;
Chùa Tam Chúc
Để trả lời câu hỏi này dưới góc độ quản lý nhà nước về hoạt động Phật giáo, phóng viên đã thực hiện cuộc tọa đàm cùng TS.Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ và Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM nhằm đưa ra cách nhìn dưới nhiều góc độ.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều công trình Phật giáo đồ sộ được xây dựng và kèm theo đó là nhiều luồng quan điểm ủng hộ, phản đối với nhiều câu hỏi đặt ra. Có quan điểm cho rằng, xây chùa to không hẳn là để hoằng dương Phật pháp mà chủ yếu phục vụ mưu cầu lợi ích của một tổ chức, cá nhân nào đó, nhất là trong giai đoạn hiện nay có không ít hiện tượng lợi dụng tôn giáo để kinh doanh, trục lợi đã xảy ra. Từ góc độ quản lý nhà nước của Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- TS.Bùi Hữu Dược: Trong lịch sử nhân loại, hàng nghìn năm trước, con người đã xây dựng các công trình rất lớn liên quan đến tâm linh, tôn giáo. Có những ngôi nhà thờ ở Đức xây dựng trong vòng 400 năm với chiều cao trên 170m.
Có không ít công trình tôn giáo lớn trên thế giới được xây dựng từ rất lâu, cho đến nay vẫn để lại nhiều giá trị tích cực trong đời sống nhân loại và khẳng định tầm vóc của con người trong một thời đại, đồng thời cũng khẳng định giá trị tâm linh, tôn giáo trong đời sống xã hội.
Đối với Việt Nam chúng ta hiện nay, một số chùa nói riêng và một số công trình tôn giáo nói chung đang được xây dựng khá lớn, xuất phát từ nhu cầu tâm linh, từ điều kiện kinh tế và điều kiện khoa học kỹ thuật cho phép con người xây dựng các công trình lớn.
Xung quanh việc xây dựng lớn các công trình tôn giáo có nhiều quan điểm khác nhau, có người cho rằng xây dựng lớn các công trình tôn giáo là thể hiện sự khát vọng tốt lành mà tôn giáo đang mang lại, thể hiện niềm tin tâm linh mà con người muốn qua xây dựng công trình để thể hiện đóng góp của mình và đối với nhiều tôn giáo quan trọng nhất của các công trình tâm linh là nơi linh thiêng giáo dục con người hướng tới một xã hội tốt đẹp.
Chính vì muốn thể hiện những khía cạnh đó, con người có tín ngưỡng tôn giáo không tiếc tiền của, công sức. Bằng tất cả tấm lòng người có tín ngưỡng, tôn giáo đã dồn tất cả vào việc xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng mà họ tin theo, theo họ đó là việc làm vô cùng quý.
Ngược lại có quan điểm nói rằng trong lúc xã hội đang hết sức khó khăn, nhiều người còn chưa đủ cơm ăn áo mặc, nhiều người còn chưa có cầu đường để đi, chưa có điều kiện sinh hoạt, thậm chí trẻ em còn chưa được học hành, chưa có bàn ghế để ngồi mà nhiều nơi lại xây dựng tốn kém như vậy?
- Khen hay chê là quan điểm, cách nhìn riêng của từng người cần tôn trọng. Nhưng nếu xét về lịch sử xã hội thì ở bất cứ nước nào, bất cứ xã hội thời nào cũng có những người giàu, người nghèo. Cái khác đối với từng quốc gia là những người nghèo khó được toàn xã hội quan tâm hay từng nhóm người trong xã hội quan tâm.
Đối với các tôn giáo, không có triết lý tôn giáo nào là không giáo dục sự thương yêu người nghèo, khó. Phật giáo với tâm từ bi, Công giáo với tinh thần bác ái,... đã và đang giúp rất nhiều người nghèo... Giàu và nghèo đó là tính hai mặt trong xã hội vì thế không chỉ ở các nước nghèo mới có người nghèo mà cả ở nước giàu, nước phát triển cũng có. Thế nên, việc giải quyết vấn đề người nghèo không thể giải quyết được trong một chốc lát.
Xây dựng các công trình tôn giáo lớn là sự đóng góp không chỉ cho tôn giáo mà cho đời sống xã hội. Xây dựng các công trình lớn cũng chính là sự thúc đẩy để các tôn giáo hướng tới giá trị tốt lành và giúp đỡ cho người nghèo.
