;
Ra đời ở Ấn Độ, trải qua gần 20 thế kỷ tồn tại và phát triển cùng với dân tộc, Phật giáo đã để lại những dấn ấn sâu sắc và trở thành dòng tư tưởng thực sự ăn sâu vào đạo đức, lối sống của con người Việt Nam. Với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Thực tế đã chứng minh, Phật giáo phù hợp với đạo đức, lẽ sống của con người Việt Nam, và nó đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngày nay trong bối cảnh phức tạp của tình hình chính trị - văn hoá thế giới, những giá trị tích cực của tôn giáo này lại một lần nữa được kiểm chứng.
Nhân loại chúng ta đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, nhưng chưa bao giờ con người cảm thấy khốn khổ và nhiều âu lo như ngày nay. Một loạt những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới và cả mặt trái của nền công nghiệp làm cho môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường nhân văn bị ô nhiễm trầm trọng. Đó là một trong những lý do cơ bản làm cho niềm tin và hy vọng của nhiều người bị khủng hoảng. Mất tiêu chuẩn và lý tưởng cổ điển, con người rơi vào cô đơn, hoang mang và khủng hoảng. Như Edgar Morin đã nói: “Nhiều sự phân cực trong thế giới phương Tây, về cách thức đôi khi ngây thơ hoặc vụng về nhưng ới cùng một ý thức mập mờ rằng thế giới kỹ thuật hoá, duy vật hoá, kinh tế hoá, ích kỷ hoá của Tây phương làm cho con người phải đau khổ nơi phần sâu thẫm nhất, nơi tận linh hồn và tâm trí chúng ta”[1]. Đáng tiếc, điều đó không chỉ diễn ra ở phương Tây.
Ở Việt Nam từ những năm cuối của thế kỷ XX, đất nước ta đang ngày càng chịu nhiều tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, của quá trình công trình công nghiệp hoá – hiện đaị hoá. Theo đó, mặt trái của quá trình này là các gái trị đạo đức truyền thống đang dần bị băng hoại, nhiều biểu hiện của lối sống xa lạ, trái với thầun phong mỹ tục trong một bộ phận cộng đồng dânc ư diễn ra ngày càng phổ biến. Thái độ coi thường những gái trị truyền thống là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở lớp trẻ. Họ có thiên hướng đề cao cá nhân, sống ích kỷ, lạnh lùng, không tình không nghĩa, ít chú ý đến nghĩa vụ và trách nhiệm, ít quan tâm đến những người xung quanh…. Hàng loạt những hiện tượng đau lòng diễn ra ở chốn học đường gần đây khiến cho chúng ta không thể làm ngơ.
Có thể nói sự xuống cấp về đạo đức đang trở thành một vấn nạn của toàn xã hội. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, sự cần thiết phải xây dựng một nền tảng đạo đức mới cho xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống đã được đặt ra.
Nghị quyết Đại Hội Đại Biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng tình nghĩa, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và toàn xã hội”[2].
Là một trong những thành tố tạo nên nền văn hoá dân tộc trong suốt hàng nghìn năm, Phật giáo ngày nay vẫn lưu giữ những giá trị tích cực có thể góp phần xây dựng đạo đức lối sống cho con người Việt Nam. Tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo; tư tưởng bình đẳng, hoà bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hoà đồng liên kết giữa các dân tộc trên thế giới trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay; lòng từ bi, bác ái góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần là lành đùm lá rách của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ…. Những giá trị tích cực đó của Phật giáo càng được nhân lên với những hành động cụ thể, như kẻ đói được cho ăn, kẻ rách được cho mặc, người ốm đau bệnh tật được chăm sóc,…. Giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Thêm vào đó, những không gian chùa chiền của Phật giáo luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận…. Tất cả những điều đó là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo háo con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản, coi trọng thiên nhiên…. Bên cạnh đó, lối sống Phật giáo nêu cao tinh thần “cư trần lạc đạo” đã góp phần xây dựng lối sống có trách nhiệm với một ý thức không tham quyền cố vị, không bám lấy lợi ích vật chất, sống thanh cao tự tại. Bởi theo định nghĩa của đức Phật, tham và sân là hai năng lực tiêu cực mạnh mẽ nhất trong tâm thức của con người, chúng che khuất tầm nhìn và làm nhiễu loạn sự phán đoán của ta, cho nên, cũng theo Ngài, diệt trừ được tâm sân, đích thực là một thành tựu to lớn nhất của con người. Như thế Phật giáo đã góp những gái trị văn hoá tích cực vào việc xây dựng đạo đức lối sống cho con người, nhất là cho tầng lớp trẻ hiện nay.
