìn từ góc độ triết học, chính là vì đã không chịu đi với qui luật này. Các chí sĩ yêu nước của Việt Nam ở đầu thế kỷ XX đã thừa nhận qui luật đó. Đến thời đại Mácxit, không thấy nói đến nó nữa. Nhưng có đúng là trên đất nước ta hôm nay, qui luật cạnh tranh sinh tồn đang làm mưa làm gió ở khắp mọi lãnh vực mà chính mặt trái của nó đã dẫn đến sự suy thoái đạo đức đó không?
4) Qui luật về sự trổi dậy của con người cá thể, cái Tôi (L‟individu), vốn cũng có hai mặt. Bởi từ một đối tượng là con người cá thể nhưng trong thực tiễn cuộc sống nhân loại, lại đã có hai trạng thái: a) cái Tôi chân chính vốn là tế bào làm nên các hình thức cơ thể xã hội, cần được chăm sóc cho nó khỏe để có các cơ thể khỏe, cho nên đang rất cần thắp hương cầu nguyện cho nó sớm trổi dậy được ngày nào là đất nước được nhờ ngày ấy. b) Cái Tôi vị kỷ, ích kỷ (L‟individualisme) chỉ biết vụ lợi cá nhân một cách vô đạo, cần tiêu diệt được sớm phút nào thì đỡ khổ cho nhân dân phút đó. Suy cho cùng, mọi thứ xấu xa vô đạo trong cuộc sống của đất nước hôm nay - điển hình nhất, vô đạo nhất - là sự tham nhũng đã được coi là quốc nạn - chính là sản phẩm của chủ nghĩa cá nhân phi nhân bản (5). Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước bằng sự kết hợp đức trị và pháp trị và lấy đức trị làm nền do đó rất quyết tâm chống chủ nghĩa cá nhân này.
Đúng là “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán”(6), bắt nhân loại phải sống với những qui luật khắc nghiệt mang tính chất hai mặt như thế. Vấn đề đặt ra với nhân loại là vừa phải chấp nhận qui luật vừa phải biết phát huy vai trò chủ thể của con người để hạn chế bớt mặt trái của qui luật. Việc vãn hồi đạo đức cho đất nước phải được đặt trong trạng thái chung mang tính tất yếu khách quan hai mặt và khắc nghiệt đó.
II. Nghĩ về vai trò của Phật giáo.
Một thực tiễn trái chiều của đất nước đã diễn ra như thế và nguyên nhân dẫn đến sự trái chiều vốn phức tạp là như thế. Do đó, đã đến lúc phải làm sao để cả nước cùng ào ạt ra quân nhằm vãn hồi đạo đức. Trong đó, phải nói đến vai trò của những nhà lãnh đạo đất nước trước lịch sử dân tộc. Tiếp đó là sự tham gia của mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp, mọi ngành trong xã hội kể từ chính trị học cho đến văn hóa học, giáo dục học, khoa học, triết học, đạo đức học, tâm lý học, xã hội học, phong tục học... bằng cả hai hướng vừa có lý thuyết vừa có biện pháp hữu hiệu và kết hợp lý thuyết với biện pháp sao cho đích đáng, và có hiệu quả. Đặc biệt cần nhớ cho rằng trong cuộc ra quân tổng lực nhằm vãn hồi đạo đức này, nhất thiết không được coi nhẹ vai tró của tôn giáo, mặc dù tôn giáo không thay thế được mọi chuyện. Từ cách đặt vấn đề như thế, ở đây, người viết bản tham luận này xin nói riêng về Phật giáo.
