nguoiphattu.com Đã thành thông lệ, sáng ngày mùng 2 tết, nhằm ngày 17 tháng 02 năm 2018, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa chùa Kim Long đã vân tập về chùa Kim Long - thôn Phú Đa - xã Cần Kiệm - huyện Thạch Thất - Hà Nội để khánh tuế Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm nhân dịp đầu xuân mới.
Nhân dịp này, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng, nhắc về dấu ấn năm 2011 khi Hòa thượng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội bổ nhiệm trụ trì chùa Kim Long.
Hòa thượng chia sẻ “Từ năm 2011 tới nay đã 7 mùa xuân trôi qua, tôi đều trở về đây với tình cảm đẹp nhất để thành kính hướng lên Tam Bảo, hướng lên Tổ sư để cầu nguyện cho cảnh giới nơi đây hưng long, mở mang Đạo tràng tu tập thật tốt, sau là gặp mặt các vị chính quyền địa phương và chúc tết các Phật tử. Năm nay cũng như vậy, cũng theo thông lệ đó, trong tiết trời xuân rất đẹp, tôi trở về mái chùa với tư cách là chủ nhà để thăm và chúc tết các vị, bởi vì chỉ có hôm nay các vị mới tập hợp được đông đủ nhất”. Qua đó, Hòa thượng tán thán công đức của Đại đức Thích Quảng Phú - Ủy viên BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, được sự ủy thác của Hòa thượng đã rất cố gắng chăm nom cảnh chùa, điều hành công việc chùa cảnh kín trên bền dưới, điều hành được các khóa tu cho các Phật tử.
Tiếp đó, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng hiểu về ý nghĩa của việc tu phúc và tu tuệ: “Trong Phật giáo đề cập tới 2 vấn đề được tôn vinh là lưỡng túc tôn mà chỉ Đức Phật mới có là phúc đức và trí tuệ. Tu phúc tu tuệ song toàn thì mới có thể thành Phật được. Việc phúc ở đây chia làm việc phúc thế gian và việc phúc xuất thế gian. Việc phúc xuất thế gian mà ở tại trụ xứ đây các Phật tử còn lo nhất đó là xây dựng ngôi chùa. Chúng ta vẫn chưa đủ thuận duyên, chưa đủ điều kiện để xây dựng ngôi chùa khang trang, xứng tầm cho khu vực này.
Đây chính là điều chúng ta phải cầu nguyện, đồng lòng và nhất tâm để ngôi đại hùng bảo điện chùa Kim Long sớm được khởi công. Việc cần thiết thứ hai của một người Phật tử trong việc tu phúc xuất thế gian là phải chăm lo, hành trì lễ bái. Hàng tháng khóa tu ở đây cũng như các thời tu tập ở các nơi hay đối với tại gia, các vị lúc nào cũng phải tâm niệm mình là người Phật tử giữ oai nghi phép tắc, luôn niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” để tiêu trừ nghìn tội chướng, đoạn trừ đóng cửa tất cả nẻo ác.
Thứ ba là các vị phải giữ gìn trai giới trong ngày tu, xả bỏ tất cả những tham sân si của cuộc sống ngoài đời để tu tập một ngày trọn vẹn, để thực hành hạnh viễn ly, xa lìa ác pháp. Đó chính là việc phúc xuất thế gian. Còn việc phúc thế gian chính là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tinh thần yêu thương nhân loại, bởi vì dưới nhãn quan của Phật giáo tất cả mọi người là bồ đề quyến thuộc của nhau, Phật tính bình đẳng như nhau, cho nên chúng ta phải làm việc phúc. Những nơi nào gặp hoạn nạn khó khăn, khổ đau, thiên tai…chúng ta phải bố thí theo tinh thần Phật giáo để xã hội có sự công bằng, không phân biệt giàu nghèo. Bởi bố thí chính là một trong 6 hạnh đứng đầu của Đức Phật dạy chúng ta. Nếu chúng ta hoàn thiện bản thân tốt, sẽ xây dựng được gia đình mình tốt đẹp, một gia đình tốt sẽ góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp. Như vậy chính là chúng ta đã tu phúc của thế gian và của xuất thế gian trọn vẹn, học được theo hạnh của Phật.
Đức Phật thương tất cả chúng sinh, đi khắp đó đây, một mình một bình bát, trước giờ ngọ một lần ăn, nửa đêm một lần nghỉ, thuyết pháp độ chúng sinh, đấy chính là Ngài tu phúc xuất thế gian. Ngài cũng có lúc thương xót các con vật, khi Ngài đi khất thực thấy một con nai bị sa bẫy. Ngài đã ngồi xuống tháo bẫy ra giúp con nai được tự do. Vì mắc bẫy đau quá con nai không tự đi lại được, Đức Phật đã bế con nai đuổi theo đàn.
Chúng ta phải học nơi Đức Phật tu phúc như vậy. Điều thứ 2 là tu tuệ, trong kinh tám điều mà tất cả chư Tăng Ni và Phật tử tụng thời sang có câu “duy tuệ thị nghiệp”, tức là chỉ có trí tuệ mới làm nên sự nghiệp. Đạo Phật chú trọng chữ tâm, khi tâm ta bình thế giới sẽ bình, tâm ta an thì thế giới sẽ an. Bầu trời cảnh vật trong tâm ta lúc nào cũng như mùa xuân khi tâm ta có mùa xuân ở đó”.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng các Phật tử cùng nhau nỗ lực tu tập để phúc tuệ được vẹn toàn, ngũ phúc của thế gian cũng sẽ từ đây mà ra.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, Hòa thượng cũng đã tặng cho mỗi Phật tử một món quà nhỏ và một câu Kinh Pháp Cú để hàng Phật tử lấy câu kinh đó làm phương châm tu tập trong năm mới, để cuộc sống luôn được an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc.