;
Lĩnh vực tâm linh tâm lý học phát triển từ cuối thế kỷ 19, với sự sáng lập Hội Nghiên cứu Ngoại cảm ở London và một hội tương tự ở New York. Triết gia C.S. Peirce cũng rất quan tâm lĩnh vực này, hoạt động độc lập và cố gắng điều tra vô tư các hiện tượng siêu nhiên.
Trong mấy thập niên sau đó, các nhà tâm linh tâm lý học xác định và phân loại những hiện tượng không thể giải thích bằng kiến thức khoa học đương thời. Sau một giai đoạn háo hức và nở rộ trong thập niên 1970, người ta bắt đầu ít quan tâm đến lĩnh vực này. Ngày hôm nay, tâm linh tâm lý học vẫn là lĩnh vực nghiên cứu gây tranh cãi, bị nhiều người hồ nghi. Một số, có cả các khoa học gia có tiếng, bảo vệ nó. Những người thực hành và ủng hộ nói đó là nghiên cứu hợp pháp về những hiện tượng mà khoa học chưa có mô hình lý giải.
Các nhà nhân học (anthropology) đã nghiên cứu việc lên đồng, và những người nhìn thấy cái vô hình trong nhiều nền văn hóa. Những nghiên cứu ban đầu cho đến cuối thập niên 1950 được dẫn dắt bằng niềm tin cơ bản rằng những tư tưởng và hành vi đó biểu lộ suy nghĩ thô sơ, trái ngược với suy luận hữu lý của phương Tây. Vào đầu thập niên 1960, nhà nhân học người Anh Evans-Pritchard ghi nhận ngành của ông nói chung thù địch trước các niềm tin và hành vi tôn giáo.
Thay đổi quan niệm
Đầu thập niên 1960 cũng chứng kiến việc ra mắt tác phẩm Savage Mind của Claude Levi-Strauss, khẳng định cách suy luận Tây và phi Tây đơn giản chỉ là biến tấu của cùng một cấu trúc suy nghĩ chung của con người.
Kể từ đó, nhiều nhà nhân học cố gắng tìm hiểu những niềm tin không phải từ quan niệm quy ước của mình, mà dựa trên quan niệm của chính nền văn hóa mà họ quan sát. Ngày nay, công thức căn bản của các nhà nhân học là ‘đừng vội không tin’.
Các nhà nhân học đã ghi chép sự phục hồi của đời sống tâm linh ở Việt Nam thời Đổi Mới, mà trọng tâm là hành vi và niềm tin tâm linh.
Nhiều người nhìn thấy sự liên quan giữa thương mại và chủ nghĩa tiêu thụ gia tăng ở vùng đô thị, cùng với sự nở rộ của dịch vụ tín ngưỡng.
Tại một khu nông thôn của Hải Phòng, nơi tôi có một năm nghiên cứu thực địa (2006/07), có vẻ sự phục hồi tâm linh được thúc đẩy không phải vì chủ nghĩa tiêu thụ mà vì nghèo đói và sự tan rã cộng đồng do người ở đó đi ra thành phố.
Người dân làng nhìn những vấn đề này có liên quan đến các oan hồn trong làng. Trước thời cải cách, nhiều ngôi mộ đã bị phá hủy hoặc chưa bao giờ được xây tử tế vì thiếu tiền. Nhiều gia đình không biết nơi chôn các liệt sĩ.
Tìm hài cốt
Tôi bắt gặp cái tên Nguyễn Văn Liên, người giúp nhiều gia đình tìm người thân đã chết, chủ yếu là liệt sĩ, ở gần đó và cả những nơi rất xa. Có trường hợp một cụ già lặn lội đến vùng của người K’tu để lấy xương của em trai, nhờ hướng dẫn của ông Liên. Có lúc người dân chỉ việc đến xã bên cạnh để tìm hài cốt một người chết trong cuộc chiến chống Pháp.