1) Hẳn mọi người đều đã nhận biết rằng trong muôn loài thì chỉ loài người có tôn giáo. Phải thấy rằng, tôn giáo nói riêng, tín ngưỡng nói chung là một năng lực người. Đã là một năng lực người thì con người phải biết cách đối xử tỉnh táo, khách quan, kể cả trân trọng nó. Chúng ta đều biết, bản chất sự sống của loài người là ham muốn. Không ham muốn là không còn sự sống. Người mất trí, người điên là vậy. Nhưng tạo hóa lại đã bắt loài người phải đương đầu với một sự thật nghiệt ngã mang tính khách quan, bất khả kháng, là giữa ham muốn và kết quả đạt được muôn đời vẫn là một khoảng cách. Chính từ khoảng cách này mà nảy sinh tin ngưỡng, cầu mong sự phù hộ của một lực lượng siêu nhiên nào đó ngoài sự sống trần gian. Từ đây mà có tín ngưỡng, mà tôn giáo lần lượt ra đời với giáo hội này giáo hội khác. Tôn giáo ra đời còn là bởi loài người với bản tính tự nhiên đều ham muốn hạnh phúc mà hạnh phúc chỉ có một khi có cái thiện. Nhưng thực tế không bao giờ có trọn cái thiện mà ngược lại vẫn có cái ác. Do đó loài người bằng năng lực người phải tạo ra tôn giáo để hướng con người vào cõi thiện, hạn chế cõi ác. Tôn giáo nào cũng có phần đạo và phần đời. Về phần đời thì cũng phức tạp, không đơn thuần là tốt đẹp cả. Nhưng phần đạo thì bản chất là tốt đẹp mặc dù vẫn có sự bất cập này khác trước yêu cầu của cuộc sống thiên hình vạn trạng của loài người.
Sự tồn tại của tín ngưỡng và tôn giáo, nói chung là đời sống tâm linh, giữa các cá thể người cũng như giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới vốn không đồng đều nhau. Nếu so sánh phương Đông (trong đó có Việt Nam ta) với phương Tây ở thời cổ trung đại thì có thể nói rằng ở phương Đông thiên về duy linh, nên có đời sống tâm linh đặm đặc, bề thế hơn ở phương Tây thiên về duy lý, duy vật. Các sử gia thường nói đến sự khác nhau giữa phương Đông có truyền thống đức trị khác phương Tây có truyền thống pháp trị là từ sự khác nhau đó. Các khái niệm như chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần là sản phẩm của tư duy phương Tây chứ không phải của phương Đông. Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa và tinh thần truyền thống mà trên có nói tới đã làm cho chính người phương Đông trong thời hiện đại có nhiều điều tỏ ra không hiểu đúng giá trị tâm linh trong sự sống của tổ tiên xưa nữa. Một ví dụ: về khái niệm ông vua. Có đúng là người đời nay khi nói đến ông vua thì chỉ nghĩ đó là người có quyền uy tối thượng, ăn trên ngồi trốc thiên hạ. Tốt thì trăm họ được nhờ. Xầu thì muôn dân phải chịu. Như thế là lạc hậu so với ông Tổng thống cai quản đất nước bằng hiến pháp, luật pháp thuộc chính thể tư sản đại nghị. Cách hiểu đó là sai về cơ bản vì đã hữu ý hay vô tình vừa bỏ mất vừa hiểu sai một khái niệm quan trọng là thiên tử (con trời) và thiên tử là thế thiên hành đạo (thay trời thực hành đạo lý cho muôn dân trăm họ). Như thế, vua chưa hẳn là người có quyền uy tối thượng bởi quyền uy tối thượng là ở ông Trời. Và ông trời quả là một biểu tượng siêu hình nhưng không phải như ai đó xơi phải lý thuyết duy vật thô sơ, lý thuyết vô thần từ phương Tây đến mà cho rằng nó là vô nghĩa, là chuyện tạo thần quyền để tăng sức mạnh cho quân quyền. Trong khi, nó là siêu hình nhưng lại có ý nghĩa thực tiễn vô cùng lớn lao, thậm chí còn lớn lao hơn cả công năng của hiến pháp của chế độ tư sản đại nghị. Nó ngự trị thường trực trong tâm trí ông vua để theo dõi, để uốn nắn, không chỉ với hành động mà còn là ý nghĩ riêng tư thầm lặng của ông vua để hướng ông vua theo sứ mạng thế thiên hành đạo. Tác dụng lớn lao như thế sao lại bảo là vô nghĩa.
Nước Việt Nam ta trước khi có cuộc giao lưu với phương Tây đã có một đới sống tâm linh vô cùng bề thế, trong đó không phải không có mặt sai trái, lạc hậu nhưng mặt tích cực vẫn là chính.