Tuy nhiên, cần có sự kết hợp hài hòa giữa việc xây dựng công trình lớn và vấn đề an sinh xã hội để giúp đỡ người nghèo để đảm bảo người có tín ngưỡng tâm linh, có điều kiện vật chất xây dựng các công trình tôn giáo lớn được thể hiện ước vọng của mình, còn người nghèo cũng được giúp đỡ để cuộc sống của họ giảm thiểu dần những khó khăn. Tôi cho rằng cần có sự nhìn nhận thỏa đáng về hai khía cạnh này.
Hiện nay, với quyền tự do ngôn luận, tự do ý kiến, thì mỗi người có quyền nói lên quan điểm của mình. Nhưng thiết nghĩ bất cứ ai khi lên tiếng phản ánh về tôn giáo, về hoạt động tôn giáo, cũng cần có nhận diện khách quan, trên cơ sở biện chứng, đừng vì một cái riêng, sự mặc cảm, định kiến mà phát biểu thái quá.
TS.Bùi Hữu Dược
Riêng trong lĩnh vực Phật giáo thì xin chia sẻ rằng: Phật giáo gần đây có một số ngôi chùa xây dựng khá lớn, được truyền thông và dư luận xã hội quan tâm. Người thì khen và cho rằng đó là thành tự của một giai đoạn lịch sử xã hội, thể hiện sự khát vọng hướng tới giá trị chân chính của Phật giáo, nhưng ngược lại cũng có nhiều người chê như đã nói ở trên. Việc khen chê, phụ thuộc vào sự hiểu biết và góc nhìn nhận của mỗi người.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, trong lịch sử của Việt Nam nói riêng và lịch sử xã hội nói chung, chùa của Phật giáo xây lớn không phải bây giờ mới làm mà cách đây hơn nghìn năm, khi đất nước chúng ta dân số lúc đó còn rất ít mới khoảng 3 triệu người, đời sống nhiều mặt còn khó khăn, ngoài thì giặc phương Bắc lăm le xâm lược, trong thì nhân tâm chưa yên vì người chủ mới, người chủ cũ, lúc nước còn nghèo khó nhưng các bậc minh quân xưa đã biết khuyên dân bỏ tiền của, công sức để xây dựng các ngôi chùa.
Thông qua việc xây chùa để đoàn kết nhân tâm, giáo dục đạo đức, trí tuệ gắn bó cùng nhau xây dựng đất nước. Các bậc tiền nhân xưa đã hiểu rất rõ muốn có một xã hội đoàn kết, vững mạnh thì phải trân trọng và để cho dân hiểu và theo các giá trị văn hóa, tôn giáo nhân bản của con người.
Nhờ có sự hiểu biết và thực hành giá trị đó là dân tộc Việt đã đoàn kết cùng nhau vượt qua rất nhiều biến cố lịch sử trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chùa xưa xây còn đó trong đời sống hoặc trong lịch sử, đủ cho ta thấy cha ông mình xưa đã làm như thế, nay tiếp nối mình làm là không trái đạo lý, trái truyền thống.
Mặt khác người bỏ tiền, của ra xây chùa không hẳn tất cả là người giàu có, đa số cũng phải tiết kiệm từng đồng, phát tâm theo lời dạy của cha ông: “Xây chùa, tô tượng, đúc chuông/ Ba công đức ấy thập phương nên làm”.
Vì tâm lành đó nên nhiều gia đình, nhiều người trong lúc còn khó khăn, thiếu thốn nhưng ông bà, cha mẹ vẫn động viên con cháu tạo phúc, tạo nghiệp không chỉ cho đời này mà cho cả đời sau bằng việc đóng góp xây chùa. Ngôi chùa xây dựng được lên nhờ công sức của cả bá tánh, thập phương công đức mà thành.
Hiện nay, có một số ngôi chùa được các tập đoàn kinh tế hay cá nhân bỏ tiền đầu tư xây dựng, thì cũng là xuất phát từ lòng thành kính với Phật pháp, từ chính giá trị đạo đức mà họ nhận diện được, rằng làm việc công đức này không chỉ họ mà con cháu họ và xã hội họ được nhờ.
Chứ nếu vì “xây chùa để buôn thần bán thánh, xây chùa để kinh doanh thì họ dùng số tiền họ có để xây chùa ấy mà ăn hỏi đến bao giờ cho hết mà phải buôn thần thánh cho tạo nghiệp”. Nói về khía cạnh này cần có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan, để người có tâm xây chùa có động lực đóng góp nhiều hơn.
