;
Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua
Từ 6 giờ sáng, Chư tăng toàn quốc Thái Lan vân tập về Dhammakaya hân hoan, lặng lẽ. Đạo tràng Dhammakaya Pathum Thani, Thái Lan là một hội trường hiện đại quy mô rộng rãi chứa 100.000 tu sỹ và 1 triệu Phật tử, màu huỳnh y thanh cao của chư Tăng phất phơ hòa lẫn với màu trắng đồng phục nhất quán tinh khiết của chư Cận sự nam, Cận sự nữ Phật tử. Tứ sự cúng dường được quý Phật tử sắm sanh thanh tịnh mang về đạo tràng.
Buổi lễ bắt đầu bằng việc diễn bày về ý nghĩa buổi Lễ và cúng dường chư Tăng do vị lãnh đạo tăng già Thái Lan khai thị. Kế theo là tác bạch cúng dường của đại diện chư Phật tử. Từng lẳng hoa đẹp đẽ, tinh khiết và tứ sự được dâng lên hàng Chư tôn giáo phẩm chứng minh. Sau đó là nghi lễ tụng kinh chú nguyện và chúc phúc, cuối cùng là Chư Tăng đi xung quanh Đạo tràng để Chư thiện tín sớt bát.
Tôi thực sự cảm xúc và ấn tượng khi được làm một thành viên tăng già tham dự buổi lễ và chứng kiến quang cảnh khất thực lớn nhất thế giới xưa nay. Hình ảnh chính thống của người xuất gia là từ bỏ gia đình, xả ly, tài sản, sống hạnh không nhà, ba y một bát thong dong không vướng bận, khất thực đây đó khắp nơi, tối đến ngủ ở rừng hoặc dưới gốc cây, mang ánh sáng Chánh Pháp đến với tất cả những ai muốn nghe, tận hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời, theo lời khuyến tấn của Như Lai:
“Này các Tỷ-kheo, các Ông cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt” (Kinh Tương Ưng I – Phẩm 4)
Chư Tăng sống hạnh khất thực, chuyên tâm nghiên tầm kinh điển và thực hành sâu xa các pháp môn, có nhiều kinh nghiệm để truyền trao đến chư Phật tử. Mối liên hệ giữa Chư tăng và Phật tử là mối liên hệ hỗ tương hai chiều. Phật tử bố thí cúng dường, hộ Pháp và làm người cận sự trợ duyên Chư tăng tu học, Chư tăng trao gia tài giáo pháp và kinh nghiệm tu tập, hướng dẫn cho Phật Tử, có câu rằng :
“Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa .
Thiền môn hưng thịnh do Đàn việt phát tâm”.
Đáng tiếc là tại Việt Nam trong thời gian gần đây có hiện tượng “khất thực giả” của những người tự động cạo tóc, đắp y áo giả làm Tỳ Kheo, mưu sinh theo cách khất thực, lợi dụng tín tâm cúng dường của tín thí. Hiện tượng này ảnh hưởng đến sinh hoạt khất thực của chư Tăng. Thực hành khất thực là một pháp tu thanh cao : khiêm hạ, pháp ngã chấp, chánh niệm tỉnh giác, từng bước chân vững chãi thảnh thơi vào miền Tịnh Độ, vì “không có con đường đưa đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”. Khất Thực chính là kinh hành là thiền hành là động thiền. Khất thực đúng cách sẽ tạo duyên cho Phật tử gieo trồng phước đức, duyên với chánh pháp và phát triển niềm tin :
"Tỳ kheo vào xóm làng,
Như Ong đến vườn hoa,
Lấy mật xong bay ra
Không hại gì hương sắc"
(Kinh Pháp Cú)
