;
Đại diện dòng họ Lương và chính quyền địa phương trong buổi làm việc với PV
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao chuyện hàng chục người trong dòng họ Lương trú tại thôn Bích Thủy, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương liên tiếp tử vong do bị "rắn thần" báo thù. PV đã về tận địa phương để điều tra, xác minh vụ việc.
Chuyện bắt đầu từ việc bắt được 2 con rắn trong mộ tổ
Chiều 17/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Văn Đức vô cùng bức xúc trước thông tin "rắn thần" hại người tại địa phương. Ông Tuấn khẳng định ngay, đây hoàn toàn là tin đồn thất thiệt và cho biết, thôn Bích Thủy có 448 nhân khẩu với 3 dòng họ chính là: Lương, Nguyễn, Đỗ. Trong đó, dòng họ Lương có 7 chi chiếm phần lớn dân số của thôn.
Năm 1998, Bích Thủy đã được công nhận là "Làng văn hóa" từ 2000-2011, họ Lương tại địa phương quả thực có 14 người chết. Song nguyên nhân tử vong do: tuổi cao (3 người), ung thư (2 người), xơ gan cổ chướng do uống nhiều rượu (4 người), TNGT (3 người), đuối nước (1 người) và bị điện giật (1 người)…
Về chuyện "rắn thần" hại người, Phó trưởng Công an xã Văn Đức - ông Đồng Thế Định lý giải: Vào khoảng đầu năm 2000, họ Lương thôn Bích Thủy có chuyển một ngôi mộ tổ (cụ bà) từ cánh đồng về nghĩa trang dòng họ. Quá trình đào đất để di dời mộ, các thợ xây phát hiện trong ngôi mộ có một con rắn cạp nia có trọng lượng khoảng 300g và một con rắn hổ mang nặng gần 1kg.
Rắn hổ mang sau đó được đem bán tại chợ Sao Đỏ với giá 500.000 đồng. Cánh thợ xây đem mua rượu uống. Còn con rắn cạp nia được ông Lương Văn Điền, một người trong họ mang về nhà để ngâm rượu. Tuy nhiên, do lo sợ rắn ở mộ rất độc và thiêng, vợ ông Điền đã buộc chồng mang thả ra đồng làng.
Việc chuyển mộ diễn ra bình thường, không có gì đáng nói. Mọi chuyện trở nên phức tạp từ đầu năm 2009 khi vợ của ông trưởng họ bị bệnh đột ngột qua đời. Vin vào cớ đó, một số kẻ đã phao tin rằng dòng họ Lương mạo phạm đến "cụ rắn thần" nên đã bị quả báo…
Lại có người đi xem bói thì được "phán" rằng: Bắt rắn trong mộ là cấm kỵ dẫn đến bị động mả. Các cụ đã về "bắt dần" con cháu xuống âm phủ để phục vụ. Từ đây, cả họ Lương, thậm chí cả làng Bích Thủy luôn sống trong không khí thấp thỏm, hoang mang lo sợ về những tai ương sẽ giáng xuống…
Đâu là căn nguyên của tin đồn quái ác?
Theo ông Lương Văn Tháp, 74 tuổi, một trong số các trưởng ngành của dòng họ Lương, Phó ban văn hóa làng Bích Thủy, xã Văn Đức, từ năm 2006, có khoảng 5-6 "đồng cô, đồng cậu" ở các vùng lân cận đã câu kết với một số người cuồng tín tại địa phương tung tin rằng, việc xây cổng đình quay vào làng là xui xẻo.
Họ còn "phân tích": 2 ông voi chầu bức cuốn thư trước cửa đình là "rước voi về giầy mả tổ" động đến long mạch khiến cả làng gặp "đại hạn", làm ăn lụi bại, dân làng phải làm lễ cầu siêu, tế lễ thần linh. Không ít người mê tín đã vội tin theo tổ chức quyên góp tiền, mua hình nhân thế mạng để cúng giải hạn với mức thu từ 50.000 - 100.000 đồng/hộ.
Thậm chí, họ còn vận động cả bà Dương Thị Dâu, 70 tuổi, Hội trưởng "hội qui" của làng để tổ chức một lễ cúng "hoành tráng" tại đình làng. Ngay lập tức, bà Dâu phản đối trò nhảm nhí này vì đình làng là nơi linh thiêng thờ những người có công xây dựng, bảo vệ quê hương. Khi nhận được thông tin trên, ông Tháp đã kiên quyết phản đối nếu các thầy cúng cố tình tổ chức sẽ thông báo cho chính quyền xử lý.
Bẵng đi một thời gian, dư luận địa phương xôn xao về việc gia đình ông Lương Văn Tài, SN 1933, có vợ và 3 con trai liên tiếp tử vong. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2000, bà Nguyên vợ ông Tài mất do bị bệnh tim kéo dài từ nhiều năm trước. Năm 2009, anh Lương Văn Ngãi, người con út trong gia đình cùng vợ ra sông Bích Thủy bắt rươi, thuyền bị lật khiến nạn nhân ngã xuống nước tử vong.
Tiếp đó, người con thứ của ông Tài là Lương Văn Quảng tử vong do bị cảm trong nhà tắm được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sao Đỏ rồi chuyển lên Hà Nội nhưng đã tử vong sau đó 11 ngày. Mới đây, ngày 11/11, người con thứ 3 của ông Tài là Lương Văn Sơn cũng ra đi vì mắc bệnh xơ gan cổ trướng do uống nhiều rượu.
Trước việc những người thân lần lượt ra đi, ông Lương Văn Tài buồn rầu chia sẻ, rượu là kẻ thù của gia đình ông. Hầu hết, đàn ông trong làng đều nghiện rượu do thường xuyên lênh đênh đánh cá trên sông Đọ Xá... Khi được hỏi về thông tin "rắn thần báo thù" con cháu trong họ ông cho biết đây là tin đồn không đúng sự thật. Theo lý giải của ông, "hữu hình tất hữu họa" nghĩa là cuộc sống luôn có quy luật sinh - tử, thịnh - suy chứ không hề có chuyện rắn cắn báo thù.
Cùng chung quan điểm với ông Tài, ông Lương Văn Tháp còn nói rõ hơn: "Tôi là người trực tiếp trong việc bốc và di chuyển mộ cụ tổ về nghĩa trang dòng họ theo đúng phong tục, tập quán. Chuyện bắt được rắn là có, song những thông tin trên một tờ báo gần đây có hư cấu, không đúng sự thật. Tôi cũng có một người cháu đích tôn mất vì tai nạn giao thông.
Điều đáng nói là: Có nhiều kẻ xấu lợi dụng mê tín, dị đoan, tung tin đồn nhảm nhằm mục đích trục lợi như: xem bói, vận động mọi người góp tiền lập đàn cúng tế. Làng tôi đã hai lần được công nhận làng văn hóa tiêu biểu. Tôi rất mong báo chí lên tiếng để cảnh tỉnh những người dân còn mê tín, dị đoan và để ổn định ANTT cho thôn làng, không mắc lừa luận điệu của kẻ xấu lao vào việc cúng bái tốn kém tiền của, ảnh hưởng tới tâm lí, sức khỏe...".