Số lượng khách hàng của ông Liên dường như ngày càng tăng. Chính tôi chứng kiến việc phát hiện một ngôi mộ người dân bên trong xã, nhờ tài ngoại cảm của ông
Liên. Nhưng cũng có những sự chỉ trích của những người nghi ngờ sự chính xác. Có một số kể những ví dụ cáo buộc chỉ dẫn của ông Liên đã sai lạc.
Ông Liên và nhiều nhà ngoại cảm khác (như bà Phan Thị Bích Hằng) đã tham gia những chương trình nghiên cứu do chính phủ bảo trợ từ thập niên 1990 điều tra khả năng của họ trong việc giúp tìm mộ liệt sĩ. Trong 10 năm, hàng ngàn ngôi mộ được phát hiện và các nhà ngoại cảm được nhà nước phong thưởng.
Sự hợp tác giữa nhà ngoại cảm và giới khoa học, đại diện chính quyền thể hiện sự phát triển kinh ngạc. Nhưng bên ngoài các chương trình như vậy, nhà ngoại cảm vẫn cảm thấy cần phải tìm kiếm sự chấp nhận của cộng đồng vì nhiều người bị tố cáo “buôn thần bán thánh”. Ông Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, cho rằng 90% các nhà ngoại cảm là “đồ rởm”.
Câu hỏi
Là một nhà nhân học, một câu hỏi tôi đặt ra là nhu cầu tìm nhà ngoại cảm và mong muốn tìm mộ xuất phát từ cái nghèo trong vùng và biến đổi kinh tế - xã hội to lớn ở Việt Nam ở mức độ nào. Cư dân địa phương dường như nhìn thấy sợi dây nhân quả giữa oan hồn trong vùng và sự vất vả của họ.
Một câu hỏi khác là tín ngưỡng lâu đời của người Việt – ví dụ niềm tin vào kiếp sau – liệu có được củng cố thêm bởi ngoại lực khi đất nước này tiếp xúc thêm với truyền thông nước ngoài. Tôi đang nghĩ đến các phong trào tôn giáo và tinh thần mới ở Tây phương, cùng xu hướng nghi ngờ các định nghĩa hẹp của khoa học và sự thật. Nhiều nhà ngoại cảm, trong đó có bà Phan Thị Bích Hằng, nhắc đến những nghiên cứu ở nước ngoài.
Sau cùng, tôi rất quan tâm đến cách người ta đặt vấn đề ngoại cảm trong quan hệ với kiến thức, sự thật và quan niệm đạo đức. Điều tôi tìm thấy là các nhà ngoại cảm có thể được chấp nhận khi họ chứng tỏ có công lao, điều mà sau đó được chuyển hóa thành bằng chứng rằng kiến thức của họ là có thật. Có thể thấy điều này ở bà Bích Hằng. Cách nhìn nhận rộng rãi về bà như một nhà ngoại cảm thực tài biến chuyển cùng với uy tín người ta dành cho.
Ban đầu, bà Bích Hằng thường bị người dân bỏ qua, sợ hãi và nghi ngờ. Khi chuyện này bắt đầu ảnh hưởng đến gia đình bà, cán bộ địa phương yêu cầu bà dùng kỹ năng của mình để “làm điều có ích cho quê hương, để mọi người thừa nhận tài năng của chị”. Một việc quan trọng cho ngôi làng của bà là khi bà tìm thấy mộ của một vị tướng nhà Trần và di tích một ngôi chùa cổ. Trong cả hai trường hợp, người chết đã hướng dẫn bà đến tận nơi, và sau này, cán bộ của Bộ Văn hóa chứng nhận đó là di tích lịch sử.
Sự gắn kết giữa công lao và sự chân thật rõ ràng cũng đóng vai trò quan trọng trong những lần xuất hiện gần đây của bà Bích Hằng. Bà mặc quần áo Phật tử và có mặt ở các buổi lễ và hội nghị Phật giáo. Chuyện này giúp phân biệt công việc của bà với những người “buôn thần bán thánh”. Nói cách khác, sự thật được thiết lập dựa trên lý do thực dụng, theo như triết lý của William James.