Đặc biệt, Phật giáo còn góp phần rè luyện một lối sống kham nhẫn, khắc kỷ. Đó là những hình thức tu tập kiên nhẫn, vượt qua những cám dỗ của cuộc đời để lòng được thanh cao, tâm hồn được giải thoát. Để đạt được điều đó người tu hành phải kiên nhẫn thực hành Giới – Định – Tuệ. Giới là giới luật mà tín độ phải tuân theo nhằm không phạm phải lỗi lầm về tư tưởng, lời nói và hành động; Định là thiền định bài trừ tạp niệm; Tuệ chỉ trí tuệ, bài trừ dục vọng, bao gồm văn tuệ (học hành mà có được), tư tuệu (suy nghĩ mà có tuệ), tu huệ (thực hành mà có tuệ). Muốn đạt được Tam học của Phật giáo, tín đồ Phật tử phải có lối sống kiên nhẫn, chịu đựng, khắc kỷ. Giáo sư Lương Ninh đã nhắc đến mặt tích cực này của Phật giáo khi đề cập đến tính cách người Nhật: “người Nhật rất thực tế, Họ đã từng có Nho học, theo Nho giáo, nhưng Nho giáo không độc tôn mà được lưu giữ như một yếu tố các tác dụng giáo dục ý thức bổn phận và sự ứng xữ hợp lý, đồng thời duy trì yếu tố có tác dụng giáo dục ý thức phục tùng, võ sĩ đạo để rèn luyện bản thân, tinh thần tự trọng và đề cao Phật giáo để giáo dục tinh thần nhẫnnại, khắc kỷ”[3]. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có không ít người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, có lối sống liều lĩnh, bất chấp tất cả, thiếu kiên nhẫn, ít có khả năng chịu đựng, gặp thất bại dễ buông xuôi,… thì lối sống khiêm cung, nhẫn nại của Phật giáo càng có ý nghĩa giáo dục tính cách lối sống cho bộ phận này. Bên cạnh đó với tinh thần nhập thế “tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên”, đạo Phật đã vận động theo xu thế của dân tộc, vừa giữ vững triết lý cơ bản của Phật giaó, vừa dung hoà với đời sống thế giới hiện đại. Ví dụ, thấy bên cạnh những ngôi chùamái cong hào mình vào thiên nhiên cảnh vật đã xuất hiện những ngôi chùa bê tông háo, các loại kinh sách được dịch bằng chữ quốc ngữ được xuất bản và phổ biến rộng rãi, những tiếng cầu kinh gõ mõ giữa chốn chùa thanh vắng trước đây nay âm vang của nó lan toả đến những vùng đô thị, hoặc được thâu tàhnh băng đĩa về với mọi nhà, những buổi thuyết giảng giáo lý trước đây được gói gọn trong những ngôi chùa nay được quốc tế hoá thành những hội nghị hội thảo chuyên sâu…. Tinh thần nhập thế của đạo Phật qua đó là một phần không thể thiếu để giáo dục đạo đức lối sống cho con người Việt nam trước ngưỡng cửa hội nhập và phát triển trong xu hướng toàn cầu hoá mà vẫn giữ được truyền thống đạo đức của con người Việt Nam; tinh thần đó phù hợp với chủ trương xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Đảng ta.
