;
>>Phật tử VN quyên góp hơn 2.000 tỉ đồng cho công tác xã hội
>>Thư ngỏ kêu gọi chung sức mở phòng khám bệnh cho người nghèo
>>Chùa Hoằng Pháp cứu trợ đồng bào miền Trung
Với tâm niệm “Trong cái cảnh thiếu ăn thiếu mặc, người nghèo lại hay gặp chuyện xúi quẩy, tang thương nên cảnh sống cơ hàn càng thêm trĩu nặng. Để thoát khỏi cảnh nghèo, bà con rất cần sự chung tay góp sức, san sẻ của cộng đồng”, nhiều năm qua ni sư Lệ Phát đã nỗ lực kết nối hàng ngàn tấm lòng từ bi với các vùng quê, phận người khốn khổ. Nói về biệt danh “3 giảm” của ni sư Lệ Phát, chị Thu Mai, người nhiều năm qua lặng lẽ hỗ trợ, đồng hành cùng Ban từ thiện chùa Châu An cho biết: “Biệt danh ấy bắt nguồn từ việc UBND TP. Hồ Chí Minh phát động chiến dịch 3 giảm “mại dâm, ma túy và tệ nạn xã hội”. Là người tu hành nhưng ni sư Lệ Phát không đứng ngoài cuộc. Trong lúc các chiến sĩ công an xông pha truy bắt người phạm tội thì ni sư lặng lẽ đến các trung tâm, trường trại cai nghiện, hết lòng giác ngộ, giúp đỡ những thanh niên lỡ lầm, nghiện ma túy có niềm tin, điểm tựa vững chắc đặng tu dưỡng, quyết tâm làm lại cuộc đời”.
Ni sư Lệ Phát nhận thư tri ân của lãnh đạo MTTQ thị xã Hồng Ngự vì cái tâm mà ni sư dành cho người dân vùng lũ
Ni sư xây dựng các tĩnh tâm đường trong khuôn viên các trường trại để học viên cai nghiện có nơi tĩnh tâm. Rồi ni sư vận động kết nối gần xa hỗ trợ máy móc, phương tiện dạy nghề cho học viên cai nghiện để mai này khi hòa nhập với cộng đồng họ có thể kiếm tìm công ăn việc làm ổn định, từ đó mà đoạn tuyệt với những cạm bẫy tệ nạn...
Không chỉ tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, ni sư Thích Nữ Lệ Phát còn dành sự yêu thương cho nhiều phận người cơ hàn, khốn khó. Bà Tuyết Hoa, cán bộ hưu trí ngành giáo dục, thành viên Ban từ thiện chùa Châu An, cho biết: “Ni sư Lệ Phát cũng đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của các cụ già, em nhỏ, người khuyết tật ở những trung tâm xã hội, trại tâm thần. Trong lúc người ta sống quây quần cùng người thân thì những số phận không may này chẳng nơi nương tựa. Để bù đắp cho họ, ni sư Lệ Phát thường đến thăm, tặng quà, tổ chức cho họ ăn ngon. Hầu như các trung tâm, trường trại tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long ni sư Lệ Phát đều có mặt”.
Từ sự kết nối nhiều tấm lòng thơm thảo của ni sư Lệ Phát, người dân vùng lũ Hồng Ngự đã được chia sẻ, giúp đỡ rất nhiều
Còn nhớ hôm đón đoàn từ thiện cứu trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ ở thị xã Hồng Ngự vào đầu tháng, nơi chịu nhiều thiệt hại do nước lũ dâng cao, khi tiếp nhận tấm lòng và quà tặng gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm, đại đức Thích Minh Bửu (Ban đại diện Phật giáo thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) xúc động bày tỏ: “Lũ năm nay diễn biến bất thường, nước dâng cao phá vỡ nhiều đoạn đê bao, nhấn chìm hơn 2.000 ngôi nhà trong biển nước. Dù địa phương chưa phát động kêu gọi nhưng biết được thông tin qua theo dõi các phương tiện truyền thông, ni sư Lệ Phát đã đưa đoàn đến giúp đỡ, tặng quà cho hơn 300 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở Hồng Ngự. Ni sư còn chu đáo tặng áo phao cho trẻ em, giúp các em tránh những tai nạn do nước lũ cuốn trôi...”.
Ni sư Thích Nữ Lệ Phát nói về chuyến đi cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Đồng Tháp và một số tỉnh miền Trung: “Cứu người, giúp người như cứu hỏa, mình chậm trễ ngày nào là bà con đói lạnh ngày ấy. Những chuyến đi sắp tới cùng với nhu yếu phẩm, quần áo ấm, tập vở, áo phao cho các cháu học sinh, Ban từ thiện chùa Châu An sẽ cố gắng hỗ trợ bà con vùng lũ mỗi hộ một chiếc xuồng để bà con có phương tiện đi lại và kiếm tìm sinh kế nuôi sống gia đình. Giá mỗi chiếc xuồng chỉ xấp xỉ một triệu đồng nhưng với nhiều gia đình nghèo ở vùng lũ là tài sản khó với tới”.
Lặng bước trên con đường từ bi từ năm 1999 đến nay, ni sư Lệ Phát đã tặng hàng ngàn áo phao, chiếc xuồng cho người dân vùng lũ. Đã giúp rất nhiều gia đình nghèo an cư lập nghiệp, giúp nhiều người khiếm thị tìm lại ánh sáng của đời mình, giúp bao nhiêu xe lăn cho người khuyết tật... Khó khăn, vất vả nhưng ni sư khiêm tốn tâm sự rằng mình chỉ làm một cầu nối tình thương.
Theo: CATPHCM - N.THÀNH SỸ