;
Con gái bạo hành mẹ ruột ở Long An. Ảnh cắt từ clip.
Ngày 7/9, mạng xã hội lan truyền clip dài gần 7 phút ghi lại cảnh bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chửi bới, đổ rác lên đầu mẹ ruột 88 tuổi. Đầu tháng 9, cụ bà qua đời. Công an huyện Cần Đước đã khởi tố, bắt tạm giam bà Hoa để điều tra về tội ngược đãi, hành hạ mẹ ruột. Bị can thừa nhận đã đánh mẹ vì cụ bà không để lại tài sản cho mình.
Tại nhiều nước châu Á, quan niệm đẻ con để có chỗ nương tựa lúc về già từng phổ biến. Thế nhưng, giờ đây, điều này không đúng trong nhiều trường hợp.
Tuổi thọ trung bình của người châu Á ngày càng tăng nhưng con người vẫn chưa được chuẩn bị để đối mặt với tuổi già. Nhiều người cao tuổi cảm thấy bơ vơ trong những năm tháng cuối đời, trong khi con cái họ coi tuổi thọ của bố mẹ là gánh nặng.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 người cao tuổi, có một người bị lạm dụng. Dù đang ở cùng con cái, người giúp việc hay trong viện dưỡng lão, người cao tuổi cũng có thể cảm thấy cô đơn, bất lực và vô dụng.
Nỗi đau khi về già
Đầu tháng 5 vừa qua, một người đàn ông tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) bị bắt giữ vì chôn sống mẹ ruột 79 tuổi tàn tật tại một nghĩa địa bỏ hoang. Vụ việc được cô con dâu trình báo sau khi phát hiện chồng đưa mẹ ra khỏi nhà vào tối 2/5 nhưng trở về một mình.
Người con đã thú nhận việc chôn sống mẹ. Sau khi xác định vị trí, cảnh sát đã cứu được bà cụ. Ngay khi tỉnh dậy trong bệnh viện, người mẹ không ngừng van xin cảnh sát đừng trừng phạt con trai.
Hơn một tuần sau, dư luận Trung Quốc tiếp tục chấn động vì một vụ án liên quan đến bạo hành người cao tuổi khác. Một cụ ông 83 tuổi đã bị người giúp việc hành hung đến chết tại nhà riêng.
Camera giám sát ghi lại cảnh hung thủ dùng khăn bịt mặt, ngồi hẳn lên người cụ ông. Nạn nhân qua đời do ngạt thở. Theo cảnh sát, người giúp việc mới chỉ làm được 8 ngày và có tiền án bạo hành, song vẫn được các con nạn nhân giao phó toàn bộ công việc chăm sóc người cha già cả.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ người cao tuổi bị lạm dụng cao gấp đôi các quốc gia khác bởi chính sách một con thực hiện suốt nhiều năm, theo ifeng. Các nhà xã hội học tại đất nước tỷ dân từng nhiều lần nhận định: "Xã hội có lẽ chưa sẵn sàng cho sự già hóa dân số".
Không chỉ Trung Quốc, các quốc gia châu Á khác cũng đang phải vật lộn với tình trạng tương tự.
1/6 người cao tuổi bị lạm dụng, theo WHO. Ảnh: Japan Times.
Ở Hàn Quốc, năm 2019, 740.000 người cao tuổi sống một mình. Theo một nghiên cứu của Bộ Phúc lợi nước này, con số này tăng thêm trung bình 50.000 mỗi năm.
Do sống một mình, không ít người qua đời nhiều ngày, nhiều tuần, vẫn không ai biết. "Cả ngày, các cụ quanh quẩn trong nhà và chỉ có một tha thiết là lâu lâu lại được nhìn, thậm chí là nghe tiếng con cái", Ko Myung-hee, quản lý tại trung tâm chăm sóc người cao niên cao cấp tại Hàn Quốc, nói.
Ở Nhật Bản, người già cũng không thoát khỏi cảnh cô quạnh, bị hắt hủi. Theo cuộc khảo sát của Bộ An sinh, khoảng 30% viện dưỡng lão từ chối nhận người già nếu họ không có ai đứng ra bảo lãnh.
Nhiều người lớn tuổi đơn thân bị đuổi khỏi các nhà trọ do bị cho là không có khả năng thanh toán hoặc qua đời mà không ai biết. Họ phải bơ vơ một mình trong căn phòng chật chội ở trung tâm bảo trợ xã hội vào những năm cuối đời.
