nguoiphattu.com Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) là con trai của hoàng thân Suppabuddha và hoàng nương Pamita. Ông là anh em chú bác của Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta (Siddhatta). Ông cũng là anh ruột của công chúa Da-Du-Đà-La (Yasodhara), hay cậu Ra-Hầu-La (Rahula).
Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) thuở nhỏ đã chơi đùa với Sĩ-Đạt-Ta. Và cũng từ khi ấy, người ta đã thấy Đề-Bà-Đạt-Đa thường để lộ những dấu hiệu hung bạo và ganh tỵ với thái tử đích tôn giòng Thích-Ca.
Còn hoàng tử Sĩ-Đạt-Ta, lúc còn trẻ đã là đối tượng ưa thích, của tất cả mọi người, nhất là trong vương tộc. Hoàng tử rất vâng lời, tốt bụng, và luôn luôn kính trọng người trưởng thượng. Hoàng tử cũng rất thông minh, đa tài, hằng vượt thắng những bạn đồng môn, trong mọi lãnh vực, kể cả các trò chơi, hay thể thao.
Khi Đề-Bà-Đạt-Đa nhìn Sĩ-Đạt-Ta biểu diễn một môn gì, thì cậu ta thèm thuồng tài năng ấy. Rồi thèm thuồng trở thành tỵ hiềm !
Do ganh ghét, Đề-Bà-Đạt-Đa thường đặt ra trong đầu một lô câu hỏi. Chẳng hạng như “Tại sao đồng bạn hay vâng lời Sĩ-Đạt-Ta, mà không vâng lời mình ? Và đối với bọn chúng, luôn luôn chỉ có Sĩ-Đạt-Ta mới là người giỏi nhất ? -Tại sao tụi nó không thấy rằng Đề-Bà-Đạt-Đa nầy cũng là kẻ xuất sắc như ai ?”. -Càng ganh tỵ và càng tham lam thắc mắc, thì Đề-Bà-Đạt-Đa càng không tìm ra câu giải đáp.
Đề-Bà-Đạt-Đa nào biết rằng, chính tâm hồn nhỏ mọn đã làm cho anh không hiểu được bản chất ngạo mạng và hung dử của mình. Ấy là lý do khiến cho người khác khinh thường, và không thích gần gủi.Nhưng khi Thái tử Sĩ-Đạt-Ta đắc quả Phật Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác (Anuttara Sammà Sambuddha), thì Đề-Bà-Đạt-Đa vẫn để tâm theo dõi. Anh nhận thấy hầu như tất cả vương tộc Thích-Ca đều ngưỡng mộ giáo lý của Phật. Vì thế, anh cũng nhất định từ bỏ đời sống vương gỉả, nhập đạo và làm tỳ-khưu, để học hỏi giáo lý nhà Phật. Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) cùng xuất gia một lượt với các anh em giòng họ, như A-Nan-Đa (Ananda), và A-Nậu-Lâu-Đà (Anuruddha).
Nhất thời lòng ganh tỵ và tham vọng cá nhân của Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) tạm lắng xuống, vì ông khám phá ra rằng, đây là giáo lý độc nhất vô nhị, mang lại lợi ích lẫn danh vị tột cùng cho một người. Ông lo sợ rằng, ông khó mà nắm vững hết được tinh túy.
Nhưng khi cố gắng hành đạo, ông đạt đến định tâm, có “thần thông”, nhờ phát triển thiền pháp, qua sự sắc bén của thần lực, và một lần ông được cả Sa-Môn Xá-Lợi-Phất (Sàrìputta), cao đồ bậc nhất của đức Phật, không ngần ngại tỏ lời khen ngợi. Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) rất sung sướng, tưởng mình đã đắc đạo, biết hết các pháp, có thể trở nên một giáo chủ.
Tỳ-khưu Đề-Bà-Đạt-Đa nào biết rằng, thiền pháp của ông chỉ tạm thời làm cho các tật tham lam, nham hiểm, ganh tỵ, nóng giận, và si mê, bị kềm chế, một cách có điều kiện thôi.
