;
Trước đây thời phong kiến, Tết Nguyên Tiêu chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua mở hội mời các ông Trạng để thết tiệc và mời vào Thượng Uyển xem hoa, ngắm cảnh, làm thơ…
Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Rằm Tháng Giêng đã hòa nhập vào Phật giáo, thành ngày lễ hội chính của Phật giáo. Do đó dân gian ta có câu” “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng.”
Trong tháng Giêng, các chùa khai đàn Dược Sư, tụng kinh Dược Sư, khuyên các Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành, chúng sinh an lac.
Trong đêm Nguyên tiêu ngày xưa có tập tục đốt đèn, chơi lồng đèn và sau này là hội Hoa đăng đêm Nguyên tiêu. Lồng đèn bên trong xưa kia là đèn cầy. Đốt hết đèn cầy, người ta xem nhựa sáp kết dính thành hình thù gì, nếu giống cây lúa thì năm tới lúa sẽ được mùa, nếu giống đại mạch thì năm mới nông nghiệp sẽ bội thu, nếu giống hoa quả thì trái cây mùa tới sẽ tươi tốt, nếu giống cây bông thì mùa sau cây bông sẽ xum xuê.
Ngày xưa, Rằm tháng giêng, người nông dân thường chống một cây sào cao to trước cửa nhà mình, trên treo một lồng đèn màu đỏ rất to. Đó là biểu thị cát tinh cao chiếu (nghĩa là ngôi sao tốt lành soi sáng trên cao). Nếu treo ba lồng đèn thì là tam tinh nhập hộ (sao tốt lành vào nhà). Theo đó, ở những nơi công cộng nếu trên dưới treo vô số lồng đèn thì người ta gọi là mở hội sao, còn gọi là kim ngọc mãn đường (tức là vàng ngọc đầy nhà), hàm nghĩa giàu sang phú quí, tài lộc dồi dào. Và mọi nhà thường chúc nhau: kim ngọc mãn đường, vận tinh vô hạn (vận sao may mắn vô hạn).
Tết Nguyên tiêu còn có tập tục ăn trôi nước, người xưa gọi là thang viên - viên tròn trong nước, xuất phát từ ý nghĩa sum họp, tròn đầy và tốt lành.
Kể từ ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mùi (2003), ngày Rằm tháng Giêng là Ngày Thơ Việt Nam, ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, theo quyết định của Hội nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam.
Lần đầu tiên, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất vào ngày rằm tháng Giêng năm Quý Mùi (2003) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức long trọng. Mở đầu bằng lễ kéo Lá cờ Thơ, rồi ngâm đọc bài thơ Nguyên tiêu. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước, ngâm thơ, bình thơ v.v.
Cùng với Ngày Thơ Việt Nam, những năm gần đây nhiều nơi còn tổ chức ngày Hội Nguyên Tiêu. Hội Nguyên Tiêu- lễ hội văn hóa dân gian thu hút đông đảo người dân tham dự, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa phối hợp với các đơn vị văn hóa chính quyền địa phương tổ chức Hội Nguyên Tiêu với hàng loạt hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật dân gian, vui chơi giải trí đặc sắc phục vụ nhân dân thành phố như chương trình biểu diễn nghệ thuật Bát tiên chúc thọ, múa Trống hội Nguyên tiêu, Khổng Tước thái bình, tạp kỹ Bách nghệ, ca múa Chúc phúc mùa xuân, múa lân sư rồng Song Long quá hải, thi đốt đèn, tổng kết Hội Đèn hoa, gieo tú cầu, các trò chơi dân gian...
Nhân ngày thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng-Đinh Dậu)
Quý mời các thi hữu họa bài thơ “Xuân duyên”
“Xuân chuyển mùa sang rộn cửa Thiền
Hoa từ bi nở thắm màu duyên
Hồi chuông bát nhã vang thềm tịnh
Bài pháp vị tha lông nghĩa huyền
Đốt nén tâm hương cầu nước thạnh
Trải long chánh niệm chút dân yên
Chung tay kết chặt tình thân ái
Hạnh phúc reo vui khắp mọi miền”
(TT Thích Thiện Thông, sáng lập Câu lạc bộ thơ Kim Bằng Thi Hội, Diên Lạc, Diên Khánh (Khánh Hòa)
Trí Bửu – Tháng 02.2017