Có nhiều người đặt câu hỏi, xây chùa thì được gì? Cái được trước nhất là sự thể hiện tâm lành, tính thiện của con người hướng tới giá trị tốt đẹp để cùng nhau đóng góp xây dựng, tôn vinh giá trị đạo đức, tư tưởng của Phật giáo. Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng việc xây dựng chùa chủ yếu là để kinh doanh, để kiếm lời. Cách đặt vấn đề này hơi thái quá, bởi vì cha ông ta đã nói “nhân vô thập toàn”.
Việt Nam ta có trên 18 nghìn ngôi chùa, tuyệt đại đa số các ngôi chùa là môi trường tâm linh tốt để hướng dẫn người dân tu học Phật pháp, chỉ số ít có những ngôi chùa, sư trụ trì hoặc có người lợi dụng sự dễ dãi của trụ trì do chưa hiểu đạo thấu đáo, chưa làm tròn bổ phận tâm linh đã tạo tiếng xấu.
Chùa Bái Đính
Để ngăn chặn việc xấu này này thì dư luận xã hội lên tiếng là rất đáng hoan nghênh, việc giám sát kiểm tra của tổ chức Phật giáo và các cơ quan quản lý để xử lý sai phạm, điều chỉnh, hướng dẫn người làm sai phải làm đúng quy định của Phật giáo và quy định của pháp luật, không để chuyện buôn thần bán thánh trong Phật giáo, từng bước xóa việc làm không tốt của một số người ảnh hưởng đến đời sống của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Thưa Thượng tọa, về vấn đề các chùa to, công trình tâm linh mọc lên rầm rộ, kết hợp du lịch, có hai luồng ý kiến tranh luận. Một luồng cho rằng như thế không đúng tinh thần Phật pháp, thậm chí là trá hình để kinh doanh, kiếm lợi chứ không phải đúng nghĩa chùa nhằm phụng sự, hoằng pháp . Ý kiến khác cho rằng miễn chùa to, có thể kéo người ta đến chùa trước để gieo nhân duyên, sau đó đến với Phật pháp, với tinh thần từ bi thì vẫn là chuyện tốt. Thượng tọa nghĩ thế nào về những ý kiến trên?
- Thượng tọa Thích Nhật Từ: Tôi không đồng tình với cả hai luồng ý kiến ấy. Vế thứ nhất, xây chùa to, hoành tráng rồi có đúng tinh thần Phật pháp không, có Phật ở đấy không, về bản chất, nó cũng như những nghi vấn kiểu như: Vì sao Việt Nam phải phấn đấu trở thành nước giàu, rồi giàu thì có đánh mất bản sắc hay không, còn trái tim nhân ái hay không?
Theo tôi đó là những câu hỏi mang tính hoài nghi, không có lợi gì cho sự phát triển các phương diện từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Tất cả các quốc gia đang phấn đấu trở thành nước giàu. Việt Nam chúng ta vừa thoát khỏi nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình 2600 USD cho đầu người mỗi năm, đó là một bước tiến lớn sau 4 thập kỉ vừa qua.
Phật giáo, cũng như nhiều cơ sở tôn giáo khác đang phấn đấu làm thế nào để có thêm nhiều cơ sở tôn giáo mới, rộng hơn, tiện ích hơn để phục vụ cho quần chúng. Nếu xét trên dân số Việt Nam tôi cho rằng quy mô các chùa Việt Nam vẫn là quá nhỏ, chưa đủ sức đáp ứng quần chúng. Dân số Việt Nam hiện nay là 95 triệu, sống ở nước ngoài tầm 5 triệu người.
Trên toàn nước Việt Nam hơn 18 nghìn ngôi chùa với sự tu học và hành đạo của khoảng 56,000 tăng ni. Nghe thì có vẻ nhiều, nhưng thực ra diện tích số đông các chùa chúng ta chỉ có dăm trăm m2, nếu so với các cơ sở tâm linh của các tôn giáo khác cũng còn quá nhỏ.
Trong mấy ngày đầu năm 2019, báo chí Việt Nam phản ánh sự kiện khu vực Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có ngôi chùa 5.500m2 quang cảnh tổng thể. Ngôi chùa đó được xem là lớn nhất Đông nam Á. Tôi rất mong những người đặt câu hỏi như thế hãy nghĩ đến các công trình tôn giáo ở nhiều quốc gia khác để đặt câu hỏi rằng nếu như trước đây, những người xây dựng nên các kiến trúc tôn giáo ấy không có tầm nhìn, dám nghĩ dám làm thì làm sao đất nước họ có những công trình văn hóa nổi tiếng thế giới như hiện nay?
