;
Gia tài Đạo Phật là của muôn loại, chất vàng của đạo chỉ tỏa sáng với bất kỳ chúng sanh nào quyết miên mật hành trì - Hình minh họa
Trong thời gian gần đây, trên mạng, tôi thấy tràn lan bao nhiêu bão dư luận. Số phận một vài cá nhân bị lăn lông lốc, chông chênh sau thời kỳ đại dịch covid, bị đào thải sau những sa đọa từ những miếng mồi béo bở của vật chất. Đó là điều tất nhiên, nếu trụ thân không vững trong công việc, giữ tâm không đoan chánh, bị tối mắt giữa bao nhiêu thứ cám dỗ của cuộc đời thì ắt sẽ bị quy luật đào thải, triệt bỏ ra khỏi cộng đồng.
Bão cá nhân thì không đáng nói bằng bão cộng đồng đang tác động mạnh vào nền móng của đạo Phật. Là người Phật tử, tôi đã chọn cho mình một lẽ sống theo lý tưởng cao cả của Đức Từ Bi để lại. Đạo Phật đã vượt qua bao nhiêu thăng trầm hơn hai thiên niên kỷ rưỡi rồi, giờ thấy bão dư luận đang tác động mạnh vào đức tin, liệu mình có bị bật gốc, lung lay không ? Xin thưa là không.
Trên mạng lúc này, theo chủ quan của tôi, chưa có đạo nào bị xoi mói, bị đưa ra làm đề tài phê phán nhiều như đạo Phật. Nào là việc xây chùa to, Phật lớn; nào là pháp này chân, pháp kia ngụy; nào là chân tăng, giả tăng, sàm tăng…
Dư luận đang cố đào sâu vào cả ba ngôi kính tín của đạo Phật để phán quyết, phủ nhận, xuyên tạc, đùa cợt. Nguyên nhân do đâu? Trong quá khứ chắc cũng đã có rồi, nhưng do không có mạng Internet nên không lan rộng, phổ biến nhanh như bây giờ. Nhất là từ khi thầy Minh Tuệ xuất hiện với hạnh tu đầu đà, hay do một số phát ngôn, cách sống chưa chuẩn theo giới luật của một số vị tu sĩ ở một số tự viện, hoặc trên các giảng tòa, hay do một số người không có thiện cảm với Phật giáo đã thêu dệt chuyển con kiến thành con voi…
Trước những diễn biến đầy phức tạp như vậy, nhiều chư tăng đã vì đạo lên tiếng giải thích, chấn chỉnh; một số thiện tri thức đã có những bài viết phân tích sâu sắc, góp phần uốn nắn mọi lệch lạc, có những định hướng tích cực đối với cộng đồng.
Thiệt vàng thì không sợ gì lửa. Đạo Phật đã qua bao nhiêu lửa rồi càng thêm sáng ngời của vàng nguyên chất. Đạo Phật truyền đến xứ sở, dân tộc nào thì luôn ở trong lòng của xứ sở, dân tộc đó.
Nói một cách khác, Phật giáo luôn đồng hành, đồng cam cộng khổ với mọi đất nước, dân tộc đã có niềm tin với đạo. Cho nên những thuận nghịch trong cuộc sống đã thuộc về quy luật mà đức Phật đã từng chỉ dạy: “Lấy bệnh khổ làm thuốc thần, lấy hoạn nạn làm giải thoát, lấy khúc mắc làm thú vị, lấy ma quân làm bạn đạo, lấy khó khăn làm thích thú, lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy người chống đối làm nơi giao du, coi thi ân như đôi dép bỏ, lấy sự xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.
Nên chấp nhận trở ngại thì lại thông suốt, mà cầu mong thông suốt thì sẽ bị trở ngại.” (Bảo vương tam muội niệm Phật trực chỉ) Mỗi người con Phật hạ quyết tâm hành trì, hướng thượng để đạt cho được mục đích cao cả, sá gì những chuyện bể dâu.
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta áp dụng phép lục hòa để giao tiếp với tha nhân thì có lẽ mọi người, mọi việc, mọi lãnh thổ, mọi quốc gia sẽ luôn hòa hợp, thuận chiều, tốt đẹp, không bao giờ có nghịch biến, đố kỵ, tàn ác, phi nhân. Sáu phép hòa kính là gì ?Thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung) - luôn giữ thân sao cho thật bình ổn, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ mọi khó khăn với người khác để tạo ra một sự chung sống tốt đẹp. Khẩu hòa vô tránh (lời nói hòa hợp không tranh cãi) – phải luôn cẩn trọng với mọi phát ngôn.
Nếu dùng lời nói, thêu dệt trắng đen thì không khác gì búa trong miệng mình, sẽ gây bao tai họa khó lường. Nói năng hòa nhã sẽ tạo ra sự nhẹ nhàng trong giao tiếp, thành nhịp cầu tri âm trong mọi ứng xử. Ý hòa đồng duyệt (ý hòa cùng vui)- ý chưa thông mang bình đông cũng nặng, ý thông rồi, có thể cùng tát cạn được cả biển Đông.
