;
Nhiều bạn trong CLB đã nghe nói đến tên Sư cô, đã xem và nghe những bài giảng pháp của sư cô qua băng đĩa. Nhưng được nghe sư cô giảng trực tiếp mới cảm nhận hết được tấm lòng của một vị chân tu đối với các bạn trẻ. Sư cô tốt nghiệp tiến sĩ Phật học sau 10 năm tu học ở Ấn Độ, xứ sở mà đức từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã chọn để hóa thân tu hành giáo hóa. Khi trở về Việt Nam, sư cô đã đem hoài bão, tình thương của mình chia sẻ với các bạn trẻ qua các bài giảng với phương châm: “Phật Pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”.
Đời sống vốn vô thường, đời sống chứa trong nó toàn những điều bất như ý. Đời sống như hành trình thách thức ta trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Từ đó ta mới có ước mơ, có hoài bão và tuyệt vời nhất, ta có Đức Phật và đạo Phật. Đạo Phật không phải cao siêu như nhiều người lầm tưởng mà rất đơn giản, đơn giản như không khí ta hít thở hàng ngày, đơn giản như miếng cơm ăn, ngụm nước uống ta vẫn sử dụng hàng ngày. Đạo Phật là đạo như thật và đức Phật là người thầy đã chỉ cho ta thấy cái như thật ấy ngay trong cuộc sống hiện tại này. Hay nói cách khác, đạo Phật chính là đạo của cuộc sống.
Những câu chuyện kể của sư cô đã khiến rất nhiều bạn trẻ trong CLB xúc động và làm thay đổi nhận thức, thái độ của các bạn đối với cuộc sống.
Nếu bạn nào vẫn còn mang tư tưởng hướng ngoại, sính ngoại sau khi nghe chia sẻ của sư cô về các đất nước mà sư cô đã đến sẽ thấy yêu đất nước Việt Nam mình hơn. Ấn Độ là quê hương của Đức Phật. Nhưng cho đến ngày hôm nay, Ấn Độ vẫn là đất nước mang nặng tư tưởng phân chia giai cấp: thượng lưu và hạ lưu, vẫn là một đất nước mà sự phân biệt giàu nghèo thể hiện rõ nét.
Cuộc sống của đa số người dân nước này vẫn rất nghèo khổ, thiếu thốn. Nhiều du học sinh Phật giáo sau khi từ Ấn Độ trở về đã mang theo hành trang tu học của mình là bệnh tật cho thân thể vì khí hậu khắc nghiệt nơi này. Việt Nam không thế. Ở Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, không phân chia giai cấp, con người sống với con người bằng chữ “duyên”, bằng sự hiểu biết về luật “nhân quả - nghiệp báo”. Khí hậu tại Việt Nam ôn hòa nên con người cũng có cuộc sống thoải mái khỏe mạnh.
Canada là một đất nước phát triển về kinh tế, văn hóa và xã hội. Chắc rằng cũng có nhiều bạn trẻ đã mơ ước được sống ở đất nước này.
Nhưng… Có bạn trẻ Việt Nam nào không cảm động, không tự hào khi sư cô kể về một bạn trẻ người Canada trong chuyến sư cô đi Hoằng Pháp đã có ước mơ rằng: “Kiếp sau con ước mình làm người Việt Nam để con được hiểu Phật Pháp thật trọn vẹn”. Bạn trẻ này theo các bạn người Việt đến nghe sư cô thuyết pháp. Hết thời pháp, sư cô hỏi bạn có hiểu sư cô nói gì không vì sư cô thuyết pháp bằng tiếng việt và vì sư cô thấy bạn ngồi nghe rất chăm chú, rất trang nghiêm thanh tịnh.
Bạn ấy đã tâm sự rằng tuy bạn ấy không hiểu sư cô nói gì, chỉ biết sư cô đang nói về đạo Phật, nhưng bạn ấy thích nghe giọng nói của sư cô nên đã chăm chú ngồi nghe pháp như thế và có một ước mơ rất đáng tự hào cho người Việt Nam mình như thế. Ở đất nước các bạn, các bạn không có điều kiện để tìm hiểu về Phật Pháp nên khi các bạn được giới thiệu về đạo Phật, các bạn rất thèm được tìm hiểu và qua ước mơ của bạn trẻ người Canada kia, các bạn trẻ Việt Nam mình có cần phải mơ ước cuộc sống nơi xa xôi nào nữa không. Chỉ có những người đi nhiều, trải nghiệm nhiều mới đúc kết được rằng không nơi nào đẹp như Việt Nam, không sống ở đâu thoải mái như ở Việt Nam.
Giới trẻ thường ngại đối mặt với thử thách, thường hay mơ tưởng đến những điều không thực tế mà không biết rằng thử thách là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị là cuộc sống phải được trải qua thử thách. Không có thành công nào dễ dàng có được mà không phải trải qua những thăng trầm, những thử thách của cuộc sống. Như hòn đá cuội nhẵn nhụi kia, nếu không bị cọ xát, bị bào mòn, bị cuốn trôi qua biết bao chặng đường thì liệu từ một viên đá gai góc, xù xì, xấu xí có trở nên dễ thương như vậy không? Con bướm xinh đẹp đang bay lượn ngoài kia nếu không trải qua một quá trình tự mình nỗ lực cắn xé cái vỏ bọc giam hãm nó, nó có biến đổi nó từ một con nhộng xấu xí thành con bướm duyên dáng như thế không, nó có đủ sức giang rộng đôi cánh đón nhận và đương đầu với cuộc sống như vậy không? Nhiều bạn trẻ thường hay mơ ước một cuộc sống trong nhung lụa, đủ đầy mà không biết rằng những bệ phóng đó rất phù du hư ảo.