Tuổi thọ trở thành gánh nặng
Martha Lee (từ chối tiết lộ tên thật vì sợ bị kỳ thị), sống tại Singapore, đã một mình chăm sóc mẹ hơn 15 năm qua trong khi 5 anh chị em khác trong nhà chỉ hỗ trợ tài chính. Người phụ nữ 60 tuổi này đã phải bỏ việc nhưng mọi thứ vẫn rất khó khăn khi mẹ bà bị mất trí và sức khỏe ngày một yếu.
“Tôi thực sự không bao giờ nghĩ rằng mẹ vẫn còn sống khi mình đến tuổi 60”.
Bà Martha Lee thuộc "thế hệ sandwich" của Singapore - những người đang phải còng lưng chăm sóc bố mẹ lẫn con cái cùng một lúc. Hầu hết thế hệ sandwich là những người trong độ tuổi 30-60 nhưng vẫn có nhiều người đã nghỉ hưu ở độ tuổi 60-70.
Khi Singapore đứng đầu thế giới về tuổi thọ trung bình - gần 85 năm, vượt xa cả Nhật Bản - những người về hưu không còn lớn tuổi nhất trong gia đình. Tại cuộc họp vào tháng 8/2019, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết số lượng người già trăm tuổi đã tăng gấp đôi từ gần 500 trong năm 2007 lên 1.300.
Tình hình được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn khi tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tiếp tục tăng cao. Người Singapore đang sống lâu hơn bao giờ hết. Thế nhưng với những đứa con ngoài 60 tuổi như bà Lee, tuổi thọ của bố mẹ đã trở thành gánh nặng thay vì là món quà.
Singapore đứng đầu thế giới về tuổi thọ trung bình - gần 85, vượt xa cả Nhật Bản. Ảnh: SCMP.
Hồi tháng 5, mạng xã hội Weibo xôn xao bức ảnh "người con duy nhất", được chụp tại một bệnh viện ở Trung Quốc. Trong hình, một người đàn ông ngồi giữa hai giường bệnh, một mình chăm sóc cha mẹ già bệnh tật.
"Bóng lưng mỏng manh và bất lực đó có thể là của tất cả chúng ta sau này", một người dùng bình luận dưới bức ảnh.
Cha mẹ ngày càng già đi, trong khi con cái vẫn cần phải kiếm sống, mưu sinh. Tỷ lệ sinh giảm, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, khiến gánh nặng không thể san sẻ. Trong lúc đó, cô đơn, vô dụng, bất lực là những gì người già phải trải qua trong xã hội ngày nay.
“Dù đang ở đâu, người cao tuổi cũng gặp những vấn đề nan giải chưa thể thoát ra. Hoàng hôn cuối ngày không bao giờ đẹp nhất, nếu có chỉ trong lời bài hát mà thôi”, ông Tạ Phúc Chiêm - chuyên gia xã hội học Trung Quốc - nói.
Nguồn: https://zingnews.vn/su-bat-an-cua-nguoi-gia-chau-a-post1129237.html
-------------------------------------------------------------
KHỞI TỐ BẮT TẠM GIAM CON GÁI NGƯỢC ĐÃI MẸ RUỘT VÌ KHÔNG ĐỂ LẠI TÀI SẢN
Chiều 8-9, Đại tá Thái Hữu Đức, Trưởng Công an huyện Cần Đước, Long An, cho biết Công an huyện Cần Đước đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước, Long An) vì đã có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Đường (79 tuổi).
Bà Hoa bị khởi tố về hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự.
Bà Hoa là người có hành vi bạo hành mẹ ruột trong clip gây bức xúc trên mạng xã hội trước đó.
Người đánh khai: Vì mẹ không để lại tài sản
Trong đoạn clip, bà Hoa liên tiếp dùng những lời lẽ chửi bới mẹ của mình (cụ NTĐ, sinh năm 1941). Bà Hoa còn dùng chổi, tay đánh liên tiếp vào mặt, đầu của bà cụ rồi đổ chất bẩn lên người bà. Do tuổi cao, sức khỏe yếu, bà cụ chỉ biết ngồi trên giường và chịu đựng.
Qua làm việc với công an, bà Hoa đã thừa nhận hành vi trong đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội Facebook là do chính bà thực hiện.
