;
1. Bối cảnh ra đời
1.1 Bối cảnh
Năm 1949, Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng xét thấy tình hình khó khăn do giặc Pháp khủng bố tàn
bạo nên đưa các Ủy viên trong Ban chấp hành về phụ trách Phật giáo cứu quốc trong Mặt trận Liên Việt các tỉnh để hoạt động nhằm mục đích cốt yếu là giữ người và tổ chức để đối phó với âm mưu lợi dụng tôn giáo của Pháp.
Mặt khác, quý ngài có hoài vọng tập họp “chư sơn thiền đức”, vào một tổ chức để duy trì nền tảng Phật giáo cổ truyền, sống theo 6 phép Lục Hòa của tinh thần Phật giáo.
Điều 2 của Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam cho biết nguyên nhân thành lập Giáo hội nhằm “duy trì nền tảng cổ truyền và thực hiện nền giáo dục Phật lý để dìu dắt nhân sinh sống theo 6 phép Lục Hòa mà nghìn xưa đức Phật đã dạy”.
1.2 Sự ra đời
Năm Nhâm Thìn (1952), tình hình chiến sự ở Nam Bộ có vẻ lắng dịu, những Tăng sĩ ngày nào nghe theo tiếng gọi của Hội Phật giáo cứu quốc, tạm xếp cà sa ra đi kháng chiến đã có nhiều vị trở về, vì thế phong trào Phật giáo ở nội thành Sài Gòn lại có cơ hội hoạt động mạnh.
Do đó, theo yêu cầu kháng chiến, Hòa thượng Giác Ngộ (ở Ngã Sáu Sài Gòn) tại chùa Long An số 136 đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ) cùng nhiều vị khác tiến hành Đại hội thành lập Nam Việt Giáo hội Lục Hòa Tăng vào ngày rằm tháng hai năm Nhâm Thìn. Đại hội đã bầu Ban Chức sự gồm:
1) Tăng trưởng: Hòa thượng Thiện Tòng, chùa Trường Thạnh (tương tự như chức Tăng thống).
2) Phó Tăng trưởng: Hòa thượng Pháp Nhạc, chùa Long An.
3) Tăng giám: Hòa thượng Thành Đạo, chùa Phật Ấn.
4) Phó Tăng giám: Hòa thượng Minh Đức, chùa Thiên Tôn.
5) Tổng Thư ký: Thượng tọa Huệ Chí.
6) Thủ quỹ: cư sĩ Đoàn Trung Còn.
7) Hòa thượng Pháp Lan, chùa Khánh Hưng.
8) Hòa thượng Huệ Thành, chùa Long Thiền, Biên Hòa, Đệ nhất Phó Tăng giám kiêm Trưởng ban Hoằng pháp.
Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt xuất bản Phật học tạp chí và mở Khánh Hòa Phật học Tùng thư.
Tôn chỉ của Giáo hội là đoàn kết trên tinh thần Lục Hòa, truyền bá chính pháp, giữ gìn truyền thống yêu nước. Đây là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã (1922) tại Nam Bộ.
Hòa thượng Thích Thiện Thuận (1900-1973) trụ trì chùa Giác Lâm quyết định tham gia vào tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng. Ngài cùng Hòa thượng Hồng Từ hiến cúng 4 công đất của chùa Giác Viên cho Giáo hội Lục Hòa Tăng làm nơi bồi dưỡng đào tạo Tăng tài lấy tên là “Trường Lục Hòa”.
Cũng tại đây, thành lập cơ sở in ấn “Phật học tạp chí” cơ quan ngôn luận của Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhưng tạp chí chỉ ra được vài số thì đình bản vì không đủ nhân lực và tài lực.1
2. Hoạt động của Giáo hội Lục Hòa Tăng
2.1 Những năm 1953 - 1959
Bên cạnh tổ chức Giáo hội dành cho Tăng sĩ, Hội cũng thành lập thêm một tổ chức của cư sĩ Phật tử, đó là Hội Lục Hòa Phật tử vào năm 1954, trụ sở đặt tại chùa Long Vân (Gia Định). Mục đích chính của Hội nhằm chăm lo tốt đời sống các Phật tử có tuổi, Hội cũng có một nghĩa trang tại Gò Dưa (Thủ Đức) nhằm giúp đỡ họ được chu tất khi qua đời.