Là một nhà nhân học, tôi nghĩ khi đặt những câu hỏi như vậy, tôi có thể học được nhiều về sự phức tạp của đời sống xã hội Việt Nam và cách thức người dân ở đây giải thích thế giới chung quanh. Nói cách khác, công việc của các nhà ngoại cảm và nhu cầu có dịch vụ của họ cung cấp điểm tham chiếu vô giá về đời sống người Việt trong thế kỷ 21.
Theo Markus Schlecker (Gửi cho BBC từ Viện nhân học xã hội Max Planck, Đức)
Tin liên quan:
TT. Thích Thanh Duệ: Ngoại cảm không "nói chuyện" với hồn
Cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã cho thấy một điều rõ ràng rằng các nhà ngoại cảm chỉ mượn danh Phật giáo để gây thanh thế cho mình. Còn trên thực tế, theo giáo lý nhà Phật không có chuyện người dương có thể tiếp xúc được với người âm.
- Phóng viên: Thưa thượng tọa, hiện nay có rất nhiều nhà ngoại cảm cho rằng họ có thể nói chuyện được với người âm để đi tìm mộ. Nếu chiếu theo huệ nhãn (con mắt thấu suốt) của Phật giáo, điều đó được hiểu như thế nào?
- Thượng tọa Thích Thanh Duệ: Không. Cái đấy không nằm trong hệ thống giáo lý của đạo Phật. Đạo Phật công nhận thế giới tâm linh và thế giới vật chất của
con người. Hai thế giới này tồn tại hài hòa thì con người mới tồn tại được. Trong thế giới tâm linh, có 10 bậc, 10 thế giới riêng. Một là thế giới của chư Phật, là những người đã hoàn toàn giác ngộ. Hai là thế giới của bồ tát, là những bậc đã giác ngộ nhưng chưa hoàn toàn. Thứ 3 là thế giới của thanh văn la hán, Thứ 4 là thế giới của chư thiên. Thứ 5 là thế giới của hàng bích chi phật. Thứ 6 là thế giới của loài người. Thứ 7 là thế giới của Atula. Thứ 8 là thế giới của quỷ đói. Thứ 9 là thế giới của súc sinh. Thứ 10 là thế giới của địa ngục. Trong 10 mức độ như thế, đời sống tâm linh có những biểu hiện khác nhau. Phật hoàn toàn tự do tự tại, bồ tát thì một phần. Thế giới bích chi phật thoải mái cho riêng tư mình nhưng vẫn vướng mắc va chạm với xã hội. Còn thế giới Atula là hoàn toàn giải thoát, không phải bị ràng buộc, nhưng người ta luôn luôn luẩn quẩn trong không trung, gây ra những chuyện xấu nho nhỏ và làm ra những chuyện tốt nho nhỏ.
Có thể những nhà ngoại cảm ở đây nghĩ rằng họ "tiếp xúc" được với thế giới Atula. Trong kinh Lăng Nghiêm nói, khi con người thiên vào những cái đó, coi trọng cái đó thì thế giới Atula sẽ nhập vào người đó. Ví dụ như ở nơi nào chính quyền công an vững thì trộm cắp sẽ ít. Nơi nào công an yếu, trật tự an ninh dân phòng yếu thì thế giới trộm cắp phát triển. Cái thế giới đó như người ta gọi là âm thịnh thì dương suy mà dương suy thì âm thịnh. Khi ổn định trật xã hội an toàn thì thế giới đó bị giảm bớt, bị coi thường. Khi trật tự an toàn xã hội kém, thì thế giới đó phát triển.
- Vậy việc những nhà ngoại cảm thường đặt bàn thờ Phật trong nhà mình và đôi khi tự nhận mình là đệ tử của Phật giáo, làm theo giáo lý nhà Phật có ý nghĩa gì không?
- Những người luyện tập để có khả năng ngoại cảm không phải theo đạo Phật. Ban đầu họ không theo đạo Phật, nhưng khi hành nghề, họ cảm thấy có liên quan nhiều đến đạo Phật thì họ đưa Phật giáo ra thôi. Họ muốn kéo vào để gây thanh thế.