Khí quyển đạo đức đậm đặc có được ở thời cổ trung đại một phần cơ bản là nhờ có đời sống tâm linh đậm đặc đó. Còn sau này, không ít người đã nông nổi, cũng có thể nói là dại dột chạy theo những thứ lý thuyết vu vơ này khác, rồi nhân danh xây dựng đời sống mới, mà phá hoại nhiều phong tục cổ truyền tốt đẹp của đất nước, phá hoại đền chùa miếu mạo, coi rẻ đời sống tâm linh, ít nhiều kỳ thị tôn giáo, mà thực tế đã góp phần không nhỏ vào sự suy thoái đạo đức làm đau lòng như thế.
Câu chuyện tâm linh vốn là một vấn đề vô cùng phong phú, kể cả huyền diệu và bí ẩn nữa.
Ở đây chỉ nói qua như thế để nói rằng, nếu thực sự muốn vãn hồi đạo đức cho đất nước, trong trăm phương ngàn kế, không thể không đặt lại vấn đề khai thác tính năng của các tôn giáo trên cơ sở nhận thức về đời sống tâm linh, về vai trò của tôn giáo một cách tường minh, sâu sắc hơn nhiều nữa. Đành rằng, chính sách của nhà nước về tôn giáo được ghi trên văn bản thì đã đúng đắn. Nhưng khoảng cách từ chủ trương đến thực tiễn vốn là điều không đơn giản. Phải có cảm hứng tôn giáo mãnh liệt hơn nữa để chính sách còn được cụ thể hóa thêm và có khả năng đi vào cuộc sống nhiều hơn nữa.
2) Vai trò của Phật giáo.
2.1. Trên đất nước ta hiện nay có nhiều tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Ngoài Phật giáo, còn là Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Hồi giáo... Dù ít dù nhiều, tôn giáo nào cũng hướng vế điều thiện. Chúng ta cầu mong các tôn giáo đều thực hiện đúng phương châm TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO, cùng nhau đoàn kết, chung sức chung lòng chăm lo hạnh phúc của toàn dân tộc, chăm lo chu đáo phần hồn cho đất nước từ phẩm chất chân chính của đạo mình. Tránh đi những mặc cảm phân liệt, đối địch, Xin hãy lấy lại bài học Tam giáo đồng nguyên đã từng có trong lịch sử dân tộc để đất nước, để toàn dân được nhờ. Từ nguyện vọng thi ết tha, cháy bỏng vì công cuộc vãn hồi đạo đức cho đất nước trên con đường phấn đấu phú cường, với tư cách là một công dân Việt Nam, chưa phải là một tín đồ Phật giáo do đó cũng chưa có hiểu biết nhiều về Phật giáo, nhưng ít nhiều có quan tâm đến dời sống văn hóa tâm linh của đất nước, tôi xin thắp hương cầu nguyện cho Đạo Phật Việt Nam ta đã hoằng dương Phật pháp càng thêm hoằng dương Phật pháp, đang chớm lên một thời đại phục hưng sẽ nhanh chóng phục hưng hơn.