Chưa kể thiền tâm ấy của ông vốn không hướng về pháp xả, để giải thoát danh lợi, mà hướng hẳn về ôm ấp quyền lực, nên nó chỉ nhất thời bị dồn ép trong quả tim đen ngòm, vụ lợi của ông. Nó vốn chờ lúc “thành đạt”, để biểu dương ác tính tham lam, cao kỳ, ngạo mạn.
Đặc biệt là khi ông thấy danh tiếng và sự kính trọng mà người đời dành cho đức Phật, mỗi ngày một to lớn, ông càng thèm khát và ganh tỵ hơn nữa. Do đó, ông đã không ngần ngại âm mưu, cùng với sự tiếp tay của ác vương A-Xà-Thế (Àjàtasattu), một ông vua tàn bạo và tham lam, tổ chức sát hại đức Phật.
Và lần đầu tiên, ông đã thất bại, không giết được bậc Toàn Giác. Lần thứ hai Đề-Bà-Đạt-Đa ra sức đẩy một tảng đá thật lớn, từ trên cao sườn núi Gijjhakuta (Linh Thứu sơn), tung vào một khối đá khác, cố ý dùng cả hai vật nặng lăn xuống một lúc, để hại Phật chắc chắn hơn.
Kết quả, Phật vốn đầy ân đức, vẫn không sao, chỉ có một mảnh đá nhỏ, bể và văng ra, trúng vào bàn chân Phật, làm cho chảy máu. Vết thương tuy sâu nhưng không trí mạng, nên Phật đi đứng như thường.
Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) vẫn không ngừng tay, lần thứ ba ông phục rượu một con voi nổi tiếng hung dử, tên là Nàlàgiri, để thả ra trên đường đi của Phật. Nhưng đức Phật với tinh thần an trụ, thanh tịnh, Ngài đã rải tâm từ bi đến con vật cuồng loạn, làm cho nó tỉnh táo, rồi ngoan ngoản quì xuống trước mặt Ngài, như sám hối….
Qua ba lần thất bại trước mắt dân chúng, và vì không chiu nổi cảnh thầy trò đức Phật Cồ-Đàm vẫn bình yên. Sau cùng Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) phải đổi phương pháp. Ông quay qua nghĩ cách làm giảm giá trị hạnh tu theo Phật, gây lung lay niềm tin của những đệ tử, hầu chia rẽ cộng đồng tăng chúng, bằng cách chế ra 5 điều luật, và công khai đề nghị Phật phê chuẩn.
Đó là các điều :
1/Tỳ khưu phải luôn luôn ở trong rừng. (Chống lại việc nhận lãnh tịnh cốc, hay trú sở, do tín đồ phát tâm dâng cúng).
2/Tỳ khưu phải luôn luôn khất thực mà ăn. (Chống lại việc nhận lời dùng bữa tại nhà thí chủ hảo tâm).
3/Tỳ khưu phải luôn luôn mặc y phục, do mình lượm vải dơ, bỏ trong nghĩa địa hay các bãi tha ma, đem về giặt sạch và khâu lấy, tiếng Phạn (hay Pàlì) gọi là Pansukulacìvara (Chống lại việc nhận tam y, do tín đồ có thiện tâm dâng hiến).
4/Tỳ khưu phải luôn luôn ngụ dưới bóng cây. (Chống lại việc ngụ trong rừng, hay hang động).
5/Tỳ khưu phải luôn luôn cữ ăn cá và thịt. (Chống lại việc đi khất thực, người ta cho cái gì không có sinh mạng, thì ăn cái ấy).
Đức Phật với lòng từ bi, nhận thấy 5 đề nghị kể trên sẽ chỉ gây ra sự khắc khổ không cần thiết, đối với tăng chúng, nhất là những đệ tử mới tập tu, chứ 5 điều ấy không gia tăng trình độ tu tập, tiến tới giác ngộ giải thoát, nên Ngài đã từ chối.