* Năm 1953 (Quý Tỵ)
Hòa thượng Thích Thiện Thuận hiến cúng mảnh đất trước khuôn viên chùa Giác Lâm để xây tháp tôn trí ngọc xá lợi Phật do Đại đức Narada từ Sri Lanca mang sang tặng vào ngày 24/6/1953, và trồng một cây Bồ đề được chiết cành từ đất Phật.2
Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam tỉnh Biên Hòa thành lập do Hòa thượng Thích Huệ Thành, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Tăng trưởng, Hòa thượng còn là thành viên các tổ chức Trí vận và Tôn giáo vận tại Sài Gòn - Gia Định và miền Đông Nam Bộ tới năm 1975.3
Tháng 9/1953, Phật học tạp chí – cơ quan phổ biến Phật lý của Giáo hội Lục Hòa Tăng số 1 ra đời. Trang bìa ghi: ba tháng xuất bản một kỳ, giá 6 đồng. Tòa soạn tại chùa Phật Ấn, đường Gallieni, Sài Gòn; Chủ nhiệm Hòa thượng Thành Đạo; Chủ bút: Huệ Chí.
Ngày 20 tháng 9 năm Quý Tỵ (27/10/1953), tại chùa Giác Viên - Chợ Lớn, cử hành lễ đặt viên gạch đầu tiên xây móng trường Phật học Giáo hội Lục Hòa Tăng. Ngoài sư cụ Giác Viên sở tại làm Giám tự, còn có Hòa thượng Đại Tăng trưởng Thích Thiện Tòng chùa Trường Thạnh - Sài Gòn, Hòa thượng chùa Bửu Lâm – Mỹ Tho, sư cụ Giác Ngộ - Chợ Lớn, sư cụ trụ trì chùa Tam Tông Miếu và các vị đại đức ở Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho, Biên Hòa v.v…bên phái cư sĩ (Hội Lục Hòa Phật tử) có các ông Trần Văn Đỉnh - Chánh Hội trưởng, Đoàn Trung Còn – Phó Hội trưởng và quí bà, quí cô bổn đạo… dự lễ xong, tất cả cùng dự vào cuộc dựng nhà bếp của Trường do Hòa thượng Phật Ấn chủ xướng. Dựng rồi, chụp hình kỷ niệm, xong Giáo hội Lục Hòa Tăng mời vào chùa Giác Viên thọ trai.
Thọ trai xong, đại biểu ngồi lại uống trà, cùng bàn bạc công việc tiến hành của Giáo hội và tương lai Phật giáo Việt Nam. Ai nấy đều tán thành và hoan hỷ đối với Trường Phật học của Giáo hội Lục Hòa Tăng và đứng lên ghi tên vào sổ cúng tiền để giúp vào việc xây dựng nhà trường. 14 giờ 00 mọi người ra về.
Khai giảng khóa đầu tiên của Trường Phật học do Lục Hòa Tăng Nam Việt lập ra. Thầy Pháp Lan đọc diễn văn khai mạc, kêu gọi: “Riêng về phần anh em thanh niên học Phật chính là những tia sáng rọi chung tiền đồ cho nhân loại, lại cũng là người đủ cương quyết để mưu hạnh phúc cho những trang Phật tử tương lai… Như thế, đáng gọi rằng một sứ mạng của đức Như Lai vậy”.
Ngày 17 tháng 11 năm Quý Tỵ (27/12/1953) là ngày vía Đức Phật A Di Đà, Giáo hội Lục Hòa Tăng, Chi hội tỉnh Biên Hòa làm lễ kỷ niệm Đức Phật rất long trọng. Một việc đặc biệt trong ngày lễ này là Chi hội tỉnh Biên Hòa do thầy Tăng trưởng, Hòa thượng Huệ Thành, trụ trì chùa Long Thiền lãnh đạo, thầy kêu gọi Chi hội Hội Phật học sở tại hòa hợp để cúng.
