;
Do vậy, thân giáo là chuẩn mực, là quy phạm để chúng ta tự nhìn lại chính mình. Vì thật khó có thể dạy người phải làm như thế này, không nên làm như thế kia, khuyên răn người đừng phạm lỗi lầm v.v…, trong khi chúng ta vẫn còn nhiều lầm lỗi. Nếu thân mà không nghiêm, việc làm không chánh trực thì chắc chắn dù nói lời hay, ý tưởng đẹp đều không có giá trị giáo dục, chuyển hóa người khác. Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Trước hết tự đặt mình
Vào những gì thích đáng
Sau mới giáo hóa người
Người trí khỏi bị nhiễm”
(PC-158)
Tôi đã được học những bài học thân giáo từ quý Ôn ngay từ những ngày tháng mới xuất gia học đạo cách đây hơn 25 năm. Theo tôi, những bài pháp không lời ấy là tuyệt vời nhất và mãi là hành trang mang theo trong suốt cuộc đời.
Ngày ấy, chúng điệu chúng tôi thường ngồi kháo chuyện với nhau rất nhiều về các giai thoại của những “lão tùng bách” trong chốn thiền lâm xứ Huế. Trong tâm tưởng chúng tôi, quý ngài luôn là thần tượng, vừa đạo cao đức trọng vừa cương nghị rắn rỏi lại vừa mát mẻ hiền từ như cây tùng cây bách vạn niên. Nét thiền sâu lắng mà thanh đạm nhẹ nhàng của chư vị đại lão Hòa thượng như soi rọi tận tâm can của những người sơ cơ học đạo khiến chúng tôi dù chỉ nghe danh hay mỗi lần có diễm phúc đến gần đều cảm nhận sự ấm áp và ấn tượng vô cùng.
Hình ảnh những vị cao tăng thạc đức như cố HT.Thích Đôn Hậu (ở Huế quen gọi là Ôn Linh Mụ), cố HT.Thích Mật Hiển (Ôn Trúc Lâm) , cố HT.Thích Thanh Trí (Ôn Báo Quốc), cố HT.Thích Thiện Siêu (Ôn Từ Đàm), cố HT.Thích Đức Tâm (Ôn Pháp Hải)… đã thầm lặng đi vào ký ức tôi không phải bằng chức vụ lãnh đạo Giáo hội, cũng không phải bằng danh tiếng lẫy lừng mà đơn giản, quý ngài đã để lại dấu ấn trong tôi bằng những lời nói từ hòa, những bước chân thảnh thơi, những cử chỉ nhẹ nhàng đẹp như một bài thơ thiền “vô ngôn nhi ngôn”.
Một lần đang làm việc phía sau chùa, vô tình nhìn ra đường Phan Bội Châu, tôi thấy quý Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm, Ôn Báo Quốc, Ôn Pháp Hải… cùng chống gậy với bộ từ văn phòng chùa Từ Đàm lên chùa Quốc Ân để dự lễ kỵ Tổ. Hình ảnh quý ngài thong dong trong chiếc áo tràng màu nâu một tay cầm chuỗi hạt, một tay chống gậy vừa đi vừa chuyện trò đàm đạo trông thật dung dị, tràn ngập đạo tình ấy đã in sâu vào tâm khảm và trở thành tâm nguyện của tôi; suốt đời mình phải cố gắng nỗ lực phấn đấu tu học để được thảnh thơi như quý ngài.
Chùa tôi kỵ Tổ vào đúng ngày 14-4 âm 1ịch, tức 1à trước ngày Phật đản chính thức một ngày. Ngày ấy thường thì quý ôn, quý thầy trong Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản phải thường trực tại chùa Từ Đàm để chuẩn bị ngày mai tiếp đón quan khách và làm lễ Phật đản. Thế nhưng có một dịp quý ôn đến dự lễ kỵ Tổ chùa tôi đông lắm, có cả Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm và Ôn Pháp Hải… Thường thì quý ôn đến sớm trước khoảng nửa giờ. Lúc đó, tôi là điệu được cắt cử hầu nước nên được nghe quý ôn hỏi thăm nhau và chuyện trò vui lắm. Quý ôn thường dành cho nhau nhưng lời thăm hỏi chuyện trò rất nhẹ nhàng và ý vị. Những ai có duyên lành may mắn được chứng kiến thì đó là bài học thắm tình đạo vị và cũng là truyền thống thiền lâm quý giá vô cùng.
Có lần vào năm 1983, Hòa thượng Thích Trí Thủ (thầy tôi quen gọi là Ôn Già Lam) từ thành phố Hồ Chí Minh ra Huế có ghé thăm chùa tôi. Ôn mặc áo tràng vàng, đeo kính trắng, bước lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ. Tôi lúc đó mới vào chùa, là một đứa con nít nhà quê mới lên phố nên vẫn còn khờ dại lắm, chẳng biết gì nhưng cũng lăng xăng, thấy Hòa thượng mang đôi hài màu vàng sắp bước vào chùa bèn chạy đến bên ngài và nhắc: Thưa thầy bỏ giày ra ạ? Sư phụ tôi và những vị khác bất ngờ trợn mắt nhìn tôi háy háy, tôi run lập cập không biết đã xảy ra chuyện gì, chợt thấy Hòa thượng cúi xuống cởi đôi hài ra và nhẹ nhàng bước đôi chân trần lên chùa. Sau đó tôi bị sư phụ cho một bài học nhớ đời nhưng hình ảnh khả kính của Hòa thượng Thích Trí Thủ đã hằn sâu vào trong ký ức, là bài học đắt giá nhất mà sau này tôi mới hiểu đó chính là “thân giáo” của ngài dành cho tôi.
Một lần khác có một vị Hòa thượng từ thành phố Hồ Chí Minh ra và ghé thăm chùa. Đó là vào một buổi sáng trời rất đẹp, mát mẻ và trong lành. Tôi đang chấp tác quét sân và tưới cây trước sân chùa, thấy một đoàn quý ôn quý thầy rất đông từ trên xe bước xuống và đi vào chùa trông uy nghi lắm. Tôi lật đật xả quần xuống và chắp tay vái chào: A Di Đà Phật, bạch thầy! Thật bất ngờ tôi nhận được một cái xoa đầu và một lời chỉ giáo: Lần sau gặp quý thầy lớn phải bạch Thượng toạ, bạch Ôn nghe chưa! Tôi dạ vâng mà rơm rớm nước mắt, hỏi ra mới biết đó là Hòa thượng Thích Nhật Lệ (thầy tôi quen gọi là Ôn Hải Quang). Bài học về những cử chỉ ân cần dạy bảo của Hòa thượng làm tôi ghi nhớ suốt đời.
Bây giờ khôn lớn, được làm thầy, được tham gia nhiều Phật sự và muốn được học thêm nữa những bài học về thân giáo ấy thì quý ngài đã không còn, đã lần lượt quy tây. Mỗi lần trước những sự kiện trọng đại của Phật giáo, của Giáo hội hay trước một dịp lễ kỵ Tổ nào của các chùa… tôi đều nhớ nghĩ về hình ảnh của quý ngài và chiêm nghiệm những bài học về thân giáo vô cùng quý báu để áp dụng cho mình trong quá trình tu học và làm Phật sự. Đối với thế hệ đi sau cũng vậy, tôi luôn tự răn mình phải gương mẫu, quy phạm để xây dựng bài học thân giáo cho các điệu, các chú noi theo.
Nguồn:baubi