;
Để cảm nhận sâu sắc hơn về thâm ý của Đức Thế Tôn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa và công dụng của hai đức hạnh Tàm và Qúy trong bài Kinh này.
Trước khi tìm hiểu về hai đức hạnh Tàm Qúy chúng ta phải thông hiểu thuật ngữ “Tàm Qúy ” là gì?
– Tàm là tự mình cảm thấy xấu hổ, hối hận khi làm việc sai lầm, tội lỗi.
– Qúy là tự mình không làm những việc sai lầm, tội lỗi.
Bài Kinh Tàm Qúy gồm 10 pháp thoại, mỗi pháp thoại đều trình bày về vấn đề phạm hạnh. Tất cả chúng ta do thiếu sự soi rọi của chánh trí, không biết Tàm Qúy nên chúng ta sống buông thả theo tham lam, dục vọng; theo lợi dưỡng thấp hèn… đưa đến tha hoá nhân cách phạm hạnh. Tuy nhiên, qua mỗi pháp thoại, bằng tuệ giác siêu việt Đức Phật đều giảng thuyết giáo lý, nhằm hướng dẫn hàng đệ tử tu dưỡng phạm hạnh, thanh lọc thân tâm và cuối cùng đạt đến an lạc giải thoát.
Đứng về mặt đạo đức học, Tàm Qúy là một khái niệm mang tính chất đạo đức. Ý nghĩa đơn giản nhất là sự xấu hổ, sự nhìn nhận về lỗi lầm mình tạo ra trong các mối liên hệ mà mình tiếp xúc trong cuộc sống và cố gắng điều phục thân tâm để không gây ra những sai lầm đáng tiếc. Hai hạnh tu này thể hiện rõ mối liên hệ mật thiết đối với đời sống con người. Con người cần sống có Tàm Qúy thì mối liên hệ trong đời sống nhân sinh ngày càng trở nên hài hoà, tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Người có hạnh Tàm Qúy là người khi làm điều lỗi lầm cảm thấy hổ thẹn, hối hận, ray rứt và nguyện sửa đổi lỗi lầm. Hạng người này luôn sống theo các nguyên tắc, các định hướng nguyên lý đạo đức mà xã hội thiết lập, nhằm tạo ra các mối liên hệ hài hoà tốt đẹp giữa mình và mọi người. Khi trong tâm có Tàm Qúy rồi, con người sẽ hiểu rõ về mình hơn, đồng thời cũng xác lập được vị trí cũng như phẩm chất của các đối tượng để bản thân có thái độ cư xử hợp lý trong tinh thần kính trong, thương yêu mọi người. Ngược lại, người không có hạnh Tàm Qúy thì họ đã sống và hành sử với cuộc sống này ra sao?
Người không có hạnh Tàm Qúy , là hạng người khi mắc phải lỗi lầm không cảm thấy xấu hổ, hối hận, ray rứt tâm can. Họ là típ người sống không tuân theo các nguyên tắc chuẩn mực đạo đức mà xã hội thiết lập. Khi trong tâm hồn họ không có Tàm Quí ngự trị thì hạng người này càng ngày càng tạo thêm tội lỗi, sống ngang tàng, thất kính với các bậc Tôn trưởng, tri thức; bất hiếu với cha mẹ, coi thường tình nghĩa anh chị em… Họ là những con người làm cho cuộc sống trong xã hội rối loạn lên, gây sầu muộn cho bản thân và tha nhân, khiến khổ đau mãi chồng chất.
Đứng về mặt giải thoát, Tàm Qúy là cơ sở đầu tiên được thiết lập “Giới luật” nhằm ngăn chặn các điều ác có thể xảy ra trong tương lai. Con người có Tàm Qúy thì có khả năng thực hành những điều Giới nên làm và không nên làm, dần dần đạt đến thành tựu viên mãn. Mặt khác, Tàm Qúy là cơ sở thiết lập đời sống Tăng già hoà hợp (Đoàn thể Tu sĩ sống hòa hợp). Do có Tàm Qúy con người biết vươn lên sám hối, sửa đổi lỗi lầm, làm cho đạo hạnh và trí tuệ ngày càng thăng hoa. Ngược lại, người không có Tàm Qúy thì họ chưa bao giờ thực thi Giới pháp, tức là người sống không có mục đích hướng thượng, không tin nhân quả tội phước, họ sẽ bị sa đoạ trong tội lỗi, trong vô minh sầu khổ, trong cảnh giới tối tăm ngập tràn đau thương. Trên bước đường tu tập tâm linh cũng như tiến triển sự nghiệp, chúng ta cần phải có cái nhìn xuyên suốt vào những thực trạng đau buồn do tội lỗi tạo nên trong cuộc đời, của kiếp nhân sinh để sáng suốt không rơi vào hầm hố vô minh tội lỗi.