Vì vậy, quý ông, bà cư sĩ bên Hội Phật học ngày 16 và 17/11 đồng tề tựu tại chùa Thanh Long mà cúng chung. Đây là thể hiện tinh thần hòa hợp của quí vị Phật tử.
Ngày 25 và 26 tháng 11 năm Quý Tỵ, Giáo hội Lục Hòa Tăng Chi hội tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) được thành lập, suy tôn Hòa thượng Thích Thiện Hương (1903-1971) trụ trì chùa Hội Khánh lên giữ chức Tăng trưởng tỉnh để lãnh đạo sự tu hành cho hàng Phật tử toàn tỉnh. Trụ sở tại chùa Hội Khánh ở thị xã Thủ Dầu Một.4
* Năm 1954 (Giáp Ngọ)
Ngày 10/6/1954, Đại sư Thành Đạo đương chức Tăng giám Lục Hòa Tăng ra Tuyên bố:
“Hỡi các Phật tử sáng suốt! Quí ngài có nhận thế nào đạo Phật thịnh hành chưa?
…Chúng ta không nên dựa vào những hình thức chùa cao chớn chở, tháp đẹp nguy nga, Tăng chúng lũ lượt hàng muôn, tín đồ đông đảo hàng triệu. Người ta hiểu rằng: Đó là đạo Phật thịnh hành. Nhưng tôi xin thưa, không phải vậy đâu, đó chỉ là một trợ duyên về hình thức cho Phật giáo đấy thôi….
Kết luận: Vì tinh thần bác ái bao la của Đức Phật chưa được thực hiện ngay trong xã hội của đa số dân tộc, cho nên loài người còn đau đớn ê chề, lầm than khổ cực, là đạo Phật chưa thịnh hành”.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơneve được ký kết, hòa bình lập lại trên đất nước ta, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ra hoạt động công khai. Hòa thượng Thích Thiên Trường (1876-1970) được suy tôn là Đại Tăng trưởng5.
Nhìn chung trong thời kỳ chống Pháp, đại đa số Tăng Ni, tự viện đã tiếp nối tinh thần của các vị tiền bối như Hòa thượng Nguyễn Văn Đồng chùa Tam Bảo Rạch Giá, thầy giáo Ánh chùa Giác Viên theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh tham gia khởi nghĩa góp phần đưa cách mạng thẳng đến thành công; cũng tại đô thành Sài Gòn - Gia Định, hơn 375 Tăng, Ni cầm cờ đỏ sao vàng xuống đường mừng thắng lợi, xuất phát từ chùa Trường Thạnh, cùng với thời gian 9 năm kháng chiến, Tăng, Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đã đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Hội Phật giáo cứu quốc, tham gia chống Pháp, có vị đã hy sinh anh dũng.
* Năm 1955 (Ất Mùi)
Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho (Định Tường) được thành lập. Hòa thượng Thích Quảng Ân (1891-1974) được bầu làm Tăng trưởng, Hòa thượng Pháp Tràng làm Tăng giám, Hòa thượng Thích Chí Tịnh (1913-1972) là Ủy viên Hoằng pháp, Hòa thượng Nguyên Thanh làm Thư ký, Hòa thượng Trí Long làm Ủy viên Tài chính. Hội sở đặt tại chùa Vĩnh Tràng thành phố Mỹ Tho.6
* Năm 1956 (Bính Thân)
Từ tháng 4 đến tháng 7 năm Bính Thân, Giáo hội Lục Hòa Tăng tổ chức an cư kiết hạ tại chùa Giác Nguyên. Hòa thượng Thích Minh Đức (1902-1971) được cử làm Thiền chủ, ngài đã có công đưa Giáo hội vào các cao trào đấu tranh của nhân dân.7
Sau khóa hạ đầu tiên này, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam thông báo kể từ năm 1956 trở về sau cứ đến mùa hè là Trường Phật học Lục Hòa Tăng sẽ tổ chức an cư kiết hạ8.
