;
Làm dồi, nướng thịt nơi cửa Phật
Ở ngôi làng yên bình mang tên An Bài (xã Hoa Lư, Đông Hưng, Thái Bình) dường như đang âm thầm diễn ra một cuộc đấu tranh kịch liệt và lạ kỳ. Mọi sự tranh đấu xoay quanh một ngôi chùa của làng - chùa Sùng Quang.
Gần 3 năm qua, trụ trì của ngôi chùa này bị “trục xuất” bằng một nghị quyết của thôn. Trong khi đó, một nhóm người khác lại hết sức bảo vệ nhà sư. Vô hình trung tạo thành cục diện căng thẳng giữa những người dân trong thôn.
Sư Oanh hiện tại không thể trở về ngôi chùa mà bà là trụ trì.
Trụ trì chùa Sùng Quang là sư Thích Đàm Oanh (tục danh Trần Thị Oanh, SN 1960). Qua quan sát, có vẻ như vị tu hành này không phải là người chỉ biết tụng kinh, gõ mõ, bởi bà dường như già hơn nhiều so với tuổi, chân tay đều thô ráp, lưng to bè và hơi gù.
Theo lời kể của sư Oanh, bà đã trải qua không ít vất vả, gian lao. Từ mấy mươi năm trước, một thân một mình, sư Oanh tự lực gánh đất để đóng gạch xây chùa Sùng Quang.
Sư Oanh kể: “Lúc tôi mới được sư trưởng đưa về chùa An Bài, tức là năm 1991, nơi đây hoang hóa, đổ nát vô cùng. Tôi xin đất của dân, gánh hàng trăm gánh đất để đóng gạch. Người dân thấy vậy, còn chỉ trỏ: “Sư nữ mà khỏe quá”. Đóng được mấy vạn gạch, tôi lại quyên tiền ở các nơi để xây nhà Tổ, rồi xây các công trình khác. Dần dà chùa mới được như hôm nay.
Nói thật, tôi chẳng quản ngại gì, mà cũng không tơ hào tý nào. Bản thân tôi tự trồng lúa ở thửa ruộng cạnh chùa để lấy lương thực, chứ cũng không xin ai một cái gì. Vậy mà, không biết lòng người thế nào, một vài người lại không thuận mắt với tôi lắm”.
Chùa Sùng Quang, nơi đang xảy ra cuộc đấu tranh ngầm.
Căn nguyên của sự “không vừa mắt” mà sư Oanh nhắc tới ở trên lại là do một cuộc báo hiếu. Theo trình bày của sư Oanh, khoảng từ năm 2010, sư trưởng của bà mắc bệnh viêm đa khớp thể cấp, bệnh tình diễn biến mỗi ngày một xấu. Nghĩ đến tình sư đồ và công ơn dìu dắt từ thời còn trẻ dại, sư Oanh hết lòng chăm sóc sư trưởng.
Sư trưởng của bà cũng là trụ trì một ngôi chùa nổi tiếng trong vùng. Sư Oanh thường lui tới chăm sóc cho sư trưởng, nhưng vẫn đi lại chùa Sùng Quang. Đến năm 2012, sư trưởng của bà viên tịch, sư Oanh gặp mặt chính quyền xã Hoa Lư cùng với đại diện thôn An Bài đề nghị được về chốn Tổ để tang sư trưởng một năm. Trong thời gian này, nếu người dân có việc cần như cúng bái, lễ lạt, bà vẫn sẽ trở về giúp sức.
Một năm sau đó, sư Oanh sống trong nỗi buồn vì mất đi người thân. Bà không ý thức được sự bất mãn nảy sinh trong một bộ phận người dân của thôn An Bài. Liên tiếp xuất hiện những lý lẽ tiêu cực về sư Oanh như:
Trong vài năm trở lại đây, sư Oanh không xây dựng thêm cho chùa Sùng Quang công trình nào khác, thay vào đó, bà mang hết công sức, tài sản để xây dựng chốn Tổ.
Ngoài ra, mỗi lần người dân có việc cần nhờ đến nhà sư cúng lễ, họ lại phải đích thân đưa đón sư Oanh ở cách xa gần 20km khá vất vả (vì sư Oanh không biết đi xe máy). Hơn nữa, sư Oanh kịch liệt từ chối làm các lễ giải hạn, bắt ma, bùa chú... khiến vài người không hài lòng.
Sự bất mãn thể hiện rõ trong ngày giỗ sư trưởng của sư Oanh được tiến hành tại chùa Sùng Quang vào đầu năm 2013. Sư Oanh kể: “Sư trưởng tôi ăn chay trường cả một đời. Để không làm hại đến thanh danh của sư trưởng, tôi đã khẩn khoản nói với người dân An Bài rằng chỉ làm cỗ chay thôi, đừng để tôi phải mang tội với vong linh sư trưởng. Nếu họ muốn ăn mặn, thì đem ra ngoài chùa mà ăn.
Thế nhưng hôm giỗ, họ vẫn giết lợn, rồi bày cả lòng dồi ra sân chùa mà làm, máu me be bét. Họ còn quay chả, nướng thịt, rất là ô uế. Tôi giận lắm, không chịu được cái nhục ấy, nên bỏ đi. Bản thân tôi chỉ không muốn tham dự vào cuộc ăn uống máu me ấy, song không ngờ đó lại trở thành cái cớ để họ “đuổi” tôi khỏi chùa”.
