;
Pháp Luân Công xuyên tạc kinh Phật về Phật Di Lặc
BÀI THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO NGHỆ AN LẦN THỨ II:
PHƯƠNG PHÁP ỨNG XỬ TRƯỚC SỰ XUẤT HIỆN CÁC ĐẠO LẠ
Kính bạch Chư tôn đức chủ tịch Đoàn
Kính thưa Đại hội
Năm 2011, sự kiện hoan hỷ và đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho Phật giáo Nghệ An đó là việc thành lập GHPGVN Tỉnh Nghệ An, sự kiện này được ghi nhận giống như một nàng Công Chúa hay một chàng Hoàng Tử thức dậy sau bao tháng năm dài chìm sâu trong giấc ngủ say. Hay như sự miêu tả đã ghi trong Kinh Pháp Hoa: một viên ngọc quý được cất giữ lâu ngày trong túi áo của gã cùng tử để rồi hắn phải lang thang cơ nhỡ tìm kiếm bên ngoài những thức ăn thừa thải của mọi người. Sau sự kiện đó,Tăng Ni Phật giáo đồ xứ Nghệ đã tự lực cánh sinh, không ngừng phát huy tinh thần tuỳ duyên bất biến của nhà Phật với một tinh thần thép của người con dân Xô Viết Nghệ Tĩnh để cố kết xây dựng Phật giáo tỉnh nhà ngày một hưng thịnh. Minh chứng điều này, chỉ sau một nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã có gần 50 cơ sở thờ tự hợp pháp, với hơn 30 Tăng Ni hành đạo, 25 chùa có sư trụ trì và kiêm nhiệm, trên 80 ngàn tín đồ Phật tử đã Quy Y và hàng triệu người có cảm tình với Phật giáo.
Với một tỉnh mà “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn”, quanh năm với nắng cháy của gió Lào, lại thêm cá tính rất riêng, đặc trưng của người dân xứ Nghệ, thì con số thống kê trên tuy là chưa đầy đủ nhưng cũng thể hiện được cái tài và tâm của cả tập thể Ban trị sự mà đặc biệt là sự chỉ đạo rất tốt của người lãnh đạo, trong đó Hoà thượng Trưởng Ban với Thượng toạ Phó Trưởng Ban thường trực đã tạo nên một Ban trị sự thật sinh động và nhiệt huyết. Đây chính là yếu tố tiên quyết cho các thành tựu nêu trên.
Tuy nhiên, có một vấn đề cần đặt ra, trong những năm gần đây, chính nhờ vào sự khôi phục và dần phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, lợi dụng vào sự quan tâm của các cấp uỷ đảng dành cho tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, trên địa bàn Nghệ An đã xuất hiện rất nhiều hiện tượng “đạo lạ”, đơn cử như đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Pháp Luân Công, đạo Minh sư Trần Tâm…
Theo một con số nghiên cứu thu thập và tổng hợp riêng của Ban Hướng Dẫn Phật Tử Tỉnh Nghệ An qua những lần khảo sát thực tế thì hiện nay toàn tỉnh có 4 “đạo lạ” xuất hiện:
- Đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh
- Đạo Long Hoa Di Lặc
- Đạo Minh Sư Trần Tâm
- Pháp Luân Công
Những hiện tượng “đạo lạ” này đã lan truyền tới 20 điểm thôn xóm, khu dân cư trong 13 xã ở 7 huyện, thị, thành trong toàn tỉnh với khoảng gần 500 người tin theo. Có những lúc cao điểm đã lôi kéo khoảng 700 người. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở các huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò và Tp. Vinh.
Qua tìm hiểu và nghiên cứu thì các hiện tượng đạo lạ này đều không có giáo lý, giáo luật và tổ chức rõ ràng, chủ yếu vay mượn và có bản chất gắn với Phật giáo hoặc các tín ngưỡng dân gian để lôi kéo tín đồ, thậm chí mang nhiều yếu tố phản tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để lừa bịp kiếm lợi bất chính.
