Thanh thiếu niên hôm nay là thế giới ngày mai, nghĩa là họ sẽ lớn lên, mà chúng ta không hun đúc, dạy dỗ cho họ hành thiện, lại để cho ác ma cám dỗ, khiến cho lửa tam độc tham sân si phát triển trong tâm họ, chắc chắn là hậu quả nguy hại chẳng những cho bản thân họ, mà còn tác hại đến gia đình và cộng đồng xã hội.
Một thầy Tỳ kheo trẻ tuy còn một số điểm khiếm khuyết cần phải được giáo dưỡng để họ thăng hoa trên bước đường tu hành, nhưng trong tương lai họ sẽ trở thành hiền thánh thay thế lớp cha anh thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp trên cõi nhân gian. Chính vì sự tối cần thiết của lớp tu sĩ trẻ cho công cuộc tiếp nối mạng mạch của đạo pháp, cho nên chư vị Tổ sư thường nhắc nhở các bậc đàn anh rằng việc tiếp dẫn hậu lai là báo Phật ân đức, tức dìu dắt lớp người sau là báo đáp được công ơn giáo hóa độ sinh của Đức Phật, là bảo vệ Phật pháp tồn tại trong thế gian, tồn tại trong lớp người trẻ; vì những người tuổi trẻ sẽ lớn lên và họ gánh vác được đạo pháp, còn người lớn tuổi thì mỗi ngày già yếu thêm và không thể sống mãi trên cuộc đời này được. Điều này dễ nhận ra, ngay cả đối với một gia đình tuy cuộc sống vật chất không khá giả nhưng con cháu của họ có đạo đức và có học thức thì dòng họ đó sẽ đi lên. Trái lại, gia đình dù giàu có, nhưng con cháu sống vô đạo đức, không học hành, chắc chắn dòng họ này sẽ sớm suy tàn. Vì vậy, ngày nay người ta đã nhận ra việc giáo dưỡng lớp người trẻ là quan trọng nhất. Cho nên, quyết tâm lo cho thế giới ngày mai không gì khác hơn là nâng cao tri thức và đạo đức của lớp người trẻ.
Giới trẻ đánh dấu mốc từ 30 tuổi trở xuống. Theo Nam truyền Phật giáo, Đức Phật xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi. Nhưng theo Bắc truyền thì năm 19 tuổi, Đức Phật xuất gia và 30 tuổi, Ngài thành đạo. Con số 30 này ứng với quan niệm xưa của người Trung Quốc là tam thập nhi lập, tức 30 tuổi mới lập mạng được. Như vậy, Đức Phật đi tu khi còn trẻ tuổi.
Tỳ kheo từ 20 tuổi đến 30 tuổi là lớp trẻ cận kề lớp lớn, họ cần được un đúc, giáo dưỡng. Từ 30 tuổi đến 40 tuổi là tuổi chuẩn bị trưởng thành, cần được dìu dắt; vì ở lớp tuổi này sức khỏe rất tốt, ý chí cũng vươn lên tầm cao và trí tuệ cũng phát huy cao độ. Nếu không được chỉ dẫn, dìu dắt, họ dễ phạm sai lầm, dễ bất mãn, dẫn đến cuộc sống sa đọa.
Thật vậy, lớp người trẻ thường có ý chí mạnh mẽ, hướng đến tương lai, muốn làm nhiều việc lớn; nhưng họ thường lầm lẫn ý chí với tham vọng; cho nên họ sống không thực tế, dễ chuốc lấy thất bại. Ví dụ người có ý chí thấy Đức Phật tu hành, thành tựu quả vị toàn giác thì họ cũng hạ quyết tâm tu sẽ thành Phật. Điều đó tốt, nhưng cần phải lưu ý rằng việc quyết tâm tu hành không được xa rời thực tế; vì rời bỏ thực tế để cầu đạo là đi vào con đường sai lầm nghiêm trọng; từ đó sẽ hủy hoại đời mình và làm băng hoại cả xã hội. Thực tế cho thấy người nhiều tham vọng thường bị ác ma cám dỗ và mờ mắt vì tham vọng, không thấy cái bẫy của ác ma giương ra, nên rơi vô bẫy rồi thì không thể nào cứu thoát được. Vì vậy, "Tứ thập nhi bất hoặc”, tức từ 40 tuổi trở đi là tuổi chín chắn, là người trưởng thành thật sự, không còn lầm lẫn, thì không cần được dìu dắt nữa.
