;
Chiều 3/7, nhạc sĩ An Thuyên đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội), trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp và những người yêu mến ông.
Theo thông tin từ gia đình, tang lễ nhạc sĩ An Thuyên sẽ diễn ra vào lúc 7h 5 phút ngày 9/7 (tức ngày 24/5 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông. Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 đến 10h30. Sau lễ viếng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, nhạc sĩ An Thuyên sẽ được an táng tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hoà, Huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình).
Cố nhạc sĩ An Thuyên.
Là người tham gia vào Ban lễ tang, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh cho biết, là nhạc sĩ mang hàm Thiếu tướng nên tang lễ nhạc sĩ An Thuyên sẽ diễn ra theo nghi thức Lễ tang dành cho cán bộ cấp cao của quân đội do Thủ trưởng Tổng cục Chính trị làm Trưởng ban tổ chức lễ tang. Thiếu tướng Đức Trịnh với vai trò là Hiệu trưởng trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội - nơi mà cố nhạc sĩ An Thuyên từng công tác là phó ban.
Trước đó, ca sĩ Bông Mai, con gái nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ, gia đình vô cùng trân trọng và cảm ơn tình cảm của tất cả mọi người dành cho nhạc sĩ An Thuyên cũng như gia đình. Tuy nhiên, Bông Mai và gia đình theo Phật, để lễ tang diễn ra một cách trang nghiêm, gia đình nhạc sĩ An Thuyên bày tỏ mong muốn bạn bè thân hữu khi đến viếng, thay vì mang vòng hoa thì hãy mang theo vài con chim nhỏ để cùng gia đình làm lễ phóng sinh tại chỗ. Bởi theo nhà Phật thì phóng sinh chim sẽ khiến linh hồn người mất sớm được siêu thoát, thanh tịnh, nhẹ nhàng.
Nhạc sĩ An Thuyên tên thật là Nguyễn An Thuyên, sinh năm 1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội) và hiện là Chủ tịch Hiệp hội phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.
Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1971 với tác phẩm đầu tay “Em chọn lối này”. Kể từ đó, nhạc sĩ An Thuyên được yêu mến ở rất nhiều ca khúc để lại xúc cảm sâu trong lòng khán giả như: “Hành quân lên Tây Bắc”, “Khi xe tăng qua miền Quan họ”, “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”, “Neo đậu bến quê”, “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Chiều sông Thương”.../.
Theo: PV/VOV.VN