;
Đại lễ dự kiến sẽ tiếp đón khoảng 10.000 người, trong đó có 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, học giả Phật giáo và Phật tử đến từ khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Bên cạnh các hoạt động nghi lễ tâm linh, Đại lễ Vesak sẽ tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học, trong đó tập trung vào các vấn đề mang tính thời sự của thế giới như "phát triển bền vững và thay đổi xã hội", "sự nóng lên của trái đất và bảo vệ môi trường", "xây dựng hòa bình"...
Đại lễ Phật đản, hay còn gọi là đại lễ Tam hợp, mang ý nghĩa kỷ niệm đức Phật đản sinh, thành đạo và niết bàn. Từ năm 1999, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận ngày lễ này qua tên gọi Đại lễ Vesak, hàng năm tổ chức trọng thể tại trụ sở ở New York cũng như các văn phòng trên khắp thế giới.Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak. Khác với lần đăng cai đầu tiên năm 2008 tại Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo sẽ tổ chức Đại lễ Vesak bằng nguồn lực tài chính xã hội thay vì sử dụng ngân sách. Đại lễ sẽ diễn ra với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICVD) Liên Hợp Quốc và sự bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tin tưởng Đại lễ Vesak 2014 sẽ thành công tốt đẹp. Ảnh: Quý Đoàn |
Đại lễ lần này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, hòa bình, bất bạo động của đức Phật trên khắp thế giới.
"Đại lễ cũng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tăng cường phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, vận động để UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, quyền Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết.
Quý Đoàn