Tôi nghĩ, thời đại đã thay đổi, đang toàn cầu hóa, tư duy 4.0, chúng ta hãy mở rộng tầm nhìn với tư duy lớn, chấp nhận những điều lớn lao, mới mẻ, đón nhận những trung tâm tâm linh lớn, có sức chứa vài chục ngàn người, công năng lớn, giá trị sử dụng lớn để phụng sự được nhiều hơn.
Về luồng ý kiến dùng chùa to cảnh đẹp để tạo phương tiện thu hút quần chúng, tôi cũng cho rằng, không nên thu hút người dân bằng chủ nghĩa vật chất. Bản thân một công trình nào, khi tự thân nó có giá trị về phương diện vật chất hay về giá trị tinh thần hoặc bao gồm cả hai, thì tự động tiếng lành đồn xa, hữu xạ tự nhiên hương.
Người dân sẽ đến vì những giá trị mà người ta không thể tìm thấy nơi nào khác. Hiện ngoài các di sản văn hóa phi vật thể, thì so với các nước trong khu vực và xa hơn nữa, các công trình kiến trúc - văn hóa của chúng ta còn quá ít ỏi so với 4000 năm văn hiến. Nếu chỉ luôn nghĩ đến những công trình quy mô nhỏ nhoi thì đến bao giờ chúng ta mới thành một đất nước phát triển về mọi phương diện?
- Theo tôi, khi chúng ta đánh giá bất cứ vấn đề gì cũng nên dựa trên 3 phương diện: Đạo đức, pháp luật, có ích cho xã hội. Thứ nhất, công trình tôn giáo này có vi phạm Hiến pháp Việt Nam không? Luật Tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 hoàn toàn không cấm vấn đề này. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành 1981 cũng như nội quy 13 ban ngành Trung ương Giáo hội Việt Nam không hề cấm rằng ngôi chùa ở phạm vi lớn, vừa hay nhỏ không được quyền đón tiếp du khách.
Thượng tọa Thích Nhật Từ
Thực ra chùa xây dựng lên để phụng sự nhân sinh, mà nếu du khách không đến, Phật tử không đến thì chùa đó làm cho ai, để được cái gì? Ít nhất một ngôi chùa cũng phục vụ được du lịch để những người yêu mến đạo Phật ở khắp nơi cũng như những người khác tôn giáo cũng có thể tìm được những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ngoài tôn giáo gốc của họ.
Những giá trị đó mở ra con đường ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, chúng ta rất cần điều đó. Nếu 63 tỉnh thành đều có 63 công trình tâm linh như Bái Đính, Tam Chúc, tôi nghĩ đó là đóng góp lớn cho đất nước thông qua du lịch và nhiều khía cạnh văn hóa khác.
Về phương diện nội hàm tâm linh, Phật giáo kêu gọi tất cả các vị tăng sĩ phát huy vai trò đạo sư, dẫn dắt Phật tử trên 3 phương diện: Thứ nhất là truyền bá các giá trị minh triết; Phương diện thứ hai các tu sĩ phải là nhà tư vấn tâm lý, tâm linh cho những Phật tử và người hữu duyên giúp họ bớt nỗi khổ niềm đau.
Thứ 3 các vị tăng sĩ phải là biểu mẫu về quan hệ đạo đức và dẫn dắt quần chúng trên con đường đạo đức đó. Nếu đặt 3 phẩm chất nêu trên vào trong các ngôi chùa nhỏ, vừa, lớn hay siêu lớn… thì có thể thấy, nội hàm càng lớn thì càng có giá trị, bất kể chùa nhỏ hay lớn. Nhưng nếu nội hàm lớn trong một phương tiện chùa lớn, thì giá trị càng được nâng cao hơn!
Như thế, tôi cho rằng việc phát triển một ngôi chùa dù cho chủ đích hay không có chủ đích gắn với du lịch tâm linh không có gì đáng phê bình. Du lịch tâm linh với các giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức và minh triết tất nhiên hữu ích hơn các loại hình du lịch đặt nặng chủ nghĩa vật dụng hưởng thụ chứ. Tại sao chúng ta lại có ác cảm với vấn đề du lịch?
Bất cứ công trình nào một khi đem lại những giá trị về vất chất, tinh thần, khiến người ta yêu thích thì tự thân sẽ thu hút du khách, dù chúng ta có muốn hay không muốn, đó là cái quả phát sinh từ nhân và duyên. Phát triển du lịch là điều đúng đắn, rất cần cho phát triển kinh tế đất nước, là ngành công nghiệp không khói, không ô nhiễm, không tàn phá tài nguyên.
