;
Tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật là nét đặc trưng tuyệt diệu đã soi sáng bước chân hành đạo của hàng đệ tử Phật trên bước đường truyền giáo ở khắp năm châu nói chung và đặc biệt ở đất nước Việt Nam chúng ta, tinh thần vô ngã vị tha đã thể hiện đậm nét và ghi lại dấu ấn son sắt trong lịch sử của dân tộc. Thật vậy, đạo Phật đã hòa nhập vào xã hội Việt Nam một cách mật thiết vô cùng, tạo thành một dòng chảy sống động bất khả phân ly, nơi đó, đạo Phật cùng đất nước và dân tộc Việt Nam là một. Vì thế, trên con đường đồng lao cộng khổ với dân tộc, từ thời kỳ lập quốc của đất nước chúng ta cho đến ngày nay, trải qua suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm, khi gian khó cũng như lúc vinh quang, Phật giáo đều có mặt như người bạn đồng hành thân thiết với dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là Phật giáo thời Lý Trần, ngoài các áng văn thơ tiêu biểu đóng góp rất nhiều cho nền văn học nước nhà, còn có các ông vua rất sùng đạo Phật, có vua được coi là Thiền sư như vua Lý Thái Tổ hay vua Lý Thánh Tông, vua Trần Thái Tông…, thậm chí Đức vua Trần Nhân Tông được tôn danh là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã rũ bỏ quyền lực, lợi danh để xuất gia vào cái tuổi tràn đầy sức sống và nhất là ngài đang ở đỉnh cao của vinh hoa phú quý.
Qua những trang sử còn lưu đậm dấu ấn son sắc về trí tuệ ngời sáng và những thành quả lớn lao mà Phật giáo Lý-Trần đã đóng góp rất đáng kể cho đất nước trên nhiều lãnh vực, Phật giáo Lý-Trần đã được đánh giá là thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, ít có người để tâm tìm về nguyên nhân sâu xa để thấy được cái gì ẩn chứa bên trong đã tạo nên sự thành công mỹ mãn của vua quan và Thiền sư thời Lý-Trần. Nhận chân được hạt nhân tiềm ẩn quý báu của Phật giáo Lý-Trần mới giúp chúng ta rút ra bài học cho việc xiển dương Phật giáo Việt Nam ở thời hiện đại.
Riêng tôi, nhờ có cơ hội đi hoằng pháp ở phía Bắc nước ta, tôi cố tìm lại những di tích của lịch sử Phật giáo chúng ta và tôi cũng dành nhiều thì giờ trầm mặc để tìm về đời sống tâm linh của các vị Thiền sư thời vàng son ấy. Thật vậy, lặn sâu vào mạch sống nội tâm, tôi cố lắng nghe những gì các ngài muốn thực sự truyền trao; từ đó, tôi cảm nhận được những gì khác hơn là dấu tích đóng khung của ngữ ngôn văn tự trong sách vở, mà Phật giáo thường diễn tả bằng bốn chữ "bất khả tư nghì”. Chính điều này đã phần nào giúp tôi trên bước đường hoằng pháp, xin chia sẻ với các bạn đồng hành trên lộ trình tìm chân lý và thể nghiệm chân lý trong cuộc sống.
Có thể khẳng định rằng trong Phật giáo, Thiền được coi là cốt lõi. Chính đời sống của Đức Phật đã toát lên một cách kỳ vĩ cái nét trầm mặc từ khi Ngài còn là Sa môn dấn thân tìm đạo và cũng nhờ sự nhập Định dưới cội Bồ đề mà Ngài thành tựu quả vị Vô thượng Đẳng giác. Từ đó, trong suốt bốn mươi chín năm thuyết giáo độ sanh, Đức Phật cũng luôn an trú trong đời sống trầm mặc, mà chúng ta gọi là Thiền. Nói cách khác, đó là đời sống nội tâm, tỉnh thức, theo đó Ngài thấy biết chính xác mối quan hệ vô hình giữa mình và mọi người từ quá khứ cho đến hiện tại và dẫn đến cả vị lai.
Với cái nhìn tỉnh giác phát xuất từ nếp sống trầm mặc, hàng ngày trên bước đường giáo hóa, Đức Phật tìm đến cứu độ những người có duyên với Ngài từ quá khứ, dù là thuận hay nghịch duyên. Người có sẵn thiện duyên với Phật, Ngài đến để nuôi lớn căn lành của họ. Đối với người ác duyên, Phật biết rõ duyên quá khứ, nên đến để phá vỡ duyên ác đó và chuyển đổi, xây dựng duyên lành với họ trong hiện tại. Vì vậy, Đức Phật thành công hoàn toàn trong việc cảm hóa mọi người, kể cả người ác.
