;
Về chứng dự và chỉ đạo có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN, TT. Thích Hiển Thiện - Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Phó Trưởng Ban TTTT TU GHPGVN, Trụ trì Chùa Ba Vàng, Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ.
Về phía chính quyền có Bà Hà Thị Khiết - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Ông Trương Minh Tuấn – Bộ Trưởng Bộ Thông tin Truyền thông; Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ Trường Thường trực Bộ Công an; Ông Lan Green - Chủ nhân Bảo tượng Phật ngọc. Bà Đỗ Thị Hoàng - Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa XIII tỉnh Quảng Ninh; Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Quảng Ninh, Ông Phạm Văn Điệt - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Ninh, Đại tá Đỗ Văn Lực – GĐ Công an tỉnh Quang Ninh, đại diện một số các cơ quan ban ngành ở Trung ương và địa phương cùng hàng nghìn Phật tử và bà con đồng bào dân tộc tham dự.
Đại biểu chính quyền các cấp trang nghiêm tham dự buổi lễ
Đại lễ Phật đản 2016-Phật lịch 2560 kỷ niệm ngày đản sinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tổ chức trong năm có nhiều sự kiện lớn như kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2016), diễn đàn Phật giáo quốc tế chào mừng một năm Cộng đồng ASEAN.
Tại đại lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã cung tuyên đọc thông điệp của Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại đức Thích Trúc Thái Bình đã thông qua bản Diễn văn Phật đản PL.2560 – DL.2016 của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN, ý nghĩa của Phật Đản. Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam với mong muốn toàn thể Tăng ni, Phật tử Việt Nam với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân của những người con Phật, mỗi người bằng những hành động thiết thực bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
HT . Thích Thanh Nhiễu cung tuyên Thông điệp của Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Dịp này, Đại đức Thích Trúc Bảo Thành đã nói về ý nghĩa Tôn tượng Phật ngọc hòa bình thế giới, Đại đức nhấn mạnh “ Trong thế giới tâm linh, người ta thường tin rằng ngọc thạch chứa đựng nguồn năng lực linh thiêng phi thường. Và được chiêm bái và đảnh lễ tượng Phật được tạo ra từ một loại ngọc quý hiếm là một duyên lành khó có được trong cuộc đời” .
Buổi lễ có sự tham dự đông đủ chư Tăng, ni, Phật tử và du khách thập phương.
Các đại biểu dự Đại lễ dâng hương lễ Phật và tham gia các nghi lễ truyền thống, cầu nguyện cho quốc thái dân an, Phật pháp trường tồn, chúng sinh an lạc và chiêm bái Bảo Tượng "Phật Ngọc vì hòa bình Thế giới”
Đại lễ chiêm bái tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới tại chùa Ba Vàng sẽ kéo dài đến hết ngày 20/4(âm lịch). Trong thời gian này, người dân cùng các tăng ni, phật tử ngoài việc được chiêm bái pho tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới còn được tham gia vào các hoạt động như dự các lễ thuyết giảng về ý nghĩa của Phật Ngọc hòa bình thế giới, thắp nến, tụng kinh cầu quốc thái dân an, lễ hội hoa đăng, dâng hoa cúng phật./.
Phật ngọc Hòa bình thế giới là pho tượng Phật Thích ca Mâu ni ngồi thiền trên tòa sen trong tư thế liên hoa, làm bằng ngọc thạch. Khối ngọc thạch để làm tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới này được phát hiện tại miền Bắc Canada vào năm 2000. Toàn bộ khối ngọc nặng khoảng 18 tấn, ít tì vết, có màu xanh lá cây.
Vào năm 2008, một phần của khối ngọc thạch, nặng khoảng 4 tấn đã được lấy để các nhà điêu khắc tài ba ở Thái Lan chế tác thành pho tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới và hoàn thành một năm sau đó. Đây là pho tượng Phật bằng ngọc thạch được cho là lớn nhất và trang nghiêm nhất thế giới với chiều cao 2,54 m, chiều ngang 1,77 m. Tượng Phật ngọc được ghép lại từ 5 phần gồm kim thân, nhục kế, hào quang, tòa sen, bình bát.
Hữu Tình – Nguyễn Văn Quang