Bà Hoa khai do bực tức việc người mẹ không để lại tài sản gì trong khi chỉ có mình bà lo nuôi dưỡng mẹ. Hiện cụ Đ. đã qua đời vào ngày 2-9.
Ngày 8-9, UBND huyện Cần Đước (Long An) đã có báo cáo kết quả xác minh, xử lý vụ việc trên.
Theo kết quả xác minh, người quay đoạn clip là BTTT (sinh năm 1988, là con ruột của bà Hoa).
Trước đó, vào ngày 2-9, ông Sự là anh họ của bà Hoa đến dự đám tang của cụ Đ. Nghe tin bà Hoa có hành vi ngược đãi mẹ nên ông Sự gặp BTTT để hỏi thăm cụ thể.
Chị BTTT cho biết mẹ mình thường đánh, mắng chửi bà ngoại. Vì quá đau lòng nên T. dùng điện thoại di động để ghi hình lại vào tháng 11-2019.
Ông Sự kêu T. gửi đoạn clip trên cho ông xem. Đoạn clip sau đó xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo một lãnh đạo UBND xã Long Hòa, huyện Cần Đước, trong khoảng thời gian cụ Đ. còn sống, xã chưa nghe người dân báo về tình trạng cụ Đ. bị bạo hành. Được biết, cụ Đ. chỉ có một người con là bà Hoa.
Còn cha mẹ là quá hạnh phúc
Ngay khi thông tin được đăng tải trên PLO, nhiều bạn đọc đã gửi bình luận xoay quanh vụ việc này và đạo hiếu của người làm con.
“Đọc thông tin, xem đoạn clip mà tôi thấy đau lòng. Người còn cha mẹ mà không trân trọng, chăm sóc, đến khi cha mẹ mất thì có làm mâm cao cỗ đầy, khóc lóc cũng có được gì. Lẽ ra con cái phải thấy rất hạnh phúc khi được kề cận lúc cha mẹ trăm tuổi già. Như tôi, cha mẹ đều mất sớm, giờ muốn báo hiếu cũng không được” - là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Khá.
Bạn đọc Trần Thị Thu bức xúc: “Những ngày cuối đời, chắc bà cụ đã phải sống rất khổ sở vì những lời chửi mắng và sự bạo hành của con gái. Chăm sóc cha mẹ là đạo hiếu của người làm con. Đừng đổ lỗi cho cha mẹ già cả, lẩm cẩm, bệnh tật hay sự nghèo khó mà cho phép bản thân làm người bất hiếu. Làm con cái sao nỡ tự tay đánh đập người đã dứt ruột sinh ra mình. Nếu có ngày cha mẹ không tự ăn được, con cháu phải đút cơm, dâng nước thì người làm con, làm cháu hãy nhớ ngày còn nhỏ, cha mẹ đã từng làm thế với chúng ta bằng tất cả yêu thương…”.
Cần làm rõ nguyên nhân cái chết của bà cụ
Hình ảnh trong clip cho thấy người con gái đã có hành vi đối xử tồi tệ, bạo lực, xâm phạm đến thân thể người mẹ.
Cụ thể, người con gái đã đổ chất bẩn lên đầu người mẹ, dùng chổi đánh và chửi mắng mẹ mình. Hành vi người con gái xâm phạm thân thể, nhân phẩm người mẹ có căn cứ để xử lý, kể cả trường hợp người mẹ đã mất.
Về xử lý hành chính, hành vi đánh đập gây thương tích; xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình sẽ bị xử phạt theo Nghị định 167/2013.
Về hình sự, người con gái có thể bị xử lý về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
- Thường xuyên làm cho người bị ngược đãi đau đớn về thể xác, tinh thần.
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Hình phạt nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Nếu phạm tội với người già yếu thì sẽ bị xử lý ở khoản 2 của điều này với mức phạt tù từ hai năm đến năm năm.
Trường hợp này, cơ quan công an cần làm rõ nguyên nhân cái chết của bà cụ có liên quan đến hành vi bạo hành của người con gái hay không. Mặt khác, nếu người con gái đang hưởng thừa kế tài sản của người mẹ thì cơ quan chức năng vẫn có thể xem xét lại tư cách hưởng thừa kế của người này.
Theo Điều 621 Bộ luật Dân sự, những cá nhân sau sẽ không có quyền hưởng thừa kế:
- Người thừa kế vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Người thừa kế bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Theo ĐÔNG HÀ - TRÚC PHƯƠNG/ Báo Pháp Luật TP.HCM