* Năm 1957 (Đinh Dậu)
Ngày 1/10, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam họp Đại hội đón mừng tin Giáo hội chính thức được chính quyền chấp thuận và có Điều lệ. Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911-1997) được Tăng, Ni, Phật tử suy cử làm Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử Việt Nam. Trụ sở Giáo hội đặt tại chùa Long Vân, quận Bình Thạnh, tỉnh Gia Định.9
Giáo hội cũng có một trường học mang tên Phật học đường Lục Hòa, được xây dựng cạnh chùa Giác Viên (quận 11) do Thượng tọa Huệ Chí làm Giám đốc và một tạp chí lấy tên là Phật học tạp chí, tòa soạn đặt tại chùa Phật Ấn (quận 1) do Hòa thượng Thành Đạo làm chủ nhiệm và Thượng tọa Huệ Chí làm chủ bút.
Hòa thượng Thích Bửu Ý (1917-1996) thế danh Nguyễn Văn Đạt, pháp húy Hồng Đào được cử làm Phó Tổng Thư ký và sau đó là Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam thế Hòa thượng Thích Thiện Hào đi nhận nhiệm vụ khác10
* Năm 1958 (Mậu Tuất)
Hòa thượng Thích Trí Tấn (1906-1995) thế danh Huỳnh Văn Xông, pháp danh Nhật Quân, pháp tự Nhứt Bổn được suy cử làm Tăng giám Giáo hội Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng Việt Nam tỉnh Biên Hòa.11
* Năm 1959 (Kỷ Hợi)
Chư sơn thiền đức suy cử Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Hội trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử.
Năm 1959, Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Pháp12 làm Chứng minh Đạo sư Trung phần13.
Thời kỳ 1952-1959, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập và lần lượt Giáo hội Lục Hòa Tăng các tỉnh Nam Bộ ra đời với sự tham gia của nhiều chùa và chư Tăng Phật giáo Bắc tông. Như ở tỉnh Bình Dương, đây là tổ chức Giáo hội nổi bật nhất, hầu hết các chùa và chư Tăng ở Bình Dương đều thuộc tổ chức này.
Từ năm 1957 đến năm 1959, Hòa thượng Minh Nguyệt đổi tên là Lý Duy Kim ra hoạt động công khai cùng với các vị Hòa thượng ở thành phố Sài Gòn như Hòa thượng Pháp Dõng, Hòa thượng Pháp Lan, Hòa thượng Thiện Phú, Hòa thượng Thiện Tòng lập Văn phòng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam tại số 97 đường Bác sĩ Yersin, hệ thống Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam thành lập xuống các tỉnh Nam Bộ hoạt động công khai nhưng bên trong là ủng hộ cách mạng. Hoạt động xuyên suốt 4 năm đạt nhiều thành tích đáng kể ở nội thành.14
2.2 Từ 1960 đến năm 1975
* Năm 1960 (Canh Tý)
Ngày 6 tháng 4 năm 1960, một số cơ sở cách mạng bị lộ, khiến nhiều người bị bắt như Hòa thượng Thành Đạo chùa Phật Ấn, Hòa thượng Huệ Chí, Hòa thượng Lý Thụy Kim cũng bị bắt, chúng điều tra biết ngài là Hòa thượng Thích Minh Nguyệt nên đưa ra tòa kêu án 20 năm tù và đầy ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris (1973), Hòa thượng mới được trao đổi tù binh tại Lộc Ninh, còn Hòa thượng Thích Thiện Hào phải rời chùa Giác Ngạn lánh về miền Tây và được Hòa thượng Pháp Tràng liên lạc với tổ chức đưa ngài vào chiến khu Đồng Tháp Mười15.
Vì một số Hòa thượng đứng đầu Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam bị bắt nên các hoạt động của Giáo hội cũng ngưng hoạt động cùng trường Phật học Đức Hòa, tạp chí Phật học, xưởng in đều bị đóng cửa…Những biến động này xảy ra và liên quan đến chùa Thiên Tôn do Hòa thượng Thích Minh Đức trụ trì là nơi tiếp xúc, hội họp của cán bộ Trung ương và Sài Gòn.