2.2. Nén hương tâm thành này của tôi là dựa trên những nhận thức dù còn là nông cạn nhưng đã in sâu trong tâm trí của tôi từ lâu về đạo Phật là như sau:
2.2.1. Đạo Phật là tôn giáo có tình thương bao la bát ngát nhất trong các tôn giáo. Bởi đạo Phật không chỉ thương tất cả loài người (tứ hải giai huynh đệ) mà còn thương đến cả muôn loài, từ đó có chủ trương không sát sinh. Không sát sinh hẳn là bất lợi cho loài người vì với loài người không ăn thịt động vật thì làm sao phát triển được bộ não để tạo ra thế giới văn minh như ngày nay. Tất nhiên, với những người theo đạo Phật, không ăn thịt nhưng đã có cách khác để phát triển bộ não. Còn với những ai không tán thành đạo Phật về chủ trương không sát sinh thí xin đừng quên lòng nhân ái, tình thương bao la bát ngát của đạo Phật và đừng quên rằng chủ trương không sát sinh này bên cạnh mặt không hợp lý lại có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái để bảo vệ sự sống bền vững cho loài người hiện đang thành vấn đề nóng bỏng của loài người hôm nay. Và, có phải là nhân loại hôm nay (trong đó có Việt Nam ta) đang ít nhiều lâm vào trạng thái stress, thậm chí, còn nổi cáu, phát điên, dẫn đến chém giết lẫn nhau ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng Trung đông và châu Phi là điển hình cho sự vô đạo không? Đạo Phật với bản chất từ bi bác ái, với phương pháp tu hành thiền định, nhập thiền, đốn ngộ… sao không coi đó là phương thuốc hữu hiệu nhất để thư giãn tâm lý, thư giãn thần kinh căng thẳng? Năm 1947. Người đứng đầu Ấn Độ -quê hương của Phật giáo-là Nérhu sang Mỹ gặp Albert Einstein. Nérhu than phiển rằng : “Nền văn hóa toàn cầu hiện nay tạo ra nhiều của cải vật chất nhưng vô trách nhiệm đối với việc chăm sóc đạo đức con người”. Einstein đáp: “Vâng! Nền văn hóa chăm lo đạo đức chính là nền văn hóa phương Đông cổ truyền của các ông”. Theo Einstein, nếu trong tương lai cần một tôn giáo vũ trụ thì đó là Phật giáo (7). Chúng ta nghĩ gì trước ý kiến của vị thiên tài khoa học của nhân loại ở thế kỷ XX này vốn không phải là người của phương Đông? Tôi xin 100 lần đồng ý đồng tình với Einstein mặc dù biết trước không dễ gì có chuyện đó.
2.2.3. Riêng với lịch sử Việt Nam, Phật giáo có những điểm ưu việt là:
2.2.2.1. Nó sớm có mặt ở đất nước ta mà không liên quan đến các thế lực xâm lược trong khi Nho giáo thì liên quan tới cuộc xâm lăng của nhà Hán, Thiên Chúa giáo thì ít nhiều cũng liên quan tới mấy nước tư bản chủ nghĩa phương Tây đặc biệt là Pháp trên đường sang phương Đông kiếm thuộc địa. Điều này đã được chính một vài cha cố người Việt thừa nhận. Và nếu tôi không lầm thì Phật giáo trong lịch sử của mình chưa bao giờ gắn với chiến tranh bởi với Phật giáo thì chiến tranh nào cũng là cốt nhục tương tàn. Thật là tuyệt vời.
2.2.2.2. Đến Việt Nam, Phật giáo ít nhiều được Việt Nam hóa theo phương châm cư trần lạc đạo (chứ không phải là thoát trần lạc đạo như đó đây đã bị hiểu lầm) và có mấy thế kỷ (thứ 10 đến thứ 14) là quốc giáo của Việt Nam trong quan hệ tam giáo đồng nguyên, góp phần đắc lực đưa đất nước Việt Nam đến một thời đại vinh quang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc. Đặc biệt, đã cống hiến cho dân tộc một vị đệ nhất minh triết là Thánh đế (vừa là vua vừa là thánh) Trần Nhân Tông. Với Thánh đế Trần Nhân Tông, nếu theo thuyết “tam bất hủ” (ba giá trị không bao giờ hủ bại, tan nát) là: lập đức, lập công, lập ngôn trong đó lập đức là cao nhất, thứ đến là lâp công, thứ nữa là lập ngôn, thì trong lịch sử Việt Nam, tạm tính đến trước thời đại Hồ Chí Minh, không ai xứng bằng Thánh đế Trần Nhân Tông. Nói riêng về khả năng đưa lại sự đoàn kết dân tộc thì cũng vậy, hỏi ai làm hơn được vị Thánh đế này? Ở vị thánh đế này, còn một điều có thể nói là vô tiền khoáng hậu, hẵng cứ nói trong phạm vi Việt Nam ta, là một người cầm quyền duy nhất đã cố gắng và thực tế đã đạt được là cầm quyền mà không bị rơi vào bi kịch của người cầm quyền vốn như là định mệnh. Cơ sở tạo ra những giá trị nhân bản phi thường đó là gì, nếu không phải từ đạo lý Phật giáo.