Thay vào đó, Phật cũng dạy rằng, “Sa-môn nào tình nguyện khổ hạnh, có thể dùng những điều ấy, nhưng luật tỳ khưu không bắt buộc”.
Cái nhìn của đức Phật là cái nhìn vì lợi ích và tiến hòa cho toàn thể chúng sanh, nhất là nhân loại, chứ cái nhìn ấy không nhắm vào thuận duyên cho một thiểu số. Đó quả thật là một cái nhìn rất công chính và thanh tịnh. Ngài không hoàn toàn phủ nhận những gì Đề-Bà-Đạt-Đa đề nghị. Ngài chỉ xem nó như 5 trong số 13 pháp tu “đầu đà” (Dhutanga), mà Ngài đã từng dạy trong Phật giáo
Vì Đề-Bà-Đạt-Đa mà sau đó có sự bất đồng tư duy trong hàng ngũ tu Phật. Một thiểu số tỳ khưu đã nghĩ rằng,“Muốn mau đắc thánh quả, thì phải khổ hạnh”. Rồi họ rời Phật, kéo nhau theo Đề-Bà-Đạt-Đa, để thành lập giáo đoàn riêng….
Nhưng khi Đề-Bà-Đạt-Đa thành công trong việc chia rẽ tăng già, thì thần thông do đắc thiền của ông tự nhiên biến mất. Dù ông cố gắng đến mấy, cũng không đạt lại được.
Tiền kiếp Đề-Bà-Đạt-Đa
(Devadatta)
Để hiểu một cách đầy đủ tính thèm khát danh vọng, lòng ganh tỵ, và tật oán ghét của Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta), đối với đức Phật, chúng ta phải tìm lại quá khứ, và đặc biệt là đọc câu chuyện, lần họ gặp nhau đầu tiên, trong Túc Sanh Truyện (Jàtaka), có tên là “Seri Vànija” (“Thương gia độc lập”, hay “dân bán hàng chuyến”).
Theo truyện ấy thì một kiếp nọ, tiền thân Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) và tiền thân Phật (còn gọi là Bồ-Tát, Bodhisatta), đã sinh làm hai thương gia “du phương”. Đề-Bà-Đạt-Đa là một “tay buôn” tham lam và gian lận. Y đã du hành nhiều lần, buôn bán một số hàng, mà y không biết đối xử với khách, một cách song phương đều có lợi.
Ngày nọ, y vào nhà một nữ nông dân nghèo kia, người đàn bà tuy không có tiền mua hàng, nhưng lại có một cổ vật muốn đổi chác. Đó là một cái lọ cũ đã đổi màu trong nhà bếp. Bà bảo đứa cháu mang cái lọ khá to ra, đưa cho Đề-Bà-Đạt-Đa và nói, “Ông hãy định giá cái lọ lớn nầy, để tôi đổi lấy các món hàng cần dùng của ông”.
Khi cầm lấy cái lọ nặng, Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) biết đó không phải là một vật tầm thường. Nó vốn làm bằng vàng. Giá trị của nó còn đắc hơn cả số hàng hóa mà Đề-Bà-Đạt-Đa chất trên xe. Y cũng nhận thấy hai bà cháu lão nông dân chẳng biết đây là vật quí.
Lòng tham nổi lên, Y giả bộ nói rằng, đó là một cái lọ cũ chẳng dùng được vào đâu cả. Rồi y trả nó lại cho chủ, in tuồng như mang nó về chẳng nên tích sự gì. Trong lòng tên gian thương còn nghĩ, nếu bà đổi nó với giá rẻ mạc, mình cũng sẽ bỏ đi. Rồi mình trở lại tất có lợi hơn. Biết đâu bà túng thiếu quá, sẽ năn nỉ mình mua rẻ. Và mình sẽ bảo, vì lòng từ bi muốn làm phước giúp bà, tôi mới mua cái lọ cũ “vô dụng” nầy, chứ tôi chẳng biết phải làm gì với nó.