Nhà sư từng “tuyệt thực” ở sân chùa
Sự việc sư Thích Đàm Oanh bị “trục xuất” khỏi chùa Sùng Quang, hầu như tất cả cán bộ xã Hoa Lư đều nắm rõ. Ông Dương Văn Yên, Phó công an xã này, tỏ ra cảm khái: “Thực sự, tôi không biết phải làm thế nào. Sư Oanh đăng ký hộ khẩu thường trú tại chùa Sùng Quang, nên về pháp luật, sư Oanh có quyền ở đó. Tuy nhiên, một nhóm người kiên quyết ngăn cản và có các hành vi quá khích, khiến cho sự tình càng lúc càng phức tạp”.
Ông Dương Văn Yên, phó công an xã Hoa Lư, chia sẻ về sự việc.
Cụ thể, ông Yên cho biết: “Đối với sự việc liên quan đến sư Oanh, dân làng An Bài dường như chia làm 3 thành phần. Khoảng 30% chống đối kịch liệt, 40% là ngại không dám nói gì, còn 30% bảo vệ, ủng hộ nhà sư.
Hồi tháng 5/2014, tôi nghe nói sư Oanh được triệu tập đến Hội trường nhà văn hóa thôn An Bài để nói về chùa cảnh 4 gương mẫu và hoạt động tín ngưỡng ở địa phương, sau đó đưa ra một nội dung là bỏ phiếu kín trục xuất nhà sư.
Trong buổi họp ấy, những người chống đối sư Oanh thậm chí còn lăng mạ, vu khống, đặt điều cho nhà chùa. Mặc dù sư Oanh không đồng ý, nhưng cuộc bỏ phiếu kín vẫn diễn ra và kết quả là thôn An Bài đưa ra nghị quyết trục xuất sư Oanh”.
Dựa vào nghị quyết nói trên, nhóm người “không thuận mắt” với sư Oanh bắt đầu hành động. Nhân lúc sư Oanh đi giỗ tổ tại Hoa Nam, họ dùng búa phá khóa cũ, thay khóa mới tại chùa Sùng Quang. Khi trở lại, sư Oanh phải nhờ đến công an xã can thiệp mới có thể vào chùa.
Nhiều lần sau đó, khóa cửa chùa Sùng Quang lại bị đập, bị thay mới. Có bận, sư Oanh trở về giữa đêm, không thể tìm được người mở khóa, bà đành chấp nhận đứng trước cửa chùa, bật khóc.
Sư Oanh cho biết: “Các ngày lễ của nhà chùa và gia đình trong thôn nhờ nhà chùa đều phải lễ ở ngoài sân, vì họ kiên quyết không trả chìa khóa và cũng không mở khóa. Tệ hơn nữa, họ còn dọa nạt những gia đình có ý định mời nhà chùa đến lễ.
Những gia đình “dám” mời nhà chùa đều bị họ chửi bới, đe nẹt. Mới đây thôi, gia đình ông Yên (ông Dương Văn Yên, Phó Công an xã Hoa Lư - PV) mời nhà chùa đến lễ 49 ngày cho thân sinh của ông Yên, đích thân ông Yên phải đứng ra thì nhóm người kia mới sợ, không dám quấy rầy”.
Một Phật tử, bà Nguyễn Thị Phiếm, cho rằng sư Oanh là nạn nhân của âm mưu “chiếm chùa”.
Cắt đường đi lại, những người không ủng hộ sư Oanh còn tuyệt cả sinh kế của nhà sư. Nhân lúc nhà sư đi an cư, họ tổ chức gặt lúa trong ruộng của chùa, mượn cớ này kia để không trả lại cho sư Oanh. Chứng kiến sự tình như thế, sư Oanh phẫn uất đến mức quyết chí tuyệt thực ngay trong sân chùa.
Ông Dương Văn Yên tường thuật: “Sư Oanh vốn là người trực tính, đối với những người chống đối rất bất mãn. Khi bị cắt mất lúa, sư giận quá nên quyết định một cách liều lĩnh là nhịn ăn mấy ngày. Phải nhờ đến các cấp chính quyền xã, rồi mặt trận đứng ra khuyên bảo, sư Oanh mới chịu ăn. Nếu có xảy ra cơ sự gì, thì không biết làm sao cho hết tội”.
Phật tử ở An Bài làm đơn xin “minh oan” cho sư Oanh
Phóng viên nhận được lá đơn đề nghị xem xét của phật tử làng An Bài, trong đó họ cho rằng sư Oanh đã góp nhiều công sức để xây dựng chùa Sùng Quang và cũng chưa từng phạm sai lầm to lớn nào.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phiếm, một trong những người đứng đơn, nhấn mạnh: “Sự việc đuổi sư mà một số người bày ra chỉ là một màn kịch hòng “chiếm chùa” Sùng Quang, cướp công của thầy Oanh. Nếu thực sự thầy bị đuổi đi một cách vô lý như vậy, phật tử chân chính sẽ cảm thấy vô cùng đau xót”.
Theo Hoài Sơn (Tuổi Trẻ & Đời Sống)
Diệu
Dân thì mê tín dị đoan, ngu muội, liều lĩnh, cán bộ chính quyền thì dốt nát, vô trách nhiệm... Họ đang tạo nghiệp nặng nề. Thật đáng thương!Diẹu!!
Thích Trả lời 10/21/2018 8:06:12 AM