Còn từ 20 tuổi trở xuống là lớp trẻ hơn nữa, trí tuệ và khả năng chưa phát triển đầy đủ, chúng ta không nên giao trách nhiệm cho họ, không cho họ quyết định việc quan trọng. Nếu họ phát tâm tu hành sớm, chúng ta chấp nhận họ như người tập sự tu, gọi là Sa di tập sự làm Tỳ kheo. Đối với người chưa đủ 20 tuổi, chúng ta chỉ dạy họ, khuyên họ nên làm những gì mà Phật và chư Tổ làm. Vì vậy, thầy phải làm gương cho Sa di trẻ. Người lớn mà không làm gương được thì dù có dạy, họ cũng không nghe theo. Chúng ta dạy họ bằng việc làm tốt đẹp của chúng ta, bằng lời nói đúng như pháp của chúng ta. Khi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta chưa tốt, thì không thể nào dạy người được.
Việc quan trọng là chúng ta phải làm gương cho thế hệ trẻ. Lúc chúng ta chăm sóc, dạy dỗ lớp trẻ chính là chúng ta tự tu dưỡng cho mình; vì chỉ nhìn cử chỉ, thái độ của họ đối với ta là ta tự biết mình như thế nào. Theo kinh nghiệm riêng tôi, khi tôi nói với Tỳ kheo trẻ mà họ không nghe, tôi biết mình chưa đủ đức hạnh để cảm hóa họ, nên tôi không rầy mắng; vì càng la rầy là đẩy họ theo ác ma và chính mình cũng theo ác ma luôn. Thật vậy, khi dạy không được, chúng ta bực tức, khổ sở, trút cơn giận lên họ, nghĩa là chúng ta dạy họ tham, sân, si.
Khi dạy, họ không nghe, ta phải tự kiểm điểm lại mình. Một là vì chúng ta không đủ phước đức để dạy; không có phước đức thì không thể dạy được ai. Phải lo dạy mình trước, là lo tu phước đức cho đủ. Trên bước đường giáo hóa độ sinh, Đức Phật cảm hóa được mọi người một cách nhẹ nhàng, vì Ngài có phước đức vẹn toàn. Còn chúng ta phước đức mỏng, làm sao người nghe theo. Có Phật tử thưa với tôi rằng con tức chết, vì con của con không nghe lời con mà lại nghe lời hàng xóm. Tôi nói nếu hàng xóm đức hạnh hơn, thì hãy để cho họ dạy con mình. Nếu hàng xóm thuộc hạng xì ke, hay làm việc tội lỗi mà con mình bị dụ dỗ, nghe theo, thì phải khuyên dạy nó trở về với gia đình.
Trên bước đường tu, tự dạy mình xong mới dạy người và mình làm có kết quả rồi, không dạy, người ta cũng tìm đến học. Chư vị Tổ sư đắc đạo tu trên núi cao mà đồ chúng tự kéo đến xin học; vì người đắc đạo có trí tuệ sâu, nên người thế gian không giải quyết được việc, phải nhờ đến các Ngài giải quyết hộ. Điển hình như Phù Vân quốc sư ở núi Yên Tử mà vua Trần Thái Tông gặp việc bế tắc trong cuộc sống, đã phải lặn lội trèo non vượt suối, đến đảnh lễ Ngài xin Ngài chỉ giáo; trong khi đó ở thành Thăng Long có nhiều chùa, nhiều sư, nhưng không giải được tâm trạng của vua.
Quan trọng nhất là tự dạy mình bằng cách phát huy trí tuệ của mình, thấy đúng sự thật, để ta chỉ dạy thế hệ trẻ khỏi phạm sai lầm; vì ta thấy đúng, nói họ nghe và làm theo được kết quả tốt đẹp. Ở Việt Namcó ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rất có tài nhìn xa trông rộng. Khi Nguyễn Hoàng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan ở Thăng Long và sợ bị Trịnh Kiểm giết, nên đã tìm đến ông Trạng Trình nhờ cố vấn. Ông Trạng Trình chỉ nói một lời đơn giản rằng Hoành Sơn nhất đới, vạn đại dung thân, khiến ông ngộ được rằng không thể ở Thăng Long, mà phải vào núi Hoành Sơn là vùng đất mới ở Thanh Hóa để lập nghiệp. Và đúng như lời dạy của Trạng Trình, ông về vùng đất đó, mới xây dựng được chín đời vua.