Tôi không biết về họ để mà nhận xét họ nhưng tôi nghĩ là họ cần một cái “cờ nêu” nào đấy chứ không ông nào, bà nào làm việc ấy lại đưa chúa Jesu ra làm “cờ nêu” được cả. Kể cả những người đồng bóng bói toán cũng toàn đưa đạo Phật làm “cờ nêu”. Bởi vì giáo lý đạo Phật nói về đời sống tâm linh nó gần gũi với đời sống chúng ta và gần gũi với những cái mà người ta nghĩ rằng đời sống tâm linh sẽ tồn tại, phát triển đối với con người.
- Theo Thượng tọa, một tín đồ Phật giáo chân chính có nên tin chuyện đó không?
- Một tín đồ Phật giáo nên tin vào giáo lý nhà Phật, tin vào luật nhân quả, nghiệp báo và những khả năng của con người có thể đạt được. Đạo Phật không bao giờ muốn tín đồ của mình tin theo những chuyện như vậy
Trong kinh Hoa Nghiêm nói, con người là trên hết, con người đứng giữa trời đất. Theo quan niệm tam tài của nho giáo, con người đứng giữa trung gian, có thể tạo ra cho mình làm trời nhưng cũng có thể dẫn mình vào địa ngục. Đức Phật dạy rằng: “Nhân vi tối thắng”, con người là hơn hết vì họ có thể tạo ra cái tốt đẹp nhất và tạo ra cái xấu nhất.
- Liệu các nhà ngoại cảm có làm được như họ nói là nói chuyện được với linh hồn của một thân xác đã chết?
- Nói như thế là không đúng. Nói chuẩn xác trong giáo lý đạo Phật, người ta nói chuyện với nhau chỉ là nói chuyện với thế giới quỷ thần hay thế giới Atula. Đạo Phật không nói rằng thân này sống là gửi, thác là về. Cái đó là quan điểm của Nho giáo hay tín ngưỡng bản địa nào đó. Chứ đạo Phật nói rằng cái tồn tại vĩnh hằng là nghiệp thức của con người mà người ta quen gọi đó là phần hồn. Cái phần hồn đó nó chỉ chuyển đổi khi con người đạt tới Phật, tức là giác ngộ hoàn toàn. Còn từng giai đoạn một, cái nghiệp thức ấy gắn vào thân người.
Đạo Phật nói rằng cái tồn tại sự sống nó phải kết hợp cả 2 cái hồn và xác. Nếu 2 cái tách rời nhau thì cuộc sống chấm dứt. Ví dụ: tờ giấy này là tứ đại địa thủy hỏa phong, đó là những cái vật chất để cho nó tồn tại. Nhưng để cho nó thành tờ báo hay một quyển sách thì nó phải có cái phần linh hồn, phải in thế này, đóng thế này, trang trí thế này, nội dung thế này. Khi nó không còn tồn tại, người ta đưa vào máy nghiền, cái thành phần vật chất của nó, tức là phần xác của nó tan đi thì phần hồn của quyển sách cũng mất.
- Vậy là một người nếu chết đi, phần hồn không thể tồn tại để nói chuyện với người còn sống?
- Không thể tồn tại. Đạo Phật nói rằng con người ta khi chấm dứt sự sống ở kiếp này thì phần hồn sẽ thoát khỏi xác và tùy theo nghiệp, nếu nặng thì vào địa ngục, mà nhẹ thì lên cõi thiên. Sau 49 ngày, phần hồn ấy sẽ được quyết định là đầu thai vào nơi này hay nơi khác. Khi thần thức của con người đã chuyển tiếp rồi thì nó không thể trở lại nói chuyện được với các nhà ngoại cảm nữa.
