;
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có thể nói khá giả hơn những gia đình xung quanh nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều bộn bề và lam lũ. Bố mẹ tôi sinh được năm người con: hai trai và ba gái. Tôi là con út nên luôn được bố mẹ yêu thương, nuông chiều nhất. Cuộc sống của tôi khá êm ả, không khó khăn và nhiều nỗi khắc khổ như những đưa trẻ cùng trang lứa. Cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều thiếu thốn, nên các anh chị tôi đều phải nghỉ học để đi làm kiếm thêm thu nhập, chỉ mỗi mình tôi là được cắp sách đến trường.
Khi tôi lên lớp 3, bố mẹ tôi đã bắt đầu đưa tôi đến chùa. Thuở nhỏ, chưa hiểu gì nhiều, không có khái niệm gì về đạo nhưng mà thích lắm, vì về chùa được ăn đồ “chùa” mà. Đến năm lên lớp 6, tôi được tham gia Gia đình Phật tử chùa Mỹ Sơn (Hoài Nhơn - Bình Định). Mùa Vu Lan năm ấy, tôi được được chị huynh trưởng cài đóa hồng lên ngực áo, lòng tôi có cảm giác lâng lâng khó tả. Từ ngày đó trở đi, tôi bắt đầu tự mình về chùa để sinh hoạt với các bạn. Năm lên 15 tuổi, tôi được quy y với thầy Thích Nguyên Hủy (chùa Long Sơn) với pháp danh là Quảng Liên. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một ông “thầy chùa” với chiếc áo cà sa trông thật trang nghiêm. Lúc đó tôi thầm nguyện rằng: “Nếu kiếp sau con được làm người, xin cho con làm một vị Tỳ-kheo”.
Thời gian cũng dần qua đi. Sau khi tốt nghiệp 12, tôi phải tất bật với việc thi đại học. Bố tôi muốn tôi học ôn khối A để thi kinh tế, nhưng lúc đó tôi lại rất thích âm nhạc. Tôi cũng được học qua một khóa Organ, cũng biết chút chút. Vì niềm đam mê, tôi xin bố mẹ cho tôi được thi trường âm nhạc. Lúc đầu, tôi định thi vào Trung cấp nhạc, nhưng chú tôi lại bảo nên thi ở Học viện âm nhạc Huế. Tôi lại nghĩ, với khả năng hiện tại của mình thì tôi làm sao có thể thi đại học âm nhạc. Tuy nhiên đó cũng là nhân duyên cả, nên tôi làm liều mua hồ sơ thi đại học để thi chuyên ngành Sư phạm nhạc tại Học Viện. Và lẽ tất nhiên, tôi bị trượt ngay lần thi đó. Tôi lại xin bố mẹ thêm một cơ hội nữa vào năm sau. Tôi gặp thầy Việt – người đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu ra Huế - để ôn thi. Thầy hướng cho tôi đi vào ngành lý luận âm nhạc. Được tiếp xúc với Piano, loại nhạc cụ này làm tôi quá thích thú. Tôi quyết định thi vào khoa Piano. Lúc đó, tôi cũng được bố mẹ đầu tư cho một cây Piano riêng để tập bài vở cho việc thi cử. Một điều lạ thay, trước ngày thi 2 tuần, tôi nằm mơ thấy đức Phật và Bồ-tát Quán Thế Âm đang ngự trên tòa sen trong một hang núi nhỏ, nhưng hình dáng khuôn mặt trông không giống với các bức tượng mấy. Tôi sung sướng đến đảnh lễ Ngài. Khi tỉnh giấc, lòng tôi thấy vui sướng lạ thường, niềm tin thi đậu Đại học càng tăng thêm. Tôi gắng hết sức trong những ngày ôn cuối cùng. Và kết quả đúng như tôi mong đợi, một số điểm cũng khá cao trong kỳ thi năm đó.
