;
Cũng như thái độ thường thấy của rất nhiều người, khi anh bạn của chúng tôi ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) kể chuyện về ông bác sĩ trưởng trạm y tế thường bỏ tiền túi ra cho bệnh nhân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: “Thiệt không?”. Anh bạn tôi quả quyết “thiệt như quả đất”. Vậy là một ngày tháng 6, chúng tôi lên xuồng, ra đảo tìm gặp bằng được bác sĩ Luân Thanh Trường – người được bạn tôi nhắc đến.
“Cò” từ thiện
Trên chuyến xuồng sớm ra đảo Thạnh An, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Lệ nhà ở ấp Thạnh Hòa. Bà hỏi chúng tôi lên đây tìm ai? Biết tôi tìm bác sĩ Luân Thanh Trường, bà thao thao: “Cứ đến trạm là gặp ổng à. Nếu không gặp, chắc ổng chạy vòng vòng khám bệnh cho nhà ai. Dân ở đây ai cũng lưu số ổng hết mà. Ai bị bệnh nặng đều gọi ổng xuống tận nhà chữa. Ổng tốt lắm. Có lần tôi bị u xơ tử cung, không có tiền lên thành phố mổ, ổng cho tui hẳn một triệu đồng”.
Bác sĩ Trường đang khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế.
Một phụ nữ khác tên Phượng cũng góp chuyện: “Ổng chữa bệnh hay mà sống tốt lắm. Ở đây, mấy người nghèo, ổng cho tiền đi bệnh viện. Có người bị bệnh, phải đến trạm nằm, ổng cho tiền ăn cơm. Hoặc ông đưa tiền cho bà Nở, chủ quán cơm ở đảo Thạnh An nấu cơm cho người ta ăn”.
Bác sĩ Luân Thanh Trường là người Sài Gòn chính gốc, năm nay gần 50 tuổi. Ông cởi mở, thân tình, câu từ không một chút trau chuốt. Nghe chuyện người dân nói về mình, ông cười hào sảng: “Trời đất! Trước giờ tui cũng có cho một số người nghèo không có tiền chữa bệnh. Nhưng mỗi người cho có vài trăm ngàn, một triệu à, nhiều tui cũng hổng có. Năm 2013 tui bắt đầu làm cò từ thiện rồi”.
Chúng tôi ngạc nhiên: Cò từ thiện? Ông gật đầu, bảo “Cò từ thiện” là cụm từ ông tếu táo tự đặt cho mình vì một ông cụ trong xóm có ý mở ra quỹ từ thiện để giúp bệnh nhân nghèo. Ông cụ có con đã thành đạt, tiền con cái gửi về, ông bảo “tui hổng biết xài”.
Vậy là năm 2013, ông hỏi bác sĩ Trường, hỏi chính quyền, có làm quỹ giúp bệnh nhân nghèo được không? Được chính quyền và bác sĩ ủng hộ nhiệt tình, ông cụ huy động thêm những nhà có điều kiện trong xóm, mỗi nhà một vài trăm ngàn. Khi có ca bệnh nặng, phải chuyển ra bệnh viện ở đất liền cấp cứu hoặc có ca mổ gấp cần tiền tạm ứng… ông cụ trích ít tiền đến giúp người bệnh. Giúp người này xong, quỹ hết, ông cụ lại huy động tiếp, lên danh sách hẳn hoi, ai cho bao nhiêu, bác sĩ cho bao nhiêu… Vậy là Quỹ từ thiện cứ vơi lại đầy.
Những ca cấp cứu “có một không hai”
Tại xã đảo Thạnh An, chuyện ông cụ 75 tuổi được bác sĩ Trường cứu sống khi đã ngưng thở vẫn còn được nhiều người dân nhắc mãi. Đó là cha của chị Oanh. Khi kể lại chuyện này, chị Oanh vẫn chưa hết xúc động. Hồi đó, cha chị vừa bị hen vừa bị bệnh tim. Một buổi tối cách đây 3 năm, ông lên cơn khó thở. Cả nhà vội đưa ông tới trạm y tế. Vừa đưa tới trạm thì ông ngưng thở. Chị Oanh khi ấy đã khóc thét lên và gọi điện cho anh chị em bảo: “Về đi, ba mất rồi”.