Sau khi Phật nhập Niết bàn, bên cạnh những người kế thừa sự nghiệp của Ngài về giáo lý, còn có những người kế thừa quan trọng hơn. Đó là sự kế thừa về đời sống tâm linh, trầm mặc, tỉnh giác. Các Thiền sư Việt Nam thời Lý-Trần đã thể hiện sâu sắc tinh thần kế thừa tâm linh từ Phật cho đến các vị Tổ sư. Thật vậy, các ngài đã thắp sáng đời sống trầm mặc giống như Phật qua sự thấy biết chính xác mọi việc xảy ra và tùy theo đó giải quyết tốt đẹp nhất. Điển hình như Thiền sư Đỗ Thuận đóng vai người chèo đò đưa khách sang sông. Chỉ với công việc đơn giản và vẻ ngoài bình thương như thế, nhưng ngài đã đối đáp tinh thông, khiến sứ giả của nước Trung Hoa phải nể phục, dẫn đến giải quyết được việc đại sự cho quốc gia một cách nhẹ nhàng. Hoặc hình ảnh sáng suốt tuyệt vời của Vạn Hạnh Thiền sư. Ngài bảo vua Lê Đại Hành chỉ việc án binh bất động trong hai mươi mốt ngày là giặc phải lui; hoặc ngài khuyên dời đô về Thăng Long để địa thế được vững bền. Thực tế đã xảy ra hoàn toàn đúng với sự chỉ dạy của ngài. Hoặc vua Lý Thánh Tông rất sáng suốt khi chỉ đạo rằng chăm lo cho đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc chính là bảo vệ sự độc lập của nước nhà.
Hoặc vua tôi nhà Trần thể hiện tích cực tinh thần bình đẳng, cảm thông, khoan dung một cách đáng khâm phục. Nổi tiếng là vua Trần Nhân Tông qua sự kiện trong buổi tiệc mừng chiến thắng cho một thượng tướng. Nhân lúc gió thổi tắt đèn, ông này đã có cử chỉ sàm sỡ với bà phi của vua và bị giật đứt một quai nón. Vua biết vậy, chẳng những không kết tội, còn bảo rằng nếu các quan thực sự vui với trẫm thì quai nón phải đứt. Mọi người nghe vậy, liền giật đứt quai nón, nên chẳng còn biết ông quan nào là người đã làm bậy. Hoặc đánh thắng giặc Nguyên xong, tịch thu được tráp có sớ đầu hàng của các quan, vua Trần Nhân Tông không cho truy cứu mà bảo đem đốt. Nói theo ngày nay là khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Qua cách giải quyết một vài công việc đại sự của vua Trần Nhân Tông cho thấy nhà vua thể hiện tinh thần bình tĩnh vô cùng và giải quyết việc hoàn toàn sáng suốt, lại thêm có đức tính nhân hậu, từ ái, khoan dung là điểm đặc sắc của đệ tử Phật.
Ngày nay, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đã nhận thức đúng đắn rằng trong giai đoạn nước nhà mới độc lập và thống nhất, thì việc khó khăn do hai cuộc chiến tranh còn để lại quả thật là không nhỏ. Nhưng mặc dù gian khó đến đâu, người đệ tử Phật đã thấm nhuần tinh thần vô ngã vị tha, nên cũng lại tích cực tham gia vào mọi hoạt động của xã hội để hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó, vết thương tinh thần đáng kể hơn hết. Vì đối với Phật giáo, tinh thần đóng vai trò quan trọng. Đời sống tinh thần không yên ổn, không trong sáng, thì dù cho đời sống vật chất có phát triển đến mấy, cũng mang lại khổ đau. Cuộc sống thực tế cho thấy có một số nước văn minh được xếp vào hàng cường quốc với sức mạnh kinh tế thực to lớn mà nhiều nước mong muốn đạt được như vậy. Nhưng ở những nước giàu mạnh về vật chất ấy, những cảnh khổ đau không phải ít, số người rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần cũng không phải ít, thậm chí bị khủng hoảng đến mức tự kết liễu mạng sống của họ theo nhiều cách kỳ dị khác nhau. Họ không chết vì thiếu thốn miếng ăn, vì nghèo đói, vì thất học, mà chết trên đống tài sản kết sù, chết vì rơi vào sự bế tắc tinh thần, vì sự hỗn loạn tâm lý, vì sự đảo lộn đạo đức của con người, không còn biết sống như thế nào cho có ý nghĩa, không thấy được con đường trong sáng của tinh thần ở một ngày mai tốt đẹp, v.v… Những hậu quả nghiêm trọng của sự sa sút tâm linh ở những nước phát triển mạnh về vật chất, mà bị hụt hẫng về tinh thần như vừa nói, sự kiện hiển nhiên này một lần nữa cho thấy quan niệm của Phật giáo về việc hàn gắn tâm linh là điều quan trọng và cần thiết vô cùng cho mọi người trên cuộc đời.