May thay cho bà lão. Sau khi y đi rồi thì thương gia thứ hai (hay Bồ-Tát) đến bán hàng, cũng tại nhà bà nông dân nghèo ấy. Bà lão lại bảo cháu mang cái lọ cũ đổi màu ra, và đề nghị đổi chác như trước.
Bồ-Tát (Bodhisatta) nhận ra giá trị của cái lọ bằng vàng, liền báo cho người chủ biết, giá trị của nó cao hơn tất cả hàng hóa trên xe. Nhưng bà lão vì cần dùng phẩm vật, đã bằng lòng trao cái lọ bằng vàng cho Bồ-Tát, và nhận tất cả hàng hóa.
Trước khi tiễn ngưòi bán hàng, bà còn cám ơn Bồ-Tát về lòng ngay thẳng. Bà cũng không quên thuật lại câu chuyện người thương gia thứ nhất đã cố ý lừa bà. Nhưng y đã không còn dịp nữa.
Tiền thân Đề-Bà-Đạt-Đanào biết mọi sự cố, y tưởng cái lọ vẫn còn đó, nên đi một vòng rồi quay lại, hy vọng sẽ thu được cái lọ, và quăng cho bà vài thứ thực phẩm tồi tàn. Khi y nghe bà lão thuật lại, Bồ-Tát đã thu được cái lọ và đi rồi. Sự tức giận và lòng ganh tỵ của y tăng lên đến cực độ. Liền đó, y kết oán với Bồ-Tát, và thề sẽ trả thù về sau.
Lòng giận dữ và oán ghét sâu đậm đó thật là nguy hiểm. Nó biến Đề-Bà-Đạ-Đa thành một sinh linh, đầy sân hận và ganh tỵ đối với Bồ-Tát, xuyên qua không biết bao nhiêu kiếp luân hồi
Còn trong những Túc Sinh Truyện (Jàtaka) khác, thì Phật đã mô tả lòng oán ghét và mưu toan hãm hại đối thủ nhiều lần của Đề-Bà-Đạt-Đa, nhưng lần nào y cũng thất bại, khiến cho mức độ ganh tỵ và oán hận càng lúc càng tăng. Vì vậy mà trong mọi hành động, Đề-Bà-Đạt-Đa đều tạo nhân duyên, hễ Bồ-Tát tái sinh nơi nào, thì y cũng tái sinh nơi ấy, để kết thêm oan trái.
Quay lại chuyện Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) thời Phật. Sau khi “thành công” trong việc chia rẽ tăng già, ông đã mất hết thần thông, không còn khả năng làm cho người khác nể sợ. Nghĩa là ông chỉ “lãnh đạo” được nhóm tỳ khưu nhẹ dạ ly khai trong một thời gian ngắn.
Lúc họ biết được mặt thật của ông, thì họ đã hối hận, kéo nhau về ra mắt đức Phật để sám hối tạ tội. Đề-Bà-Đạt-Đa chỉ còn một mình, sống hẩm hiu những ngày tháng cô độc.
Khi Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) đến gần cái chết, thì một nỗi hối tiếc không ngừng dày vò tâm tư ông. Lúc đó ông mớinhận chân được pháp vô thường trong kiếp sống. Một nỗi đau đớn đè nặng trong tim ông. Và ngoài con đường qui chánh, ông không còn con đường nào khác. Ông tự hỏi “Phải chăng chỉ còn một nhân duyên chót nầy, vì Phật sẽ không luân hồi nữa, tại sao ta không lấy giáo pháp của Ngài làm phương tiện để cứu giúp mình ? Hay ta đã đi quá xa chánh đạo, quay về không được nữa ?”.