Ví dụ trong cuộc sống bình thường, bạn là người Việt Nam nhưng không ở Việt Nam nữa mà sang bên Mỹ sống, tự nhiên quên hết cả tiếng Việt, bạn có muốn quay lại Việt Nam cũng không nói được, không giao tiếp được. Hoặc người lớn đưa các cháu ra nước ngoài mà không cho nó học tiếng Việt, thì về Việt Nam nó cũng không thể giao tiếp được. Đấy là chưa nói là đầu thai vào thế giới súc sinh, ngã quỷ nó khác, khác chủng loại, khác ngôn ngữ, biểu đạt. Đầu thai vào loài chim thì nói sao được với người.
- Đời sống tâm linh hiện tại của người Việt có rất nhiều những biểu hiện lệch lạc như việc gọi hồn, xem bói toán, cúng bái để hưởng lợi… Thượng tọa có cho rằng như thế là theo đạo Phật ?
- Đời sống tâm linh hiện tại, kế thừa những quan niệm và hệ thống tư tưởng, hệ thống giáo lý của các tôn giáo lớn cũng như các tín ngưỡng của nhân dân có từ xa xưa. Xã hội hiện nay thường đến với đời sống tâm linh khi người ta nghèo nàn hoặc người ta giầu có mà muốn duy trì sựu giàu có đó, muốn cho đời sống nâng lên, muốn cho sự thành đạt được toại nguyện.
Ví dụ, quan chức cũng muốn duy trì và gặp may trên bước đường thăng tiến, rồi những người nghèo nàn lạc hậu nhìn thấy cuộc sống đầy đủ của người khác cũng tìm đến cuộc sống tâm linh. Nói đời sống tâm linh là bạn nói chung chung, còn nói cụ thể, là hiện nay người ta tìm cách xây dựng mồ mả tổ tiên để được thăng quan tiến chức, rồi những người nghèo không có cũng cố gắng xây dựng, sửa chữa, tôn tạo mồ mả… Xu hướng đình đền miếu mạo, rồi mồ mả, tổ tiên phát triển mạnh.
Còn giáo lý đạo Phật lại chú trọng về luật nhân quả. Cái hiện tại của con người ta có được hay có duy trì được hay không là do sự tạo dựng cá nhân của chính con người đó. Đạo Phật nói rằng quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, con người hãy sống tốt với hiện tại, tức là tạo dựng cái nhân tốt. Theo luật nhân quả, tạo dựng nhân tốt thì mình sẽ duy trì được những cái danh vọng địa vị, quyền chức, tài sản hoặc cải đổi nghiệp trong quá khứ để được hưởng những cái tốt đẹp trong những ngày hiện tại cũng như trong tương lai.
Đạo Phật không công nhận chuyện phong thủy để dẫn đến hướng nhà, hướng mả, từ đường mà đạo Phật chú trọng chuyện gây nhân lành, tạo dựng tốt đẹp cho chúng sinh nói chung.
- Tại sao đời sống xã hội hiện đại lại có quá nhiều biểu hiện lệch lạc như vậy?
- Bởi vì trong xã hội chúng ta không chỉ có riêng đạo Phật. Đạo Phật chỉ là một tôn giáo lớn trên thế giới và ở Việt Nam. Sự tồn tại của tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam rất nặng nề. Ví dụ như ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, chưa có đạo Phật nhưng người ta vẫn có tín ngưỡng của mình, hoặc tín ngưỡng bản địa, đạo thờ mẫu, thờ vật tổ. Cái đó không phải trong đạo Phật. Nếu những người đi theo đạo Phật, những Phật tử chân chính, người ta không có những biểu hiện lệch lạc như vậy.
Ví dụ, về phong thủy, đạo Phật nói: phong thủy dẫn đến thuận lợi cho cuộc sống con người, ví dụ nhà ở hướng nào mát về mùa hè, ấm về mùa đông, hay ở nơi nào đó mà thuận lợi về môi trường thì khỏe cho con người, tăng thêm sức lao động và sự thoải mái về tinh thần, tất nhiên là điều tốt đẹp sẽ đến với những người đó. Nhưng nếu người ta chú trọng về cái đó thì trở thành mê tín dị đoan.
