;
Ngôi chùa cổ hàng ngàn năm tuổi với cánh đồng lúa ở Sơn Tây. Ảnh: Mai Lĩnh
Chùa làng và ruộng chùa
Theo nhiều nghiên cứu thì Phật giáo vào miền Bắc Việt Nam từ khoảng thế kỷ 3 đến thế kỷ 2 trước công nguyên; ở miền Nam có thể còn sớm hơn.
Có giả thiết cho rằng Phật giáo từ Ấn Độ vào Cham Pa trước rồi sau đó mới tiến lên phía bắc để vào Giao Chỉ. Sau các tín ngưỡng bản địa, Phật giáo là tôn giáo đầu tiên được du nhập và tồn tại lâu bền với người Việt.
Trong lịch sử nước ta, Phật giáo cũng có những lúc thăng trầm, phát triển hay cầm chừng, trở thành quốc giáo hay phải chia sẻ vị thế cùng các tôn giáo khác tùy vào chính sách của các vương triều cầm quyền.
Thời mới giành quyền tự chủ, từ nhà Ngô qua nhà Đinh đến nhà Lê (tiền), Phật giáo được coi trọng, được các vương triều quan tâm phát triển; chùa chiền được xây dựng nhiều ở kinh đô và các vùng quê, làng mạc.
Thời Lý Trần, Phật giáo là quốc giáo nên “Từ trong kinh thành cho đến ngoài phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ hẽm, không bảo người ta cứ theo, không hẹn mà người ta cứ tin, hễ nơi nào có nhà ở ắt có chùa chiền...” (Nguyễn Quang Ngọc).
Bước sang nhà Lê (hậu), Phật giáo không còn là quốc giáo, nhưng vẫn được thừa nhận, vẫn tồn tại trong xã hội, đặc biệt là trong các làng xã; nhiều vị vua chúa, hoàng thân, quan lại vẫn chuộng Phật.
Nhà Mạc theo Nho giáo, không quá sùng Phật nhưng cũng không cản Phật giáo, thậm chí có phần phục hưng, phát triển. Chùa chiền vẫn được xây mới hoặc tu bổ.
Sang thế kỷ XVII, XVIII, do các cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn - Nguyễn, Tây Sơn -Trịnh nên Phật giáo cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này một số chính quyền phong kiến vẫn quan tâm đến việc khôi phục và phát triển Phật giáo, nhất là các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Nguyễn Ánh lên ngôi, lập ra triều Nguyễn, cai quản đất nước bằng học thuyết Nho giáo. Phật giáo không còn được coi trọng, thậm chí còn bị đối xử khắt khe, dẫn đến bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, với lịch sử và ảnh hưởng sâu rộng của mình trong cộng đồng xã hội, Phật giáo đã nhanh chóng phục hồi.
Nước ta từ xưa (cho đến nay) là một nước nông nghiệp nên Phật giáo gắn liền cư dân nông nghiệp, với làng. Từ hàng ngàn năm trước, hầu hết các làng đều có chùa làm nơi thờ Phật của dân làng.
Chùa là thiết chế văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của làng. Sư tăng là bộ phận dân cư đặc biệt của làng. Sư tăng có thể là người bản làng nhưng cũng có thể là đến từ làng xã khác, huyện khác.
“Dân số” của nhà chùa tăng giảm tùy thời nhưng luôn là một bộ phận khá đông đảo. Họ có thể xuất gia, thoát tục nhưng vẫn gắn bó với làng và có vai trò quan trọng đối với đời sống của làng trên nhiều phương diện, kể cả chuyện làm ăn.
Nguồn sống chính của tầng lớp dân cư này cũng là từ ruộng - ruộng chùa. Ruộng chùa còn gọi là ruộng tam bảo. Ruộng chùa là một bộ phận ruộng đất đặc biệt của làng xã xưa, do sư tăng của chùa quản lý và sử dụng.
Sư tăng cày cấy, sản xuất và thu hoạch hoa lợi trên những mảnh ruộng đó. Ruộng chùa xuất hiện đồng thời với sự ra đời của các ngôi chùa và tăng hay giảm phụ thuộc vào chính sách tôn giáo và ruộng đất của các vương triều, sự hưng thịnh của Phật giáo.
Nguồn gốc của ruộng chùa
Ruộng chùa có thể có nhiều hình thức khác nhau. Có thể là công điền hay tư điền, thậm chí có cả hai hình thức sở hữu này. Là công điền khi ruộng đất đó được nhà nước cấp hay do làng xã trích từ ruộng đất công cúng cho chùa. Là tư điền khi ruộng này do các cá nhân cúng cho chùa hoặc chùa tự mua, tự khai hoang.
Trong số ruộng đất do tư nhân cúng thì có không ít là ruộng cúng hậu. Đây là ruộng do các cá nhân cúng cho chùa để được cúng giỗ lâu dài sau khi mất.
Thông thường là người không có con trai nỗi dõi phụng thờ cho mình và hoặc những người thân trong gia đình. Cũng có người cúng để nâng cao uy tín, địa vị bản thân, dòng họ hoặc để nương nhờ “cửa Phật” lâu dài.