Cùng trong năm này, để bổ sung sự thiếu hụt cán bộ lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng, Hòa thượng Thích Huệ Thành được cử làm Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Cùng năm 1960 (Canh Tý), Hòa thượng Thích Thiện Hương (1903-1971) được Hội đồng Trưởng lão Giáo hội suy cử Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Trong suốt thời gian hành đạo, ngài đã tham gia nhiều Phật sự cho Phật giáo Bình Dương, góp phần to lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tỉnh nhà. Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ kế thừa như Hòa thượng Quảng Viên, Hòa thượng Đồng Lưu, Hòa thượng Đồng Nghĩa.16
Từ năm 1960 đến năm 1968, Hòa thượng Thích Bích Lâm (1924-1971) đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Trung phần kiêm Giám đốc Tăng Học viện Giáo hội Lục Hòa Tăng miền Trung.
* Năm 1961 (Tân Sửu)
Sau ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Hòa thượng Thích Minh Đức trở về chùa Thiên Tôn (số 117/9 đường An Bình, phường 13, quận 5, thành phố Sài Gòn) tập hợp các vị còn lại, khôi phục lại các hoạt động Giáo hội Lục Hòa Tăng từ nhiều cấp.
* Năm 1963 (Quý Mão)
Đầu năm, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã tập hợp Tăng, Ni, Phật tử cùng các đoàn thể khác tích cực đấu tranh chống chế độ độc tài kỳ thị Phật giáo của Ngô Đình Diệm.
Tháng 6 năm 1963, được sự ủng hộ của chính quyền, một số người trong Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đứng ra thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn chống lại bản Thông cáo chung và 5 nguyện vọng của Phật giáo (ngày 20 tháng 6 năm 1963, các Tăng, Ni thuộc Cổ Sơn Môn đã họp tại chùa Giác Lâm - Phú Thọ Hòa, ủng hộ chính phủ)17.
* Năm 1964 (Giáp Thìn)
Ngày 22/4 (tức 13-3 năm Giáp Thìn), Hòa thượng Thích Thiện Tòng nguyên Đại Tăng trưởng Ban Chức sự Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, viên tịch tại chùa Trường Thạnh, Sài Gòn. Hòa thượng Quảng Kim kế đăng và tiếp tục sự nghiệp yêu nước, nuôi dưỡng cán bộ và là nguồn tài chính thường xuyên cho cách mạng.
* Năm 1966 (Bính Ngọ)
Từ năm 1966 đến năm 1971, Hòa thượng Thích Huệ Hòa (1915-1980) đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho.
* Năm 1967 (Đinh Mùi)
Thượng tọa Thích Pháp Lan trả lời báo chí: “Vấn đề Hiến chương Phật giáo không phải là vấn đề nội bộ mà đây là âm mưu chia rẽ Phật giáo; Thượng tọa Pháp Lan đòi phải hủy bỏ Hiến chương 23/67 và không nói chuyện với Thượng tọa Tâm Châu.18
* Năm 1968 (Mậu Thân)
Sau Tết Mậu Thân, Giáo hội Lục Hòa Tăng vận động quyên góp ủy lạo đồng bào nạn nhân chiến cuộc.
Ngày 8/11/1968 (Mậu Thân) Đại hội thường niên Giáo hội Lục Hòa Tăng diễn ra tại chùa Trường Thạnh, quận 1, có 150 đại biểu. Hòa thượng Huệ Thành được suy cử lên ngôi vị Tăng thống (từ 1968-1981). Cùng ngày, chùa Phật Ấn mở Đại giới đàn và chùa Thiện Trường khánh thành trường Tiểu học Huệ Đăng
* Năm 1969 (Kỷ Dậu)
Giáo hội Lục Hòa Tăng cứu trợ đồng bào hỏa hoạn tại Cầu Muối, quận 1, Sài Gòn.
Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền, Biên Hòa) cùng chư sơn thiền đức hợp nhất hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Giáo hội Lục Hòa Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam (gọi tắt là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam). Văn phòng Giáo hội đặt tại chùa Giác Lâm (quận Tân Bình).
Hòa thượng Thích Minh Đức (1902-1971) làm Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương kiêm Viện trưởng Viện Hoằng đạo.