Phật giáo nói: “Phong thủy nhân gian bất khả vô. Toàn bằng âm chất lưỡng tương phù. Phú quý nhược tòng phong thủy đắc. Tái sinh khuếch pháp dã nan đồ”. Có nghĩa là phong thủy để đặt hướng cho nhà cửa, mồ mả, cũng có tác động tốt cho người sống, cho người chết và cộng đồng chung quanh. Nhưng nếu anh chú trọng vào cái đó mà không nỗ lực bản thân thì không thể giải quyết được cái gì. Những ông tổ về phong thủy, dịch lý đấy, nếu ông ấy làm được thì ông ấy phải làm cho nhà ông ấy, cho gia đình ông ấy rồi sau này ông ấy mới làm cho thiên hạ. Mình cứ điểm lại những tác giả của các tác phẩm phong thủy thì sẽ thấy chưa chắc những ông thầy ấy cuộc sống đã thuận lợi, gia đình đã thuận lợi và kinh tế đã phát triển.
- Theo thượng tọa, làm thế nào để phát triển tinh thần Phật giáo chân chính, bao trùm được những biểu hiện tiêu cực trong đời sống tâm linh hiện nay?
- Từ khi đất nước giành độc lập, từ những năm 1954-1955, Đảng và Nhà nước đã có một chủ trương gọi là bài trừ mê tín dị đoan bởi vì thực sự nó có tác động rất lớn đến cuộc sống trong xã hội, đến sự phát triển của con người. Nhà nước đưa ra chương trình hoạt động cho các tôn giáo là bài trừ mê tín dị đoan.
Trong điều kiện xã hội hiện nay, cuộc sống không phải phẳng lặng, những cái may rủi xuất hiện nhiều. Thật ra, dân trí thấp thì người ta hay tin vào những thứ mê tín dị đoan. Nếu đã là tiềm năng của con người phát triển thì nó luôn luôn tồn tại, như việc mình học tiếng Anh tiếng Pháp, hay toán học, kiến thức luôn luôn ở đó. Thế mới gọi là phát hiện tiềm năng con người để phát hiện được thế giới tâm linh, thế giới quỷ thần, nhìn được cái xa xôi. Chẳng qua các nhà ngoại cảm nói được với những người nhẹ dạ cả tin.
Khi mình đem giáo lý chân chính của đạo Phật, đem tư tưởng của các tôn giáo chứ không lợi dụng mê tín, truyền lại cho các tín đồ theo đạo, họ sẽ từ bỏ việc mê tín dị đoan. Khi ánh sáng lên thì bóng tối sẽ bị xua tan.
Đối với đạo Phật, được Nhà nước, cơ quan ban ngành, đoàn thể ủng hộ, đạo Phật rất tích cực đem giáo lý giác ngộ quần chúng. Giáo lý gần đây được phát triển bằng băng đĩa, sách báo, nên phần mê tín giảm bớt.
Đối với nhà nước cũng phải quan tâm. Đạo Phật không khuyên người ta đốt vàng mã nhưng xã hội tồn tại những người làm nghề vàng mã thì bắt buộc họ tuyên truyền cho việc đốt vàng mã. Ở Trung Quốc ngày xưa, người ta đã nói rằng khi con người không ý thức được chuyện vàng mã là giả dối, người đốt vàng mã đã tạo ra câu chuyện người chết sống lại được bởi vì nhờ làm lễ hình nhân thế mạng, để người ta duy trì nghề nghiệp của mình. Tôi muốn nói đến những cái vấn đề thuộc về xa xỉ thì nhà nước không nên cho phát triển. Vì phát triển kinh tế, nhà nước mình cho Đài Loan đầu tư một cái nhà máy rất lớn để in tiền đô la âm phủ ở dưới Hải Phòng. Nhà nước một phía khuyên người ta không nên xa xỉ phẩm, nhưng đồng thời Nhà nước lại cho phép sản xuất những cái đó.
- Xin cám ơn thượng tọa!
Theo Khải Thiên - VieTimes