Có thể nói trong những năm qua bằng những hoạt động cụ thể, Phật giáo đã có những đóng góp tích cực vào việc giáo dục đạo đức lối sống cho con người Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Các khoá tu, các đạo tràng được tổ chức rộng rãi từ thành thị đến nông thôn với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt Phật giáo đã tạo ra một môi trường tâm linh lành mạnh để tuổi trẻ hôm nay càng nhận thức sâu sắc hơn các giá trị của đời sống tinh thần, bớt đi sự tham lam vị kỷ của lối sống vật chất. Những năm gần đây, Phật giáo đã rất quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên, nhiều chùa chiền đã được tổ chức các trại hè cho thành thiếu niên và trở thành các khoá tu mùa hè cho học sinh, sinh viên để dạy cho các em lòng nhân ái, tính kiên nhẫn, giúp cho lớp trẻ luôn biết ơn mọi người xung quanh, biết quý trọng ông bà, cha mẹ, giúp cho trẻ em hư hỏng trở thành những người tốt, thành những công dân có ích cho xã hội. Ví dụ khoa 1tu mùa hè dành cho thiếu niên ở chùa Hoằng Pháp (tp. Hồ Chí Minh) từ năm 2007 đến nay đã tổ chức quy tụ trên 500 em mỗi khoá, trại hè thanh thiếu niên do báo Giác Ngộ tổ chức năm 2008 đến nay quy tụ hàng trăm trại sinh. Ngoài ra, các tu viện trong cả nước đều có các hình thức giáo dục thanh thiếu niên qua các kháo tu thiền, niệm Phật; các chàu chiền còn tổ chức các lớp học tình thương, tập trung các trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa, trẻ em đường phố vừa để dạy văn hoá, vừa dạy giáo lý Phật giáo nhằm giúp các em trở thành những con người có ích cho xã hội. Các chùa chiền hằng năm còn tổ chức các tuần lễ văn hoá Phật giáo, lễ hội Vu Lan để kêu gọi mọi người nhớ đến công đức của cha mẹ ông bà tổ tiên, cũng là dịp để mọi người hướng về quá khứ truyền thống, để con cháu nhớ về những người đã khuất.
Một hoạt động khác có tác dụng giáo dục đạo đức lối sống cho tầng lớp thành niên cần được đề cập đến ở đây là lễ Hằng Thuận – danh cho “các cặp vợ chồng trước khi tiến hành hôn lễ” để giáo dục sự thuỷ chung, đạo lý gia đình cho họ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Ngày nay với phương châm đạo pháp, dân tộc, và chủ nghãi xã hội, Phật giáo đã tham gia tích cực vào các phong trào phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Đặc biệt công tác từ thiện với tinh thần cứu khổ cứa nạn của đạo Phật hào cùng truyền thống là lành đùm lá rách của dân tộc; tăng ni phật tử đã tổ chức cứu trợ cho đồng bào thiên tai lũ lụt, cho những vùng quê ngèho khổ, cho những mãnh đời bất hạnh…. Những hoạt động từ thiện đó của đạo Phật cùng nhằm điều chỉnh tính các lối sống, góp phần hình thành nhân cách của một con người sống có ích cho xã hội.
Có thể nói, khoa học kỹ thuật sẽ ngày càng tiến bộ, nền kinh tế của nhân loại sẽ ngày càng phát triển theo xu thế văn minh, hiện đại, theo đó đạo đức và lối sống của con người cũng cần phải biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống mới, nhưng dẫu biến đổi, đạo đức và lối sống của con người luôn phải dựa trên các chuẩn mực của những giá trị truyền thống và “không thể tách rời đạo đức khỏi những quy tắc tôn giáo”[4] như cựu tổng thống Nga V.Putin đã nói. Rõ ràng bất cứ tôn giáo nào ngaoì hệ thống những giá trị đặc thù để bảo vệ niềm tin tôn giáo, còn có những chuẩn mực đạo đức mang tinh nhân bản, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng thiện…. Vì vậy, việc giáo dục lối sống và đạo đức trước đây và hôm nay không thể tách rời khỏi đạo đức và lối sống của tôn giáo, nhất là Phật giáo. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải có những giải pháp để nâng cao hơn nữa vai trò của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong việc xây dựng nhân cách đạo đức cho con người Việt Nam nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Những giải pháp đó có thể là:
Để cho lối sống và đạo đức Phật giáo hoà vào đời sống xã hội, các tăng ni phật tử cầnnhập thế hơn nữa, cần nâng cao tinh thần bác ái, cứu khổ cứa nạn của người tu sĩ đối với cộng đồng. Từ những hoạt động đó giáo lý Phật giáo được hoà nhập với đời sống xã hội, thông qua đó góp phần xây dựng nhân cách lối sống đạo đức lành mạnh, an lạc cho con người. Điều đó có nghĩa là các tăng ni phật tử không phải chỉ biết tụng kinh gõ mõ ở chốn chùa chiền mà phải truyền bá giáo lý và phải bằng lối sống từ bi hỷ xả, bao dung, mang giáo pháp đi vào lòng dân để mọi người bỏ ác làm lành, bỏ cá nhân ích kỷ để sống vô ngã vị tha. Các tăng ni phật tử, tuỳ vào từng lứa tuổi, từng nhóm xã hội để có những phương pháp giảng dạy, truyền bá tư tưởng Phật giáo thích hợp. Tăng ni phật tử và chốn chùa chiền bằng lối sống và nhân cách của mình dạy cho con người lòng nhân nghĩa, đạo làm người. Các chùa chiền, tu viện cần phải thường xuyên mở các khoá tu cho cả những người dân từ vùng đô thị đến những vùng cao xa xôi hẻo lánh, bên cạnh đó cũng cần thường xuyên tổ chức những lễ hội Phật Đản, lễ hội Vu Lan, lễ Hằng Thuận, tổ chức những tuần văn hoá Phật giáo ở các thành phố trung tâm….