Chúng ta đã phấn đấu mấy chục năm, đến nay mới chỉ dừng lại ở con số 10 triệu du khách quốc tế, còn quá xa so với nhiều quốc gia khác. Như thế, các công trình lớn ở nhiều phương diện, thu hút du khách là điều nên làm chứ.
Theo tôi, trước khi phê phán, chúng ta cũng nên tìm hiểu kĩ lưỡng. Ví dụ tôi thấy, chùa Bái Đính cũng bị phê phán là làm du lịch. Nhưng thực chất bên trong vẫn có hoạt động Phật sự mạnh mẽ, tổ chức các khóa tu miễn phí, hội thảo Phật pháp, thì làm sao lại nói hoàn toàn phục vụ du lịch mà không đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo?
Một ví dụ khác, như chùa Tam Chúc có cơ hội khai trương để phục vụ nhân dịp Lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16, năm 2019 với việc miễn tất cả cơ sở vật chất và cúng dường cho 1.500 đại biểu quốc tế đến Việt Nam. Có thể thấy, cơ hội đóng góp cho Phật giáo rất lớn.
Tôi cũng muốn nói đến một số kinh nghiệm từ các nước khác. Không kể đến các công trình các tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Tin lành… quá lớn ở nhiều quốc gia. Như ở Nhật Bản, 125 triệu dân số, có 45 ngàn ngôi chùa, các chùa đều mang giá trị cổ với chất liệu gỗ bền vững, mỹ thuật đẳng cấp và các tiện ích để phục vụ cho quần chúng là không thể chê vào đâu được, thế mà vẫn chưa đủ chỗ để đáp ứng cho dân số Phật tử.
Hiện Nhật Bản, ngoài những cơ sở tự viện đẳng cấp thế giới hàng trăm năm thì Vương đường Phật giáo Nhật Bản được khánh thành năm 2008 với diện tích gần 1000 ha quang cảnh và chánh điện trên 5000 m2 phục vụ cho các hội nghị Phật giáo quốc tế hàng vạn người tham dự. Hoặc Thái Lan, nước gần chúng ta có chùa Dhammakaya có chánh điện theo dạng hội trường lớn nhất toàn cầu với sự có mặt của 1 triệu chỗ ngồi.
Chúng ta đang phê phán những ngôi chùa Việt Nam là “siêu chùa”, “ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, lớn nhất thế giới”, trong khi chưa thực sự tham quan và biết đến các công trình chùa lớn thực sự ở ngay lân cận chúng ta!
Còn về quan điểm, đất nước còn nghèo, chúng ta nên quan tâm đầu tư đến các vấn đề thiết thực hơn như y tế, giáo dục, đói nghèo hơn là xây chùa to, tượng lớn thì tôi hoàn toàn không tán đồng quan điểm này. Xã hội có hàng trăm lĩnh vực phải cần đầu tư đồng bộ để phát triển đồng bộ chứ không riêng lĩnh vực nào.
Một ví dụ về hoạt động cứu giúp người nghèo, Phật giáo hiện đang đi đầu trong hoạt động nhân văn, nhân đạo. Trên toàn quốc, mỗi năm Phật giáo đóng góp hơn 10 nghìn tỉ đồng cho các hoạt động này. Chúng ta không thể hy sinh mọi giá trị văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, du lịch, tâm linh chỉ cho các hoạt động từ thiện hay các lĩnh vực thực tế thiết thân khác. Nói về tính thiết thực, không có lĩnh vực nào là không thiết thực.
Ngoài thức ăn tinh thần chúng ta còn cần có thức ăn văn hóa, thức ăn tri thức, thức ăn đạo đức và thức ăn tâm linh cần thiết không kém. Cần phải có tầm nhìn và tính đồng bộ 4.0 về mọi phương diện để phát triển. Mỗi một người, một tổ chức trong lĩnh vực của mình phải nỗ lực hết sức để lĩnh vực ấy phát triển, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được tôn vinh trên toàn cầu, đó là sự yêu nước một cách thiết thực nhất.
Xin cảm ơn TS.Bùi Hữu Dược và Thượng tọa Thích Nhật Từ!
Nguồn:http://baophapluat.vn/dan-sinh/nhung-y-kien-trai-chieu-xung-quanh-viec-xay-chua-to-tuong-lon-440097.html?