Nhưng bác sĩ Trường vẫn tìm cách cấp cứu cho ông cụ. Bác sĩ đặt miệng mình vào miệng ông cụ để hút đàm nhớt ra ngoài. Sau vài phút nỗ lực, bất ngờ ông cụ thở lại được. Nhưng đúng lúc đó, bác sĩ Trường không kìm được cơn trào ngược dạ dày của mình nữa, ông nôn thốc nôn tháo. “Nhìn thấy cảnh bác sĩ cấp cứu, tui cảm kích lắm. Chắc gì máu mủ như tui đã dám hút đàm nhớt cho cha mình” – chị Oanh kể. Sau ca cấp cứu ấy, ông cụ sống thêm được 3 năm nữa.
Còn bác sĩ Trường lại nhớ nhất những ngày đặt chân lên Trạm Y tế xã đảo Thạnh An nhận việc. Xã đảo như một dải đất mỏng, cách đất liền 8 km, nơi chỉ mới được hòa vào lưới điện Quốc gia từ tháng 4.2015. Trước đó, mọi hoạt động của người dân phụ thuộc vào nhà máy điện chạy bằng dầu Diegen. Điện chỉ phát từ 8 giờ đến 24 giờ.
Có lần, khi điện đã cúp, vài người dân trong xóm hớt hải, cõng một thai phụ đến Trạm. Đúng lúc máy phát điện bị hỏng, bác sĩ Trường huy động tất cả đèn pin có trong trạm, rồi… đỡ đẻ dưới ánh đèn pin. Khi đứa trẻ cất tiếng khóc oe oe chào đời mới là lúc ông nhận ra xung quanh mình hôm nay nhiều muỗi một cách bất thường. Thì ra, ánh đèn pin, mùi máu cộng với nước ối đã thu hút muỗi tới. Ông thở phào, vỗ vào vai chồng người thai phụ đang rưng rưng xúc động, nói đùa một câu: “Ông vui sướng rồi để tui phải chụp khổ vậy đó”.
Trạm Y tế xã đảo Thạnh An
Lại có lần, một người dân bị hen, ngất xỉu, cần thở oxy, máy phát điện của trạm lại hỏng. Nhưng may mắn vì ca cấp cứu rơi đúng vào mùa World cup. Trong xóm có đầu tư hẳn máy phát điện để người dân tụ tập xem đá banh. Bác sĩ Trường phải đưa bệnh nhân đến nhà đó, xin cắm nhờ máy khí dung. Bệnh nhân sau khi được cấp cứu, nhanh chóng tỉnh táo. Ông lóc ngóc ngồi dậy, thì thào được câu: “Ôi! Sút, vào”.
Bác sĩ Trường kể về nỗi gian khó nhưng người nghe luôn tưởng ông đang kể chuyện cười. Nhưng cũng có lúc, ông không giấu được nỗi xúc động khi nhắc đến những người “đồng cam cộng khổ” với mình. Đó là một nữ hộ sinh được tăng cường về Trạm Y tế xã Thạnh An cách đây 3 năm trước. Ngày cô về, có một thai phụ khó sinh phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Trạm Y tế chuyển viện cho bệnh nhân bằng một chiếc ghe nhỏ, bề ngang chỉ rộng hơn 1 thước. Hôm ấy lại đúng ngày có giông trắng trời. Chiếc ghe nhỏ dập dềnh trong giông, cô hộ sinh vừa ói ra mật xanh mật vàng vẫn không quên nhiệm vụ lo cho thai phụ. Vậy mà vừa đưa thai phụ tới được bệnh viện, cô ngồi sụp xuống đất, òa khóc như một đứa trẻ, nói với đồng nghiệp: “Lên tới bờ em mới biết mình còn sống”.