Mong là Chư tăng và Phật tử Việt Nam sớm có biện pháp kiểm soát để hiện tượng “khất thực giả” không còn tái diễn nữa bằng những cách như : quan sát dáng đi, thiền tướng, cách khất thực của những người giả trang thiền tướng và “khả nghi” mời vào Chùa nào đó để hỏi về Chứng điệp thọ giới và Tăng tịch hoặc âm thầm theo họ đến nơi họ “Thọ trai” cũng như những quy định về việc giờ Ngọ thọ trai và chỉ nhận thức ăn không nhận tiền bạc vào bình bát,…Thật là có ý nghĩa nếu như trong Lễ Thọ Giới, Mùa An cư Kiết hạ, Lễ Phật đản, Vu lan, tại những nơi đạo tràng rộng rãi như Trung tâm Phật giáo Bái Đính và các Phật Học viện…Chư Tăng có thể cùng nhau đi khất thực để ôn lại truyền thống sinh hoạt ngày xưa của Tăng già thời Đức Phật và nhắc nhở về Chánh Mạng và bổn phận của hàng đệ tử xuất gia và tại gia của Đức Phật. Tất cả chỉ là tùy duyên phương tiện tùy theo thời tiết, phong tục, tập quán, nếp sống của mỗi vùng khác nhau, có thể có những vị Tăng một năm, nhiều năm hay cả đời chưa từng ôm bát khất thực, thế nhưng chư Tăng phần lớn cũng đang trên bước đường tu học chưa phải là Thánh Tăng, việc trụ trì Chùa to Phật lớn, đón rước long trọng, chuông trống Bát Nhã, đi xe hơi, che dù lọng, đội mũ tỳ lô, hiệp chưởng, mang tấc vớ quý phái,…nếu như không khéo chánh niệm tỉnh giác, như lý tác ý e rằng sẽ vướng chấp với sắc tướng hào nhoáng và trân trọng ấy. Ai trong chúng ta dám cho rằng đã tu hơn Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư, thế mà sau mười kiếp tu hành tinh tấn Ngài còn vướng chấp với cái ghế Trầm Hương. Có câu rằng : “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận”. Việc làm, thói quen, tánh cách của mỗi người rất có ảnh hưởng ( gọi là tập quán nghiệp và tích lũy nghiệp) đến khuynh hướng phát triển và kết quả của mỗi người.
Lễ hội khất thực tại Đạo tràng Dhammakaya Pathum Thani, Thái Lan đã kết thúc thành công viên mãn trong niềm hỷ lạc vô biên của Chư Tăng và thiện tín thế nhưng để lại nhiều lắng đọng ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Hình ảnh đẹp đó đã tái hiện lại quanh cảnh khất thực của Đức Phật và 1250 Tỳ kheo mỗi giờ ngọ trước thời thuyết pháp, đó là những bài thuyết pháp không lời vì hoằng pháp thông qua cả 3 phương diện: Thân giáo, Khẩu giáo, Ý giáo.
Tôi lặng lẽ với từng bước chân an lạc đi theo các chú sa-di trẻ tuổi khất thực mà lòng hoan hỷ vô cùng như ý nghĩa trăm sông cùng đổ về biển, nơi đây, mọi ngăn cách giới hạn về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, trường phái,…đều được xỏa bỏ chỉ còn lại tâm tình cảm thông tôn kính nhau sâu sắc giữa các hạng đệ tử Phật trợ duyên cho nhau trên bước đường tu học. Thọ những miếng chuối chiên và bánh ngọt, con thành kính đảnh lễ tri ân công đức vô lượng của Như Lai Thế Tôn khai thị con đường thanh tịnh cao quý và chúng con đang tiếp nối gia phong Chư Phật, nguyện tu hành tinh tấn để sớm thoát khỏi luân hồi trong sứ mệnh tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn,
“Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường” :
Những bước chân dáng thanh cao thoát tục
Gieo tình thương và lẽ sống cho đời
Bước ra khỏi vòng trần lao, lục dục
Thật nhiệm mầu, mang ánh sáng nơi noi.
Con diễm phúc nương Pháp lành của Phật
Nương đức dày hàng Tăng Bảo Trung Tôn
Bước thong dong, tay trì bình khất thực
Cùng học tu cho Chánh Pháp trường tồn.
Đời còn đó những đau thương tranh đấu
Bới si mê, lầm lạc, nghiệp hoành hành
Nguyện dấn thân dòng đời muôn vạn nẻo
Để dắt dìu, chia sẻ với chúng sanh.
Một vắt cơm nhớ ơn công lao khó
Ba chiếc y tưởng nghĩ kẻ tặng cho
Hạnh xuất gia, hạnh xuất trần buông bỏ
Bước thảnh thơi, giải thoát mọi phiền lo…
Dhammakaya, 22/04/2016