Phương thức truyền đạo của các hiện tượng đạo này thường thô sơ theo hình thức “thế tục” bí mật và nửa công khai. Kết hợp với các hình thức lôi kéo, dụ dỗ, những người nhẹ dạ, cả tin, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Trong tổng số 150 người được khảo sát thì có tới (nam: 50 người, chiếm 33%, nữ: 100 người chiếm 67%).
Hoạt động của các đạo lạ này đều lộn xộn và trái pháp luật; tổ chức lỏng lẻo, nghi lễ đơn giản và mang tính ước lệ; tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp do không đăng ký pháp nhân và không được các cơ quan chức năng công nhận; các sinh hoạt và nghi lễ thường mang tính ma thuật, siêu nhiên kỳ bí, nhất là trong lĩnh vực sức khoẻ và đoán định tương lai, cầu may mắn.
Dẫu biết rằng, hiện nay một trong những yếu tố chính để xuất hiện các hiện tượng đạo lạ ở nước ta nói chung trong đó có Nghệ An là do tác động của phong trào tôn giáo mới từ bên ngoài vào. Do đó, chỉ cần chính quyền áp dụng một số biện pháp quản lý hành chính thì nhiều hiện tượng đạo lạsẽ lụi tàn rất nhanh, hoặc số lượng người tin theo rất ít, mặc dù địa bàn có thể trải ra trên diện rộng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận việc “bùng nổ” của các hiện tượng đạo lạ là do tác động mạnh mẽ của quá trình thay đổi nhận thức, chính sách và cách thức phát triển kinh tế, quản lý xã hội của các cấp chính quyền ở địa phương. Nào là sự thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường sống do tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và toàn cầu hóa đưa lại, sự thay đổi này đã làm nảy sinh những vấn đề bức xúc của xã hội, cộng thêm trình độ dân trí, phương tiện truyền thông; lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước... cũng là những yếu tố quan trọng làm xuất hiện và phát triển các hiện tượng đạo là ở Nghệ An. Bởi khi người lao động phải đầu tư rất lớn cả sức lực và tinh thần cho học tập và công việc, trong khi họ vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng của cuộc sống khó khăn đời thường, lo toan về mưu sinh của bản thân và gia đình, áp lực học tập, công việc, thu nhập và các mối quan hệ dòng họ, cộng đồng, xã hội,… Những yếu tố này đã tạo nên sự căng thẳng về tâm lý, từ đó con người dễ tìm đến với tôn giáo, tín ngưỡng. Trong khi các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống một mặt tiếp tục khẳng định vị trí trong đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân, nhưng mặt khác, đời sống tinh thần của con người hiện nay có xu hướng mở rộng, phong phú hơn, hình thành những nhu cầu tâm linh mới hơn.
Tân trưởng ban HDPT GHPGVN tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2017 -2022 - Đại đức Thích Tuệ Minh.
Mặc dù không phủ nhận một số hiện tượng đạo lạ có nguồn gốc từ Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần, bù đắp tâm lý và niềm tin trước những khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người dân. Trong đó, một số hiện tượng đạo lạ có những nội dung sinh hoạt gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa; trân trọng những người có công với đất nước và dân tộc, như các đạo: Ngọc Phật Hồ Chí Minh,... Một số khác do gắn với việc luyện tập tăng cường sức khỏe, kết hợp chữa bệnh bằng các yếu tố “tâm linh” và “bài thuốc” đơn giản, nên có sức “hấp dẫn” đối với những người nghèo không có điều kiện cải thiện sức khỏe và chữa trị các bệnh hiểm nghèo. Tôn giáo là sự phản ánh tâm lý, tình cảm của con người đối với xã hội. Các hiện tượng đạo lạ xuất hiện là một trong những phương thức để một bộ phận người dân thể hiện tâm tư, thái độ của mình đối với xã hội thực tại; qua đó góp phần để chính quyền và các nhà quản lý sâu sát, trực tiếp hơn với người dân và các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường đang đặt ra.