Người có trí tuệ và đức hạnh, cảm hóa người khác dễ dàng. Khi người ta chưa nghe, thì cần phải suy nghĩ lại để trau giồi đức hạnh và phát huy trí tuệ của mình. Trong cuộc sống đời thường, những người trẻ tuổi bỏ gia đình ra đi, vì họ bất mãn cha mẹ thiếu đạo đức và quyết đoán sai lầm. Việc giáo dưỡng người trẻ là vấn đề thiết yếu, nhất là lớp trẻ từ 10 đến 20 tuổi thuộc lứa tuổi rất nông nổi, dễ bỏ nhà đi hoang. Bằng mọi cách, cha mẹ phải giữ nó lại và nhờ những vị thầy có đức hạnh cao để dạy dỗ. Nếu nó quý trọng ông hàng xóm nhà Nho, ta đừng tự ái, hãy gởi con cháu cho ông ta dạy. Hoặc con cháu của quý Phật tử buồn chán gia đình, quý vị nên vô chùa tìm các thầy chân tu có trí tuệ, có thể tin cậy được, để nhờ vị thầy đó dìu dắt con cháu mình cho nó nương theo thầy mà tâm được an lạc và trí tuệ phát triển được.
Quý Phật tử tìm thầy cho con học và tìm thầy cho con nương vào đức hạnh. Còn người mê tín nói rằng con khắc tuổi mình, thì bán con, gởi con cho người khác hạp tuổi. Phải gởi con cho người đức hạnh, gởi con cho người giỏi, để nó nương theo đó mà vươn lên trong cuộc sống; không phải gởi người hạp tuổi. Người xưa nói: "Ỷ tùng chi cát”, nghĩa là dây leo được cây tùng. Tùng lên cao đến trời xanh thì dây cũng leo lên trời xanh, tùng cao bao nhiêu thì dây leo cao theo bấy nhiêu.
Ta có khả năng trực tiếp dạy con thì tốt; nhưng nếu không đủ sức dạy, ta để cho người khác dạy. Trong sử còn ghi lại câu chuyện Hòa thượng Lý Khánh Vân nhặt được đứa trẻ bị bỏ trước cửa chùa, mới nhận làm con nuôi, đó là Lý Công Uẩn. Đứa bé này càng lớn càng nghịch ngợm, khó dạy. Có một lần khi Hòa thượng bảo Lý Công Uẩn đem trái cây cúng ông Thổ Địa thì lúc đó, ông này còn là chú điệu lại lấy ăn hết, không cúng. Ông Thổ Địa mới hiện hình lên thưa với Hòa thượng Khánh Vân rằng chùa đã bỏ đói, không cho thần ăn. Hòa thượng mới hỏi Lý Công Uẩn có cúng trái cây cho ông Thổ Địa hay không. Lý Công Uẩn trả lời rằng ông Thổ Địa bằng đất, làm sao ăn được, nên con ăn hết rồi. Bị Hòa thượng mắng, Lý Công Uẩn giận quá, đem tượng ông Địa đặt xuống đất, không cho ở trên bàn thờ. Ông Địa lại thưa với Hòa thượng rằng ông đành ở dưới đất! Vì Lý Công Uẩn có chân mạng đế vương, nên ông Thổ thần cũng phải kính nể, dù thời làm vua chưa tới.
Thiền sư Vạn Hạnh là em ruột của Hòa thượng Khánh Vân, nói rằng Hòa thượng không có khả năng dạy được Lý Công Uẩn, hãy giao cho Vạn Hạnh nuôi dạy ông này. Thấy Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn khiếp sợ và ông đã lạy Ngài Vạn Hạnh, nhận làm thầy, rồi theo Ngài về chùa sống rất ngoan ngoãn, Ngài dạy gì cũng nghe theo. Một là vì Ngài có đức hạnh lớn, nên có thể cảm hóa được ông, hai là Ngài có trí tuệ, nên dạy đúng với ý chí mà ông đeo đuổi, nên dễ dàng giúp ông đi lên và Ngài dạy đúng với hiểu biết, giúp ông thăng hoa được tri thức. Thật vậy, Ngài Vạn Hạnh nhận thấy Lý Công Uẩn có tài năng, có ý chí, nên Ngài un đúc cho ông trở thành ông vua tài năng, đức độ; thì quả đúng như vậy, khi làm vua trị nước an dân, ông đã là vị minh quân và hết lòng xây dựng Phật pháp. Còn khi ông sống với Ngài Lý Khánh Vân, mỗi ngày chỉ công phu và cúng cơm, không hạp với ý chí của ông; vì ông đâu muốn làm thầy tu, nên ông chán, mới sinh ra phá phách.