Sau khi mất địa vị quốc giáo, Phật giáo vẫn gắn bó với đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam, trước hết là người dân đau khổ. Việc chăm sóc cho phần hồn của người dân Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc về đạo Phật. Trên con đường củng cố chế độ phong kiến, các vương triều đã phải đưa Nho giáo lên địa vị quốc giáo. Nhưng chủ yếu là thuộc phần đời chứ về phần đạo, phần hồn, ngoài vai trò của Nho giáo cần cho lớp trên, còn với nhân dân và cả vua chúa, vẫn phải lấy Phật giáo làm chính. Thời Lê Trịnh, chẳng phải là thời chùa chiền mọc lên như nấm do dân tự làm nhưng cũng do triều đình khuyến khích mà có. Nói riêng về văn học Việt Nam thời trung đại mà có nét đặc sắc có thể nói là không thua bất cứ một nền văn học nào trên thế giới là giàu tình thương con người thì trước hết vẫn phải ghi nhận vai trò của Phật giáo. Thiên tài văn học Việt Nam là Nguyễn Du, đặc biệt là với Truyện Kiều, ở phương diện tình thương con người, hỏi thua kiệt tác nào của thế giới? Chỉ một chi tiết này đ ủ thấy thế nào là tinh thương người của nàng Kiều mà chính là của Nguyễn Du. Cùng đi thanh minh, có bao nhiêu người, “ngựa xe như nước áo quần như nêm” thế kia mà có ai thấy gì ở một nắm đất “sè sè bên đường, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” và không thấy cũng chả sao. Nhưng nàng Kiều thì thấy. Thấy một nắm đất sè sè mà ở đấy là một nấm “mồ vô chủ ai người viếng thăm”, dưới đó là một kiếp người “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi. Hại thay chết xuống làm ma không chồng”, và qua một Đạm Tiên là cả cái “phận đàn bà” “ đau đớn thay”. Đúng là một tiếng kêu than cho cái phận đàn bà muôn nơi muôn thuở . Thử hỏi từ đâu mà có tiếng kêu than đó, nếu không có sự nâng đỡ từ tình thương bao la bát ngát của đạo Phật. Có thể nói khái quát rằng văn học trung đại Việt Nam nếu chỉ dựa vào một Nho giáo không thôi mà không có Phật giáo thì chắc hẳn không có thành tựu như đã có, trước hết là trên phương diện lòng thương người vốn là một yếu tố cốt lõi của giá trị nhân bản.
2.2.2.3. Thực tế đã có một nền văn hóa Phật giáo của Việ t Nam mở đầu ngay từ buổi đầu khi Phật giáo du nhập không lâu với vai trò của các bậc thiền sư như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, làm nên gương mặt sơ khai của văn hóa Việt Nam ngay dưới thời Bắc thuộc mà con cháu hôm nay còn thấy được. Ở phương diện này, Nho giáo chưa làm được như thế. Đến thời đất nước được tự chủ, Phật giáo lên ngôi quốc giáo thì rõ ràng đã đưa văn hóa Phật giáo mà cũng là văn hóa Việt Nam lên đỉnh cao chói lọi. Cứ đọc lại văn thơ Lý Trần, tìm hiểu lịch sử kiến trúc thời Lý Trần sẽ thấy phần tinh túy nhất, cao diệu nhất của văn hóa nghệ thuật Việt Nam ở thời đại Lý Trần vẫn thuộc phần đóng góp của Phật giáo là chính. Tiếp đó, dù Phật giáo không còn địa vị quốc giáo, nhưng văn hóa Phật giáo vẫn là dòng chảy không ngưng nghỉ dù có yếu đi. Riêng về nghệ thuật kiến trúc thì sản phẩm chịu ảnh hưởng Phật giáo vẫn là đầu bảng. Dưới thời Pháp thuộc, văn hóa Phật giáo dù có sút kém cùng sự sút kém của Nho giáo, của văn hóa truyền thống của Việt Nam nhưng riêng Phật giáo cũng đã cố gắng chấn hưng để không bị mai một hẳn. Sau 1945, ở vùng cách mạng đã chiếm lĩnh, do có sự ấu trĩ mà ít nhiều coi rẻ Phật giáo, hiểu sai Phật giáo. Trên Tập san Văn Sử