Nếu các bạn không tự mình tạo được nền tảng cho mình bằng tri thức, bằng nghị lực các bạn sẽ không đủ bản lĩnh và tự tin đối diện và đương đầu với những điều thử thách bất như ý trong cuộc sống.
Câu hỏi của sư cô: “Vì sao các bạn đẹp?” đã làm nóng không khí của buổi nói chuyện. Sư cô kể rằng, khi sư cô hỏi các thí sinh tham dự cuộc thi “Hoa hậu quý bà” câu hỏi trên, sư cô nhận được rất nhiều câu trả lời từ những quý bà xinh đẹp, thành đạt nhưng không câu trả lời nào nói được bản chất của cái đẹp: Luật nhân quả - nghiệp báo. Ba ý kiến đại diện của các bạn thành viên CLB như: “Kiếp trước là người xấu, biết tu hành nên kiếp này đẹp” hay “Kiếp trước hay dâng hoa cúng Phật nên kiếp này được đẹp” rồi “Kiếp trước sống vui vẻ với mọi người nên kiếp này được quả báo đẹp” tuy chưa phải là đáp án đầy đủ nhưng cũng chứng tỏ các bạn đã phần nào hiểu được luật nhân quả - nghiệp báo. Lời dạy của Đức Phật cho câu hỏi “vì sao bạn đẹp” chính là vì bạn biết sống nhu hòa và nhẫn nhục với tất cả mọi người nên bạn được nhận quả báo đẹp.
Những câu chuyện cảm động trong cuộc sống qua lời kể của sư cô đã khiến các bạn trẻ thấm thía hơn ý nghĩa của nếp sống từ bi. Nhiều bạn sau buổi nói chuyện đã tâm sự rằng: “em đã đọc hai truyện mà sư cô kể, nhưng thực sự em chưa bao giờ có cảm xúc như hôm nay”.
Câu chuyện thứ nhất kể về một cô giáo, bằng tình thương của mình đã tìm hiểu hoàn cảnh của một cậu học trò bị coi là cá biệt, cảm thông và giúp đỡ cậu, trân trọng những món quà kỷ niệm của người mẹ đã qua đời của cậu dù đó chỉ là cái vòng xấu xí bị rơi mất mấy hạt cườm hay lọ nước hoa đã dùng hết một nửa. Cha cậu đã bỏ cậu đi nên cậu sống một cuộc sống không người thương yêu, chăm sóc. Từ một học sinh có hạnh kiểm rất tốt, kể từ ngày mẹ mất, cha bỏ đi, cậu cứ từ từ trở nên xa lánh mọi người, từ từ trở thành học sinh cá biệt. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của cô giáo, cậu đã thay đổi và sau này, cậu đã vượt qua mọi thử thách để trở thành một người thành đạt. Cậu coi cô giáo như người mẹ của mình và trong đám cưới của cậu, cậu đã giới thiệu cô là mẹ khiến cô giáo cảm động. Cô đã cho đi tình thương và nhận lại không chỉ tình thương mà cả sự kính trọng. Bài học về tấm lòng vị tha của cô giáo, về cách ứng xử bằng cái tâm thương yêu của cô giáo qua lời kể của sư cô khiến không khí trầm lắng hẳn xuống. Các bạn hiểu thêm rằng đừng nên đánh giá, nhìn nhận con người qua bề ngoài mà cần tìm hiểu hoàn cảnh của họ để biết nguyên nhân rồi tìm cách giúp họ. Đó chính là tâm từ bi, là cái tâm mong muốn mang lại niềm vui cho tha nhân và làm giảm bớt đi những nỗi đau khổ trong cuộc sống.
Câu chuyện thứ hai là bài học về sự sẻ chia. Thường thì người lớn là người hướng dẫn, dạy dỗ con trẻ để con trẻ biết sống thương yêu, biết san sẻ với người khác. Người mẹ của các bạn nhỏ trong câu chuyện này có một cuộc sống không mấy dư dả, sung túc. Nhưng khi đọc báo, thấy một bà mẹ có con nhỏ khác rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn mình đã khuyến khích các con mình cho người bạn nhỏ kia những đồ chơi mà các bạn không dùng, không chơi nữa. Các con của bà dù không có nhiều đồ chơi đẹp và đắt tiền nhưng đã lần lượt cho người bạn kia những đồ chơi mà các em vẫn thường chơi và yêu quý nhất như con búp bê tự làm bằng vải vụn hay đồ chơi thiếu mất một số bộ phận.
Hành động này của các em đã khiến người mẹ bất ngờ, làm thay đổi suy nghĩ của người mẹ và bà phải thốt lên rằng: “Chính các con tôi đã dạy tôi biết thế nào là chia sẻ”. Bà đã quyết định mang tặng bà mẹ có hoàn cảnh đáng thương chiếc áo mới nhất bà mới mua cách đây vài ngày thay cho chiếc áo sờn cũ bà dự định cho lúc ban đầu. Thông điệp của câu chuyện gửi đến cho chúng ta là: Dù ta sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta cũng đều có thể san sẻ cho người khác những điều tốt đẹp nhất mà ta có.
Hai câu chuyện cảm động trên đã kết thúc thời pháp thoại của sư cô Hương Nhũ với các bạn trong CLB. Câu chuyện cũng là lời nhắn nhủ của sư cô dành cho các bạn: “cuộc sống của con người không làm nên bởi vật chất mà nó được làm nên bởi cái tâm thương yêu, bởi sự hiểu biết và thông cảm đến từ trái tim của con người với con người”.
Bài, ảnh: Nguyễn Bình - Nguyễn Vinh