Thời Lý Trần, khi Phật giáo độc tôn, cả nhà vua, triều đình và dân chúng đều chăm lo Phật sự, không những xây dựng nhiều chùa mà ruộng đất chùa được cấp, được cúng rất nhiều. Nguyễn Tài Thư trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam cho biết: “Theo bia chùa Vạn Phúc tức chùa Phật Tích ở Tiên Sơn, Hà Bắc.
Năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1075), nhà vua đã cho xây trên 100 ngôi chùa ở đây và cúng hơn 100 thửa ruộng. Theo bia và bài minh trên chuông chùa Thần Quang, nay là chùa Keo ở Vũ Thư Thái Bình, Triều Lý đã cúng cho chùa này số ruộng là 1.372 mẫu 2 sào”.
Sang thời Trần, việc cấp ruộng cho các chùa càng nhiều hơn. Theo bia Thần quang tự bi và chuông Thần Quang tự dụng đúc năm Chính Hòa thứ 19 (1698), chùa Quỳnh Lâm có khoảng 1.089 mẫu 9 sào 5 thước 6 tấc do triều Lý cấp và 100 mẫu ruộng do triều Trần cấp.
Dân chúng cũng cúng nhiều ruộng cho chùa. Theo Báo Ân thiền tự bia kí, dựng năm 1209 ở xã Tháp Miếu (Yên Lãng, Vĩnh Phúc), một người họ Nguyễn bỏ ra hơn 100 quan tiền mua được 120 mẫu để cúng cho chùa.
Đến thời Lê (sơ), vị thế của Phật giáo không còn được tôn sùng như trước nên nhà vua không ban cấp ruộng cho chùa nữa. Lúc này chỉ có ruộng làng xã cấp hoặc do cá nhân cúng vào chùa.
Thời nhà Mạc, ruộng chùa phát triển trở lại. Việc cúng ruộng cho chùa ngày càng nhiều. Nhiều người trong hoàng tộc và các đại thần triều đình đã tham gia tu bổ và xây chùa, cúng ruộng.
Vua Mạc Phúc Nguyên ban “Cân tiền” cho chùa Linh Cảm (Từ Sơn - Bắc Ninh, 1557); vua Mạc Mậu Hợp cúng 20 lạng bạc vào chùa Hoa Tân (Hải Dương, năm 1582). Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cúng 30 mẫu ruộng và 6.000 lá vàng cùng bạc tiền cho các chùa.
Trong các thế kỷ XVII, XVIII, mặc dù nội chiến liên miên nhưng việc cúng ruộng cho chùa vẫn được duy trì rộng rãi.
Ruộng chùa trong các thế kỷ XVII, XIII chiếm một diện tích đáng kể trong tổng số ruộng đất của cả nước. Trong đó, một phần không nhỏ là từ ruộng hậu Thống kê bia hậu giai đoạn này của Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Trong số 22 tỉnh ở phía Bắc đã có đến 112 bia hậu, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bắc Ninh (29 bia), Hà Đông (20 bia), Hải Dương (10), còn các tỉnh còn lại có trung bình từ 2 - 3 bia.
Theo các bia hậu nói trên thì trong số những người cúng ruộng cho chùa có 14 người là quan lại và những người trong hoàng tộc (chiếm 11%); cung nữ, phi tần: 22 người (chiếm 17%), thái giám: 4 người (chiếm 3,1%), không quan tước: 88 người (chiếm 68%), còn lại 2 người (chiếm 0,9%) không rõ thân phận.
Ngoài ra, tài liệu này cũng cho biết sốngười cúng ruộng cho chùa trên 5 mẫu là 15 người; số người cúng tiền cho chùa trên 200 quan là 8 người; số người cúng cả ruộng lẫn tiền cho chùa là 52 người.
Nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh đã làm cho Phật giáo sa sút nghiêm trọng, đặc biệt là ruộng đất của các chùa theo đó cũng bị thất lạc, suy giảm nhiều.
Sang thời Nguyễn ruộng chùa lại được phục hồi. Hầu như tất cả các tầng lớp trong xã hội từ vua, hoàng tộc, quan lại cho đến tầng lớp bình dân, tùy theo khả năng đều ít nhiều có đóng góp ruộng đất cho chùa.
Ngoài ra, nhà vua còn lấy đất công để cấp cho chùa. Châu bản triều Nguyễn cho biết “ngày 7 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 5, vua đã lấy ruộng công ở 3 phường An Định Nha, An Hướng Nha và Phương Xuân cấp cho chùa Long Phước để lo việc phụng thờ”.
Liên quan đến ruộng chùa, thiết nghĩ cần nhắc đến các nhà nước phong kiến, trừ nhà Nguyễn, đều không thu tô thuế đối với loại ruộng đất đặc thù này. Đó là điều kiện để ruộng chùa trở thành một bộ phận đáng kể của kinh tế làng và nước, là nền tảng quan trọng để Phật giáo phát triển trong lịch sử.
Vĩnh Khánh - https://kinhtedothi.vn/