Sức mạnh của đồng ý , chung lòng có thể làm được tất cả. Giới hòa đồng tu (giới hòa cùng tu tập)- cùng nhau nghiêm trì giới hạnh, sẵn sàng, khéo léo nhắc nhở nhau tránh mọi sai sót vừa để tự răn mình, vừa giúp người cùng hoàn thiện mọi lẽ tốt đẹp. Kiến hòa đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu)- Thấy biết mỗi người có thể khác nhau do nhiều nguyên nhân như kinh nghiệm, trình độ, khả năng thẩm định...
Nếu biết cùng lắng nghe, cùng giải bày thì mọi việc dễ thấu suốt. Lợi hòa đồng quân (lợi hòa cùng chia)- nếu tâm trí chỉ có vị kỷ, thiếu vị tha thì mọi lợi ích dù nhỏ cũng chỉ hướng vào thân mình làm sao hòa với người được. Cho nên việc sẻ chia là yếu tố mang ý nghĩa vật chất tạo thuận lợi cho năm thứ hòa trên cùng đạt đến đích viên mãn của mọi sự hòa hợp.
Chúng ta tạo được không khí lục hòa từ bản thân đến gia đình, ra ngoài xã hội , rộng ra cả đất nước đến bốn bể năm châu thì làm sao thế giới có chiến tranh thù hận, làm sao có máu xương đổ xuống giữa những căm hờn sôi sục, làm sao phải lo phát triển vũ khí hơn lo cho xây dựng hòa bình...
Khi chúng ta đã rèn luyện thân tâm sống an trong lục hòa rồi thì hãy theo con đường bát chánh mà hành trì hướng thượng, soi chiếu mọi thứ chân giả đang diễn biến đầy phức tạp của cuộc sống . Bát chánh đạo gồm có :
Chánh kiến: Là sự nhận thức sáng suốt và hợp lý trên căn bản của trí tuệ, không còn vướng bụi của tà kiến, mê lầm vọng chấp để có được hiểu biết đâu là chân chánh và đâu là không chân chánh.
Chánh tư duy: Là suy nghĩ chân chánh, là suy nghĩ không trái với lẽ phải, có lợi cho mình và cho người.
Chánh ngữ: Là lời nói chân thật không hư dối, có lợi ích chính đáng, công bình, ngay thẳng và hợp lý. Lời nói không làm tổn hại đến đời sống cùng danh dự của người khác.
Chánh nghiệp: Là những tạo tác trong đời sống cần phải sáng suốt chân chánh nhằm tránh những việc làm không chân chánh.
Chánh mạng: Là sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng không bóc lột, xâm hại đến lợi ích chung của cộng đồng hoặc của người khác
Chánh tinh tấn: Là siêng năng chuyên cần chân chánh thẳng tiến đến mục đích và lý tưởng mà Phật đã dạy. Hăng say làm những việc chính đáng mang lợi ích cho mình và cho cả muôn sinh.
Chánh niệm: Là nhớ nghĩ chân chánh đến những chuyện đã qua trong quá khứ, quán sát một cách đúng đắn hoàn cảnh hiện tại và dự kiến của tương lai.
Chánh định: Là tập trung tư tưởng vào vấn đề chính đáng, đúng chân lý, lợi mình và người.
Nhờ thực hành tốt bát chánh mà chúng ta có thể cải thiện tự thân, cải tạo hòan cảnh và an nhiên làm chủ trước mọi diễn biến của cuộc sống. Đó chính là nền tảng căn bản đầu tiên cho sự giác ngộ .
Chúng ta có lĩnh hội, hành trì được những nấc thang sơ cơ trên con đường tu học như trên thì hướng đến giải thoát sẽ rộng dần. Sự thực chứng sẽ từng bước hiển bày để hành giả thấu triệt. Lúc ấy ta mới thấm dần những năng lượng tỏa ra từ đại hùng, đại lực, đại từ bi đến với người đã tự thắng được mình – một chiến công oanh liệt nhất .
Gia tài của đạo Phật là của muôn loại. Chất vàng của đạo chỉ tỏa sáng với bất kỳ chúng sanh nào quyết niêm mật hành trì. Những hiện tượng chê bai hoặc phỉ báng Tam bảo thì cũng như những trận cuồng phong diễn ra trong khoảng khắc, nó chỉ tàn phá hoặc cuốn phăng những vật nhỏ bé không bám chắc hoặc không chịu đựng nổi những tác động lớn chứ không thể nào di sơn chuyển đảo được.
Mây có thể che ánh mặt trời trong khoảng chốc, chứ mặt trời vẫn sáng mỗi ngày soi chiếu cả nhân gian. Người tin vào đạo Phật phải có niềm tin lớn như vậy.
PL.2568 - DL.2024 - Mùa hạ Giáp Thìn
Đinh Công Tôn
*Tựa đề do Người Phật tử đặt lại