Thưa các bạn, lầm lỗi là một thực trạng đau buồn của cuộc sống, là vấn đề lớn lao của con người. Trong chúng ta không ai dám tự nhận rằng từ nhỏ đến lớn mình chưa hề phạm một lỗi lầm nào. Như vậy, một sự thật mà chúng ta phải thấy, phải đối diện là chúng ta luôn sống trong những lầm lỗi. Nghĩa là chúng ta luôn sống trong tham cầu quá thái về tiền tài, danh lợi, trong tình ái si mê, trong ganh tỵ đố kỵ; trong mưu mô sát phạt lẫn nhau để đáp ứng những nhu cầu của cái tôi tầm thường… Khi nhận chân được chân lý này chúng ta dễ dàng tha thứ về lỗi lầm của người khác và mong họ nhanh chóng thấy ra lầm lỗi mà hoán chuyển bản thân, trưởng dưỡng nhân cách đạo đức. Còn về lầm lỗi của mình, chúng ta phải biết xấu hổ, cảm thấy vô cùng hối hận và nguyện tu sửa mỗi ngày để hoàn thiện bản thân ngày một thanh tịnh, tỏa sáng đức từ bi, đức nhân ái khắp cùng nhân gian. Thực hành được như thế chúng ta là một hành giả (người thực hành những chân lý cao đẹp) biết hành trì hạnh Tàm Qúy ; là người có công phu tu tập nghiêm túc, rất đáng trân trọng; là người sẽ có được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống hiện tại và nền tảng tươi sáng ngập tràn an vui cho những kiếp tái lai.
Lại có thêm một thực trang đau buồn luôn tồn tại trong cuộc sống đó các bạn. Đó là nhân loại trên thế gian này thường thấy lỗi người hơn thấy lỗi mình. Lỗi người dù nhỏ cũng cố phóng to, làm quan trọng hóa vấn đề, thậm chí dựa trên lỗi lầm nhỏ này của người mà lập mưu kế ám hại người, khiến họ luôn đau sầu khổ não. Hành động này thể hiện tâm đức quá khiếm khuyết – Nhỏ nhoi, nham hiểm… Còn lỗi mình dù to mấy cũng cố ém nhẹm thành nhỏ, che dấu không muốn bất cứ ai biết đến. Nếu như bị phát hiện thì tìm mọi phương cách để biện minh cho mình để không bị ai chê trách, mắng nhiếc… Vì con người luôn sống với tâm lý vị kỷ, tiêu cực như thế nên mối quan hệ tình người trong xã hội ngày càng rạn nứt, xa cách; đem đến khổ sầu, oán ghét nhau mãi.
Thưa các bạn, để cuộc sống của chúng ta luôn được hạnh phúc, an vui thì chúng ta phải luôn thức tĩnh quán chiếu tâm mình, đừng nuôi dưỡng những tâm lý vị kỷ xấu ác trên. Nếu tự mình chưa đủ năng lực đem lại an vui cho con người, thì cố gắng dặn lòng đừng đem lại sầu khổ cho ai. Đức Phật dạy “phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Tức luôn tự soi rọi chính mình đó là bổn phận chính yếu của một kiếp người. Nghĩa là trong cuộc sống chúng ta luôn cố gắng thúc liễm thân tâm, siêng năng hành thiền, tụng Kinh, sám hối, tu sửa lỗi lầm, thanh lọc tâm ý, làm nhiều việc thiện với khả năng của mình để đạt đến an tịnh nội tâm. Đừng bao giờ dại khờ phóng tâm hướng ngoại chỉ trích, công kích lỗi người. Bởi lẽ cố tìm lỗi người, lỗi người chưa thấy, lỗi mình đã ở sát bên chân rồi. Sống như thế thật là hoài công vô ích, càng ngày càng sa vào con đường lầm lội, làm mê mờ tâm trí chẳng còn biết Tàm Qúy là gì cả, oan uổng cả một kiếp người, lại còn ảnh hưởng không tốt cho những kiếp mai sau.
Qua sự luận bàn, chúng ta nhận thấy hai đức hạnh Tàm và Qúy có giá trị rất sâu sắc và thiết thực trong quá trình tu dưỡng đời sống tâm linh. Hai pháp hạnh này nếu hành giả khéo ứng dụng vào cuộc sống thì nhân cách phạm hạnh ngày càng sáng ngời và đi đến thành tựu viên mãn, sẽ cảm nhận được suối nguồn hạnh phúc an vui trong cuộc sống. Chúng ta ai ai cũng biết vun bồi nhân cách phạm hạnh thì cuộc sống chúng ta sẽ vững mạnh, an lạc, các mối quan hệ trong xã hội luôn ổn định, hài hòa, hạnh phúc. Riêng những đệ tử xuất gia (Tu sĩ) của bậc Giác ngộ toàn năng (Đức Phật), chúng ta phải nỗ lực hết mình thăng hoa phạm hạnh để cuộc sống luôn được an lạc và đem lại hạnh phúc cho mọi người. Được như thế mới xứng đáng là người Tu sĩ trong thời đại mới với sứ mạng: “Truyền trì Đạo mạch, tục diệm truyền đăng, xiển dương Chánh Pháp, lợi lạc quần sanh, báo Phật ân đức” trên tinh thần “đạo Pháp và Dân Tộc”.