Tình người là… đặc sản
Bác sĩ Trường gắn bó với xã đảo Thạnh An hơn 10 năm nay và trước đó là hơn 4 năm làm việc ở Trạm Y tế xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ). Suốt thời gian mười mấy năm trời, cũng có lúc, có cơ hội về Trung tâm thành phố làm việc nhưng ông vẫn chọn nơi nghèo nhất, điều kiện thiếu thốn nhất để công tác. Lý do ông đưa ra thật đơn giản: “Chắc gì thành phố phồn hoa đã cần một bác sĩ như mình. Nhưng 5.000 người dân ở xã đảo xa xôi này thì thực sự cần”. Ông cũng cảm thấy hài lòng với một cuộc sống giản dị, nơi người dân chỉ có thể trả ơn bác sĩ bằng tôm cá. Và ông gọi “đặc sản” của mảnh đất này là… tình người.
Xã đảo Thạnh An nhìn từ trên cao
Ở xã đảo Thạnh An, ai cũng lưu số bác sĩ Luân Thanh Trường. Họ coi ông như người trong nhà, chẳng cả nể gì. Nửa đêm con sốt, họ cũng gọi cho ông, con uống thuốc 15 phút chưa thấy hạ sốt lại gọi tiếp. Ai tức ngực, khó thở cũng gọi... Bác sĩ thì lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chạy. Trên chiếc xe wave cũ của ông đặt sẵn một túi thuốc. Trong xóm lại có hai cha con ông Sáu Quang làm nghề chạy xe ôm được bác sĩ Trường xem như người cộng sự. Đêm, hễ ai bệnh đột xuất, cha con ông Sáu Quang vội vàng đến nhà người đó, chở họ lên Trạm y tế cho bác sĩ Trường khám. Mưu sinh bằng nghề xe ôm, nhưng riêng với bệnh nhân thì cha con ông không lấy một đồng nào dù nhà nghèo xơ xác. Ông Sáu Quang vẫn thường cười phá lên khi bác sĩ Trường tếu táo: “Chú ráng làm phước, rồi sau trời thương, chú chạy xe taxi cho sang, nhen!”.
Chưa hết, đêm hôm khuya khoắt hay mưa gió đến mấy mà phải chuyển bệnh nhân ra đất liền, thế nào cũng có người chạy ra sốc vác với bác sĩ. Đó là chính những thanh niên, anh xã đội, quân nhân trên đảo… sẵn sàng giúp bác sĩ đưa bệnh nhân lên ghe để chuyển viện. Có anh không yên tâm còn lên xuồng theo bác sĩ để hỗ trợ. Ghe nhỏ, sợ bệnh nhân ngộp, các anh phải lánh ra mũi ghe đứng, mặc cho mưa gió tạt vào người ướt sũng.
Bác sĩ Luân Thanh Trường lập gia đình ở tuổi 43. Vợ ông là người đảo Thạnh An. Ông phấn khởi kết luận: “Giờ tui là con là cháu của đảo này rồi nên không cần phải đi đâu nữa. Hơn nữa, gian khó cũng qua rồi. Được chính quyền quan tâm, cơ sở vật chất ở Trạm giờ cũng… ngon cơm lắm”. Và quan trọng hơn, ông bảo mình “mắc nợ” vùng đất này: “Không chỉ người dân biết ơn mình vì mình chữa bệnh cho họ. Chính tôi cũng phải biết ơn người dân biết mấy vì tình nghĩa họ dành cho tôi. Có họ, tôi mới có cơ hội được làm một bác sĩ tốt”.
Khương Quỳnh - Minh Quân
http://laodong.com.vn/phong-su/o-noi-bac-si-dua-phong-bi-cho-benh-nhan-353458.bld#