Ngày nay, để đoán biết túc nghiệp của đứa trẻ, người ta thường để đồ chơi trước mặt nó khi nó được một năm tuổi. Nếu kiếp trước đứa bé là thầy tu thì nó sẽ bốc lấy xâu chuỗi, hay cái mõ; nếu nó bốc trúng cái xe là biết nó có khiếu về cơ giới, v.v… Cha mẹ phải biết cho con mình theo học những ngành nghề mà nó có năng khiếu và ưa thích, thì sẽ tiếp sức được cho nó tiến bộ trong việc học và thành tài. Đừng muốn nó làm bác sĩ, hay kỹ sư theo ý mình, trong khi nó không có năng khiếu và không thích nghề này thì làm sao học được, nó sẽ chán và bỏ học đi chơi. Chọn nghề cho con, cha mẹ trực tiếp dạy, hay nhờ người khác dạy; nhưng cũng phải phù hợp với năng khiếu của con.
Ở Nhật Bản thường có những người theo nghề truyền thống của gia đình dòng họ. Cha là bác sĩ, hay kỹ sư thì con cháu trong dòng họ cũng theo nghề đó. Có thể hiểu rằng những đứa trẻ ra đời trong gia đình tương ưng như vậy, chúng đã học nghề từ dòng máu của tổ tiên, ông bà, cha mẹ; cho nên họ thường có nghề truyền thống từ năm đến mười đời của dòng họ. Vì vậy, huyết thống gia đình có nhiều ảnh hưởng đến nghề nghiệp của con cháu. Ngoài ra, người ta có thể học nghề từ trong thai mẹ, nên sinh ra, chưa học mà đã biết. Nếu học nghề từ huyết thống là linh hồn đứa bé thích nghề gì đó, nên nó thường lảng vảng ở gia đình làm nghề mà nó ưa thích và nó sẽ tái sinh vào dòng họ đó. Lúc sống, chúng ta thích cái gì thì đi đến đó; lúc chết cũng vậy. Ví dụ có Phật tử thích tu ở đạo tràng Phổ Quang, khi chết cũng đến đây, coi người nào thích hợp theo về nhà, sinh làm con cháu họ.
Chúng ta tu hành sẽ cảm hóa được những người đồng hạnh nguyện, thì họ sinh vào gia đình mình, làm quyến thuộc của mình và vào trong thai mẹ, họ có thể học được những gì của cha mẹ. Vì vậy, quý vị đi chùa, kết bạn với người tốt, tâm an lạc thì có thể sinh ra những đứa con tốt và dạy nó Phật pháp, dạy nó đạo đức; nghĩa là un đúc nó lớn dần trong môi trường đạo đức, chắc chắn nó sẽ trở thành người đạo đức, un đúc nó trong môi trường Phật pháp, nó sẽ trở thành Phật tử tốt; nhờ vậy mà xã hội sẽ được tốt đẹp. Và chính xã hội tốt đó, chúng ta sẽ được hưởng khi tái sinh. Nếu không lo cho xã hội ở thế giới này tốt mà không được vãng sinh Cực lạc, thì chúng ta tái sinh lại cõi đời này, phải sống trong xã hội xấu này.
Có vị Lạt ma biết Tây Tạng sắp mất, họ về Niết bàn, không trở lại cảnh giới này nữa. Nhưng cũng có những vị mang tâm đại từ bi, nên nguyện đời đời kiếp kiếp sinh lại Ta bà. Còn chúng ta phải trở lại thế gian này thì phải lo chuẩn bị cho thế hệ trẻ hôm nay để họ lãnh đạo xã hội ngày mai được tốt đẹp.
Tôi mong tất cả quý Phật tử quan tâm đến người trẻ, lo cho thầy Tỳ kheo trẻ, tạo điều kiện cho họ thăng hoa trí tuệ và đạo đức, chắc chắn môi trường sống của chúng ta trong tương lai sẽ được trong sạch, an lạc, thái bình, thịnh vượng.
Chùa Huê Nghiêm