Một số hiện tượng đạo lạ còn tìm cách chống phá Nhà nước, tổ chức các hoạt động và tuyên truyền luận điệu phê phán xã hội thực tại. Một số khác có những hoạt động chống người thi hành công vụ; sáng tác thơ ca, hò vè có nội dung xuyên tạc những vấn đề quan hệ quốc tế; nói xấu lãnh tụ và chế độ ta; gây ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị trên địa bàn và đất nước.
Một số hiện tượng đạo lạ đã công kích các tín ngưỡng truyền thống và Phật giáo. Hoạt động này đã làm phức tạp thêm trong nhận thức của người dân về phân biệt giữa lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện các hoạt động “mê tín dị đoan” bất hợp pháp với sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo qui định của pháp luật.
Có thể nói, hoạt động của các hiện tượng đạo lạ ở Nghệ An ta trong thời gian qua mới chỉ là bắt đầu nhưng nếu không vào cuộc kịp thời thì chỉ e Nghệ An ta sẽ là miếng đất màu mỡ cho sự xuất hiện và phát triển nhiều hiện tượng đạo lạ cực đoan.
Chính vì lý do đó, nhiệm kỳ mới này của GHPGVN tỉnh Nghệ An sẽ hy vọng có nhiều chương trình cụ thể xác thực hơn để đi sâu vào đời sống tâm linh của tín đồ Phật tử nhất là các huyện miền Tây xứ Nghệ. Với mong muốn đó, chúng con xin nêu một vài giải pháp:
Phối kết hợp với các ngành, các cơ quan chức năng và các đoàn thể tăng cường công tác thuyết giảng, hướng dẫn nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, tín đồ Phật tử để hiểu rõ đâu là chính đạo, tà đạo và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Liên hệ với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những đối tượng là chủ xướng, chủ trì các tà đạo, đạo lạ hoạt động trái phép. Triệt để đình chỉ, xoá bỏ các tà đạo, đạo lạ xâm nhập hoạt động trái quy định của địa phương. Ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật của các đạo lạ, tà đạo.
Tăng cường phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý tín đồ của Ban trị sự Phật giáo tỉnh, nhất là Ban hoằng pháp và Ban hướng dẫn Phật tử, trụ trì các chùa…luôn chăm lo đời sống tinh thần tâm linh cho tín đồ Phật tự được chu đáo.
Thường xuyên kết hợp với Ban từ thiện xã hội hoặc các tổ chức cá nhân từ thiện nhân đạo để chia sẻ sự khốn khó đối với đồng bào nhân dân gặp hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, hoạn dịch...nhất là đồng bào dân tộc miền núi để tạo hình ảnh thiện cảm của Phật giáo đối với họ và đưa hình ảnh người tu tiếp cận các đời sống sinh hoạt của người dân thì mới có thuận duyên giáo hóa.
Các chùa cần tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các khoá tu, các thời thuyết giảng….động viên giáo dục cho họ về tinh thần chính đạo để tránh xa những cám dỗ của các hiện tượng xã hội không lành mạnh.
Ban hoằng pháp và Ban hướng dẫn Phật tử định hướng cho quần chúng tín đồ Phật tử hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thờ Hồ Chủ tịch và các danh nhân, hướng họ vào những hình thức thờ tôn nghiêm, đúng đắn.
Và có nói gì đi chăng nữa, thì việc cần thiết và quan trọng hơn cả vẫn là đòi hỏi sự dấn thân của chư Tăng Ni vào thực tế đời sống nhân dân. Nếu thiếu việc này thì sẽ mất đi cơ hội ngàn năm của Phật giáo mà đức Phật và chư Tổ truyền thừa đó là tinh thần Nhập thế. Hẳn nhiên việc nhập thế ra sao, hành động thực tiễn như thế nào, có lẽ vẫn là nhân duyên của từng người trong công cuộc Hoằng Pháp Lợi Sinh.
Kính chúc chư tôn đức chủ tịch đoàn mạnh khỏe, kính chúc Đại hội thành công viên mãn. Xin trân trọng cảm ơn.
Đại đức Thích Tuệ Minh
Phó trưởng ban thường trực BHDPT GHPGVN Tỉnh Nghệ An