Ông run rẩy đứng lên, bước về hướng Kỳ Viên Tịnh Xá, để về xin Phật tha lỗi. Nhưng chân ông bỗng dính chặc vào mặt đất, ông liền ngã quỵ, và lửa địa ngục đã phực ra, phủ lên linh hồn lẫn thể xác của ông. Đề-Bà-Đạt-Đa nghẹt thở, mắt hết thấy đường, hấp hối và tắt thở trong sự dày vò cực độ, trước khi đến được với đức Phật. Lập tức Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) rơi vào địa ngục vô gián (Avichi Niraya).
Sau khi nghe kể lại cái chết thảm kốc của người đệ tử nầy, đức Phật đã nói “Mặc dù Đề-Bà-Đạt-Đa có nhiều hành động xấu, nhưng những phạm hạnh ông thực hiện trong thời gian đầu làm tỳ khưu, dưới sự hướng dẫn của Như Lai, vẫn trổ quả tốt trong tương lai.
Tuy tham vọng thúc đẩy Đề-Bà-Đạt-Đa nôn nóng trở thành một giáo chủ, và quả ấy ông không đạt được. Nhưng pháp hành và thiền định mà ông đã thành công đến mức có thần thông, sẽ giúp ông tỉnh ngộ, và tự tư, tự đắc sau nầy, khi đã trả hết quả ác, xuyên qua vô lượng thời gian, trong địa ngục. Phật biết Đề-Bà-Đạt-Đa trong vô lượng kiếp tương lai, sẽ là một vị Độc Giác, hay Bích-Chi-Giac (Pacceka-buddha), tên là Satthissara.
Ngày nay, chúng ta đọc lại sử tích những đệ tử nổi danh của Phật. Dĩ nhiên chúng ta không thể noi gương xấu của Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta). Nhưng những “nghịch cảnh” đã xảy ra cho đức Phật, được ghi lại trong kinh điển, liên quan đến ông, cùng những tư liệu đáng chú ý, để khi chúng ta nghiên cứu sử tích, chúng ta không thể nào không thấy tên ông, với những gì ông đã làm. Đó cũng là một cái gương để tránh.
Là một bậc đã diệt tận tham sân si, phiền não, dứt hẳn sinh tử luân hồi, hay Toàn Giàc, đức Phật đã tiên đoán cái tương lai thành Độc Giác vô cùng xa xôi, của Đề-Bà-Đạt-Đa, để cho chúng ta thấy rằng, không có gì mà không cải thiện được. Vạn vật luôn luôn vô thường. Trở thành giác ngộ giải thoát, hay trở thành sa đọa trầm luân, đều do chính ta. Gương Phật và chánh pháp chỉ hữu hiệu khi chúng ta noi theo để thực hành. Và chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, tinh thần sáng suốt hay chánh kiến lẫn tự lực là 2 động cơ nòng cốt.
Tha lực chính là tự lực khi trở thành phá chấp. Vì công phu do chính mình viên tròn, mà mình mắc dính thì không thể Toàn Giác (Sammà Sambuddha) được. Nếu không nhất tâm thực hành viên tròn phạm hạnh, mà chỉ lo cúng kiến, tụng mãi danh hiệu một vị Phật, để cầu cứu độ, đồng thời bảo đó là sức mạnh của “đức tin”, thì đó chỉ là củng cố sức mạnh của “lòng tham”, chứ không phải là giá trị của đức tin, dẫn đến tìm kiếm sức mạnh của tự lực hay tha lực vậy.
Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở, “Ta là nơi nương nhờ của ta” (Attàhi attano nàtho), hay ta là đấng cứu tinh của chính ta, và làm gương cho người khác. Ngay cả đức Phật là bậc có vô lượng từ bi đối với Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta), nhưng Ngài vẫn không cứu giúp được người đệ tử tăm tối nầy.
Câu chuyện của Đề-Bà-Đạt-Đa có thể cho những ai, dù nhất thời cùng hung cực ác, vẫn còn một hy vọng, rằng khi đã biết quay về nẻo chánh là khi có lối thoát!Huống chi Đề-Bà-Đạt-Đa chưa phải là ngươi cùng hung cực ác, vì đã biết hối hận trước lúc nhắm mắt !?