Địa suốt bao năm chỉ có một bài viết của Văn Tân về Phật giáo mà xem ra kiến thức không nằm ngoài những gì đã được các sách viết về Phật giáo của Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Phan Văn Hùm…có viết trước Cách mạng tháng Tám. Trong khi ở các vùng mà từng gọi là vùng tạm chiếm, ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, văn hóa Phật giáo đã không mai một, ngược lại cón có sự trổi dậy bề thế, khả kính. Sau 1975, đất nước được thống nhất, rõ ràng là văn hóa Phật giáo càng trở nên phồn thịnh vượt bậc. Cứ nhìn qua vào các công trình nghiên cứu Phật học của Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Minh Châu, thiền sư Lê Mạnh Thát…; kể cả thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã sáng lập ra môn phái Làng Mai ở nước ngoài và đang muốn đưa môn phái này về tổ quốc, với bao nhiêu là sách vở về Phật giáo của ông; kể cả bao nhiêu sách vở của các vị Hòa thượng, Thượng tọa khác viết ; kể cả bao nhiêu băng đĩa chứa đựng các bài giảng về Phật pháp, về đạo đức làm ngưới của các thiền sư, đang có bán khắp nơi trên đất nước và được người dân đón nhận… và… Cứ nhìn đến các chùa chiền hoặc được tái thiết, hoặc được tân lập, tiêu biếu như Yên Tử ở Quảng Ninh, Tây Thiên ở Vĩnh Phúc, Bái Đính ở Ninh Bình…có được trong thời gian gần đây… ai mà không thấy đó là dấu hiệu phục hưng của Phật giáo Việt Nam đáng mừng cho đất nước hôm nay và mai sau trên phương diện phần hồn, phương diện văn hóa nghệ thuật. Và những thành quả văn hóa nghệ thuật có được từ đạo Phật đó sẽ là gì trong công cuộc vãn hồi đạo đức mà toàn dân ta đang từng ngày từng giờ mong đợi. Cần nói thêm rằng nói đến lịch sử văn hóa Việt Nam mà không thấy đúng tầm độ của văn hóa Phật giáo Việt Nam thì coi như chưa hiểu đúng văn hóa Việt Nam. Cũng như xây dựng đời sống tinh thần Việt Nam mà không biết tận dụng, khai thác kho báu văn hóa Phật giáo Việt Nam thì đó là điều đáng tiếc vô cùng đáng tiếc. Không dấu gì quí vị, trong đầu óc tôi đã nhiều lần hễ nghĩ đến tình trạng suy thoái đạo đức đang ngày một tăng trưởng như không gì cản lại được thì vẫn mơ tưởng, vẫn ước mong một điều mà biết trước tương lai thì không nói nhưng hiện tại thì trăm phần trăm là hão huyền là không tưởng rằng giá gì Phật giáo có lại được vị trí quốc giáo trên đất nước của vua Hùng trăm quí ngàn yêu của tôi của chúng ta, dĩ nhiên là chỉ ở phần hồn, chứ không phải ở phần xác. Mặc dù theo qui luật, phần hồn vẫn có liên quan đến phần xác. Nhưng phần xác thì chủ yếu thuộc phần của các chủ thuyết khác.
Chú thích:
1. Xem: Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 57-58 năm 2005
2. Xem: Nguyễn Đình Chú : Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa tinh thân truyền thống . In lại trên Vietstudies Trần Hữu Dụng, số ra ngày 1.6.2010
3. Xem: Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam. Tạp chí Hán Nôm, số 2 (69) năm 2005
4. Theo bài: Đạo Việt Nam dưới nhãn quan Trương Tửu
5. Xem: Nguyễn Đình Chú: Vấn đề ngã và phi ngã trong văn học Việt Nam thời trung đại , In lại trên Vietstudies Trần Hữu Dụng, số ra ngày 14 -5-2011
6. Trích Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều
7. Trích Phạm Đức Dương: Giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới , Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 152 ngày 10-7-2009
Nguyễn Đình Chú