Hòa thượng Minh Đức thành lập Phật học viện Minh Đức tại chùa Thiên Tôn và tổ chức Đại hội thành lập Tổng đoàn Thanh niên Tăng, Ni đi theo con đường yêu nước. Ngài khai sơn chùa Địa Tạng tại huyện Hóc Môn.
Từ năm 1969 đến 1971, Hòa thượng Thích Bích Lâm kiêm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Nội vụ Viện Hoằng đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Ngài đã thay mặt Giáo hội thăm hữu nghị các tự viện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc. Đồng thời muốn có người thừa kế sự nghiệp đạo pháp nên ngài đã cho hai đệ tử là Thượng tọa Thích Trí Tấn, Thích Trí Đức đi du học tại Nhật Bản.19
Hòa thượng Thích Bửu Ý (1917-1996) vận động Chư Tôn giáo phẩm thành lập các Trường Phật học Lục Hòa ở chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Thiên Tôn, trường Tiểu học Lộc Uyển ở chùa Thiên Trường, quận 8 (Sài Gòn – Chợ Lớn) để đào tạo tăng tài, truyền thừa đạo mạch.
* Năm 1970 (Canh Tuất)
Ngày 11/3/1970, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam xuất bản Tập văn sao kỷ niệm ngày Phật đản 2533 – DL 1970 mang tên Ánh sáng Lục Hòa Tăng Việt Nam dày 70 trang. Nội dung sách được chuẩn bị từ năm 1968 nay mới được xuất bản với những bài: Nhắc lại phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam, Sự lợi ích và công dụng Phật Hòa Tăng, Duyên khởi tiếp tục Việt Nam Lục Hòa Tăng….
Ngày 26/5, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, phát động quyên góp xây tháp thờ xá lợi Phật trước chùa Giác Lâm.
Ngày 24/4/1970, Hòa thượng Thích Thiên Trường Đại Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền viên tịch.
Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cứu trợ Việt kiều Campuchia hồi hương.
Hòa thượng Thích Thiện Thuận (1900-1973) được suy cử vào thành viên Hội đồng Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến năm 1970, Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã tổ chức được 15 khóa giáo lý cho tăng chúng và hội viên; mở nhiều khóa an cư kiết hạ; tổ chức thuyết giảng cho trên 1000 Phật tử, tái bản kinh sách và hoạt động từ thiện xã hội.
* Năm 1971 (Tân Hợi)
Hòa thượng Thích Trí Tấn được chư sơn đề nghị đảm nhận chức vụ Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam tỉnh Biên Hòa.
Ngày 16 tháng 5 năm Tân Hợi (8/7/1971) Hòa thượng Thích Minh Đức, Viện trưởng Viện Hoằng đạo viên tịch, Viện chủ Tổ đình Giác Lâm là Hòa thượng Thích Thiện Thuận và Hòa thượng Thích Bửu Ý được Giáo hội tín nhiệm suy cử làm Viện trưởng và Phó Viện trưởng.20
Ngày 10 tháng 5 nhuận năm Tân Hợi (tức 2/7/1971) Hòa thượng Thích Thiện Hương viên tịch, Hòa thượng Thích Thiện Trang chùa Phước Long được bầu làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một. Bấy giờ dưới Giáo hội cấp Tỉnh còn có Quận hội, tạo thành một mạng lưới hoạt động đều khắp trong tỉnh. Trước năm 1975, ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) có trên 60 tự viện thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng, chiếm đến 70% cơ sở Phật giáo trong tỉnh với 10.000 Phật tử. 21
* Năm 1972 (Nhâm Tý)
Hòa thượng Thích Huệ Thành giữ ngôi vị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
Hòa thượng Thích Trí Tấn được toàn thể chư sơn thiền đức đề cử lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng tại Đại giới đàn Bửu Phong, núi Bửu Long, Biên Hòa và cử làm Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thiện Thuận được đề cử chức vụ Viện trưởng Viện Hoằng đạo.
