;
Hòa thượng Tuyên Hóa từng khuyến cáo 5 điều: Không tranh, không tham, không cầu, không tự tư ích kỷ,
không tự lợi, không vọng ngữ.
THẾ NÀO LÀ KHÔNG TRANH?
Phật gọi thời của chúng ta hiện nay là thời của chúng sanh cang cường tranh đấu. Bạn hãy quan sát xem xung quanh mình có đúng như vậy không? Trong gia đình thì cha, mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, con cháu...tranh đấu với nhau từ sáng tới khuya, từ khuya tới sáng; ngoài xã hội thì người người cũng không ngừng tranh đấu để giành giật miếng ăn, quyền chức... Hễ có đấu tranh tất có kẻ thua, người thắng, kẻ chánh, người tà, kẻ sạch, người nhơ...kẻ thắng, chánh, sạch thì dương dương tự đắc; kẻ thua, tà, nhơ thì oán hận sanh. Vậy là từ trong nhà ra tới ngoài xã hội, nơi đều hừng hực sát khí, nhằm loại bỏ lẫn nhau để tồn tại.
Muốn chuyển hóa nghiệp không tranh, phải trì giới Sát của Phật.
2. THẾ NÀO LÀ KHÔNG THAM?
Làm người ai không tham? Ngoài chư Phật và Bồ Tát thị hiện, còn ai ai cũng đều tham cả. Khác là ít hay nhiều; thô hay vi tế mà thôi. Tham dạng thô, dễ nhìn vì nó đập ngay vào mắt mọi người nên ai cũng nhìn thấy, nhưng dạng vi tế thực rất khó thấy. Ví như trong chốn chùa chiền - nơi mọi người đều nghĩ đó là chốn thiền môn thanh tịnh, nhưng đi sâu vào những chốn đó, người có một chút trì giới thanh tịnh thôi sẽ phải giật mình.
Tại sao? Vì không ít nơi, không ít vị tu sĩ tâm còn tham lam hơn cả người ngoài đời. Sao có chuyện ngược đời như vậy? Không khó hiểu, bởi những vị đó được chuyển từ căn nhà nhỏ (tại gia nghèo, thiếu thốn đủ điều) sang một căn nhà lớn (chùa to, đẹp, nhiều tiện nghi...), thêm một chút quyền uy, các Phật tử cung phụng ngày đêm không quản ngại, đương nhiên tâm tham từ vô thỉ kiếp có mảnh đất màu mỡ để phát triển = tâm xuất thế tục gia lập tức biến mất, thế đó tâm thế tục hiện nguyên hình.
Muốn đoạn tham, phải trì giới xả ly tham dục của Phật.
THẾ NÀO LÀ KHÔNG CẦU?
Thế gian pháp là luôn mong cầu được thỏa mãn tâm ngũ dục: tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ. Pháp xuất thế gian là đoạn ly ngũ dục, xa cách lục trần để hướng tới đạo vô thượng bồ đề tức quả vị giác ngộ và giải thoát. Thực tế nhiều khi ngược lại, những nơi đúng lý phải là nơi vô cầu, nhưng nhiều nơi vô cầu tâm được thay thế bằng tâm mong cầu vô độ. Sẽ có nhiều cách để biện minh cho tâm mong cầu vô độ này, nhưng càng biện minh càng khiến cho tâm đó hiển lộ rõ nét hơn. Hình ảnh vô cầu của một vị đầu trần chân đất nhưng lại khiến cho không ít người nổi tâm sân hận rồi trút lên đủ những ngôn ngữ học sân hận. Tại sao? Vì những người này cầu đủ thu,thích đủ thứ, nhưng cầu không được nên khổ não sanh, sân tâm sanh.
Muốn trừ tâm không cầu, phải trì giới không Sân.
THẾ NÀO LÀ KHÔNG ÍCH KỶ VÀ KHÔNG TỰ LỢI?
Chúng sanh tâm đều là tự tư tức ích kỷ, tự lợi. Nghĩa là có lợi về mình cho dù nhỏ nhất đều dành chiếm cho mình; nhưng tổn mình thì không ai muốn. Vì vậy nên gọi là tổn người, lợi mình ai ai cũng đều muốn, đều vui vẻ. Các bậc chân tu, tu hạnh giải thoát thì những gì tổn người, lợi mình chắc chắn quý ngài không làm. Trái lại việc không ai muốn làm, các ngài hoan hỉ làm. Thứ không ai muốn cho, quý ngài cho bằng hết; chuyện không ai nhẫn, chịu được, quý ngài đều hoan hỉ nhẫn chịu.
Muốn đoạn được tâm tự tư, tự lợi: phải học cách năng trì giới xả của Phật.
THẾ NÀO LÀ KHÔNG VỌNG NGỮ?
Vọng ngữ thuộc về khẩu nghiệp - Nghiệp thứ tư trong ngũ giới của Phật. Vọng ngữ có bốn điều: không nói lưỡng thiệt, không nói đâm thọc, không nói dối, không nói lời sân hận.
Đây là giới khó giữ và dễ phạm nhất trong ngũ giới. Đối với bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di cũng chẳng dễ và rất dễ phạm. Đơn giản bởi ai cũng nghĩ mình là đệ tử Phật, những gì mình nói đều là pháp của Phật. Thực tế Phật pháp chỉ nói, chỉ có lời chân ngữ. Nhưng nhiều khi để tạo dựng niềm tin với đồ chúng, bốn chúng này đặc biệt hai chúng xuất gia vì bốn giới trên không giữ được nên họ sẵn sàng dùng Phật pháp làm lá chắn để che đậy những lời đâm thọc, lưỡng thiệt, sân hận và dối trá bên trong.
Cách nào nhận biết được chân ngữ, vọng ngữ?
Dùng chánh kiến và chánh tư duy của Phật. Người không có chánh kiến và chánh tư duy sẽ bị nghiệp vọng ngữ của người mê hoặc, dụ dỗ, lôi kéo tới điên đảo mà không hề hay biết. Thực tế hiện nay có quá nhiều bài học xương máu cho cả một thế hệ. Mối nguy hại này sẽ khiến cho cả một tập thể, xã hội, cộng đồng dân tộc bị hủy diệt.
Muốn thức tỉnh, mỗi chúng sanh phải tự hành giới cấm của Phật: không vọng ngữ.
Khi 5 cấm giới của Phật luôn được hành trì thanh tịnh, nội ma, ngoại ma không thể xâm hại.
Pháp trợ hạnh tối thắng nhất là chúng phát tâm học thuộc nhuyễn Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm rồi hàng ngày nhất tâm hành trì cùng pháp niệm Phật, các nghiệp chướng và ma cảnh sẽ vô cầu mà tự chuyển hóa. Tại sao? Vì đó là vô thượng vi diệu pháp của chư Phật mà Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã vì chúng ta thời nay mà diễn nói.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Cư sĩ Thiện Nhân