;
Sau khi trang tin Người Phật Tử đưa ý kiến phản hồi về bài viết lên Facebook, Ban Biên tập đã nhận được bài viết của tác giả Minh Mẫn – cựu tu sĩ Phật giáo, một cư sĩ đang sinh sống tại Saigon.
Trong bài báo nói trên, dẫn chứng những nguyên nhân tránh được việc ly hôn là trước khi cưới cũng như trước ngưỡng cửa vào đời, tuổi trẻ được giáo dục kỹ về tâm sinh lý trong từng giai đoạn do các chuyên gia tâm lý truyền đạt. Điều nầy đúng và Kito giáo làm đúng bài bản. Nhưng bảo rằng nhờ bài bản như thế mà việc ly hôn trong giới tín đồ Kito giáo thấp là việc cần xét lại.
Bài viết trên báo Việt Nam Net.
Giáo điều là giáo điều, giáo luật là giáo luật mà con người là con người. Con người là một tập hợp của nhiều tham lam dục vọng, thường đứng núi nầy trông núi nọ. Cho dù một thanh niên vừa cưới vợ, thậm chí chở người yêu đi sắm đồ cưới, chắc gì gặp gái đẹp không nhìn? Cái nhìn đó đã nói lên mắt thấy sắc thường hay dòm ngó, nếu tâm không tham sắc thì ngó làm gì.
Theo nhà Phật, cỏi nầy là cỏi dục, từ cha cố đến sư sãi ít nhiều đều phải có, hơn nhau là biết thiểu dục hay biết đoạn dục bằng pháp hành nào đó mà không phải ức chế. Một người tuổi thanh niên làm sao thoát khỏi ái dục. Cụ ông trên 70 vẫn còn vướng tình ái,Vua chúa cung phi mỹ nữ hàng trăm mà vẫn chưa thỏa mãn thì người phàm bảo là không có, chuyện đó cần xét lại.
Ngoài nghiệp dục còn những tập khí và oan gia nghiệp chướng với nhau. Ông bà thường nói - con là nợ, chồng vợ là oan gia, nếu không oan gia thì sẽ không gặp nhau, không phải lòng nhau, mà oan gia là nguyên nhân gặp nhau để trả quả cho nhau. Cho dù kinh sách Kito bảo: "Cái gì Chúa đã kết hợp thì không thể chia rẽ", nhưng thực tế không thiếu gì những đổ vỡ trong những gia đình tín hữu Kito giáo, thậm chí có những Mục sư, bỏ vợ để lấy vợ khác. Những tín hữu sau khi bỏ nhau, không thể xin lễ cưới lần nữa, buộc lòng họ phải sống ngoài giáo luật. Những trường hợp nầy không được đúc kết nên nhìn thấy mặt phẳng của tảng băng chìm trong tình cảm hôn nhân.
Một lễ cưới theo nghi thức Phật giáo tại Thái Lan - hình minh họa.
Cũng có trường hợp họ không được quyền ly dị vì đức tin truyền thống, vì giáo dưỡng gia môn, nhưng cuộc sống cũng không hạnh phúc, luôn trong tình trạng khổ đau, sống như thế sẽ được gì.Mục đích kết hôn để đem hạnh phúc lại cho nhau chứ không phải cùng nhau sống trong uất hận khổ đau.
Đã là con người, luôn có những phẩm chất rất là người thì làm gì có Thánh tính của một bậc "bác ái" cảm thông cho đối tượng. Hiếm khi gặp một cặp hôn nhân hòa thuận mọi mặt, cho dù nhường nhịn nhau cũng chỉ là giải pháp tạm thời che mắt thế gian, để rồi giường ai nầy ngủ, anh xoay mặt ra ngoài, chị hướng mặt vào vách mà cùng nhau gặm nhấm một sự oan trái do giáo điều ràng buộc vô lý.
Việc giáo dục chỉ là giải pháp tạm thời như lớp cement khỏa lấp các vết nứt tình cảm, thực chất, chiều sâu vẫn là điều bí ẩn của nghiệp dục con người.
Tóm lại, bảo rằng việc ly hôn rất thấp của tín đồ Kito giáo chỉ là nhìn hiện tượng bên ngoài, không có sự đúc kết chính xác, hãy nhìn cuộc sống xã hội, thực tế cho thấy bản chất oan trái, phủ phàng của những cặp hôn nhân ngày nay. Một bài báo đúng vào ngày lễ "phục sinh" trên bản tin của Vietnamnet.vn cần xét lại với lối quảng cáo như thế.
30/3/2016