Bước theo dấu chân Phật, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam thấm nhuần tinh ba của giáo pháp, nên đã tiếp nhận được sự an lành thực sự trong đời sống tri túc. Từ nếp sống an vui mà nhìn ra mọi người xung quanh, người đệ tử Phật không thể không quan tâm đến bạn bè, đến những người thân cận với mình đang sinh hoạt trong các ngành nghề của xã hội. Từ thấy biết cho đến cảm thông với hoàn cảnh của mọi người, người đệ tử Phật thường chia sẻ những nỗi khổ, niềm đau với họ, để giúp cho họ cũng xây dựng được nếp sống an lành như mình.
Ngoài việc chính yếu là quan tâm đến việc phát triển đời sống tâm linh cho mọi người, Phật giáo cũng không từ chối giúp đỡ đời sống vật chất người người được sung túc hơn. Thể hiện việc cải thiện đời sống vật chất cho tốt đẹp, trong mùa Vu Lan báo hiếu, bên cạnh việc cúng kính, nhớ đến công ơn sâu dày của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, người Phật tử thường mở hội bố thí, giúp đỡ tiền bạc, thức ăn, áo quần, thuốc men, v.v… cho những đồng bào còn nghèo thiếu, cũng như lập đàn cầu siêu và bố thí cho người đã quá vãng.
Đặc biệt đối với những người đang hiện hữu trên cuộc đời này, nhưng không được may mắn, họ đang sinh sống trong những hoàn cảnh khó khăn khác nhau, thì hầu như chùa nào đến mùa Vu Lan, cũng đều thể hiện tấm lòng từ bi, bố thí cho người nghèo ở địa phương. Và cần phải nhắc đến truyền thống đặc biệt của người Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan, gần như mọi người đều đến chùa để được thưởng thức các món chay miễn phí mà theo quan niệm của nhiều người, ăn chay do chùa thiết đãi vào ngày rằm tháng bảy để cầu phước.
Có thể khẳng định rằng tất cả mọi việc tốt đẹp trong sự góp phần vào an sinh xã hội, Tăng Ni và Phật tử đều tích cực tham gia với tất cả tấm lòng hoan hỷ vì người. Điển hình như ở thành phố Hồ Chí Minh, có ba viện nuôi trẻ mồ côi tại ba chùa: Pháp Võ, quận Nhà Bè, chùa Long Hoa, quận 7 và chùa Diệu Giác thuộc quận 2. Để đỡ gánh nặng cho xã hội, ngoài cô nhi viện, các chùa còn tổ chức trường nuôi dạy trẻ khuyết tật và chăm sóc bệnh nhân Aid ở quận Gò Vấp và quận 4. Đồng thời, để góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho đồng bào nghèo, nhiều Tuệ Tĩnh đường Phật giáo đã xem mạch và cho thuốc miễn phí. Tuy số Phật tử giàu có không nhiều, nhưng với tất cả tấm lòng thương người, giúp người, hàng Phật tử đã cùng chung sức, chung lo cho trẻ em và đồng bào nghèo khổ, hoặc bị thiên tai, hoặc bệnh hoạn, hoặc già cả neo đơn. Người Phật tử đã thành tựu được nhiều việc làm lợi ích cho đời thực đáng kể. Cụ thể là tổng số tiền Phật tử đóng góp vào công việc từ thiện xã hội trong nhiều năm qua lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tóm lại, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam luôn thể hiện tinh thần Phật dạy rằng hiện hữu vì lợi ích cho số đông, vì an lạc cho số đông, nên từ nghìn xưa cho đến ngày nay và mãi đến nghìn sau, Phật giáo đã, đang và sẽ mãi mãi đồng hành với dân tộc Việt Nam. Vinh quang cùng hưởng, khó khăn cùng gánh, Phật giáo và nhân dân Việt Nam luôn luôn song hành, gắn bó, tạo thành một xã hội hòa hợp, phát triển, cũng như đóng góp vào việc xây dựng ngôi nhà chung của nhân loại được an lạc, hòa bình và thịnh vượng.
Tham luận tại hội nghị Mặt trận Trung ương