Các hoạt động từ thiện của Phật gaió cũng cần phải được đẩy mạnh, như mở các lớp học tình thương, xây dựng các trung tâm cô nhi viện, viện dưỡng lão, cứu trợ những người dân gặp hoạn nạn, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Chính thông qua thái độ từ bi, không nề hà việc cưu mang, cứu vớt những số phận bất hạnh mà Phật giáo đã cảm hoá được con người, dẫn dắt họ làm điều thiện, tránh xa tội ác, bỏ qua lối sống vị kỷ lạnh lùng để quan tâm đến con người và xã hội.
Phải nói rằng sự lan toả đạo đức và triết lý Phật giáo một phần chủ yếu là do các nhà sư có nhân cách đạo đức trong sạch, thanh tao thực hiện. Chính nhân cách của họ đã cảm hoá con người, họ được xem như những nhà mô phạm có tâm hồn cao đẹp, những vị thầy tâm linh có khả năng hướng dẫn con người xa rời tội lỗi. Vì vậy, các tăng ni phật tử phải thường xuyên học tập chánh pháp, tu luyện bản thân. Đó là điều quan trọng tạo điều kiện cho Phật giáo truyền bá sâu rộng và lâu bền cùng với dân tộc, góp phần xây dựng những giá trị đạo đức và lối sống cho con người Việt Nam hiện nay.
Cảnh chùa cũng được xem là một không gian yên tĩnh để không những là nơi thực hành chánh pháp mà còn là nơi để con người xa rời những đam mê dục vọng, những tham lam ích kỷ, trở về với cuộc sống tâm linh yên bình, thanh tao, chùa chiền còn là nơi để con người cân bằng cuộc sống, để con người gần với tự nhiên, cảnh vật; đó được coi là nơi con người chiêm nghiêm, ngẫm nghĩ về hành vi cuộc sống của mình để sống tốt hơn, có ích hơn cho cuộc đời. Vì vậy, không gian chùa chiền phải là nơi cảnh vật thơ mộng trữ tình, kiến trúc phật giáo phài tạo nên một điểm nhấn về không gian tâm linh, các tăng ni phật tử của chùa phải là tấm gương của lòng nhân ái, vô ngã và vị tha.
Cũng cần phải chú trọng phát triển một loại hình du lịch tâm linh, du lịch thiện nguyện để cảnh chùa, tính cách, lối sống của Phật tử thu hút đông đảo du khách. Đó chính là hoạt động truyền thông Phật giáo; trong trường hợp này, bản thân vẻ đẹp, sự trang nghiêm thanh tịnh của ngôi chùa, khu vường chùa, lối sống từ bi hỷ xả của tăng ni phật tử là nội dung thông điệp của Phật giáo gửi đến công chúng thông qua du khách.
Tóm lại, mặc dầu trong sự nghiệp giáo dục con người, triết lý từ bi, vô vi xuất thế lấy bình yên làm cứu cánh đã làm bớt đi tham vọng tiến thân, sống nhẫn chịu, an phận thủ thường… ít nhiều mang yếu tố tiêu cực, nhưng hệ thống tôn giáo – triết học Phật giáo luôn chứa đựng nhiều yếu tố tích cực trong việc giáo dục con người hướng thiện, góp phần duy trì và phát huy những giá trị và nếp sống đạo đức của con người Việt Nam cũng cần phải có những biến đổi để thích ứng với tình hình mới, song các giá trọ truyền thống của dân tộc tiềm ẩn trong con người Việt Nam vẫn cần phải được phát huy. Đểm làm được điều đó rất cần đến sự đóng góp quan trọng của Phật giáo.
CHÚ THÍCH:
PGS. TS Nguyễn Văn Mạnh - Trường Đại Học Khoa Học Huế Nguồn: GHPGVN