Nhưng mọi chuyện như được sắp đặt từ trước. Vào khoảng giữa năm học đầu tiên, mẹ tôi bị tai biến. Tôi rất bàng hoàng, tôi vội vã xin phép thầy cô cho tôi được về nhà. Vừa bước vào bệnh viện đã thấy mẹ tôi nằm đó, tay chân cứng đờ, lạnh ngắt, không còn nhận biết được gì. Lòng tôi se thắt lại, dòng lệ trên khóe mắt tuôn trào. Tôi đến bên mẹ, chỉ biết ôm mẹ và khóc. Qua 3 ngày ở đó, bệnh của mẹ tôi ngày một trầm trọng, bố và các anh chị của tôi quyết định chuyển vào bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn để chữa trị. Sáng hôm sau, thủ tục chuyển viện đã hoàn tất, bố cùng cậu tôi lên xe bệnh viện đi cùng mẹ, tôi với chị tôi về thu xếp đồ đạc đi sau. Đến chiều, khi tôi và chị đến bệnh viện thì đã thấy mẹ bị cạo hết tóc để chuẩn bị đưa vào phòng mổ. Tôi và chị tôi không cầm được nước mắt, nên khóc nấc lên. Nhìn vầng tráng nhăn nheo và vẻ mặt lam lũ của mẹ mà lòng càng nặng trĩu. Bao nhiêu năm hy sinh vì các con và gia đình, nay mẹ phải chịu cảnh dao kéo cắt da xẻ thịt. Tôi chắp tay khấn nguyện cầu xin đức Phật gia hộ cho mẹ vượt qua cơn nguy hiểm và tôi nguyện sẽ xuống tóc và ăn chay một tháng. Và rồi, như có sự mầu nhiệm nào đó, ca mổ đã thành công, mẹ tôi được đưa sang phòng hồi sức.
Khi về nhà, tôi tìm đến ngôi chùa mà tôi đã từng gắn bó để nhờ thầy cạo tóc. Trong thời gian ăn chay niệm Phật, tôi lại cầu cho mẹ tôi nhanh chóng bình phục. Có lẽ nhờ sự thành tâm, chỉ trong vòng hơn một tháng, mẹ tôi được bác sĩ cho xuất viện, mẹ tôi ăn uống tốt, nhưng vẫn phải cần sự trợ giúp của người khác vì nửa người đã bị liệt. Lúc đầu, tôi không có niềm tin lắm với đức Phật, tôi chỉ về chùa vì sự ham vui, ham văn nghệ mà thôi. Nên sau những việc này, niềm tin của tôi nơi Tam Bảo càng thêm vững chắc.
Sau một thời gian tập luyện, đến nay mẹ tôi đã có thể tự mình đi lại được dù không nhanh nhẹn được như lúc trước. Còn tôi, sau khi học xong năm 1, tôi quyết định chuyển trường vào học ở nhạc viện TP.HCM để gần bố mẹ (vì gia đình đã chuyển vào Bình Dương sinh sống). Nhưng duyên số không thể thay đổi, tôi không thể chuyển vào TP.HCM vi thiếu giáo viên chuyên ngành. Tôi đành tiếp tục cuộc hành trình trên đất Huế. Một điều thật kỳ diệu, có thể nói là nhân duyên giác ngộ của tôi. Tôi quen được người thầy dạy Piano. Anh còn rất trẻ nên tôi với anh chơi với nhau khá thân thiết. Anh cũng theo đạo Phật. Anh tặng tôi một đĩa thuyết pháp. Tôi nghe và nhận ra rằng không có gì là thường hằng trên cõi Ta-bà này. Mọi thứ luôn thay đổi, chỉ có tâm của ta mới có thể dừng lại với thời gian. Thế rồi, tôi bắt đầu tò mò, lang thang trên internet tìm các bài thuyết pháp của quý thầy, quý sư cô như: thầy Thích Thiện Thuận, thầy Thích Chân Tính, sư cô Thích Nữ Hương Nhũ… Tâm hồn tôi bắt đầu nhẹ nhàng hơn, tôi nghĩ rằng: “Chỉ có người nào được sống trong chánh pháp thực sự mới tìm được nguồn an lạc, chỉ có người nào dứt bỏ hết những tham muốn trần tục không thanh nhã này mới thoát khỏi nỗi khổ”. Như đức Phật đã dạy: “Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng phi lý, mong muốn những gì tạm bợ phải là trường tồn”.
Thật vậy, tôi đã chưa từng nghĩ rằng mẹ mình sẽ gặp chuyện như thế. Mới ngày nào còn đi cùng tôi ra Huế, mà nay người đã không thể tự mình nhấc nổi chén cơm vì một cánh tay bị liệt chưa thể hồi phục. Nay hiểu được lẽ đó, tôi đã ăn chay trường và nguyện sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi sẽ xuất gia theo con đường mà đức từ phụ đã mở lối, đem giáo pháp của ngài để khai thông trí tuệ cho chúng sanh. Và cũng là để hồi hướng công đức cho hai đấng sinh thành. Bồ-đề tâm đã kiên cố, lòng tôi vững chãi cùng với sự ủng hộ của gia đình và bạn bè. Tôi sẽ cố gắng thực hiện được điều đó.