Hòa thượng Thích Huệ Hòa được Tăng, Ni suy cử làm Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Mỹ Tho.22
* Năm 1973 (Quý Sửu)
Ngày 26 tháng 3 năm Quý Sửu, Hòa thượng Thiện Thuận viên tịch, Hòa thượng Thích Bửu Ý được Giáo hội đề bạt làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
* Năm 1974 (Giáp Dần)
Hòa thượng Thích Quảng Ân viên tịch, Hòa thượng Thích Hoằng Thông (1902-1988) được bầu làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Định Tường cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng23
Theo Hòa thượng Bửu Ý, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam từ Quảng Ngãi trở vào trước giải phóng (30/4/1975) có khoảng 2000 Tăng sĩ24 với hàng trăm ngôi chùa.
Dưới thời Mỹ - Diệm, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã trải qua không ít trở ngại khó khăn, phải nằm gai nếm mật trước bọn mật vụ với những thủ đoạn nham hiểm của Diệm – Nhu khủng bố, đe dọa, mua chuộc lừa mị hòng làm giảm ý chí chiến đấu và cướp đi lòng yêu nước phụng đạo, nhằm tách Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khỏi cộng đồng dân tộc để thực hiện ý đồ chia để trị của bọn chúng, nhưng thực tế đã trả lời: Hòa thượng Thích Thiện Nghị, Hòa thượng Thích Pháp Nhạc, Đại đức Tín Hải đã vào tù năm 1958, tới năm 1960 Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Ủy viên biên tập tờ Phật học tạp chí với bút hiệu Hải Quang, Hòa thượng Thành Đạo Chủ nhiệm tờ Phật học tạp chí, Giảng sư Huệ Chi, Thượng tọa Minh Giáo và nhiều Phật tử khác đã vào tù, cơ sở bị lộ, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử đã thoát ly vào chiến khu tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và nhiều vị ẩn mình hoạt động rất khó khăn.
Tháng 8/1975, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gia nhập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch, từ đây một trang sử mới bắt đầu.
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Phó Giám đốc Trung tâm NCPGVN phía Bắc
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phật học tạp chí, số 2 ra tháng 12 năm 1953.
2. Phật giáo Cổ truyền, Ánh sáng Lục Hòa Tăng Việt Nam, Khánh Hòa Phật học Tùng Thư xuất bản, 1970.
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
4. Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang, Phật giáo Tiền Giang: Lược sử và những ngôi chùa. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
5. Trần Hồng Liên, Phật giáo Bình Dương – Lịch sử và hiện trạng, Nxb Phương Đông, 2016.
6. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn Giáo, 2018.
7. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I,II,III, Nxb Tôn Giáo, 2017.
8. Báo Giác Ngộ, ra năm 1980.
1. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn Giáo, 2017, tr.370.
2. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn Giáo, 2017, tr.370.
3. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập III, Nxb Tôn Giáo, 2017, tr.395.
4. Phật học tạp chí, số 2 ra tháng 12 năm 1953, trang 1,35,36.
5. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, tr.294.
6. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, tr.348.
7. Sách đã dẫn, tr.412.
8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn –TP Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 133.
9. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, tr.412.
10. Sách đã dẫn, tr.658.
11. Sách đã dẫn, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, tr.720.
12. Cuối năm 1945, Hòa thượng Thích Huệ Pháp (1887-1975) tham gia kháng chiến, là Chủ tịch Hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Bình Định
13. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Bxb Tôn giáo, 2017, tập II, tr.391
14.. Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang, Phật giáo Tiền Giang: Lược sử và những ngôi chùa. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.83.
15. Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang, Phật giáo Tiền Giang: Lược sử và những ngôi chùa. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.83.
Tuy nhiên, sách Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh do Nxb Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2001, tr 138 lại viết rằng: “năm 1959 nhiều cơ sở cách mạng bị lộ, Hòa thượng Minh Nguyệt bị bắt”.
16. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, tr.340.
17. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr153.
18. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr 215.
19. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn giáo, 2017, tr.420.
20. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn Giáo, 2017, Tr. 658
21. Trần Hồng Liên, Phật giáo Bình Dương – Lịch sử và hiện trạng, Nxb Phương Đông, 2016.
22. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập II, Nxb Tôn Giáo, 2017, tr.431
23. Sách đã dẫn, tr.500.
24. Báo Giác Ngộ số 198, ra ngày 1 tháng 11 năm 1980.